Hotline 24/7
08983-08983

Suy thận ở tuổi học sinh, sinh viên do thức đêm và ăn khuya?

Bệnh nhân suy thận đang có xu hướng trẻ hóa, gặp ở cả lứa tuổi đôi mươi. Trong đó những thói quen xấu luôn có mặt trong “checklist” của giới trẻ như: thức khuya, ăn mặn, ăn khuya… Vậy đây có phải nguyên nhân chính yếu gây nên bệnh suy thận ở người trẻ. Câu trả lời được BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế bệnh viện Quận Bình Thạnh, TPHCM giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Vì sao nhiều người trẻ mắc bệnh thận?

Hiện nay, bệnh nhân suy thận ngày càng trẻ hóa, thậm chí phát hiện ở các bạn ở lựa tuổi đôi mươi còn là học sinh, sinh viên. Vậy nhờ BS chia sẻ nguyên nhân nào dẫn đến bệnh lý suy thận ngày càng trẻ hóa như vậy?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Tình trạng các bệnh mạn tính không lây hiện đang diễn biến rất phức tạp tại Việt Nam, bao gồm các bệnh cao huyết áp, tiểu đường và suy thận. Trước đây, suy thận chỉ xuất hiện ở những người lớn tuổi (trên 40 tuổi) hoặc những người có bệnh nền về tiểu đường. Tuy nhiên, hiện nay các vấn đề về bệnh lý suy thận, suy thận mạn ngày càng trẻ hóa, đặc biệt là ở nhóm  13 - 14 tuổi hoặc 18 - 20 tuổi, là độ tuổi khá trẻ nhưng phát hiện bệnh suy thận. Đây chính là nỗi đau rất lớn đối với bản thân và gia đình của người bệnh.

Có rất nhiều yếu tố gây suy thận ở nhóm người trẻ, một số do bẩm sinh, hoặc bắt nguồn do các yếu tố thứ phát từ cuộc sống như sinh hoạt không lành mạnh sẽ dẫn đến tình trạng suy thận sớm và trẻ hóa ngày nay.

2. Béo phì là nguyên nhân gây suy thận

Thưa BS, với lối sống hiện đại ngày nay sẽ có tác động như thế nào tới nguy cơ gây suy thận ạ?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thận trẻ hóa. Đặc biệt là nhóm bạn trẻ tại khu vực thành phố bởi thói quen ít vận động, tập thể dục thể thao, từ đó tình trạng thừa cân béo phì ngày một tăng.

Trong môi trường học đường, tỷ lệ béo phì chiếm từ 50 - 60%, béo phì cũng là nguyên nhân gây ra rất nhiều bệnh mạn tính không lây, không riêng bệnh suy thận. Ví dụ như tiểu đường sớm, tiểu đường type 1 hay tăng huyết áp cũng là những nguyên nhân gây suy thận sớm ở trẻ em. 

Bên cạnh đó là chế độ ăn uống, do cha mẹ bận rộn với công việc để lo cho gia đình nên các bé thường được thoải mái về thời gian. Tuy nhiên, việc này khiến các bé tiếp xúc với nhiều nguồn thực phẩm, trong đó có các thực phẩm sử dụng chất bảo quản, hóa chất có hại, thức uống bán tràn lan ngoài hè phố mà các bé chưa đủ kiến thức để lựa chọn. Còn rất nhiều nguyên nhân khác chiếm tỷ lệ không hề nhỏ trong việc dẫn đến suy thận mạn ở trẻ em ngày càng gặp nhiều hơn.

3. Suy thận do thức đêm và ăn khuya?

Việc thức đêm và ăn khuya có mối liên hệ như thế nào và nên hiểu thế nào về việc ăn khuya, thời gian ăn nên kết thúc lúc mấy giờ, vấn đề ăn vặt có được tính là ăn khuya không, thưa BS?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Tất cả các cữ ăn sau 19 giờ đều được coi là ăn khuya, ăn vặt và không có lợi cho sức khỏe của mỗi người. 

Thức đêm và ăn khuya ảnh hưởng rất nhiều đến lối sống sinh hoạt. Đối với trẻ em và người trưởng thành, thời gian được khuyến cáo đi ngủ tốt nhất là trước 23 giờ đêm. Bởi vì đây là thời gian tuyến yên ở trẻ tiết được nhiều hormon CH nhất, giúp trẻ phát triển tối ưu chiều cao và các yếu tố tăng trưởng.

