Hotline 24/7
08983-08983

Tăng thêm 18 giờ cứu não bệnh nhân đột quỵ nhờ phần mềm trí tuệ nhân tạo

Chiều ngày 21/6/2019, tại TPHCM, Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115 đã “trình làng” phần mềm trí tuệ nhân tạo Rapid được phát triển bởi Đại học Stanford - Hoa Kỳ để ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ, giúp mở rộng cửa sổ cứu não lên đến 24 giờ.

Buổi ra mắt có sự tham dự của TS.BS Phan Văn Báu - Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, TS.BS Trương Vĩnh Long - Giám đốc Bệnh viện Gia An 115, cùng các bác sĩ, chuyên gia về Thần kinh - đột quỵ của hai bệnh viện.
 
Trong các trường hợp bị đột quỵ hầu hết là do cục huyết khối gây thuyên tắc động mạch não. Hiện, mục tiêu chính trong điều trị đột quỵ là tái thông mạch máu não bị tắc nghẽn nhằm cứu lấy vùng nhu mô não đang bị tổn thương bằng các liệu pháp thuốc tiêu sợi huyết hoặc lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Tuy nhiên, thời gian chính là nhược điểm của các phương pháp này. Nếu người bệnh đến sớm mới có cơ hội được điều trị.

Theo TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM - Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, trước đây với các phương pháp điều trị đột quỵ chỉ áp dụng cho bệnh nhân đến trong 6 giờ, kể từ lúc bắt đầu có triệu chứng khởi phát. Tuy nhiên, theo nghiên cứu chỉ có 20% bệnh nhân đến trong cửa sổ thời gian vàng, điều đó cho thấy 80% còn lại bác sĩ không thể làm gì hơn.

Nhưng với phần mềm Rapid thì khác, cho phép mở rộng cửa sổ điều trị lên đến 24 giờ so với 6 giờ trước đây. Nghĩa là sẽ có thêm 18 giờ nữa cho các bệnh nhân. Như vậy, nếu bỏ lỡ chuyến tàu này sẽ còn chuyến tàu thứ 2 và thứ 3.

Thông qua phần mềm, bác sĩ sẽ thấy được vùng tranh tối tranh sáng, những vùng nhu mô não sẽ chết trong những giờ tiếp theo, giúp cho bác sĩ tiên đoán được vùng não sẽ bị hoại tử trong thời gian rất gần và đưa ra quyết định có nên tiếp tục lấy huyết khối tái tưới máu, việc điều trị có mang lại lợi ích cho người bệnh hay không.
 
TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM - Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115
 
Việc triển khai Rapid ở Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115 đã đánh dấu Việt Nam trở thành quốc gia thứ 3 tại Đông Nam Á, sau Thái Lan và Indonesia áp dụng trí tuệ nhân tạo trong điều trị đột quỵ. Được biết, hiện phần mềm này đã “phủ sóng” trên khắp thế giới với 1.200 bệnh viện lắp đặt tại 40 quốc gia, mang lại hiệu quả cho 250.000 bệnh nhân đột quỵ.

Đây là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của những người thầy thuốc với tâm niệm mang lại điều tốt nhất cho người bệnh, bởi Rapid lầ phần mềm đắt nhất thế giới, mặc dù rất hữu ích nhưng để sử dụng bản quyền phải chi trả đến 200.000 USD, không phải trung tâm nào cũng mạnh dạn đầu tư. Hơn nữa, thiết bị để cài đặt cũng phải tương xứng mới có thể vận hành. Tuy nhiên, ban giám đốc bệnh viện đều cho rằng, việc áp dụng này không hề tăng chi phí của người bệnh, mục tiêu duy nhất là hướng đến cộng đồng.

Ông Alex Oh, Phó Chủ tịch Tập đoàn iSchemaview (Đơn vị phối hợp Trung Tâm Đột Quỵ, Đại học Standford, Hoa Kỳ để phát triển phần mềm trí tuệ nhân tạo Rapid) - người trực tiếp hỗ trợ lắp đặt, vận hành tại 2 bệnh viện chia sẻ, đột quỵ là gánh nặng rất lớn tại Đông Nam Á, căn bệnh này nằm trong top 5 nguyên nhân gây tử vong. Những năm thập niên 90, cửa sổ điều trị đột quỵ chỉ có 4,5 giờ thì hiện nay phần mềm này như một cuộc cách mạng khi đã nâng mốc thời gian lên đến 24 giờ.

