Hotline 24/7
08983-08983

Suy giáp thai kỳ biểu hiện thầm lặng, làm sao phân biệt?

Suy giáp thai kỳ biểu hiện thầm lặng song lại để lại nhiều biến chứng nặng nề đối với cả mẹ và bé. Vậy, ai nên thực hiện tầm soát suy giáp trước khi mang thai? Điều trị, dinh dưỡng cho mẹ bầu bị suy giáp như thế nào? Những thắc mắc này đã được TS.BS Lý Đại Lương, Khoa Y Đại học Quốc Gia TPHCM giải đáp trong bài viết sau.

Phần 1: Tầm soát suy giáp thai kỳ - “lá chắn” bảo vệ trẻ phát triển toàn diện

1. Phân biệt triệu chứng suy giáp và thai nghén thế nào?

Những triệu chứng cảnh báo của suy giáp như táo bón, mệt mỏi và buồn ngủ lại dễ gây nhầm lẫn do thai nghén gây ra. Vậy đâu là dấu hiệu điển hình cho biết đây có khả năng là suy giáp, và phân biệt với thai nghén?

TS.BS Lý Đại Lương trả lời: Quả thật rất khó phân biệt triệu chứng thai nghén với triệu chứng của bệnh lý suy giáp. Bởi triệu chứng của suy giáp khá mơ hồ và không có gì đặc hiệu cả.

Tuy nhiên, đối với trường hợp thai nghén, triệu chứng chỉ thoáng qua và từ từ sẽ thuyên giảm. Ngược lại, đối với suy giáp, các triệu chứng đó vẫn sẽ tiếp tục kéo dài dù đã mẹ bầu đã qua giai đoạn thai nghén.

Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai khi bị suy giáp sẽ có thêm những dấu hiệu gợi ý như có bướu giáp; có sẹo mổ cũ do đã từng phẫu thuật tuyến giáp; có tiền sử mắc bệnh lý tuyến giáp. Đó là những dấu hiệu rất quan trọng để giúp phát hiện sớm suy giáp.

Chính vì sự trùng lặp giữa triệu chứng thai và suy giáp, đặc biệt có hơn 90% phụ nữ suy giáp là không hề có triệu chứng, nên việc tầm soát suy giáp khi mang thai là vô cùng quan trọng.

2. Điều trị suy giáp trước và trong khi mang thai khác nhau thế nào?

Điều trị bệnh suy giáp được phát hiện trước khi mang thai và phát hiện trong quá trình mang thai liệu có khác nhau thưa BS?

TS.BS Lý Đại Lương trả lời: Việc điều trị suy giáp trước khi mang thai sẽ giúp cho mẹ bầu có sự chuẩn bị tốt hơn, đồng thời tránh được những lo âu không cần thiết.

Đã từng có trường hợp mẹ bầu tìm gặp bác sĩ và phát hiện mình bị suy giáp khi đã là qua 3 tháng đầu nên rất lo lắng, bất ổn về tâm lý và sợ sẽ ảnh hưởng đến con, thậm chí có những lời khuyên là nên bỏ thai.

Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đúng. Mẹ bầu vẫn có thể tiếp tục giữ thai với điều kiện phải điều trị suy giáp tích cực trong giai đoạn này để mau chóng bình thường hóa chức năng tuyến giáp. Khi đó, thai nhi sẽ lấy lại tốc độ tăng trưởng, phát triển và vẫn có cơ hội sinh ra khỏe mạnh như bình thường.

3. Phụ nữ bị suy giáp cần chuẩn bị gì cho quá trình làm mẹ?

Phụ nữ bị bệnh suy giáp trước khi mang thai, để chuẩn bị cho quá trình làm mẹ, nên thăm khám như thế nào? Cần làm những xét nghiệm gì để kiểm tra trước khi mang thai? Với trường hợp này, trong quá trình mang thai cần đặc biệt lưu ý những vấn đề nào? Cần xét nghiệm chức năng tuyến giáp bao lâu một lần để điều chỉnh thuốc phù hợp?

