Sa sút trí tuệ sau đột quỵ: có thể phòng ngừa được bằng cách loại trừ yếu tố nguy cơ và bổ sung cơ chất giúp giảm tổn thương não
Hai bài báo cáo từ hai chuyên gia đầu ngành đến từ TPHCM và Huế: TS.BS Trần Công Thắng và PGS.TS Nguyễn Đình Toàn về sa sút trí tuệ sau đột quỵ đã chỉ rõ cơ chế bệnh sinh, tiêu chuẩn chẩn đoán và các hướng điều trị, phối hợp thuốc điều trị sa sút trí tuệ, và quan trọng là phương pháp dự phòng hậu quả này ở người bệnh đột quỵ.
Tại phiên toàn thể của Hội nghị Khoa học Thần kinh quốc tế Việt Mỹ 2024, TS.BS Trần Công Thắng - Chủ tịch Hội Alzheimer và Rối loạn Thần kinh nhận thức đã trình bày đề tài “Quản lý toàn diện sa sút trí tuệ sau đột quỵ”. Đây là bệnh lý nằm trong nhóm sa sút trí tuệ mạch máu và đứng hàng thứ 2 sau Alzheimer.
Tỷ lệ sa sút trí tuệ sau đột quỵ (Post-stroke dementia - PSD) rất cao, trên thế giới từ 30-60% (tùy theo thống kê ở các trung tâm), còn ở Việt Nam theo nghiên cứu khoảng 40-50%. Điều đặc biệt là tình trạng này ngày càng diễn tiến nặng theo thời gian và làm tăng nguy cơ tử vong cho bệnh nhân, ngoài ra còn ảnh hưởng nhiều đến đời sống kinh tế-xã hội của bệnh nhân và gia đình.
Bài báo cáo của TS Thắng đã nói cụ thể từ giới thiệu sa sút trí tuệ (SSTT) sau đột quỵ, cách phòng ngừa và điều trị bệnh này.
Sau khi đưa ra tiêu chuẩn chẩn đoán, các thang điểm đánh giá nhận thức của bệnh nhân sau đột quỵ, mối liên quan giữa SSTT và bệnh lý mạch máu não, TS Thắng đưa ra những biện pháp phòng ngừa SSTT sau đột quỵ, bao gồm thời điểm điều trị và những yếu tố nguy cơ cần loại bỏ.
Có 2 yếu tố làm tăng PSD đó là đột quỵ tái phát (thứ phát) và suy giảm nhận thức trước đột quỵ, do đó cần tiến hành điều trị sớm để phòng ngừa, nếu chờ đợi biểu hiện lâm sàng rõ ràng đôi khi là quá muộn. Điều trị bằng cách loại bỏ yếu tố nguy cơ (ngưng hút thuốc, thay đổi lối sống, điều trị tăng huyết áp, điều chỉnh lối sống). Đặc biệt, phòng ngừa đột quỵ tái phát là điều cực kỳ quan trọng để ngăn chặn PSD.
Về điều trị trị SSTT sau đột quỵ thì điều trị suy giảm nhận thức bằng một số loại thuốc đến nay vẫn chưa có sự đột phá.
Điều trị suy giảm chức năng bao gồm: Phục hồi chức năng vận động cơ thể (tiến hành tại phòng vật lý trị liệu), thực hiện các sinh hoạt cá nhân (vật lý trị liệu tại nhà, huấn luyện người nhà), tham gia vào cuộc sống (cần có chuyên viên ngôn ngữ, nghề nghiệp,…).
Ngoài ra còn, kích thích não bằng từ trường xuyên sọ là một liệu pháp mới được đề cập gần đây.
Tuy có nhiều cố gắng điều trị nhưng theo một số nghiên cứu đánh giá thể tích não thì kết quả cho thấy não vẫn tiếp tục teo (tổn thương) sau khi đột quỵ xảy ra. Điều này được một số nhà khoa học giải thích là do sụt giảm nồng độ acetylcholine (ACh) sau tình trạng thiếu máu não hoàn toàn, và nếu chúng ta đưa ACh vào kịp thời sẽ giúp giảm tổn thương não, đồng thời giảm nguy cơ PSD về sau.
