Sớm nhận diện tiền tiểu đường: Ngăn chặn mầm mống hiểm họa đến tim mạch
Số người mắc tiền đái tháo đường ở Việt Nam sẽ không dừng lại, theo dự báo đến năm 2045 có khoảng 7,9 triệu người mắc mới, tăng 47% so với năm 2019. Do đó, điều quan trọng là tầm soát sớm để chủ động điều trị, tránh rơi vào thế “bị động” - giải quyết hậu quả khi đã xảy ra biến chứng. Đó là những lời khuyên hữu ích từ BS.CK2 Trần Quang Khánh - Khoa Tim mạch can thiệp - Bệnh viện Chợ Rẫy.
Phần 1: Tiền tiểu đường nguy hiểm như thế nào, ai cần tầm soát sớm?
1. Làm xét nghiệm nào để phát hiện tiền đái tháo đường?
Như bài báo cáo BS chia sẻ, với người có nguy cơ mắc tiền đái tháo đường, nên thăm khám, tầm soát căn bệnh này như thế nào? Để phát hiện sớm tiền đái tháo đường, hiện nay có những xét nghiệm nào thưa BS? Khi đi xét nghiệm chẩn đoán tiền đái tháo đường, cần lưu ý những gì để kết quả xét nghiệm được chính xác?
BS.CK2 Trần Quang Khánh trả lời: Để hiểu rõ hơn những yếu tố nguy cơ của tiền đái tháo đường, bạn có thể tìm hiểu thêm trên trang web 01minh.com (Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống).
Để chẩn đoán tiền đái tháo đường, chúng ta cần thực hiện 3 xét nghiệm gồm: xét nghiệm đường huyết lúc đói, xét nghiệm chỉ số HbA1c và nghiệm pháp dung nạp glucose. Việc người bệnh cần thực hiện xét nghiệm gì sẽ phụ thuộc vào những khuyến cáo của bác sĩ thăm khám.
Lời khuyên của tôi là người dân nên đến những cơ sở y tế để được thăm khám và thực hiện những xét nghiệm cần thiết nhằm tránh trường hợp tốn nhiều chi phí làm nhiều xét nghiệm đại trà không phù hợp hoặc không đánh giá toàn diện được tình trạng bệnh.
BS.CK2 Trần Quang Khánh - chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm, công tác tại Khoa Tim mạch can thiệp - Bệnh viện Chợ Rẫy
2. Dấu hiệu nào giúp cảnh báo bệnh tiền đái tháo đường?
Nhờ BS chia sẻ thêm, dấu hiệu nào cảnh báo bệnh tiền đái tháo đường? Trong đó, dấu hiệu nào là điển hình để nhận diện căn bệnh này thưa BS?
BS.CK2 Trần Quang Khánh trả lời: Bệnh tiền đái tháo đường hầu như không gây ra triệu chứng gì ở giai đoạn sớm. Bởi trong giai đoạn này, những biến đổi được phát hiện chủ yếu dựa trên những xét nghiệm mà người bệnh được thực hiện.
Vì vậy, người có những yếu tố nguy cơ nên thăm khám, theo dõi sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm tiền đái tháo đường. Nếu xuất hiện những triệu chứng trên lâm sàng thì có nghĩa bạn đã diễn tiến sang tình trạng nặng. Khi đó, bạn sẽ có ít cơ hội để điều trị triệt để hay thoái lui tình trạng bệnh vì phát hiện muộn.
3. Liệu có phải ai bị tiền đái tháo đường đều phát triển bệnh đái tháo đường?
Diễn tiến từ tiền đái tháo đường chuyển thành đái tháo đường sẽ xảy ra như thế nào? Có phải tất cả mọi người bị tiền đái tháo đường sẽ phát triển bệnh đái tháo đường không thưa BS?
BS.CK2 Trần Quang Khánh trả lời: Đối với người bệnh tiền đái tháo đường, việc chuyển sang đái tháo đường chỉ khác biệt nhau trên phương diện có thay đổi về chỉ số xét nghiệm.
Đôi khi, người bệnh không có biểu hiện trên lâm sàng gì để cảnh báo bệnh. Do đó, những thay đổi trên chỉ số xét nghiệm mới có thể giúp chẩn đoán tiền đái tháo đường hay đái tháo đường.
Riêng việc người bị tiền đái tháo đường có chuyển sang đái tháo đường hay không sẽ phụ thuộc người bệnh. Nếu bệnh nhân tuân thủ tốt việc thay đổi lối sống, chế độ ăn uống và điều trị bằng thuốc theo khuyến cáo thì sẽ hạn chế được nguy cơ diễn tiến sang đái tháo đường. Mặt khác, nếu người bệnh không thay đổi phương pháp điều chỉnh lối sống, cũng như không có chế độ điều chỉnh thuốc hợp lý thì hiển nhiên sẽ phát triển đái tháo đường trong tương lai.
