Phân biệt các biểu hiện dị ứng và sốc phản vệ để xử trí kịp thời
Theo ThS.BS.CK2 Trần Lê Mai Thảo - Chuyên gia da liễu thẩm mỹ và dị ứng miễn dịch, Giảng viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, việc nhận biết dấu hiệu và điều trị kịp thời các dấu hiệu dị ứng - sốc phản vệ có thể giúp bệnh nhân hạn chế được các biến chứng và tránh được chuyển biến nguy hại đến tính mạng.
Phân loại dị ứng
Dị ứng (quá mẫn) là tình trạng do đáp ứng quá mức của hệ miễn dịch với một chất lạ từ bên ngoài (dị ứng nguyên), gây tổn hại, khó chịu và đôi khi có thể gây tử vong cho người bệnh.
Ví dụ khi bị muỗi chích, sẽ có người bị ngứa ít và có người bị ngứa nhiều. Những người bị ngứa nhiều là do hệ miễn dịch đáp ứng quá mức với nộc của muỗi. Quá mẫn có biểu hiện các phản ứng bệnh lý khi cơ thể tiếp xúc với kháng nguyên đặc hiệu từ lần thứ hai trở đi.
“Về phân loại dị ứng sẽ có 4 nhóm, trong đó 3 nhóm đầu được gọi chung là quá mẫn sớm bao gồm type 1 là quá mẫn do IgE, được chia làm 2 loại là phản vệ và bệnh cơ địa; type 2 là quá mẫn gây độc tế bào qua trung gian kháng thể; type 3 là quá mẫn do phức hợp miễn dịch lắng đọng ở cơ quan và gây bệnh tại chỗ. Nhóm còn lại, type 4 được gọi là quá mẫn muộn.
Trong nhóm quá mẫn sớm là sự kết hợp của kháng nguyên và kháng thể, còn đối với quá mẫn muộn sẽ liên quan đến tế bào lympho T.
Quá mẫn sớm type 1 được định nghĩa là xảy ra nhanh, dưới 30 phút và có 2 biểu hiện chính là biểu hiện tại chỗ và toàn thân.
Biểu hiện tại chỗ, ví dụ như dị ứng nguyên xâm nhập vào mắt của chúng ta, có biểu hiện là mắt chúng ta sẽ đỏ lên”, ThS.BS.CK2 Trần Lê Mai Thảo thông tin.
Tình trạng quá mẫn nếu xâm nhập vào mũi người bệnh sẽ có những triệu chứng ở mũi, khi xâm nhập vào đường hô hấp dưới sẽ có những biểu hiện ở phế quản, nếu những dị ứng nguyên xâm nhập ở da sẽ có biểu hiện ngứa đỏ ở da. Nếu có phản ứng trên toàn thân và biểu hiện nặng nề, tình trạng này sẽ được gọi là sốc phản vệ và có nguy cơ tử vong rất cao.
Dị ứng type 1 là tình trạng thường gặp nhất trong đa số các trường hợp
Các nguyên nhân có thể gây ra quá mẫn type 1:
- Tiêm vắc xin;
- Phấn hoa;
- Dị ứng các loại thuốc (các loại kháng sinh, thuốc tê tại chỗ);
- Các loại thức ăn (hạt, đậu, hải sản, trứng, sữa,…);
- Côn trùng đốt (ong, kiến, mạt bụi nhà);
- Các nguyên nhân khác (dị ứng lông động vật, cao su latex,..)…
“Cơ chế của dị ứng type 1 có 2 giai đoạn, đầu tiên là chất lạ (dị ứng nguyên) sẽ xâm nhập vào bên trong dẫn đến việc cơ thể sản xuất lại các kháng thể IgE để chống lại. Kháng thể IgE sẽ gắn lên tế bào mast và nằm yên, với lần tiếp xúc đầu tiên sẽ không có triệu chứng.