TS.BS Lý Đại Lương trả lời: Những người phụ nữ bị suy giáp trước khi mang thai nên tìm gặp bác sĩ nội tiết để được tư vấn và chuẩn bị trước khi mang thai.

Thông thường, các bác sĩ nội tiết sẽ khuyến khích họ chú ý đến việc tăng cường bổ sung I-ốt để chuẩn bị cho quá trình làm mẹ.

Ngoài ra, các bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm để đánh giá chức năng của tuyến giáp bao gồm: xét nghiệm máu (TSH, FT4); khảo sát kháng thể tuyến giáp; siêu âm tuyến giáp để phát hiện bướu giáp hoặc nhân giáp; chọc sinh thiết bằng kim nhỏ để lấy tế bào tuyến giáp quan sát dưới kính hiển vi trong trường hợp nghi ngờ có ung thư tuyến giáp.

Đó là một số xét nghiệm mà các bác sĩ có thể chỉ định để giúp cho thai phụ có thể quản lý bệnh suy giáp trước khi mang thai.

Nếu suy giáp đã được điều trị ổn định thì mẹ bầu không cần xét nghiệm tuyến giáp thường xuyên. Điều quan trọng là phụ nữ mang thai bị suy giáp nên uống thuốc đầy đủ, đều đặn và cố gắng không quên việc uống thuốc hằng ngày. Nếu cần theo dõi, thông thường các bác sĩ sẽ yêu cầu tái khám mỗi 4 tuần để đánh giá lại chức năng tuyến giáp.

4. “Thời điểm vàng” tầm soát suy giáp trước và trong quá trình mang thai?

Đâu là “thời điểm vàng” để xét nghiệm tầm soát suy giáp trước khi mang thai và trong quá trình mang thai? Nếu bỏ qua thời điểm này, khi nào thai phụ có thể làm lại xét nghiệm kiểm tra?

TS.BS Lý Đại Lương trả lời: “Thời điểm vàng” để tầm soát suy giáp là khoảng 3 tháng trước khi mang thai.

Tốt nhất, không nên để rơi vào tình huống khi có thai rồi mới điều trị sẽ khiến cho việc điều trị khó khăn hơn bởi bác sĩ phải chỉnh liều thuốc hormone giáp để bình thường hóa chức năng tuyến giáp của thai phụ.

Tuy nhiên, trong trường hợp phát hiện muộn suy giáp thai kỳ thì cũng đừng quá lo lắng và tin theo lời khuyên bỏ thai bởi chúng ta hoàn toàn có thể điều trị tích cực để tuyến giáp hoạt động trở lại bình thường, phòng ngừa được những biến chứng của suy giáp ở cả và bé.

5. Theo dõi thai phụ bị suy giáp như thế nào?

Trường hợp suy giáp mới được chẩn đoán trong thai kỳ, thai phụ sẽ được theo dõi như thế nào? Nồng độ TSH nên được kiểm tra bao lâu một lần trong suốt thai kỳ và nên thực hiện đến giai đoạn nào sau khi sinh?

TS.BS Lý Đại Lương trả lời: Đối với phụ nữ suy giáp trong thai kỳ, bác sĩ sẽ kiểm tra xét nghiệm TSH mỗi 4 tuần, đặc biệt là trong thời gian nửa đầu của thai kỳ cho đến khi chức năng tuyến giáp ổn định.

Sau đó, bác sĩ sẽ xét nghiệm TSH ít nhất 1 lần nữa trước tuần thứ 30 của thai kỳ. Sau khi sinh xong, sản phụ nên được kiểm tra lại chức năng tuyến giáp 6 tuần sau sinh.

6. Suy giáp có thể điều trị khỏi hoàn toàn không?

Suy giáp có thể điều trị khỏi hoàn toàn hay người bệnh phải dùng thuốc suốt đời thưa BS? Việc điều trị suy giáp trong và sau thời kỳ mang thai có khác biệt?

TS.BS Lý Đại Lương trả lời: Có những thể suy giáp nhẹ chỉ cần điều trị trong quá trình người bệnh mang thai bởi mục tiêu chính là để phòng ngừa những biến chứng trong thai kỳ. Sau khi sinh xong, sản phụ đó không cần phải điều trị tiếp tục nữa.

Đối với những trường hợp suy giáp rõ, bệnh nhân vẫn phải tiếp tục điều trị sau khi mang thai. Cụ thể, những trường hợp cần tiếp tục điều trị bao gồm người cắt trọn tuyến giápphụ nữ đã bị viêm tuyến giáp tự miễn dẫn đến suy giáp rõ.

7. Mẹ bầu bị suy giáp nên và không nên ăn gì?

Phụ nữ mang thai bị suy giáp NÊN ĂN những thực phẩm nào và KHÔNG NÊN ĂN những thực phẩm nào thưa BS? Cách chế biến món ăn có ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị bệnh?

TS.BS Lý Đại Lương trả lời: Đây có lẽ là thắc mắc của hầu hết các mẹ bầu.

Hơn hết, thai phụ vẫn phải đảm bảo cung cấp hàm lượng I-ốt đầy đủ trong quá trình mang thai (200 - 250 mcg/ngày). Tuy nhiên, phụ nữ mang thai nên tránh trường hợp cung cấp hàm lượng I-ốt vượt mức cần thiết.

Ví dụ, các chế phẩm bổ sung từ rong biển hay tảo biển có hàm lượng I-ốt gấp hàng chục đến hàng trăm lần so với nhu cầu I-ốt cần cho phụ nữ mang thai. Với lượng lớn I-ốt như vậy có thể gây ức chế hoạt động tuyến giáp của bào thai và gây suy giáp sơ sinh.

Như vậy, mẹ bầu vẫn phải cần bổ sung I-ốt theo liều khuyến cáo của các nhà dinh dưỡng và không nên bổ sung quá mức cần thiết.

Một số chị em phụ nữ cũng thắc mắc rằng liệu có thể ăn bắp cải hoặc uống sữa đậu nành trong thai kỳ hay không. Đối với các chế phẩm đậu nành, nếu chúng ta sử dụng thông thường thì hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến hoạt động của tuyến giáp. Tuy nhiên, đối với những người phụ nữ ăn chay phải thường xuyên sử dụng đậu hũ và các sản phẩm từ đậu nành cần lưu ý không nên ăn 170g/ngày.

Đối với bắp cải, khi chế biến, nhiệt độ đã phá hủy các chất sinh bướu nên mẹ bầu cũng không cần phải quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu chúng ta ăn bắp cải sống hoặc ăn thường xuyên thì có thể khiến cho tình trạng suy giáp nặng thêm.

8. Thuốc điều trị suy giáp có gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của mẹ và bé?

Một vấn đề lo lắng của các bà mẹ đó là, liệu thuốc điều trị suy giáp có gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của mẹ và bé? Phát hiện mang thai khi đang dùng thuốc điều trị suy giáp, có nên lo lắng? Thai phụ đã có chỉ định sử dụng thuốc, nhưng không cảm nhận được các triệu chứng rõ ràng, vậy có nên “dời” thời điểm điều trị đến sau sinh, thưa BS?

TS.BS Lý Đại Lương trả lời: Nếu thai phụ dùng thuốc hormone giáp với liều sinh lý thì hoàn toàn nó không ảnh hưởng gì đến sự phát triển của thai nhi nên các mẹ bầu cứ an tâm.

Bởi vì hormone giáp mô phỏng cấu trúc tự nhiên của hormone tuyến giáp trong cơ thể nên nếu sử dụng với liều điều trị phù hợp thì không ảnh hưởng gì đến trẻ.

