Hotline 24/7
08983-08983

Sốt virus, trẻ nổi loét đỏ trong miệng

Thấy con bị sốt, đau họng, có nhiều nốt loét đỏ trong họng, thậm chí ở đầu lười, nhiều bà mẹ hốt hoảng cho con đi khám vì sợ tay chân miệng.

Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, nhiều bé đến khám trong tình trạng không ăn uống được, thậm chí là nôn trớ. Tuy nhiên, cha mẹ không nên quá lo lắng, các nốt loét đỏ trong họng trẻ chỉ là một trong các biểu hiện của sốt virus. Thời gian gần đây, số trẻ đến khám vì bệnh này có tăng lên, chiếm khoảng 25% số trẻ đến khám tại khoa.

BS Đỗ Tuấn Anh, khoa Nhi, BV Bạch Mai (Hà Nội) cũng cho biết, nếu bé sốt cao trên 38,5 độ C thì cho uống thuốc hạ sốt. Trường hợp chỉ hơi sốt, nhưng nếu quá đau, cản trở ăn uống có thể dùng thuốc hạ sốt để giảm đau theo đúng hướng dẫn, 4-6 tiếng một lần theo cân nặng của trẻ. Ngoài ra, có thể bôi các thuốc gây tê bề mặt, sát khuẩn miệng trước bữa ăn 15 phút cũng giúp giảm đau.

kha2-1373682718_500x0.jpg
Sốt virus có thể tự khỏi trong 3-4 ngày, chỉ uống kháng sinh trong trường hợp có bội nhiễm. Ảnh minh họa: N.P

Theo BS Tuấn Anh, điều quan trọng khi trẻ bị loét vùng họng là cha mẹ cần giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ. Vì đau nên nhiều trẻ thường lười uống nước, không nuốt nước bọt sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn cư trú trong vùng miệng, họng phát triển, gây bội nhiễm. Bên cạnh đó, có thể cho trẻ xúc miệng bằng nước muối sinh lý sau ăn, trước khi đi ngủ, ngủ dậy. Về chế ăn, cha mẹ nên sử dụng các thực phẩm để nguội, nấu loãng như cháo, súp, sữa…

Đồng thời, tăng cường các loại nước quả giàu vitamin, đặc biệt là C để tăng sức đề kháng cho trẻ. Nếu sức đề kháng kém, cơ thể có thể tái nhiễm lại nhiều lần, có trường hợp vừa đỡ mấy ngày đã sốt lại.

Bệnh do virus gây ra nên thường tự khỏi sau 3-4 ngày, chỉ cần điều trị triệu chứng, giảm đau. Cha mẹ lưu ý chỉ dùng kháng sinh khi có dấu hiệu bội nhiễm. Việc tự ý dùng thuốc khiến bệnh không đỡ mà thậm chí nặng hơn vì trẻ có thể bị tiêu chảy do tác dụng phụ của thuốc kháng sinh. Trẻ đang biếng ăn vì đau, cộng thêm việc đi ngoài sẽ khiến trẻ càng mệt mỏi hơn.

Việc uống nước cũng rất quan trọng, vì sốt cao cơ thể bị mất nhiều nước. Tuy nhiên, không nhất thiết phải uống oresol, trừ trường hợp trẻ đi ngoài, nôn trớ nhiều. Ngoài ra, việc truyền dịch cũng phải tuyệt đối tuân thủ theo sự chỉ định của bác sĩ. Chưa ai chứng minh việc truyền dịch có thể hạ sốt. Hơn nữa, người đang mệt mỏi mà đi truyền rất nguy hiểm, có người chết chỉ vì truyền dịch, phó giáo sư Dũng cho biết.

Biểu hiện của bệnh chủ yếu là sốt, với nhiều mức độ từ nhẹ đến rất cao. Thời gian sốt cũng có thể rất ngắn 1-2 ngày, có người thì hàng tuần. Vì thế, nhiều người cứ nghĩ phải sốt thật cao, kéo dài hàng tuần mới là sốt virus là không đúng. Ngoài ra còn có các triệu chứng toàn thân như: đau đầu, đau toàn thân, ho, chảy nước mũi, hắt hơi, nổi vết loét đỏ trong họng, đầu lưỡi hoặc dưới luõi.... Một số trường hợp có thể nôn hoặc đi ngoài (ngày 1-2 lần), thậm chí có người đau cả khớp nhưng ít gặp.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị sốt virus, điều quan trọng là cần được nghỉ ngơi, để cơ thể dồn sức thải virus ra ngoài. Vì thế, nếu trẻ vừa mới hạ sốt, cha mẹ không nên để con đi học, chạy nhảy tung tăng, nếu không bệnh sẽ lâu khỏi.Với trẻ nhỏ, nếu ngoài sốt mà không có biểu hiện bất thường nào khác thì cha mẹ chỉ cần cho uống thuốc hạ sốt. Khi có thêm những triệu chứng như chán ăn, mệt mỏi, ho, sổ mũi... thì nên đưa trẻ đi khám.

AloBacsi.vn
Theo Phương Trang - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X