Tuy nhiên, nếu lần thứ hai tiếp xúc với dị ứng nguyên sẽ có sự tiếp xúc giữa kháng nguyên và kháng thể có sẵn trên tế bào mast, làm vỡ tế bào mast và phóng thích các hạt bên trong tế bào mast, một hạt rất quan trọng là histamine và gây ra triệu chứng tương ứng ngay tại vị trí chất lạ xâm nhập vào”, BS Mai Thảo chia sẻ.
1. Nếu chất lạ xâm nhập vào mũi, đầu tiên bệnh nhân sẽ có những biểu hiện của viêm mũi dị ứng, ví dụ hít phải các chất gây dị ứng trong không khí như phấn hoa hoặc bào tử nấm mốc. Các tế bào mast nhạy cảm cư trú ở đường hô hấp trên, kết mạc mắt và niêm mạc mũi được kích hoạt để phân hủy và giải phóng các chất trung gian gây viêm ở những vị trí này. Các triệu chứng sẽ bắt đầu xuất hiện như hắt hơi, nghẹt mũi, chảy nước mũi/mắt, ho, đau đầu… Nếu dị ứng lặp đi lặp lại nhiều lần bệnh nhân sẽ dần có quầng thâm mắt.
2. Biểu hiện thứ hai nếu dị ứng nguyên như lông chó, mèo hoặc phấn hoa xâm nhập vào đường thở, đặc biệt là đường thở dưới, người bệnh sẽ có triệu chứng hen phế quản. Biểu hiện là ho, tức ngực, thở khò khè, thở hổn hển, nặng hơn sẽ có triệu chứng là mệt mỏi. Hen phế quản có thể gây tử vong nếu một cơn cấp tính làm tắc nghẽn hoàn toàn đường thở.
3. Biểu hiện thứ ba khi dị ứng nguyên xâm nhập vào mắt sẽ gây viêm kết mạc. Vùng mắt trong khu vực kết mạc sẽ sưng đỏ lên, chảy nước mắt xung quanh vùng mắt, phù nề và ngứa.
4. Biểu hiện thứ tư là tình trạng nổi mề đay, cơ thể sẽ xuất hiện dấu hiệu sẩn phù, gồm các dấu hiệu tiêu biểu như sưng nề lan tỏa ở trung tâm kích thước thay đổi, hầu như luôn được bao quanh bởi một quầng hồng ban. Thường kèm ngứa hoặc đôi khi là một cảm giác rát nóng. Tình trạng này trở về bình thường sau từ 1 - 24 giờ, đôi khi có thể biến mất nhanh hơn.
5. Biểu hiện thứ năm là dị ứng thức ăn, những loại thức ăn có khả năng gây dị ứng cao là đậu phộng, đậu nành, sữa, trứng, lúa mì và cá. Biểu hiện rất đa dạng như phù mạch; xuất hiện hiện các triệu chứng của đường hô hấp như khó thở, nổi mề đay; hen suyễn.
Tiếp đến là dị ứng thuốc, cũng là một trong những vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là dị ứng với thuốc kháng sinh như nhóm penicillin và nhóm thuốc cao huyết áp. Biểu hiện của nhóm dị ứng này là bệnh nhân có thể ngứa, nổi mề đay,…
Tình trạng quá mẫn cảm do vết cắn/chích của côn trùng cũng là một biểu hiện quan trọng cần được quan tâm. Tình trạng này sẽ qua trung gian miễn dịch được gọi là dị ứng nọc độc hoặc nước bọt, như trong dị ứng với nọc độc ong. Lượng dị ứng nguyên trong nọc độc ong (1 lần chích) có thể so sánh với lượng dị ứng nguyên trong phấn hoa hít phải trong vòng 1 năm.
Sốc phản vệ là một phản ứng toàn thân của quá mẫn type 1
BS Mai Thảo cho biết:“Một phản ứng toàn thân của quá mẫn type 1 là sốc phản vệ, đặt ra câu hỏi “Tại sao chúng ta phải quan tâm đến tình trạng sốc phản vệ một cách đặc biệt như vậy?”, bởi vì sốc phản vệ là một cách phản ứng, cấp cứu trong y khoa cần được thực hiện nhanh và ngay tức thời.
