Suy tim hoàn toàn có thể phòng ngừa được
Suy tim là một trong những vấn về nguy hiểm của tim mạch. Những bệnh nhân suy tim nặng có nguy cơ tử vong rất cao. Tuy nhiên, BS.CK2 Nguyễn Trần Thúy Anh - Chuyên khoa Tim mạch - Lão học, Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh cho biết, suy tim hoàn toàn có thể phòng ngừa được, đơn giản và cần thiết nhất là bắt đầu thay đổi lối sống ngay từ bây giờ.
Suy tim mạn là hậu quả chung của các bệnh tim mạch kéo dài
Suy tim là tình trạng tim không đủ khả năng bơm để cung cấp máu đảm bảo cho các nhu cầu hoạt động của cơ thể. Người bệnh suy tim sẽ bị suy giảm khả năng hoạt động, suy giảm chất lượng sống. Tùy vào mức độ suy tim nặng hay nhẹ mà bệnh nhân sẽ cần có sự hỗ trợ khác nhau.
“Suy tim dường như là điểm đến cuối cùng của tất cả các bệnh tim mạch. Người bệnh suy tim thường đứng trước nguy cơ tử vong do những đợt suy tim mất bù” - BS.CK2 Nguyễn Trần Thúy Anh cho biết.
2 tình trạng suy tim thường gặp là suy tim cấp và suy tim mạn. Suy tim cấp là tình trạng suy tim xuất hiện đột ngột, cần được can thiệp cấp cứu nội khoa nhanh nhất. Trong khi đó, suy tim mạn là hậu quả chung của các bệnh tim mạch lâu ngày.
Nguyên nhân suy tim được chia thành 3 nhóm chính: suy tim trái, suy tim phải và suy tim toàn bộ. Tăng huyết áp là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến suy tim trái. Tuy nhiên, BS.CK2 Nguyễn Trần Thúy Anh cũng nói thêm, điều này không đồng nghĩa với việc tất cả bệnh nhân tăng huyết áp đều sẽ bị suy tim trái. Chỉ những bệnh nhân điều trị không đúng, không kiểm soát huyết áp tốt, không tuân thủ điều trị lâu ngày mới dẫn đến suy tim.
Bệnh mạch vành (bệnh tim thiếu máu cục bộ, đợt suy tim sau nhồi máu cơ tim), bệnh lý van tim (hẹp/hở van động mạch chủ, hở van hai lá), bệnh lý cơ tim và bệnh tim bẩm sinh cũng có thể dẫn đến suy tim.
Suy tim trái mất bù lâu ngày sẽ dẫn đến suy tim phải. Những nguyên nhân khác dẫn đến suy tim phải là bệnh phổi mãn tính (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính - COPD, giãn phế quản, xơ phổi...), tăng áp lực động mạch phổi. Bệnh van tim thường đưa đến suy tim phải là hẹp van hai lá, đặc biệt là hẹp van hai lá hậu thấp.
Suy tim trái tiến triển lâu năm thành suy tim toàn bộ. Bệnh cơ tim giãn nở cũng là một nguyên nhân gây suy tim toàn bộ.
Những dấu hiệu nhận biết bệnh suy tim
BS.CK2 Nguyễn Trần Thúy Anh cho biết, giống như nguyên nhân, triệu chứng suy tim cũng được chia thành 3 nhóm: suy tim trái, suy tim phải và suy tim toàn bộ.
Ở những giai đoạn đầu của suy tim trái, bệnh nhân thường khó thở khi gắng sức. Khi bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân xuất hiện cơn khó thở kịch phát về đêm.
Bệnh nhân suy tim trái có thể có các cơn hen tim, phù phổi cấp sau gắng sức, triệu chứng là khó thở dữ dội, ho, khạc đàm hồng, vật vã... Bệnh nhân cần được cấp cứu kịp thời, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Đối với suy tim trái, bệnh nhân có thể gặp các cơn đau ngực do bệnh lý mạch vành hoặc do không đủ máu nuôi mạch vành. Người bệnh còn có các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt. Khi khám tim của những bệnh nhân này sẽ phát hiện các dấu hiệu như mỏm tim lệch trái, tiếng thổi bất thường do bệnh lý van tim.
Suy tim phải có 3 triệu chứng chính là gan to, phù chân và tĩnh mạch cổ nổi. Bệnh nhân suy tim phải thường bị khó thở tăng dần, nặng dần (nhưng không có cơn khó thở kịch phát như suy tim trái). Bệnh nhân suy tim phải do COPD có thể có các đợt khó thở cấp do bệnh phổi tiến triển.
Bệnh cảnh của suy tim toàn bộ khá giống với suy tim phải mức độ nặng, bệnh nhân thường xuyên bị khó thở, gan to, phù chân nhiều, tĩnh mạch cổ nổi, tràn dịch đa màng (màng bụng, màng tim, màng phổi).