4. Mất bao lâu để tiền đái tháo đường chuyển sang đái tháo đường thực sự?
Nếu tiền đái tháo đường không được kiểm soát, mất bao lâu để chuyển sang đái tháo đường thực sự? Những thói quen hay yếu tố nào sẽ “đốt cháy” giai đoạn tiến triển này?
BS.CK2 Trần Quang Khánh trả lời: Những nghiên cứu trên thế giới cho thấy, nếu người bệnh tiền đái tháo đường không được điều trị thì tỷ lệ diễn tiến sang đái tháo đường là 11% trong năm đầu tiên. Tỷ lệ này sẽ tăng lên từ 15 - 30% trong vòng 5 năm sau đó và có thể lên đến 50% trong vòng 10 năm nếu như người bệnh có tiền đái tháo đường không được điều trị phù hợp.
Một số thói quen sinh hoạt có thể ảnh hưởng lên người bệnh tiền đái tháo đường như hút thuốc lá, ít vận động hoặc chế độ ăn nhiều năng lượng. Nếu người bệnh không thay đổi những lối sống dù đã biết mình mắc tiền đái tháo đường thì sẽ càng dễ diễn tiến nhanh đến đái tháo đường trong tương lai gần so với người bệnh tuân thủ việc thay đổi lối sống và điều trị thích hợp.
5. Người bệnh tiền đái đường liệu có cần uống thuốc suốt đời?
Điều trị sớm tiền đái tháo đường mang lại những lợi ích gì cho người bệnh? Người bệnh tiền đái tháo đường có phải uống thuốc suốt đời như người bệnh đái tháo đường thưa BS?
BS.CK2 Trần Quang Khánh trả lời: Người bệnh tiền đái tháo đường nếu được điều trị hợp lý bằng cách thay đổi lối sống, chế độ sinh hoạt và dùng thuốc phù hợp thì có thể trở về mức đường huyết bình thường. Chính việc đường huyết bình thường sẽ hạn chế việc xuất hiện những biến chứng không mong muốn như xơ vữa động mạch; ảnh hưởng đến thận, mắt, võng mạc hoặc cắt cụt chi. Do đó, việc chúng ta điều trị sớm sẽ giúp hạn chế xuất hiện những biến chứng không mong muốn của tiền đái tháo đường gây ra.
Khi người bệnh điều trị tiền đái tháo đường đã đạt được mức đường huyết đã trở về bình thường, nếu họ vẫn tiếp duy trì được chế độ sinh hoạt, ăn uống và tập luyện hợp lý thì có thể ngưng thuốc trong giai đoạn đầu và tiếp tục theo dõi nhằm giúp cho mức đường huyết ổn định, hạn chế việc tiến triển những biến chứng không mong muốn của tiền đái tháo đường.
Ngược lại, nếu bệnh nhân vẫn “ngựa quen đường cũ” trở về lối sống giống như trước khi điều trị thì không thể ngưng thuốc, bởi bệnh tiền đái tháo đường tiến triển nặng nề hơn.
6. Chế độ ăn uống của người bệnh tiền đái tháo đường có nghiêm ngặt hơn so với người đái tháo đường?
Chế độ ăn uống của người bệnh tiền đái tháo đường có bớt nghiêm ngặt hơn so với người đái tháo đường, thưa BS? Nếu có thể “nới lỏng” hơn, vậy có thể đến mức độ nào?
BS.CK2 Trần Quang Khánh trả lời: Thực tế, tiền đái tháo đường hay đái tháo đường chỉ là khái niệm giúp phân biệt được thời gian bệnh nhân có tình trạng đường huyết tăng cao sớm hay muộn. Chính vì vậy, những điều chỉnh lối sống như thay đổi chế độ ăn uống, cũng như tập luyện là hoàn toàn giống nhau giữa người bệnh tiền đái tháo đường và người đái tháo đường.
7. Vì sao giảm vòng eo là yếu tố quan trọng trong điều trị tiền đái tháo đường?
Lâu nay, nhiều người bệnh thường có xu hướng chỉ quan tâm đến cân nặng, ít chú ý đến vòng eo. Thưa BS, vì sao giảm vòng eo lại là một yếu tố quan trọng trong điều trị, kiểm soát đường huyết ở người bệnh tiền đái tháo đường? Để giảm vòng eo hiệu quả, người bệnh có thể áp dụng những phương pháp nào?