Tuy nhiên, trong thời gian này với các bé ở thành phố có thể đang đi chơi, học thêm, làm rất nhiều bài tập ở nhà,… dẫn đến việc thức khuya. Đối với người trẻ, việc thức khuya chạy deadline cũng trở thành thói quen sinh hoạt, điều này làm tăng gánh nặng cho quá trình chuyển hóa của cơ thể, tạo ra nhiều độc chất gây ảnh hưởng tới các cơ quan đào thải trong cơ thể. Trong đó hai cơ quan thường được nhắc đến là gan và thận với chức năng thải độc không kém cạnh nhau.

Đối với việc ăn khuya, nếu ăn sau 19 giờ, tình trạng rối loạn chuyển hóa sẽ bắt đầu sảy ra. Dẫn đến tình trạng tích lũy mỡ trong cơ thể gây thừa cân, béo phì và các bệnh lý khác như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu,… hậu quả cuối cùng là suy thận.

4. Thực phẩm nào gây hỏng thận?

Đâu là nhóm thực phẩm không tốt cho thận, gây suy thận, hỏng thận mà chúng ta cần phải chú ý, thưa BS?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Suy thận ở người trẻ liên quan đến rất nhiều yếu tố nguy cơ. Thứ nhất là thực phẩm gây béo phì, các loại thực phẩm liên quan đến nhóm này đều có nguy cơ gây ra suy thận. Ví dụ như dùng quá nhiều đường tinh luyện, uống nước ngọt, trà sữa và những món ăn có nhiều đường. Thay vào đó, nên dùng các loại trái cây có vị ngọt tự nhiên, quả tươi, sẽ tốt cho sức khỏe hơn.

Thứ hai là những loại thực phẩm chứa nhiều natri, thường có ở các loại như khô cá, mắm, muối, các loại thực phẩm đóng hộp. Một số loại thực phẩm cần lưu ý thêm như xúc xích, lạp xưởng đóng gói, đồ chiên, xiên que,…

Ngoài ra, có nhiều loại hóa chất để giữ cho thực phẩm được tươi mới nếu mua tại hàng quán không rõ ràng, việc chế biến không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, sử dụng thực phẩm nhiều cholesterol dẫn đến nguy cơ rối loạn mỡ máu và béo phì, điển hình như nội tạng động vật, giò, chả,…

Do đó, để kiểm soát chế độ ăn cần có một kế hoạch ăn uống lành mạnh, đầy đủ rau quả, trái cây và thực phẩm tươi trong mỗi bữa ăn. Đồng thời cần vận động, tập thể dục để phòng tránh thừa cân, béo phì, đó là giải pháp quan trọng.

5. Suy thận do ăn nhiều thịt, sự thật hay lời đồn?

Có nhiều nơi cho rằng ăn nhiều thịt là thói quen không tốt và gây hại cho thận, vậy thực hư điều này như thế nào? Giữa nhóm thịt đỏ và thịt trắng, nhóm nào gây hại cho thận, thưa BS?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Thời gian gần đây, một số bệnh nhân cho rằng do ăn thịt nhiều nên bị suy thận. Tuy nhiên thịt, cá, trứng, sữa là các loại thực phẩm xếp vào nhóm protein. Nhóm này giúp tái tạo và tăng trưởng tế bào, đồng thời tham gia các chức năng khác của cơ thể. Do đó, mỗi người đều cần protein nuôi cơ thể, nếu thiếu nhóm thực phẩm này, sẽ bị mất khối cơ, cơ thể yếu, lão hóa, không tái tạo được tế bào,…

Như vậy, mỗi người phải ăn protein và bổ sung vừa đủ. Trong đó, đối với người bình thường, cần bổ sung 1 gram protein/ 1kg cân nặng cho một ngày. Ví dụ, người nặng 50kg sẽ ăn 50 gram protein/ ngày, trong thịt heo có khoảng 18 - 20% protein, tương đương với việc một ngày người 50kg sẽ sử dụng 200 - 250 gram thịt.

Trường hợp người đã mắc bệnh suy thận, trong giai đoạn cần giảm protein để tránh gây hại cho thận, cần tính toán lại lượng protein đủ cho cơ thể. Còn người bình thường ăn quá thừa hoặc quá thiếu protein đều không tốt cho sức khỏe.

6. Ăn nhiều đường, mắm, muối, nước tương gây hại thận thế nào?

Không những thịt mà các gia vị được sử dụng hàng ngày như muối, đường đều có thể ảnh hưởng đến chức năng của thận. Vậy xin hỏi BS, nếu ăn quá nhiều đường, muối sẽ gây hại cho thận như thế nào và ăn như thế nào là vừa đủ?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Nếu ăn quá nhiều đường tinh luyện sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa, rối loạn chuyển hóa trong gan, dẫn đến gan nhiễm mỡ hay rối loạn lipid máu, thừa cân, béo phì. Hiện nay, các bạn trẻ đang sử dụng rất nhiều thực phẩm có đường, đặc biệt là các loại thức uống dẫn đến tăng huyết báo, béo phì, thừa cân gây biến chứng suy thận. Vì vậy, cần sử dụng lượng đường phù hợp.