Theo Hiệp hội tim mạch New York (NYHA), suy tim được chia thành 4 phân độ:
- Độ 1: Bệnh nhân có bệnh tim nhưng không có triệu chứng cơ năng. Người bệnh có khả năng hoạt động gần như bình thường.
- Độ 2: Các triệu chứng xuất hiện khi gắng sức nhiều.
- Độ 3: Các triệu chứng xuất hiện khi gắng sức ít, hạn chế đáng kể vận động thể lực.
- Độ 4 (Suy tim giai đoạn cuối): Các triệu chứng xuất hiện thường xuyên, kể cả khi bệnh nhân đang nghỉ ngơi.
Những người có nguy cơ cao mắc bệnh suy tim gồm bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu. Tiếp đó là những người có tiền căn nhồi máu cơ tim, bệnh thận mạn, bệnh lý tim bẩm sinh, bệnh lý van tim không chữa trị, bệnh phổi tắc nghẽn không được kiểm soát. Những người thường xuyên hút thuốc lá, nghiện rượu, tiền sử gia đình bệnh cơ tim hoặc đột tử cũng nằm trong nhóm nguy cơ suy tim.
Các biện pháp chẩn đoán suy tim
BS.CK2 Nguyễn Trần Thúy Anh cho biết: “Siêu âm doppler tim là phương tiện cần thiết để chẩn đoán và tìm nguyên nhân suy tim. Thông qua kết quả siêu âm, bác sĩ có thể đánh giá được chức năng tim, các bệnh lý van tim, rối loạn vận động vùng trong bệnh tim thiếu máu cục bộ, áp lực động mạch phổi, bất thường tim bẩm sinh”. Không chỉ vậy, siêu âm còn giúp đánh giá được vấn đề dày hoặc giãn các vùng tim .
Điện tâm đồ thường không đặc hiệu để chẩn đoán suy tim nhưng có thể cho thấy các dấu hiệu gián tiếp và nguyên nhân suy tim, chẳng hạn như thiếu máu cơ tim, dày thất, dày nhĩ trái, dày các buồng tim.
Kết quả X-quang ngực có thể chỉ ra bóng tim lớn, buồng tim giãn ở những trường hợp suy tim nặng nhưng cũng không phải đặc hiệu để chẩn đoán suy tim.
Đo nồng độ peptide bài Na niệu (NT-proBNP hoặc BNP). Trong lâm sàng, NT-proBNP hoặc BNP tăng lên trong máu do sự căng giãn các buồng tim, do đó, nồng độ này tăng là một chỉ điểm của suy tim.
Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể làm các xét nghiệm khác như tiểu đường HbA1c, xét nghiệm mỡ máu, chức năng gan, chức năng thận, chức năng tuyến giáp để tìm các yếu tố nguy cơ của suy tim.
Suy tim hoàn toàn có thể phòng ngừa
Suy tim có thể điều trị bằng thuốc và bằng cách thay đổi lối sống. Bệnh nhân có thể bắt đầu từ chế độ ăn: Ăn nhạt, bổ sung nhiều rau xanh và hoa quả tươi, thay mỡ động vật bằng dầu thực vật và hạn chế sử dụng nội tạng động vật.
BS.CK2 Nguyễn Trần Thúy Anh khuyên người bệnh suy tim nên tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày/tuần. Cường độ và loại bài tập tùy thuộc vào khả năng của mỗi người.
Bệnh nhân cũng cần tránh các chất kích thích như rượu, bia, cà phê và hạn chế các đồ uống có gas. Người mắc bệnh suy tim tuyệt đối không được hút thuốc lá và phải tránh xa những nơi có nhiều khói thuốc.
BS.CK2 Nguyễn Trần Thúy Anh khẳng định: “Suy tim là một căn bệnh có thể phòng ngừa được”. Người có bệnh lý tim mạch nên điều trị đúng theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh có tăng huyết áp cần kiểm soát huyết áp bằng lối sống lành mạnh và uống thuốc đều đặn.
Bệnh nhân có bệnh van tim hoặc bệnh tim bẩm sinh phải điều trị sửa chữa các bệnh tim cấu trúc (phẫu thuật hoặc dùng thuốc) theo chỉ định của bác sĩ. Kiểm soát đường huyết, hạ các chỉ số mỡ máu cũng là cách để phòng ngừa suy tim.
Trong trường hợp chẳng may đã mắc bệnh suy tim, bệnh nhân cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, tránh để tình trạng diễn tiến nặng hơn.
Theo BS.CK2 Nguyễn Trần Thúy Anh, nội khoa là nền tảng chính của điều trị suy tim. Bác sĩ sẽ kết hợp giải quyết các nguyên nhân suy tim như tái thông mạch vành, phẫu thuật thay van, sửa van, phẫu thuật sữa chữa các bệnh lý tim bẩm sinh...
Người bệnh có thể cấy máy tái đồng bộ tim (CRT), máy phá rung (ICD) khi có chỉ định. Ghép tim cũng là một biện pháp điều trị suy tim nhưng chưa thực sự phổ biến tại Việt Nam.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình