Hotline 24/7
08983-08983

Tầm soát suy giáp thai kỳ - “lá chắn” bảo vệ trẻ phát triển toàn diện

Suy giáp không phải là căn bệnh hiếm gặp ở phụ nữ mang thai. Thống kê cho thấy 8% phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ có kháng thể tuyến giáp dương tính. Chính vì thế, tầm soát suy giáp là điều mà các mẹ bầu cần lưu ý để tránh những biến chứng nguy hiểm do suy giáp gây ra cho cả mẹ và bé. Đó là những lời khuyên từ chuyên gia TS.BS Lý Đại Lương - Khoa Y Đại học Quốc Gia TPHCM.

1. Tuyến giáp và suy giáp thai kỳ

1.1. Tuyến giáp là gì?

Tuyến giáp là tuyến nội tiết lớn nhất cơ thể, có hình cánh bướm, nằm giữa và trước cổ.

Ở phía cổ có vùng nhô cao lên được gọi là quả táo Adam, trong y khoa gọi là sụn giáp. Bên dưới sụn giáp chính là tuyến giáp.

Bình thường, chúng ta sẽ không sờ thấy tuyến giáp. Tuy nhiên, khi tuyến giáp to ra, dân gian hay gọi là bướu cổ, thì chúng ta có thể sờ thấy được.

Tuyến giáp đóng vai trò rất quan trọng đối với cơ thể bởi nó giúp duy trì chuyển hóa cơ bản, điều khiển nhịp tim, điều nhiệt, giữ cho suy nghĩ minh mẫn, nhanh nhạy, đồng thời hỗ trợ vấn đề tiêu hóa.

Tuyến giáp trải qua những thay đổi rất mạnh mẽ trong giai đoạn thai kỳ. Chính những thay đổi này dẫn đến gia tăng nhu cầu I-ốt ở phụ nữ mang thai.

Chẳng hạn, đối với phụ nữ bình thường, nhu cầu I-ốt hằng ngày là 150 mcg/ngày. Đối với phụ nữ có thai, họ cần phải sử dụng đến 200 - 250mcg/ngày.

Hiện nay, các chế phẩm vitamin tổng hợp cho mẹ bầu đã cung cấp được khoảng 125 - 150 mcg trong 1 viên thuốc và các mẹ bầu có thể bổ sung phần còn lại thông qua những bữa ăn hàng ngày.

Khu vực vùng trung du hoặc miền núi như tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng… là những nơi thiếu I-ốt. Vì vậy, mẹ bầu ở những khu vực này cần lưu ý bổ sung I-ốt đầy đủ trong quá trình mang thai. Một bệnh lý khác cũng có thể dẫn đến suy giáp đó là viêm tuyến giáp.

1.2. Suy giáp liệu có phổ biến?

Suy giáp chiếm tỷ lệ khoảng từ 3 - 5 trường hợp trên 1000 thai kì. Ở thể nhẹ hơn, tức suy giáp dưới lâm sàng, có thể gặp từ 3 - 5 trường hợp trên 100 thai kỳ đối với những vùng không thiếu I-ốt.

Theo một khảo sát, 8% phụ nữ ở trong độ tuổi sinh đẻ có kháng thể tuyến giáp dương tính. Có thể thấy, bệnh lý tuyến giáp không hề hiếm gặp ở phụ nữ có thai.

Khi nhắc đến bệnh lý tuyến giáp, chúng ta thường nghe đến các khái niệm như cường giáp, bình giáp hay suy giáp. Suy giáp thể nhẹ được gọi là suy giáp dưới lâm sàng và suy giáp thể nặng được gọi là suy giáp rõ.

Có thể hiểu nôm na cường giáp tức là tuyến giáp tăng sản xuất hormone tuyến giáp quá mức cần thiết khiến cho cơ thể ngộ độc hormone giáp. Trong khi đó, suy giáp lại ở một thái cực khác, tức là tuyến giáp hoạt động dưới mức bình thường, khiến cơ thể bị thiếu hụt hormone giáp.

Đối với thai kỳ, việc thiếu hụt hormone giáp làm ảnh hưởng đến cả mẹ bầu lẫn thai nhi.

Xét nghiệm tuyến giáp cũng có những thay đổi mạnh mẽ trong thai kỳ. Khi mang thai, tuyến giáp của thai phụ sẽ trải qua những thay đổi lớn, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Một khảo sát trên phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn mang thai 3 tháng đầu thai kỳ cho thấy, chỉ số xét nghiệm tuyến giáp thấp hơn đáng kể so với mức bình thường ở người phụ nữ không mang thai.

1.3. Triệu chứng của suy giáp

Đáng chú ý hơn cả, phần lớn bệnh nhân suy giáp không biểu hiện triệu chứng cho đến khi được phát hiện tình cờ. Ví dụ như khi bệnh nhân thấy cổ to ra hoặc tăng men gan mà không rõ lý do thì mới tầm soát bệnh lý và tình cờ phát hiện tình trạng suy giáp.

Chỉ một số ít trường hợp suy giáp biểu hiện triệu chứng như: thường xuyên mệt mỏi; không có khả năng tập trung; hay quên; nhịp tim chậm; bướu giáp to; giọng khàn; sợ lạnh; rối loạn kinh nguyệt (thưa kinh hoặc vô kinh)…

1.4. Ảnh hưởng của suy giáp trên thai kỳ

Điều quan trọng là mẹ bầu bị suy giáp nếu không được quản lý, điều trị thích hợp sẽ dẫn đến những hậu quả xấu cho cả mẹ lẫn bé.

Đối với thai phụ, suy giáp không điều trị sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai hoặc sinh non, dễ bị tiền sản giật, tăng huyết áp thai kỳ hoặc băng huyết sau khi sinh.

Hơn nữa, suy giáp còn ảnh hưởng xấu đến thai nhi như: thai nhẹ cân so với tuổi; tăng tỷ lệ nhập đơn vị Hồi sức sơ sinh…

Một nghiên cứu về trí thông minh ở những trẻ từ 7 - 9 tuổi được sinh ra bởi các mẹ bầu không điều trị suy giáp thai kỳ cho thấy, chỉ số IQ của những trẻ này thấp hơn khoảng 7 điểm so với trẻ được sinh ra bởi những người mẹ bình thường hoặc từ mẹ bầu đã được điều trị tốt suy giáp.

Như vậy, nếu thai phụ mong muốn con mình phát triển toàn diện trong tương lai thì ngay ở giai đoạn chuẩn bị mang thai nên chú ý bảo vệ sức khỏe của mình. Việc giữ tuyến giáp khoẻ mạnh giúp trí não của bào thai phát triển tốt, từ đó em bé sau khi sinh sẽ phát triển trí thông minh toàn vẹn.

Ngoài ra, tình trạng suy giáp sau khi sinh cũng có thể liên quan tới vấn đề trầm cảm.

Những nghiên cứu y khoa cũng cho thấy rằng, ngay cả khi thai phụ bị suy giáp ở mức độ nhẹ cũng có thể tăng nguy cơ sảy thai và sinh non.

1.5. Mối liên kết tuyến giáp giữa mẹ và thai nhi

Người ta thường đề cập đến mối liên quan sinh học giữa mẹ và thai nhi. Mối liên quan này càng được thể hiện rõ nét hơn giữa sự liên kết tuyến giáp giữa mẹ và não bộ của bào thai.

Bởi các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, hormone giáp rất cần thiết cho sự phát triển của vỏ não, sự di chuyển và biệt hóa của các tế bào thần kinh trong quá trình phát triển phôi thai.

Tuy nhiên, trước tuần thứ 18 - 20 của thai kỳ, tuyến giáp của thai nhi là chưa thực sự hình thành và phát triển, nên thời điểm đó thai nhi hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung hormone giáp từ phía mẹ. Do đó, trong 3 tháng đầu thai kỳ, nguồn cung hormone từ phía mẹ rất quan trọng đối với sự hình thành và phát triển hệ thần kinh của bào thai.

Một điều đặc biệt là “Mẹ thiên nhiên” đã để cho nhau thai nắm quyền kiểm soát tuyến giáp của người mẹ. Khi đó, nhau thai tiết ra hormone gọi là Beta HCG. Beta HCG này sẽ tăng ở nồng độ cao để quản lý tuyến giáp của phụ nữ mang thai, giúp cho mẹ bầu có thể tăng sản xuất hormone giáp để có đủ nguồn cung cho con.

Trong trường hợp người phụ nữ bị suy giáp, nguồn cung này không được đảm bảo thì sẽ tăng nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi. Khi đó, thai phụ cần phải được điều trị thích hợp.