BS.CK2 Trần Quang Khánh trả lời: Vòng eo sẽ liên quan đến lượng mỡ thừa trong cơ thể. Ông bà ta cũng có câu “vòng bụng càng to, vòng đời càng ngắn”. Trên thực tế, các nghiên cứu cũng chứng minh rằng người có vòng eo quá to sẽ lượng mỡ thừa trong nội tạng quá cao, từ đó gây ra những biến cố liên quan đến xơ vữa động mạch.
Ngoài ra, người có vòng eo quá cỡ nếu có kèm theo bệnh tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường thì tình trạng đề kháng insulin cũng sẽ cao hơn với người bình thường. Do đó, khi người bệnh sử dụng thuốc tác động lên insulin, việc có quá nhiều mỡ trong nội tạng cũng sẽ làm giảm bớt tác dụng của thuốc.
Chỉ số khối cơ thể BMI (được tính dựa trên cân nặng và chiều cao) cũng là một trong những yếu tố giúp chẩn đoán tiền đái tháo đường. Tuy nhiên, chỉ số khối cơ thể có một điểm bất lợi là không thể tính được lượng mỡ trong toàn bộ cơ thể bởi con số đưa ra chỉ dựa trên toàn bộ cân nặng nên nếu người bệnh có lượng cơ u hay lượng xương quá nhiều thì cũng ảnh hưởng lên chỉ số BMI. Do đó, việc đánh giá tiền đái tháo đường bằng chỉ số BMI sẽ hạn chế hơn so với việc dựa trên số đo vòng eo.
Để giảm vòng eo hiệu quả, chúng ta cần có sự thay đổi trong chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp. Bên cạnh đó, người bệnh có thể cần điều trị bằng thuốc nếu được đánh giá có lượng mỡ thừa trong cơ thể quá cao.
Một số người thắc mắc rằng liệu có thể phẫu thuật thẩm mỹ hút bớt lượng mỡ bụng có thể làm giảm lượng mỡ nội tạng hay không. Trên thực tế lâm sàng, mỡ thừa và mỡ nội tạng không có mối quan hệ song hành như chúng ta nghĩ.
Người có vòng eo to sẽ liên quan đến việc lượng mỡ thừa trong cơ thể nhiều. Việc họ làm giảm vòng eo bằng phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ chỉ là cách rút ngắn giai đoạn nhằm giúp họ có ngoại hình đẹp hơn chứ không làm giảm đi được lượng mỡ nội tạng - tác nhân gây ra những bệnh lý về tim mạch do xơ vữa hay những rối loạn chuyển hoá trong cơ thể. Chính vì vậy, hút mỡ bụng không phải là biện pháp giúp điều trị tận gốc nguyên nhân gây tiền đái tháo đường - mỡ nội tạng.
8. Điều trị tiền đái tháo đường bằng thuốc nào?
Hiện nay có những loại thuốc nào được sử dụng để điều trị tiền đái tháo đường? Người bệnh được chỉ định dùng thuốc trong những trường hợp nào?
BS.CK2 Trần Quang Khánh trả lời: Người bệnh tiền đái tháo đường không chỉ đơn thuần bị tiền đái tháo đường mà còn có thể có những yếu tố nguy cơ khác kèm theo như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu… Vì vậy, người bệnh nên tìm gặp bác sĩ để được đánh giá toàn diện, từ đó giúp tìm ra phương pháp điều trị hợp lý và quản lý toàn diện những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng sức khoẻ.
Hiện, có 3 phương pháp chính để điều trị tiền đái tháo đường gồm: thay đổi lối sống, chế độ tập luyện; sử dụng thuốc và phẫu thuật.
Người bệnh được khuyến cáo dùng thuốc khi đã thay đổi lối sống tích cực trong vòng 3 tháng nhưng không mang lại hiệu quả kiểm soát đường huyết như mong đợi. Việc bệnh nhân nên sử dụng thuốc gì cần được bác sĩ chuyên khoa chỉ định cụ thể, không chỉ kiểm soát đường huyết mà còn kiểm soát những yếu tố nguy cơ khác như mỡ trong máu, cao huyết áp,…
9. Người bệnh có được tự dừng thuốc khi điều trị đường huyết ổn định?
Khi điều trị đường huyết ổn định, người bệnh có được tự dừng thuốc? Vì sao?
BS.CK2 Trần Quang Khánh trả lời: Việc điều trị tiền đái tháo đường bao gồm thay đổi lối sống và sử dụng thuốc. Nếu người bệnh vẫn duy trì chế độ thay đổi lối sống và tập luyện hợp lý, việc dùng thuốc đã đạt được hiệu quả như mong muốn thì việc dừng thuốc là hợp lý.
