Nhiều bệnh nhân kiêng cữ thịt mỡ đến phát thèm nhưng Triglyceride vẫn tăng. Bệnh nhân thậm chí
đã thử đủ loại thuốc hạ mỡ máu nhưng tiền mất mà tật vẫn mang!
Nguyên nhân hàng đầu: Thiếu vận động
Nên nhớ rối loạn biến dưỡng chất béo khiến mỡ tăng trong máu là dấu hiệu cho thấy lá gan đã
thấm mệt với gánh nặng giải độc. Lẽ nào lại đánh bồi lá gan với hóa chất tổng hợp? Đừng quên
Triglyceride tăng không vì chất béo ngoại nhập mà do lá gan tự tổng hợp từ phản ứng sai lệch, chẳng
hạn do ghi nhận từ tình trạng gia chủ thiếu năng lượng vì kiêng cữ thái quá.
Chính vì thế mà càng nhịn ăn càng dễ tăng Triglyceride hay cho dù trước mắt có giảm thì sau đó
lại tăng, thậm chí có khi nhiều hơn trước. Tốt nhất là xem lại nếp sinh hoạt, rà lại chế độ dinh
dưỡng và nhất là tầm soát bệnh gan,
bệnh tiểu đường, bệnh tuyến giáp… thay vì chỉ trông mong cầu
may vào thuốc đặc hiệu. Tệ hơn nữa là dùng thuốc năm này qua tháng khác mà không kiểm soát lượng mỡ
trong máu vì thuốc hạ mỡ máu nào dùng lâu cũng có phản ứng phụ.
Ăn cá có lợi cho sức
khỏe, đặc biệt đối với những người béo phì, gan nhiễm mỡ. Ảnh: Hồng Thanh
Vì quan điểm thiếu ngủ mau ốm o gầy mòn, nhiều người béo phì đã chọn giải pháp thức khuya xem
truyền hình để mong giảm cân. Kẹt một nỗi là càng thức càng… phì! Hậu quả là nạn nhân vừa mệt vì
thiếu ngủ vừa rầu vì vẫn tăng cân! Nếu tưởng tăng Triglyceride chỉ do lạm dụng chất béo thì không
chính xác. Thiếu vận động là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến rối loạn biến dưỡng chất béo. Tình trạng
này đã được chứng minh ở người bất động nhiều giờ trước máy truyền hình, máy vi tính.
Hậu quả càng nghiêm trọng hơn nữa nếu ngồi quá lâu do theo dõi phim bộ. Tình tiết éo le trong
phim thậm chí tác động trên trục thần kinh - nội tiết - biến dưỡng không thua gì stress trong nghề
nghiệp khiến tuyến thượng thận phản ứng sai lệch và dẫn đến tăng Triglyceride với khuynh hướng ký
gửi chất béo ở thành bụng, ở cơ mông. Trái lại, các nhà nghiên cứu cũng đã chứng minh người ngủ đủ,
ngủ sớm, ngủ ngon là đối tượng ít khi béo phì.
Không dư cân cũng cần tầm soát
Không ít người tuy mình hạc xương mai nhưng nhận được chẩn đoán
gan nhiễm mỡ. Tình trạng
nghịch lý này khiến nạn nhân hoang mang không biết nên uống thuốc hạ mỡ hay không? Phát hiện của
thầy thuốc thường không sai. Nhờ kỹ thuật siêu âm tân tiến, người ta đã phát hiện nhiều trường hợp
gan nhiễm mỡ ở người không hề béo phì, nhiều khi gầy còm là khác. Đại đa số đối tượng lại không
tăng mỡ máu toàn phần mà chỉ tăng chất mỡ độc hại Triglyceride nên dễ làm nạn nhân của nhồi máu cơ
tim.
Việc dùng thuốc trong nhiều trường hợp không hiệu quả như mong muốn vì nguyên nhân thường do
hậu quả của rượu bia. Người không dư cân vì thế cũng cần tầm soát gan nhiễm mỡ qua siêu âm và kiểm
soát định kỳ lượng Triglyceride trong máu. Đối tượng thuộc nhóm này tất nhiên cần kiêng cữ rượu bia
và mặt khác tăng lượng chất đạm cần thiết cho nhu mô của lá gan.
Nhiều người hốt hoảng, thậm chí chạy ngay đến thầy thuốc sau khi nhận được kết quả cholesterol
trong máu là 260 mg, thay vì dưới 250 mg. Tình trạng này có thực sự nghiêm trọng đến độ phải dùng
thuốc mạnh? Không cần phải dùng thuốc mạnh nếu lượng mỡ toàn phần trong máu chỉ cao hơn định mức
bình chút đỉnh, nhất là khi thử máu theo kiểu xuân thu nhị kỳ. Tốt hơn nên thử vài lần để chắc chắn
với chẩn đoán. Đồng thời, thong thả áp dụng chế độ dinh dưỡng đủ nước, nhiều rau quả, nếu có thêm
dược thảo nhuận gan như atisô càng tốt, rồi sau vài tuần kiểm soát lượng mỡ trong máu.
Không có gì phải lo sợ nếu chỉ tăng trị số của chất mỡ toàn phần. Chất này tăng một chút cũng
không sao, thậm chí có lợi vì cơ thể cần chất này để tổng hợp kháng thể, kiến tạo tế bào… Chỉ đáng
lo nếu tăng các chất mỡ độc hại như Triglyceride. Do đó cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc về kết
quả xét nghiệm thay vì sợ tăng mỡ máu hơn sợ ma!
Phần quá sợ bệnh, phần do lời quảng cáo đường mật nên nhiều người đang thường xuyên dùng cây
thuốc nào đó để hạ mỡ trong máu. Đúng hay sai? Chỉ cần dùng thuốc hạ mỡ trong máu khi có chỉ định
của thầy thuốc. Mỡ trong máu bình thường thì hạ làm chi vì thiếu mỡ cũng hại không kém thừa mỡ. Nếu
không bệnh không có lý do gì phải dùng thuốc, cho dù là cây thuốc.
AloBacsi.vn
Theo BS Lương Lễ Hoàng - Người Lao Động