Hotline 24/7
08983-08983

Thai phụ mắc sốt xuất huyết, nguy cơ biến chứng rất cao

Khi bị sốt xuất huyết, thai phụ dễ nhiễm bệnh và đối diện với nguy cơ gặp các biến chứng nghiêm trọng nguy hiểm cho cả thai phụ và thai nhi. So với người bình thường, nếu thai phụ bị sốt xuất huyết thì cả mẹ và thai nhi đều có thể bị đe dọa đến tính mạng vì khó khăn trong điều trị.

Theo Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận tăng cao bắt đầu từ giai đoạn tháng 4 và tăng cao nhất trong 3 tuần gần đây. Việt Nam là một quốc gia nằm trong vùng dịch tễ của bệnh sốt xuất huyết. Mùa dịch thường bắt đầu từ tháng 3 và kéo dài đến cuối năm, cao điểm vào các tháng 7, 8, 9, 10.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng cảnh báo: Bệnh sốt xuất huyết là vấn đề nghiêm trọng với phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong ba tháng cuối thai kỳ vì virus có thể truyền sang thai nhi. Bị sốt xuất huyết khi mang thai có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng sức khỏe của người mẹ mà còn cả thai nhi”.

Phụ nữ mang thai vốn có sức đề kháng kém, điều này làm tình trạng sốt xuất huyết nghiêm trọng hơn so với người bình thường, từ đó tăng nguy cơ khiến thai nhi bị nhẹ cân, sinh non và thậm chí tử vong. Sốt xuất huyết cũng liên quan đến tiền sản giật (tăng huyết áp), xuất huyết, số lượng tiểu cầu thấp và tình trạng phải sinh mổ.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng cảnh báo: “Bệnh sốt xuất huyết là vấn đề nghiêm trọng với phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong ba tháng cuối thai kỳ"

Diễn biến của bệnh sốt xuất huyết ở phụ nữ mang thai rất khó lường và trở nặng nhanh chóng. Triệu chứng ban đầu của bệnh là sốt cao liên miên 4 - 7 ngày. Thai phụ sẽ cảm thấy đau nhức đầu dữ dội, đau mỏi cơ hay xương khớp, buồn nôn, nổi mẩn, người mệt mỏi, chán ăn.

Giai đoạn nguy hiểm của bệnh thường vào ngày thứ 3 - 7, thai phụ có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt, có thể kèm đau bụng, đại tiện ra phân đen, chảy máu cam, chảy máu chân răng, chảy máu niêm mạc..lúc này cơ thể thai phụ đã giảm tiểu cầu đến mức xuất huyết.

Triệu chứng nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết là sốc. Thân nhiệt của thai phụ tụt xuống dưới 35 độ C, cơ thể chảy máu ồ ạt, huyết áp tụt xuống nhanh chóng. Mất máu quá nhiều, huyết tương tăng nhanh khiến cho phổi bị tràn màng dịch, cơ thể người bệnh rơi vào trạng thái hôn mê do não phù, nguy hiểm tới tính mạng.

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết đang ở mức báo động và diễn biến nguy hiểm của bệnh ngày càng gia tăng, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng đã xây dựng và ban hành “Quy trình chẩn đoán và phân cấp điều trị sốt xuất huyết” để thống nhất trong quá trình thu dung, tiếp nhận và điều trị cho phụ nữ mang thai mắc bệnh sốt xuất huyết.

Trong gần một tháng qua, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng đã tiếp nhận gần 20 ca thai phụ bị mắc bệnh sốt xuất huyết. Các ca bệnh đều được tiếp nhận, chẩn đoán và điều trị theo đúng phác đồ của bệnh viện. Sau từ 4 - 7 ngày điều trị, các ca bệnh ổn định, được xuất viện và chưa có trường hợp nào vượt khỏi tầm kiểm soát của bệnh.

Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng nhấn mạnh: “Sốt xuất huyết khi mang thai rất nguy hiểm vì có nguy cơ ảnh hưởng tới thai nhi. Hiện tại chưa có vắc xin hoặc thuốc điều trị đặc hiệu cho căn bệnh này. Chính vì vậy, điều đầu tiên khi phát hiện mẹ bầu bị sốt cần đưa ngay đến bệnh viện chuyên khoa uy tín để được tiếp nhận điều trị kịp thời”.

Hướng dẫn phòng bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh gây ra do virus Dengue, lây truyền qua vết đốt của muỗi nhiễm bệnh. Sốt xuất huyết nặng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Hiện nay bệnh vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng ngừa nhưng phát hiện sớm và đến sớm các cơ sở y tế để được chăm sóc y tế đúng cách có thể làm giảm tỷ lệ tử vong xuống dưới 1%.

Tuy nhiên, phòng bệnh mới là biện pháp hữu hiệu nhất để mẹ bầu tránh được các biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết. Dưới đây là một số cách phòng bệnh sốt xuất huyết theo trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC):

- Dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, thu dọn, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng.

Lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 01 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối,…

- Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi.

- Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng.

- Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X