Đối với trường hợp bỏ điều trị hoặc điều trị chưa tới khiến tình trạng suy giáp chưa được kiểm soát tốt thì các bác sĩ sẽ mau chóng điều trị để bình thường hóa chức năng tuyến giáp. Khi đó, bào thai vẫn có thể là bắt kịp tốc độ tăng trưởng nên mẹ bầu cũng không phải lo lắng quá.

Chìa khóa quan trọng ở đây chính là thai phụ đừng lãng quên bệnh lý suy giáp và nên tìm gặp bác sĩ nội tiết để được tư vấn và điều trị thích hợp.

Đặc biệt, thai phụ tuyệt đối không nên “dời” thời điểm điều trị suy giáp đến sau sinh. Khi phát hiện mình có bệnh lý suy giáp thì mẹ bầu cần điều trị ngay lập tức trong thai kỳ và không nên chần chừ vì điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu cho cả mẹ và bé.

9. Phụ nữ hiếm muộn kèm suy giáp, khi mang thai cần lưu ý gì?

Mang thai nhờ áp dụng phương pháp hỗ trợ sinh sản, bị suy giáp, cần lưu ý gì trong chăm sóc thai kỳ để tránh các biến cố?

TS.BS Lý Đại Lương trả lời: Đối với phụ nữ điều trị hiếm muộn, mục tiêu điều trị suy giáp thậm chí còn tích cực hơn so với phụ nữ có thể có thai tự nhiên.

Theo các khuyến cáo y khoa, phụ nữ khi điều trị hiếm muộn nên giữ TSH < 2.5 mlU/L hoặc ít nhất phải giữ dưới mức 4 mlU/L.

Điều đó cho thấy, đối với những người phụ nữ hiếm muộn, vấn đề quản lý suy giáp cần thực hiện tích cực hơn nữa để làm tăng cơ hội sinh ra em bé khỏe mạnh.

Quá trình theo dõi thai kỳ ở những người phụ nữ hiếm muộn cũng giống với phụ nữ mang thai tự nhiên. Tuy nhiên, đối tượng này cần lưu ý thăm khám phối hợp giữa bác sĩ sản phụ khoa với bác sĩ nội tiết để được theo dõi chặt chẽ giúp kiểm soát tốt bệnh.

10. Mắc suy giáp và tiểu đường thai kỳ cùng lúc, cần làm gì để bảo vệ sức khỏe hai mẹ con?

Phụ nữ vừa bị suy giáp, vừa bị tiểu đường thai kỳ. Khoảng cách khi uống thuốc điều trị hai bệnh này có cần cách nhau và nếu cần thì cách nhau bao lâu? Mắc hai bệnh cùng lúc, cần làm gì để bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và bé?

TS.BS Lý Đại Lương trả lời: Trên lâm sàng, tôi cũng đã từng khám cho những trường hợp mẹ bầu vừa bị suy giáp, vừa bị đái tháo đường thai kỳ.

Đối với đái tháo đường thai kỳ, 80% trường hợp là có thể kiểm soát được bằng chế độ ăn và 20% cần đến tiêm insulin (chế phẩm tiêm dưới da).

Trong khi đó, người bệnh suy giáp điều trị bằng cách hormone giáp. Theo đó, giữa các chế phẩm này không có sự tương tác thuốc với nhau. Chính vì vậy, thai phụ vẫn có thể dùng phối hợp thuốc điều trị 2 bệnh lý theo toa của bác sĩ nội tiết.

Song, đái tháo đường type 1 và viêm tuyến giáp tự miễn đều là những bệnh lý tự miễn và đôi khi chúng đi kèm với nhau.

Vì vậy, phụ nữ mắc bệnh đái đường type 1 dự định mang thai cần tầm soát viêm giáp tự miễn kỹ hơn. Nếu họ có bệnh lý viêm giáp tự miễn và suy giáp do bệnh lý viêm giáp thì các bác sĩ sẽ kiểm soát tích cực ngay từ ở giai đoạn đầu.