“Các bác sĩ Việt Nam rất tuyệt vời. Một năm, Bệnh viện Nhân dân 115 điều trị trên 12.000 ca đột quỵ, trong đó có hơn 500 trường hợp lấy huyết khối bằng dụng cụ. Đây quả thực là con số rất lớn. Vừa qua, bệnh viện cũng trở thành đơn vị đầu tiên của châu Á được trao chứng nhận Chất lượng Điều trị vàng của Hội Đột quỵ châu Âu. Đó là lý do khiến những người sáng lập phần mềm quyết định trao bản quyền để các bác sĩ nhanh chóng ứng dụng chẩn đoán, lựa chọn điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân, trước khi đến được với Singapore” - ông Alex Oh nói.
 
Ông Alex Oh, Phó Chủ tịch Tập đoàn iSchemaview (Đơn vị phối hợp Trung Tâm Đột Quỵ, Đại học Standford, Hoa Kỳ để phát triển Phần Mềm trí tuệ nhân tạo RAPID)
 
Đặc biệt, phần mềm Rapid hữu ích với cả 2 dạng đột quỵ là nhồi máu não và xuất huyết não. Với những trường hợp bị xuất huyết não, Rapid sẽ giúp đo chính xác tích khối máu tụ, từ đó giúp các bác sĩ lượng giá được chính xác được khối máu tụ, nâng cao hiệu quả điều trị.

“Điều này cũng rất phù hợp với kỹ thuật mới sắp áp dụng tại Bệnh viện Nhân dân 115 đó là mổ và hút cục huyết khối đối với các bệnh nhân xuất huyết não bằng kỹ thuật robot” - BS Huy Thắng bật mí.

Theo số liệu công bố, trong 100 ca áp dụng phần mềm Rapid có thể điều trị thành công 49 ca nhưng nếu không có phần mềm này thì chỉ có 19 ca điều trị thành công.

Bàn luận về tỷ lệ thành công của phần mềm Rapid, ông Alex Oh cho rằng, khi sáng tạo ra phần mềm nhưng điều quan trọng nhất là nó đã được chứng minh qua các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trên thế giới nhận thấy hiệu quả rất rõ ràng. Khoa học không dừng lại, phầm mềm sẽ được tiếp tục hoàn thiện để tối ưu nhất. Mặt khác, vì đây là trí tuệ nhân tạo, có khả năng tự học nên sẽ tự hoàn thiện mình dựa trên ứng dụng data rất lớn.

Đồng tình với ý kiến này, BS Huy Thắng bày tỏ, trí tuệ nhân tạo hữu ích nhưng vẫn là trợ lý cho người thầy thuốc đưa ra quyết định, như vậy, vai trò của con người vẫn là quan trọng nhất.

“Gần 50% bệnh nhân được xem xét tái tưới máu với phần mềm này thay cho con số 20% trước đây. Mặc dù điều này sẽ mang lại lượng công việc rất lớn cho y bác sĩ ở bệnh viện nhưng nếu điều đó đánh đổi lại bằng sức khỏe cộng đồng thì chúng tôi sẽ cố gắng hết sức.

May mắn là hiện nay không có sự khác biệt về chất lượng giữa Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115, cả 2 cơ sở y tế đều tương đương nhau cả về đội ngũ nhân lực lành nghề, hệ thống hình ảnh học, kỹ thuật, phần mềm” - BS Huy Thắng nhận định.
 
BS.CK2 Nguyễn Đức Khang chia sẻ về những trường hợp bệnh nhân đột quỵ được thực hiện ứng dụng phần mềm Rapid
 
Trong buổi ra mắt, BS.CK2 Nguyễn Đức Khang - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Nhân dân 115 đã chia sẻ về những trường hợp đột quỵ đầu tiên đến sau 6 giờ được ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo. Trong đó có 2 trường hợp Rapid đánh giá chỉ nên điều trị nội khoa, 1 trường hợp có thể can thiệp mang lại hiệu quả.

BS Đức Khang đánh giá, nếu trước đây tính thang điểm Aspect trong tiên lượng sớm dự hậu đột quỵ bằng mắt thường hoặc dựa trên cảm tính thì hiện nay với phần mềm Rapid tất cả mọi tính toán đều được xử lý trên dữ liệu bigdata của nhiều giáo sư đầu ngành Hoa Kỳ, trong vòng 30-60 giây, chậm nhất là 2 phút thì sẽ ra kết quả chuẩn xác”.

Phương Nguyên
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.com
 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X