Theo khuyến nghị của viện dinh dưỡng quốc gia, tháp dinh dưỡng cân bằng, mỗi người nên sử dụng dưới 18 gram đường/ ngày. Tóm lại, nên sử dụng các loại thực phẩm, trái cây tươi có vị ngọt tự nhiên, hạn chế nêm nếm, tẩm ướp gia vị trong quá trình chế biến. Nên uống nước đun sôi để nguội hoặc các loại thức uống không đường, ít đường.

Việc sử dụng quá nhiều muối gây giữ nước trong cơ thể, tăng gánh nặng cho tuần hoàn, tăng huyết áp, gây ảnh hưởng đến thận. Do đó cần hạn chế muối và chỉ nên sử dụng dưới 5 gram muối/ ngày.

Ngoài ra, muối còn có trong các loại gia vị khác như nước mắm, nước tương,… Vì vậy, nên lựa chọn chế biến thực phẩm đơn giản như luộc, hấp, áp chảo,… và hạn chế chấm khi ăn. Đồng thời, nên loại bỏ các loại thực phẩm đóng hộp hoặc chế biến sẵn,… sẽ đảm bảo được lượng muối tốt hơn so với việc cân đo hàng ngày.

7. Thức ăn nhanh, đồ chế biến sẵn có gây suy thận?

Đối với lứa tuổi học sinh, sinh viên hiện nay, thời gian cho công việc và học tập khiến các bạn thường xuyên sử dụng các loại thực phẩm được chế biến sẵn, thức ăn nhanh không tốt cho sức khỏe. Điều này gây tác động thế nào đến chức năng thận, thưa BS?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Trường hợp sinh viên, học sinh bước ra cổng trường với nhiều hàng quán, dẫn đến việc sử dụng các loại thực phẩm như xiên que, nước ngọt, bánh hot dog,… là vấn đề thực tế hiện nay. Đó đều là những loại thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh, nằm trong nhóm thực phẩm chế biến sẵn, chứa khá nhiều natri và hóa chất bảo quản. Như vậy, việc sử dụng những loại thực phẩm này sẽ làm tăng lượng natri, cholesterol, chất béo bão hòa hoặc những hóa chất độc hại cho cơ thể.

Gia đình nên hướng dẫn các em hiểu được làm thế nào để lựa chọn các thực phẩm lành mạnh, an toàn cho cơ thể. Ví dụ, nên ăn bữa chính đảm bảo dinh dưỡng và chuẩn bị bữa ăn phụ cho các con. Ngoài ra, gia đình có thể cho con ăn các loại thức ăn nhanh nhưng trong tầm kiểm soát và không thường xuyên, nên mua ở những nơi uy tín, chế biến hợp lý sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, cắt được cơn thèm của con.

8. Uống Vitamin C vào chiều tối sẽ gây suy thận?

Một nguyên nhân mà nhiều người cho rằng gây suy thận là việc bổ sung vitamin C quá liều hoặc sử dụng vào chiều tối, nhờ BS chia sẻ về vấn đề này ạ?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Vitamin C thường được mọi người bổ sung khi cơ thể mệt mỏi, cảm nhẹ vì nghĩ rằng có thể tăng cường khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, bất cứ loại vitamin hay vi khoáng nào, khi sử dụng quá dư thừa đều gây ra tác hại. Ví dụ, nếu nạp quá nhiều vitamin C sẽ làm cơ thể mệt mỏi, giảm sức lao động, uể oải.

Đối với một chế độ ăn bình thường đảm bảo đủ ba bữa ăn một ngày, mỗi bữa ăn đủ nhu cầu khuyến nghị gồm: rau 300 gram, trái cây 200 gram mỗi ngày sẽ không thiếu vitamin C. Nếu muốn bổ sung vitamin C, có thể uống một ly nước cam, nước ép dâu hoặc một loại thực phẩm tự nhiên bất kỳ hay tăng cường rau xanh trong bữa ăn của mình.

Trường hợp muốn uống viên vitamin C, chỉ nên bổ sung 500 gram vào buổi sáng. Nếu uống trễ quá, đặc biệt là buổi chiều, thời điểm này cơ thể ít nạp nước hơn, gây tồn dư vitamin C, lâu ngày dẫn đến nhiều vấn đề cho cơ thể, trong đó có thận. Đó là nguyên nhân mọi người cần kiểm soát việc bổ sung vi chất, viên uống tăng cường đề kháng được quảng cáo tràn lan và nên thận trọng khi sử dụng cho cơ thể.