11. Dấu hiệu nào cảnh báo thai phụ bị suy giáp cần đến bệnh viện ngay?

Thai phụ bị suy giáp, đâu là những dấu hiệu cảnh báo nên đến bệnh viện ngay, thưa BS?

TS.BS Lý Đại Lương trả lời: Các mẹ bầu cần lưu ý cử động thai, đặc biệt là ở những giai đoạn cuối của thai kỳ.

Một số bệnh viện đã sản xuất ứng dụng theo dõi cử động thai giúp mẹ bầu theo dõi. Khi phát hiện những biểu hiện bất thường thì thai phụ có thể đến gặp bác sĩ sản khoa ngay.

Suy giáp trong thai kì chỉ có thể đánh giá được thông qua xét nghiệm bởi bệnh lý này không biểu triệu chứng gì cả. Vì vậy, thai phụ vẫn phải xét nghiệm theo đúng lịch.

12. Vì sao cần phải uống hormone giáp khi bụng đói?

Uống hormone giáp buổi sáng hay tối sẽ mang lại hiệu quả hơn thưa BS? Vì sao cần phải uống khi bụng đói và giữ thời gian với các chế phẩm chứa sắt, canxi?

TS.BS Lý Đại Lương trả lời: Một số mẹ bầu chia sẻ với bác sĩ rằng mình bị đau bao tử nên không thể uống thuốc lúc đói được mà phải ăn thì có thể uống thuốc.

Tuy nhiên, nếu mẹ bầu uống hormone giáp cùng với thực phẩm thì sẽ làm giảm độ hấp thụ hormone giáp, khiến cho việc điều trị không còn hiệu quả nữa. Bản thân hormone giáp cũng không gây triệu chứng khó chịu hay kích ứng dạ dày nên các thai phụ cứ yên tâm uống lúc bụng đói.

Lúc bụng đói là thời điểm tốt nhất để làm tăng tối đa khả năng hấp thụ hormone giáp. Cần lưu ý rằng, sữa và các chế phẩm canxi hoặc sắt có thể tương tác với hormone giáp, nên chúng ta phải uống cách nhau ít nhất là 2 giờ.

Một số khuyến cáo cũng khuyên chúng ta nên uống chế phẩm chứa sắt lúc bụng đói để làm tăng khả năng hấp thụ sắt. Theo đó, giải pháp để bạn có thể hấp thụ tốt cả 2 loại đó là nên uống hormone giáp trước bữa điểm tâm và uống chế phẩm chứa sắt trước thời điểm ăn trưa. Như vậy, bạn có thể tối ưu hóa được việc hấp thụ cả hai chế phẩm này.

13. Suy giáp liệu có nguy cơ tiến triển thành ung thư tuyến giáp?

Suy giáp liệu có nguy cơ tiến triển thành ung thư tuyến giáp? Nếu có khả năng, vậy cần làm gì để chặn đứng nguy cơ này?

TS.BS Lý Đại Lương trả lời: Suy giảm không làm tăng nguy cơ bị ung thư. Tuy nhiên, nguyên nhân gây ra suy giáp thường gặp là viêm giáp tự miễn lại có mối liên quan đối với ung thư tuyến giáp.

Người ta nhận thấy rằng, những người phụ nữ bị viêm giáp tự miễn có đường kính của nhân giáp trên 1cm sẽ tăng nguy cơ ung thư. Chính vì vậy, đối với những người phụ nữ bị viêm giáp tự miễn, cụ thể là viêm giáp Hashimoto, khi siêu âm nếu thấy nhân giáp kích thước to thì cần lưu ý vấn đề này.

Các bác sĩ siêu âm sẽ dựa vào TIRADS để giúp đánh giá nguy cơ ung thư của nhân giáp đó, từ đó hướng dẫn cho người bệnh bước điều trị tiếp theo.

