Hotline 24/7
08983-08983

Thai phụ bỏ thuốc hen, nguy hiểm gì chực chờ?

Đợt kịch phát và kiểm soát hen kém sẽ ảnh hưởng xấu cho cả mẹ lẫn con, đưa đến sinh non, trẻ nhẹ cân, tăng tử vong chu sinh, mẹ bị tiền sản giật. Theo PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, để tránh những nguy cơ này, mẹ bầu phải kiểm soát hen suốt thai kỳ, dùng thuốc đều đặn, không được bỏ thuốc.

Tại Hội nghị thường niên Liên chi hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM 2022,tổ chức tại Đà Lạt ngày 22-23-24/7, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch liên chi hội có 3 bài báo cáo: “Quản lý hen ở các đối tượng đặc biệt và cập nhật GINA 2022”.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch liên chi hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng

Hen và thai phụ, hen và kinh nguyệt, co thắt phế quản do vận động ở bệnh nhân hen, lực sĩ và hen, hen ở nhóm thiếu niên, hen ở các nước thu nhập thấp và trung bình, béo phì và hen là những đối tượng bệnh nhân được đề cập trong bài báo cáo này PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan.

Với nhóm phụ nữ mang thai thì khó khăn đầu tiên là thuyết phục họ dùng thuốc, không bỏ thuốc hen vì sợ ảnh hưởng thai nhi. Ý định đầu tiên của các mẹ bầu là: “Tôi sẽ ngưng toàn bộ các thuốc để tránh ảnh hưởng đến con của mình”, hoặc các bà mẹ sẽ lén bỏ thuốc hen, do đó nhân viên y tế phải thuyết phục rằng đến thời điểm này tất cả thuốc hen đều an toàn.

Đợt kịch phát và kiểm soát hen kém sẽ ảnh hưởng xấu cho cả mẹ lẫn con, đưa đến sinh non, trẻ nhẹ cân, tăng tử vong chu sinh, mẹ bị tiền sản giật. Để tránh những nguy cơ này, kiểm soát hen suốt thai kỳ sẽ giúp cả mẹ và con được an toàn.

PGS Tuyết Lan cũng đưa ra những lưu ý khi xử trí cơn hen trong lúc lâm bồn, trong đó trường hợp hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh có thể xảy ra, nhất là trẻ sinh non, khi mẹ được dùng đồng vận beta liều cao 48 giờ trước sinh hoặc SABA liều cao lúc lâm bồn.

Khoảng 20% phụ nữ có tình trạng hen xấu đi trước kỳ kinh, nhóm bệnh nhân này thường lớn tuổi, hen nặng, BMI cao, hen lâu năm và có nguy cơ bị các bệnh hô hấp do aspirin. Các bệnh nhân này cũng có kinh nguyệt không đều, chu kỳ kinh ngắn nhưng xuất huyết dài hơn.

Vấn đề co thắt phế quản do vận động và co thắt phế quản do vận động ở bệnh nhân hen cũng chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến những ca tử vong rất đáng tiếc ở các vận động viên trên đường đua.

Ở nhóm bệnh nhân hen là thiếu niên, việc tiếp cận cần phải khéo léo, bác sĩ phải hiểu tâm lý tuổi mới lớn để các em chịu chia sẻ rõ về bệnh sử, các thói quen sinh hoạt của mình. Phụ huynh nên được mời ra ngoài để các em thoải mái trò chuyện cùng bác sĩ khi cần trao đổi về vấn đề nhạy cảm như hút thuốc, sức khỏe tâm thần, sự tuân thủ...)…

Thêm một mối lo ngại là trẻ em béo phì đang gia tăng tại Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn. Thừa cân, béo phì là nguy cơ hen và khò khè ở trẻ em, đặc biệt là ở trẻ gái.

Bệnh nhân béo phì cũng khó kiểm soát cơn hen hơn. Lý do là có thể do một kiểu viêm đường thở khác; các bệnh lý đi kèm ở người béo phì: ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, trào ngược dạ dày thực quản, các yếu tố cơ học hoặc các cơ chế chưa xác định khác. Thể lực kém, giảm thể tích phổi do khối mỡ bụng cũng góp phần gây khó thở.

Với từng đối tượng này, PGS Tuyết Lan chỉ ra đặc trưng về sức khỏe, khó khăn riêng, cách kiểm soát hen và những lưu ý đặc biệt. Sau cùng, PGS đưa ra những điểm mấu chốt cần ghi nhớ: nguyên tắc cơ bản của điều trị hen là “ngừa cơn” chứ không đợi lên cơn mới cắt”. Corticosteroid dạng hít (ICS) luôn là cơ bản. GINA 2022 không chấp nhận việc xử lý cơn hen bằng SABA và corticosteroid dạng uống. Kháng sinh không có trong phác đồ điều trị hen nếu không có bội nhiễm. Các đối tượng đặc biệt vẫn tuân thủ các nguyên tắc trên.

Tại hội nghị, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan còn 2 bài báo cáo “Điều trị hen nhẹ-trung bình: cần cải thiện thêm?”, “Tăng cường miễn dịch cho người già trong bối cảnh COVID-19” và là chủ tọa của nhiều phiên.

Hồng Nhung - AloBacsi

Ảnh Lê Bình

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X