Ngoài ra, sau khi đột quỵ xảy ra, não có hiện tượng tái sinh thần kinh nhưng não vẫn teo, lý do vì sao? Đây là câu hỏi thúc đẩy các nghiên cứu tìm ra chất bổ sung cơ chất choline alfoscerate giúp làm tăng chiều dài sợi thần kinh, đồng thời làm tăng những chất dinh dưỡng thần kinh xuất phát từ não. Từ đó, họ tiếp tục nghiên cứu, phát triển thuốc điều trị dựa trên cơ chế này.
TS.BS Trần Công Thắng đi đến kết luận những nguyên nhân dẫn đến PSD là nhóm nguyên nhân có thể phòng ngừa được, thậm chí khi đột quỵ xảy ra, nếu chúng ta dùng những cơ chất bổ trợ sẽ giúp cho việc phòng ngừa tình trạng tổn thương não, hỗ trợ quá trình tăng sinh tế bào thần kinh và phòng ngừa PSD.
Ở phiên buổi chiều cùng ngày, tại hội trường 2, PGS.TS Nguyễn Đình Toàn - Giám đốc trung tâm Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện trường ĐHYD Huế cũng có bài báo cáo: “Sa sút trí tuệ sau đột quỵ”.
Sau khi đi qua các nội dung nhận diện PSD, tiêu chuẩn chẩn đoán, đánh giá suy giảm nhận thức sau đột quỵ, cơ chế bệnh sinh, PGS đề cập tới điều trị, bao gồm: quản lý tích cực các yếu tố nguy cơ tiền đột quỵ, điều trị sớm và tối ưu cho đột quỵ khi xảy ra, phục hồi chức năng thần kinh sớm.
Tiếp theo là các giai đoạn can thiệp điều trị SSTT sau đột quỵ, các thuốc điều trị giai đoạn lâm sàng và tiền lâm sàng SSTT.
Trong đó, PGS Toàn đề cập đến khuyến cáo của Hội Phục hồi chức năng thần kinh Đức hướng, về việc sử dụng Cerebrolysin trong giai đoạn cấp và bán cấp của đột quỵ ở những bệnh nhân bị suy giảm vận động chi trên, lý tưởng là 24 đến 72 giờ sau đột quỵ, tiêm tĩnh mạch, hàng ngày, trong 21 ngày (nếu dung nạp).
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị SSTT 2018 cập nhật 2023 của Hội bệnh Alzheimer và RLTK nhận thức Việt Nam cũng có đưa ra khuyến cáo: trên SSTT mạch máu mức độ nhẹ đến trung bình, Cerebrolysin có cải thiện lên chức năng nhận thức và chức năng tổng thể.
Ở phần kết luận, PGS Toàn đúc kết: Sa sút trí tuệ có thể biểu hiện ngay từ những tháng đầu tiên trên 1/3 số người sống sót sau đột quỵ, cùng nhiều gánh nặng đối với bệnh nhân, gia đình và xã hội.
Nhận diện và điều trị sớm SSTT sau đột quỵ giúp cải thiện chất lượng sống và giảm tàn phế cho bệnh nhân. Bên cạnh các thuốc kháng men Cholineterase, Cerebrolysine và N-PEP-12 (Cebrium) giúp tối ưu hóa việc cải thiện tình trạng suy giảm nhận thức và phục hồi chức năng thần kinh cho bệnh nhân sau đột quỵ
>> Gần 1.000 bác sĩ tham dự Hội nghị Khoa học Thần kinh quốc tế Việt Mỹ 2024 tại Vĩnh Long
>> Chuyển dạng chảy máu não: biến chứng cần cân nhắc khi điều trị tái thông đột quỵ nhồi máu não
Hội nghị Khoa học Thần kinh quốc tế Việt Mỹ 2024 do Sở Y tế Vĩnh Long phối hợp với Hội Thần kinh học Tiền Giang tổ chức, đón nhận hơn 1.000 đại biểu tham dự (trực tiếp và trực tuyến) cùng những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Thần kinh học tại Việt Nam và trên thế giới tham gia báo cáo. Hội nghị diễn ra trong hai ngày 13 và 14/7/2024, tại TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long), nội dung bàn luận tập trung vào chủ đề “Cập nhật chẩn đoán và điều trị Đột quỵ - Đau - Các bệnh Thần kinh và các bệnh liên quan đến Thần kinh”, diễn ra tại 3 hội trường với 1 phiên toàn thể, 14 phiên khoa học, tổng 69 bài báo cáo (14 bài báo cáo nước ngoài), cùng 1 workshop. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình