Hotline 24/7
08983-08983

Số người tử vong do khói bụi cao hơn nhiều so với COVID-19

Theo các nhà khoa học, aerosol được hình thành từ các hạt bụi mịn đã góp phần làm tăng tỷ lệ tử vong. Ước tính gây ra 9 triệu ca tử vong trên toàn cầu trong năm 2019.

Đây là thông tin được chia sẻ tại tọa đàm "Ô nhiễm không khí và giao thông: cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới" diễn ra trong sáng 5/12/2024.

PGS Hồ Quốc Bằng - Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, các nguồn gây ô nhiễm không khí của hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM chủ yếu là từ sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải... góp 74% bụi mịn PM2.5, cùng với các khí như NOx, CO, và SO2.

Theo số liệu thống kê vào năm 2022, Hà Nội, với khoảng 8,5 triệu dân có hơn 6 triệu xe máy, 690.000 ô tô, cùng khoảng 2.000 nhà máy. Kiểm kê phát thải dùng mô hình emisen ở Hà Nội cho thấy giao thông có tỷ lệ phát thải lớn nhất, còn lại sản xuất công nghiệp phát thải 39%.

Tương tự, TPHCM với hơn 9 triệu dân, có gần 7,4 triệu xe máy và 400.000 ô tô và 2780 cơ sở công nghiệp phát thải. Trong đó, giao thông cũng là nguồn phát thải đáng kể aerosol. Các hoạt động đốt sinh khối, sản xuất công nghiệp và vận tải biển cũng góp phần không nhỏ.

Theo GS Yafang Cheng - Viện nghiên cứu Hóa học Max Planck (Đức), khi chúng ta hít thở sâu là hít hàng triệu hạt bụi mịn trong không khí. Aerosol được hình thành từ các hạt bụi mịn, khó nhìn thấy nhưng đã góp phần làm tăng tỷ lệ tử vong trên toàn cầu.

Số liệu thống kê vào năm 2019 cho thấy, Aerosol đã góp phần khiến khoảng 9 triệu người ở độ tuổi trẻ tử vong. So với 7 triệu người chết vì đại dịch COVID-19 thì con số này cho thấy ô nhiễm không khi đang là vấn đề vô cùng cấp bách, cần phải được giải quyết nhanh chóng.

GS Cheng nhấn mạnh, các hạt aerosol sinh ra từ giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, và các phản ứng quang hóa trong không khí đã làm tăng sự tích tụ các hạt này trong tầng khí quyển. Trong mùa đông khi nhiệt độ thấp hạt aerosol gây nên hiện tượng sương mù. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Tại tọa đàm các nhà khoa học cũng chỉ ra, để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí cần phát triển công cụ tiên tiến, xây dựng mạng lưới giám sát, quan trắc tự động, sử dụng thiết bị vệ tinh và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo theo dõi chất lượng không khí trên Trái Đất.

Ô nhiễm không khí ở Việt Nam

Ô nhiễm không khí làm cho mọi người phải tiếp xúc với các hạt mịn trong không khí bị ô nhiễm. Các hạt mịn này thâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch, gây ra các bệnh đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Các ngành công nghiệp, giao thông vận tải và nhà máy nhiệt điện chạy than cùng với việc sử dụng nhiên liệu rắn là các nguồn chủ yếu gây ra ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí tiếp tục gia tăng với tốc độ đáng báo động và ảnh hưởng tới các nền kinh tế và chất lượng cuộc sống của con người.  

Ô nhiễm không khí đe dọa sức khỏe của người dân ở khắp mọi nơi trên thế giới. Ước tính mới đây năm 2018 cho thấy rằng 9/10 người dân phải hít thở không khí chứa hàm lượng các chất gây ô nhiễm cao. Ô nhiễm không khí cả ở bên ngoài và trong nhà gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong hàng năm trên toàn cầu; chỉ tính riêng khu vực Tây Thái Bình Dương, khoảng 2,2 triệu người tử vong mỗi năm. Ở Việt Nam, khoảng 60.000 người chết mỗi năm có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X