Tuy nhiên, nếu người bệnh dừng thuốc nhưng không tiếp tục duy trì lối sống lành mạnh mà trở về lối sống như trước khi điều trị thì có thể làm cho đường huyết gia tăng. Như vậy, việc dừng thuốc sẽ không những không mang lại hiệu quả mà còn có thể gây ra những hệ luỵ nặng nề hơn.
10. Người có tiền căn đái tháo đường thai kỳ sau bao lâu cần kiểm tra lại đường huyết?
Tiền căn đái tháo đường thai kỳ, sau khi sinh bao lâu cần kiểm tra lại đường huyết và thăm khám với bác sĩ Nội tiết - Tiểu đường?
BS.CK2 Trần Quang Khánh trả lời: Theo khuyến cáo của Bộ Y tế năm 2020, người mắc đái tháo đường thai kỳ nên thực hiện kiểm tra đường huyết với bác sĩ chuyên khoa mỗi 3 năm/lần.
11. Người bệnh tiền đái tháo đường cần quan tâm vấn đề gì khi mang thai?
Với phụ nữ phát hiện tiền đái tháo đường trước đó, khi mang thai cần quan tâm những vấn đề nào để an toàn cho mẹ và bé? Mang thai có phải là “yếu tố” khiến cho tiền đái tháo đường chuyển thành đái tháo đường?
BS.CK2 Trần Quang Khánh trả lời: Trong thai kỳ, người bệnh tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường sẽ có nguy cơ gặp biến cố cao so với người bình thường. Do đó, việc theo dõi phụ nữ mang thai có tiền căn tiền đái tháo đường cần phải sát sao hơn. Đồng thời, việc theo dõi cần có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa như sản phụ khoa và khoa nội tiết để đưa ra những liệu trình thăm khám, đánh giá hợp lý hơn cho người bệnh tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường trong thai kỳ.
Việc sử dụng thuốc trong quá trình mang thai cũng sẽ có một vài khác biệt so với trước khi mang thai. Chính vì vậy, ngay khi người bệnh tiền đái tháo đường phát hiện mình đang mang thai thì nên đến khám tại một bác sĩ nội tiết hoặc bác sĩ sản phụ khoa để biện pháp điều trị phù hợp, hạn chế những nguy cơ ảnh hưởng đến cả mẹ và bé.
12. Mục tiêu đường huyết ở phụ nữ mang thai mắc tiền đái tháo đường có gì khác với những nhóm khác?
Điều trị tiền đái tháo đường trong giai đoạn mang thai như thế nào? Mục tiêu đường huyết ở phụ nữ mang thai mắc tiền đái tháo đường là bao nhiêu, có thay đổi so với những nhóm người khác?
BS.CK2 Trần Quang Khánh trả lời: Người bệnh tiền đái tháo đường dù có mang thai hay không thì mục tiêu kiểm soát đường huyết cũng đều tương tự như nhau. Vấn đề mà người bệnh cần quan tâm đó việc sử dụng thuốc có thể đem đến một số ảnh hưởng trong thai kỳ. Vì vậy, chúng ta cần phải có sự phối hợp đa chuyên khoa để giải quyết những vấn đề trên người tiền đái tháo đường mang thai.
13. Điều trị, kiểm soát tiền đái tháo đường ở người có bệnh lý khác kèm theo khác biệt thế nào?
Điều trị, kiểm soát tiền đái tháo đường ở người không có bệnh lý khác kèm theo khác biệt như thế nào với người có bệnh lý kèm theo ạ?
BS.CK2 Trần Quang Khánh trả lời: Nhìn chung, người bệnh tiền đái tháo đường chỉ có vấn đề về tiền đái tháo đường mà còn có thể có thể các yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp, mỡ máu cao,… Vì vậy, chúng ta cần phải đánh giá toàn diện những yếu tố nguy cơ khác liên quan đến bệnh lý tim mạch do xơ vữa.
Vấn đề điều trị, kiểm soát tiền đái tháo đường khác nhau thế nào tùy thuộc mục tiêu kiểm soát, chẳng hạn như chỉ số mỡ máu, chỉ số huyết áp hay chỉ số đường huyết. Một điều cần lưu ý là chúng ta cần biết được thuốc điều trị tiền đái tháo đường tương tác với những thuốc điều trị bệnh lý khác như thế nào để có thể lựa chọn được thuốc phù hợp nhất.