Mặc dù ảnh hưởng của suy giáp đối với mẹ và em bé rất xấu nhưng nếu được phát hiện sớm thì việc điều trị là vô cùng đơn giản. Cụ thể, bệnh nhân chỉ cần uống hormone giáp đều đặn mỗi ngày. Đây là những loại thuốc an toàn đối với phụ nữ mang thai.

2. Tầm soát, điều trị suy giáp thai kỳ

2.1. Ai nên tầm soát suy giáp thai kỳ?

Không phải tất cả thai phụ đều cần phải xét nghiệm chức năng tuyến giáp mà những đối tượng đặc biệt sau đây cần phải được tầm soát bệnh lý suy giáp.

- Phụ nữ sống trong khu vực thiếu I-ốt trung bình đến nặng.

- Người có triệu chứng của suy giáp.

- Tiền sử gia đình có người thân từng mắc bệnh lý tuyến giáp.

- Phụ nữ trên 30 tuổi.

- Phụ nữ có kháng thể tuyến giáp dương tính.

- Người đã có bướu giáp hoặc đã từng phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp.

- Người bị béo phì hoặc đái tháo đường loại 1.

- Phụ nữ đã từng sảy thai liên tiếp hoặc có tiền sử sanh non.

- Đối với phụ nữ đang điều trị hiếm muộn, xét nghiệm chức năng tuyến giáp là một trong những xét nghiệm bắt buộc phải thực hiện.

- Trước khi phẫu thuật tuyến giáp.

- Người đang sử dụng các thuốc Aminodarone, lithium hoặc gần đây sử dụng các chất cản quang có I - ốt.

2.2. Lưu ý gì khi điều trị suy giáp trong thai kỳ?

Có 3 lưu ý khi điều trị suy giáp trong thai kỳ.

Thứ nhất, mẹ bầu nên uống hormone giáp thường xuyên, đều đặn trong suốt thời gian mang thai và cho con bú. Trong 3 tháng đầu thai kỳ, do nhu hormone giáp gia tăng nên bác sĩ thường sẽ tăng liều và sau sản phụ đã sinh xong thì bác sĩ sẽ giảm liều hormone giáp trở về mức như trước khi có thai.

Thứ hai, thuốc hormone giáp mô phỏng cấu trúc của hormone tự nhiên trong cơ thể của chúng ta. Do đó, nếu mẹ bầu dùng với liều điều trị phù hợp thì hoàn toàn không gây hại gì cho mẹ và thai nhi. Thực tế lâm sàng cho thấy không có bằng chứng về khả năng về khả năng gây quái thai hay ngộ độc thai do thuốc ở người với liều điều trị khuyến cáo. Trong trường hợp dùng thuốc quá liều mới ảnh hưởng không tốt đến thai nhi.

Thứ ba, hormone giáp bài tiết vào sữa mẹ trong thời gian cho con bú nhưng với liều điều trị khuyến cáo, nồng độ đạt được không đủ để gây tiến triển cường giáp hay ức chế tiết hormone giáp ở trẻ sơ sinh.

2.3. Hướng dẫn sử dụng hormone giáp trong thai kỳ

Dưới đây là những điều mà thai phụ cần lưu ý khi sử dụng hormone giáp.

Thứ nhất, phụ nữ mang thai chỉ nên uống hormone giáp 1 lần duy nhất trong ngày.

Thứ hai, mẹ bầu nên uống hormone giáp vào lúc bụng đói, chẳng hạn như uống lúc 30 phút trước khi ăn sáng, để làm tăng tối đa khả năng hấp thụ hormone giáp. Nếu uống hormone giáp chung với đồ ăn thì sẽ làm giảm đi hiệu quả hấp thụ hormone giáp.

Trong trường hợp người bệnh quên uống thuốc vào buổi sáng thì nên uống hormone giáp vào buổi tối trước khi đi ngủ, đảm bảo cách xa bữa ăn cuối cùng ít nhất là 3 giờ.

Cuối cùng, mẹ bầu nên tránh dùng chung hormone giáp với những loại vitamin có chứa sắt và canxi. Tốt nhất, thai phụ nên uống hormone giáp lúc bụng đói trước, sau đó ít nhất 2 giờ sau đó mới uống những chế phẩm này để không làm ảnh hưởng đến việc hấp thu hormone giáp.

Phần 2: Suy giáp thai kỳ biểu hiện thầm lặng, làm sao phân biệt?

Trân trọng cảm ơn chuỗi Nhà thuốc Long Châu và Merck Healthcare Việt Nam đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X