14. Sau sinh bao lâu bà mẹ nên kiểm tra lại tình trạng suy giáp?

Ngay sau sinh bao lâu, người mẹ nên kiểm tra lại tình trạng suy giáp? Thông thường sẽ được thực hiện những xét nghiệm hay kỹ thuật nào để kiểm tra tại thời điểm này thưa BS?

TS.BS Lý Đại Lương trả lời: Sau sinh 6 tuần, sản phụ nên quay trở lại bệnh viện để được xét nghiệm chức năng tuyến giáp. Việc xét nghiệm diễn ra rất đơn giản, sản phụ chỉ cần kiểm tra TSH và FT4.

Khi đi khám phụ khoa sau khi sinh hoặc đưa bé đi tiêm ngừa thì các bạn có thể kiểm đồng thời chức năng tuyến giáp của mình sẽ rất thuận tiện.

15. Những dấu hiệu nào cảnh báo trầm cảm từ người mẹ bị suy giáp?

Trầm cảm sau sinh đang trở nên vấn đề sức khỏe nhức nhối trong thời gian gần đây. Trong khi đó, suy giáp làm gia tăng nguy cơ mắc trầm cảm sau khi sinh.  Xin hỏi BS, làm sao để ngăn chặn tình trạng này ạ? Những dấu hiệu nào cảnh báo trầm cảm từ bà mẹ bị suy giáp mà người nhà để lưu tâm ạ?

TS.BS Lý Đại Lương trả lời: Trầm cảm sau sinh do nhiều yếu tố gây ra như: cơ địa dễ bất ổn tâm lý; stress do chăm sóc bé sơ sinh (ngủ không đủ giấc, em bé khóc thường xuyên; thiếu kinh nghiệm chăm sóc bé; em bé bị bệnh…).

Ngoài ra, những người phụ nữ có tiền sử viêm giáp tự miễn cũng dễ bị viêm giáp sau khi sinh. Triệu chứng ở giai đoạn đầu của viêm giáp sau khi sinh đó là sản phụ sẽ cảm thấy bứt rứt, nóng nảy, tim đập nhanh, không chịu được nhiệt. Ở giai đoạn sau, người bệnh lại có biểu hiện sợ lạnh, chậm chạp, khó tập trung và đây cũng giai đoạn trầm cảm có thể xuất hiện.

Khi người nhà thấy sản phụ sau sinh bị trầm cảm và xuất hiện những biểu hiện kể trên thì nên đưa họ đi khám để phát hiện sớm tình trạng viêm giáp sau sinh, nhất là đối với những phụ nữ đã có kháng thể tuyến giáp dương tính.

16. Sàng lọc suy giáp bẩm sinh như thế nào?

Trẻ được sinh ra từ những người mẹ bị suy giáp nên được kiểm tra, khám sàng lọc như thế nào? Trong trường hợp không ghi nhận bất thường thì nên theo dõi tiếp theo ra sao?

TS.BS Lý Đại Lương trả lời: Không chỉ riêng những trẻ sinh ra từ những bà mẹ bị suy giáp mà ngay cả trẻ được sinh ra từ những bà mẹ bình thường cũng đều cần tầm soát suy giáp sơ sinh thông qua lấy máu gót chân và đo TSH.

Hầu như các khoa sản của những bệnh viện ở thành phố lớn đều áp dụng quy trình này một cách thường quy để phát hiện sớm suy giáp sơ sinh. Nếu phát hiện trẻ có tình trạng suy giáp sơ sinh thì sẽ được điều trị rất sớm để có thể phát triển tâm thần, vận động bình thường.

Đối với những trường hợp suy giáp thai kỳ phát hiện muộn, để theo dõi trẻ, các bác sĩ sẽ sử dụng những bảng kiểm để đánh giá sự phát triển tâm thần vận động của trẻ, chẳng hạn như bản kiểm ASQ-3. Trẻ sẽ được kiểm tra bản kiểm này một cách định kỳ, bắt đầu từ 2 tháng tuổi và kéo dài cho đến 60 tháng tuổi.

17. Những dấu hiệu cảnh báo suy giáp bẩm sinh cha mẹ cần lưu ý?

Đâu là những dấu hiệu cảnh báo suy giáp bẩm sinh cha mẹ cần lưu ý? Trẻ bị suy giáp bẩm sinh, nếu điều trị sớm và đầy đủ, liệu trẻ có khả năng phát triển như bình thường?

TS.BS Lý Đại Lương trả lời: Trẻ bị suy giáp bẩm sinh thường do nguyên nhân trẻ không có tuyến giáp hoặc có những rối loạn về mặt di truyền.

Những trẻ bị suy giáp bẩm sinh sẽ có các biểu hiện như: gương mặt bị phù, lưỡi dày, rồi, trẻ bú ít, cử động chậm chạp và dễ bị táo bón.

Tuy nhiên, do các triệu chứng của suy giáp bẩm sinh không đặc hiệu nên khi chăm con, nếu quý phụ huynh phát hiện trẻ có những biểu hiện bất thường nên đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa. Khi đó, các bác sĩ sẽ tầm soát bệnh có thể gây ra các triệu chứng bất thường, trong đó có suy giáp bẩm sinh.

Trẻ bị suy giáp bẩm sinh nếu không được điều trị thì khi lớn sẽ ảnh hưởng rất nặng nề, chẳng hạn như thiểu năng trí tuệ và chậm tăng trưởng. Nói cách khác, những trẻ bị suy giáp bẩm sinh khi lớn lên sẽ thấp bé hơn so với trẻ đồng trang lứa.

Song, nếu trẻ bị suy giáp bẩm sinh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì vẫn có thể phát triển tâm thần, vận động và thể chất giống như những bé bình thường khác.

18. Lưu ý gì để phòng ngừa suy giáp thai kỳ?

Thưa BS, để phòng nguy cơ suy giáp thai kỳ, các chị em phụ nữ nên làm gì? Cũng như các lưu ý nhỏ từ bác sĩ để các chị em sẵn sàng đối diện với tình huống phát hiện suy giáp trong quá trình mang thai?

TS.BS Lý Đại Lương trả lời: Thông điệp mà bác sĩ muốn gửi đó là đến các bạn phụ nữ nên chuẩn bị sức khỏe thật tốt trước khi mang thai. Một trong những bước chuẩn bị quan trọng đó là lưu ý đến sức khỏe tuyến giáp.

Nếu các bạn thuộc những nhóm người có nguy cơ cao bị suy giáp thai kỳ thì tốt nhất nên đến gặp bác sĩ nội tiết để được tầm soát và phát hiện sớm bệnh lý suy giáp.

Ngoài ra, nếu đã được chẩn đoán suy giáp, bạn cần phải được điều trị một cách thích hợp và tích cực, uống hormone giáp trong thai kỳ theo chỉ định của bác sĩ để tránh gây những ảnh hưởng xấu trên cả mẹ và bé.

Trong quá trình uống hormone giáp, bạn nên uống lúc bụng đói, đồng thời nên uống cách 2 giờ nếu có sử dụng thêm những chế phẩm chứa sắt hoặc canxi nhằm đảm bảo được độ hấp thụ thuốc tối ưu.

Bên cạnh đó, sản phụ vẫn nên kiểm tra lại chức năng tuyến giáp 6 tuần sau khi sinh. Đó cũng chính là thông điệp mà bác sĩ muốn gửi đến quý bạn đọc. Mong rằng các bạn có thể bảo vệ sức khỏe tuyến giáp của mình, trải qua một thai kỳ yên vui và sinh ra em bé khỏe mạnh.

Trân trọng cảm ơn chuỗi Nhà thuốc Long Châu và Merck Healthcare Việt Nam đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X