Nếu như người bệnh chỉ đơn thuần có tiền đái tháo đường và không có những bệnh lý khác thì mục tiêu điều trị cũng sẽ “đỡ” khắt khe hơn so với việc có nhiều yếu tố nguy cơ.
14. Người bệnh tiền đái tháo đường cần làm xét nghiệm gì để tầm soát nguy cơ tim mạch, đột quỵ?
Ngăn ngừa biến chứng mạch máu, bệnh tim mạch xơ vữa ngay từ giai đoạn tiền đái tháo đường như thế nào? Người bệnh tiền đái tháo đường cần làm xét nghiệm gì để tầm soát nguy cơ tim mạch, đột quỵ? Bao lâu nên kiểm tra một lần?
BS.CK2 Trần Quang Khánh trả lời: Bệnh lý tim mạch do xơ vữa là một trong những nguy cơ chủ yếu của người bệnh tiền đái tháo đường. Người bệnh khi phát hiện mình có tiền đái tháo đường thì nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa nội tiết và tim mạch để tìm hiểu mình có bao nhiêu yếu tố nguy cơ. Dựa trên những yếu tố nguy cơ đó mà bác sĩ sẽ chỉ định những xét nghiệm cần thiết giúp tầm soát các biến cố nguy hiểm có thể xảy ra. Vì vậy, không có lời khuyên chung nào dành cho người bệnh tiền đái tháo đường nên làm những xét nghiệm gì để tầm soát bệnh lý tim mạch do xơ vữa cả.
15. Người bệnh tiền đái tháo đường cần thực hiện theo dõi đường huyết tại nhà như thế nào?
Để kiểm soát bệnh hiệu quả, người bệnh tiền đái tháo đường, cần thực hiện theo dõi đường huyết tại nhà như thế nào, thưa BS? Nhờ BS hướng dẫn các bước kiểm tra đường huyết và những lưu ý quan trọng khi thử đường huyết tại nhà? Nên đo đường huyết vào lúc nào là tốt nhất, thưa BS?
BS.CK2 Trần Quang Khánh trả lời: Để đánh giá, kiểm soát tiền đái tháo đường, chúng ta cần dựa vào 3 thông số gồm: chỉ số HbA1c, chỉ số đường huyết lúc đói và chỉ số rối loạn dung nạp.
Tuy nhiên, việc theo dõi đường huyết tại nhà chỉ có thể thực hiện khi chúng ta theo dõi chỉ số đường huyết lúc đói. Chính vì vậy, lời khuyên cho bệnh nhân tiền đái tháo đường là nên tự sắm cho mình máy theo dõi đường huyết tại nhà.
Một điều cần lưu ý là chúng ta nên theo dõi đường huyết tại nhà vào sáng sớm khi đang đói. Để có được kết quả chính xác, người bệnh nên nhịn ăn từ 8 - 12 giờ trước khi thực hiện việc lấy máu để làm xét nghiệm đường huyết.
Những thông số mà máy giúp đo đường huyết ở nhà ghi nhận được cũng không khác biệt quá nhiều so với việc xét nghiệm tại bệnh viện. Do đó, những thông số này là một cơ sở gợi ý cho người bác sĩ có những dữ kiện để điều chỉnh thuốc hợp lý.
Việc đánh giá cụ thể hơn sẽ được thực hiện tại cơ sở y tế. Khi bệnh nhân đến tái khám định kỳ, bác sĩ sẽ đánh giá chỉ số đường huyết, chỉ số HbA1c hay thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose để đánh giá toàn diện hơn, từ đó mang lại hiệu quả kiểm soát tốt hơn.
16. Người bệnh tiền đái tháo đường cần làm gì ngay từ khi phát hiện bệnh?
Cuối chương trình, nhờ BS chia sẻ một lần nữa: để ngăn chặn tiền đái tháo đường chuyển thành đái tháo đường, người bệnh cần làm gì ngay từ khi phát hiện bệnh?
BS.CK2 Trần Quang Khánh trả lời: Mối nguy hiểm từ tiền đái tháo đường là rất lớn nếu chúng ta không có chế độ điều trị và theo dõi hợp lý. Chính vì vậy, một khi người bệnh đã được chẩn đoán tiền đái tháo đường thì việc cần làm đó là thay đổi lối sống, tập luyện hợp lý và tuân thủ việc tái khám với bác sĩ chuyên khoa giúp kiểm soát mức đường huyết đưa về mức bình thường, giảm thiểu đến mức thấp nhất những biến chứng không mong muốn do tình trạng tiền đái tháo đường gây ra.
Trân trọng cảm ơn chuỗi Nhà thuốc Long Châu và Merck healthcare Việt Nam đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình