Hotline 24/7
08983-08983

Phát hiện lao hồi manh tràng từ triệu chứng ăn không ngon miệng, ớn lạnh về chiều

Ngày 21/10/2024, Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh thông tin về trường hợp một nữ bệnh nhân đến khám với các biểu hiện ăn không ngon miệng, ớn lạnh về chiều, ho đàm vướng cổ về đêm kéo dài khoảng 4 tháng. Kết quả khám bệnh phát hiện tình trạng lao hồi manh tràng.

Bệnh nhân P.T.H.Q (nữ, 43 tuổi) có tiền căn thoát vị đĩa đệm và từng nhiễm COVID-19. Người bệnh đến khám sức khỏe tổng quát tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh.

Qua hình ảnh chụp cắt lớp vi tính liều thấp (LDCT) phổi, bác sĩ phát hiện phổi của người bệnh có tổn thương đông đặc, kính mờ thùy trên 2 phổi, phân thùy S4, S10 phổi phải, khả năng viêm phổi, lao phổi. Bệnh nhân còn có nốt đóng vôi thùy trên phổi trái.

Các tổn thương phổi thể hiện trên hình ảnh chụp cắt lớp vi tính liều thấp (Ảnh: Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh)

Bên cạnh đó, kết quả nội soi đại tràng cho thấy, người bệnh có vết loét 1,5cm ở đoạn cuối hồi tràng. Bác sĩ đã chỉ định sinh thiết vết loét soi AFB (nhuộm soi trực tiếp tìm Acid - Fast - Bacilli) và giải phẫu bệnh.

Sau khi thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, bệnh nhân được kết luận mắc lao hồi manh tràng và lên phác đồ điều trị.

Kết quả nội soi cho thấy tổn thương loét đoạn cuối hồi tràng (Ảnh: Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh)

TS.BS Cao Xuân Thục - Phó Tổng giám đốc Hệ thống Đa khoa Ngọc Minh cho biết, lao hồi manh tràng là tình trạng tổn thương ruột do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây ra, được gọi là bệnh lao ngoài phổi. Bệnh lý này thường xảy ra sau khi vi khuẩn lao gây nhiễm trùng ở một vị trí khác (như phổi) và lây lan đến ruột.

Bác sĩ cũng cảnh báo bệnh lao hồi manh tràng có diễn tiến âm thầm, dấu hiệu thường không đặc hiệu trong giai đoạn khởi phát. Trong giai đoạn toàn phát, bệnh gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng như sốt về chiều, ăn kém, đau bụng, buồn nôn, sụt cân, rối loạn đại tiện, viêm loét gây xuất huyết tiêu hoá, hoặc có thể gây tắc ruột… cần được chẩn đoán và điều trị sớm.

Để dự phòng lao ruột, TS.BS Cao Xuân Thục khuyến cáo người dân cần giữ vệ sinh ăn uống, sinh hoạt; không sử dụng sữa bò tươi chưa qua xử lý; tránh tiếp xúc, ăn uống chung với người bệnh lao. Khi có các biểu hiện nghi ngờ, cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh để biến chứng nặng gây nguy hiểm cho bản thân và tránh lây lan cho cộng đồng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X