9. Uống không đủ 2 lít nước một ngày có gây bệnh thận?

Việc uống nước không đủ liều lượng khuyến cáo cho một ngày sẽ dẫn tới hậu quả gì đối với chức năng thận, thưa BS?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Nước là một loại dung môi cho cơ thể, giúp làm mát; hỗ trợ các hoạt động trong cơ thể diễn ra dễ dàng; lọc rửa những thực phẩm thừa, hóa chất, tế bào chết,… Nếu không bổ sung đủ nước, cơ thể sẽ nóng hơn, các chất độc chuyển hóa, tế bào tồn dư bị tồn tại trong cơ thể, gây hại cho thận và các cơ quan khác.

Cụ thể, khi đi ngoài trời nắng, nếu không bổ sung đủ nước dễ dẫn tới say nắng, cảm thấy mệt mỏi và đau đầu,… Đối với người trẻ, nên uống nước khi thấy khát, nếu bỏ qua, lâu dần cơ thể sẽ mất đi phản xạ tự nhiên này. Còn ở người lớn tuổi do các bộ phận đã lão hóa nên tình trạng thiếu nước thường xuyên diễn ra nếu không nạp đủ nước trong ngày.

Tóm lại, theo khuyến nghị cả ở người trẻ và người lớn tuổi, trung bình một ngày nên bổ sung 2 lít nước tùy theo thời tiết nắng nóng hay khí hậu mát mẻ. Thành phần này không chỉ có trong việc bổ sung nước khoáng trực tiếp mà còn có trong canh, nước ép trái cây, detox,… Lưu ý, khoảng 1 - 2 giờ, nên uống một ly nước để bảo vệ cơ thể.

10. Ăn tối muộn, làm sao để bảo vệ sức khỏe?

Với nhu cầu cuộc sống và công việc ngày nay, đa số mọi người đều dùng bữa tối sau 19 giờ, vậy có giải pháp nào để bảo vệ thận và sức khỏe, thưa BS?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Đối với một số công việc đặc thù, không thể ăn uống đúng giờ, cần bỏ sung đủ 4 nhóm thực phẩm cho mỗi bữa ăn. Bên cạnh đó, việc uống đủ nước vô cùng quan trọng vì khi thức khuya, làm việc nhiều, chuyển hóa của cơ thể sẽ tăng tốc độ, độc chất tạo ra nhiều, nên cần uống nước nhiều hơn.

Bên cạnh đó, cần tăng cường vận động mọi thời điểm trong ngày. Tuy nhiên, thời điểm vận động tốt nhất là vào buổi sáng, sẽ giúp cơ thể tỉnh táo hơn. Mỗi ngày nên dành khoảng 30 - 60 phút tập thể dục, người trẻ có thể tập các bộ môn như gym, cầu lông, chạy bộ,… Còn với người lớn tuổi chỉ nên đi bộ và hoạt động nhẹ nhàng. Điều này giúp các cơ co bóp, mạch máu hoạt động tốt hơn, giúp cơ thể đào thải được độc tố, nâng hệ miễn dịch tốt hơn.

11. Dấu hiệu cảnh báo suy thận ở người trẻ?

Cuối cùng, nhờ BS chia sẻ những dấu hiệu cảnh báo suy thận ở người trẻ thường bị bỏ qua để giúp mọi người nhận biết, đi khám sớm và điều trị kịp thời ạ?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Đối với những bệnh mạn tính không lây có diễn tiến bệnh chậm và gần như không hồi phục, việc phát hiện sớm các dấu hiệu này rất khó khăn vì triệu chứng bệnh khá mơ hồ. Ví dụ như đau đầu thoáng qua nhưng nhiều người chủ quan vì có thể do mệt mỏi hay các yếu tố tác động như uống rượu bia, ít ai biết rằng bản thân đã bị cao huyết áp.

Vì vậy, với các bệnh mạn tính không lây, không riêng bệnh thận, mọi người cần khám sức khỏe hàng năm. Người lớn tuổi nên khám định kỳ 6 tháng một lần, người trẻ 1 năm một lần. Đặc biệt là người làm văn phòng, các công ty thường có khám sức khỏe định kỳ theo quy định, mọi người nên tuân thủ. Ngoài ra, có thể dựa trên các chỉ số xét nghiệm cận lâm sàng, nên xét nghiệm hàng năm để kiểm tra mình có rối loạn nào trong cơ thể hay không.

Bên cạnh đó, bản thân mỗi người cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng lành mạnh, nạp đủ các nhóm thực phẩm, lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và rèn luyện thể lực phù hợp. Đó là thói quen nên thực hiện hàng ngày để bảo vệ sức khỏe của bản thân.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X