Nếu không nhanh và kịp thời tỷ lệ tử vong sẽ rất cao đối với người bị sốc phản vệ. Sốc phản vệ xảy ra trên những cơ thể đã có mẫn cảm trước đó (chất cắn của côn trùng, đậu phộng, hải sản, penicillin). Trong sốc phản vệ, một lượng lớn các chất trung gian gây viêm và giãn mạch được giải phóng vào tuần hoàn bởi các tế bào mast và basophils dẫn đến giãn mạch máu khắp cơ thể”.
Sốc phản vệ có thể xảy ra khi đáp ứng một trong 3 tiêu chí sau:
- Khởi phát cấp tính (vài phút đến vài giờ) với biểu hiện ở da, niêm mạc hoặc cả hai (ví dụ nổi mề đay toàn thân, ngứa hoặc đỏ bừng, sưng môi - lưỡi, lưỡi đỏ sưng tấy). Có ít nhất một trong những tiêu chí sau: Tổn thương hô hấp (ví dụ khó thở, thở khò hè, co thắt phế quản, thở rít, giảm lưu lượng thở ra đỉnh (PEP), thiếu oxy máu) và giảm huyết áp (HA).
- Hai hoặc nhiều điều sau đây xảy ra nhanh chóng sau khi bệnh nhân đó tiếp xúc với chất có khả năng gây dị ứng (vài phút đến vài giờ). Biểu hiện như tổn thương của mô da niêm mạc (ví dụ như nổi mề đay toàn thân, ngứa đỏ bừng, sưng môi - lưỡi - lưỡi gà); suy hô hấp (ví dụ khó thở, thở khò khè - co thắt phế quản, thở rít, giảm PEF, thiếu oxy máu); hạ huyết áp; các triệu chứng tiêu hóa dai dẳng (ví dụ đau quặn bụng và nôn mửa).
- Giảm huyết áp sau khi bệnh nhân tiếp xúc với chất gây dị ứng đã biết ở bệnh nhân đó (vài phút đến vài giờ). Trẻ sơ sinh và trẻ em có huyết áp tâm thu thấp (tuổi cụ thể) hoặc huyết áp tâm thu giảm hơn 30%. Người lớn có huyết áp tâm thu dưới 90mm Hg hoặc giảm hơn 30% so với mức cơ bản của người đó.
Huyết áp tâm thu thấp:
- Trẻ em từ 1 tháng đến 1 tuổi <70mm Hg
- Trẻ em từ 1 - 10 tuổi: <70mm Hg + (2 x tuổi)
- Từ trên 11 tuổi <90mm Hg
Theo Tổ chức Y tế Thế giới và những hướng dẫn đối với người thường xuyên bị dị ứng, có nguy cơ dẫn đến tình trạng sốc phản vệ, trong túi của người bệnh phải luôn có thuốc chống dị ứng và bình xịt hô hấp, do bệnh nhân có thể xuất hiện cơn co thắt hô hấp bất kỳ lúc nào.
“Đối với bệnh nhân quá mẫn type 1 cần có máy đo huyết áp tại nhà, đặc biệt nếu gia đình hoặc bản thân có những triệu chứng hoặc đã từng bị dị ứng tại nhà cần có thuốc chống dị ứng và bình xịt hô hấp để có thể phòng ngừa và bảo vệ kịp thời cho sức khỏe.
Khi bắt đầu có triệu chứng trở nặng như mệt mỏi, huyết áp tuột nên đến cơ sở y tế gần nhất có khoa cấp cứu để được điều trị. Epinephrine là loại thuốc được lựa chọn đầu tiên trong điều trị sốc phản vệ”, đây là thông điệp chuyên gia mong muốn truyền tải đến cộng đồng.
Đa phần những bệnh nhân dị ứng đều ở type 1, các nhóm còn lại thường ít gặp hơn. Ở quá mẫn type 2, tổn thương lâm sàng xảy ra khi các kháng thể liên kết trực tiếp với các kháng nguyên trên bề mặt tế bào và tạo ra sự ly tế bào. Thông thường kháng nguyên sẽ nằm trên những tế bào di động (tiểu cầu, hồng cần, bạch cầu). Quá mẫn type 2 thường liên quan đến các bệnh lý về nhóm máu như thiếu máu tán huyết do bất đồng nhóm máu.
Đối với quá mẫn type 3, kháng nguyên và kháng thể đặc hiệu liên kết với nhau để tạo thành phức hợp tạo nên sự lắng đọng của kháng nguyên và kháng thể. Điển hình là phản ứng Arthus, thường gặp trên bệnh nhân sau khi được tiêm ngừa vắc xin hay bị côn trùng đốt nhiều lần. Phản ứng cấp tính phát triển thành viêm mạch cục bộ liên quan đến lắng đọng các phức hợp miễn dịch và hoạt hóa bổ phế.
Biểu hiện lâm sàng của quá mẫn type 3 là đau dữ dội, sưng tấy, phù nề, xuất huyết và đôi khi sẽ gây hoại tử, giống như biểu hiện của viêm mô tế bào. Phản ứng Asthus thường phát triển các triệu chứng từ 4 - 12 giờ sau khi tiêm vắc xin ở một người đã mẫn cảm trước đó.
Cuối cùng là quá mẫn type 4, thường xảy ra chậm hơn so với quá mẫn type 1, phản ứng xảy ra 24 - 72 giờ sau khi tiếp xúc lại với dị ứng nguyên trên cơ thể đã được mẫn cảm. Tình trạng thường gặp nhất của quá mẫn type 4 là viêm da tiếp xúc dị ứng. Ví dụ như bệnh nhân sẽ dị ứng với các vật dụng kim loại (dây nịt, dây chuyền, bông tai, nhẫn, điện thoại, mỹ phẩm…). Quá mẫn type 4 có thể được phát hiện qua xét nghiệm miếng dán nếu người bệnh có biểu hiện dị ứng với kim loại.
Trong chương trình, ThS.BS.CK2 Trần Lê Mai Thảo cũng đã giải đáp và cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho một số thắc mắc từ những khán giả tham dự trực tiếp. Giải đáp về câu hỏi “Thế nào gọi là chàm? Làm sao để phân biệt được tình trạng dị ứng với chàm? Chàm ở trẻ em có khác gì so với người lớn?”, BS Thảo cho biết: “Trong chẩn đoán chàm được phân thành nhiều loại. Ví dụ chàm ở trẻ em, có chàm sữa (khiến trẻ nổi mẩn đỏ thường xuyên ở 2 bên má) và chàm hoa (nổi mẩn đỏ hình hoa ở chân của trẻ), 2 dạng này được gọi chung là chàm thể tạng. Đây là tình trạng khiến cơ địa của cơ thể phản ứng quá mức. Tình trạng phản ứng quá mức xảy ra khi có nguyên nhân gây dị ứng tác động và xuất phát từ cơ địa”. Đối với người lớn, tình trạng chàm thể tạng sẽ được sinh ra ở cơ địa sẵn có, mang theo suốt đời và không có sự thay đổi. Vậy tại sao lại có các phân loại chàm khác nhau? Như đã đề cập ở trên, cơ thể chúng ta sẽ có dị ứng tiếp xúc, tình trạng này cũng được gọi là chàm. Theo trong y khoa, chàm thể tạng là một loại dị ứng trên cơ địa có sẵn đáp ứng miễn dịch - phản ứng mạnh với các tác nhân. Một dạng khác cũng được gọi là chàm tiếp xúc do cơ thể tiếp xúc và dị ứng với các vật dụng kim loại. Một trường hợp khác về chàm là tay khô sau khi lau nhà, tình trạng này sẽ được chẩn đoán là chàm do tiếp xúc và bị kích ứng với những loại hóa chất. Vì vậy chàm có rất nhiều loại, mỗi một dạng chàm sẽ có cách điều trị khác nhau. Ví dụ đối với trẻ nhỏ bị chàm thể tạng, da sẽ rất khô, vì vậy phụ huynh nên chú trọng đến việc cấp ẩm cho da của con. Cho trẻ mặc quần/áo dài trong thời gian dị ứng nặng. Nếu tình trạng diễn tiến nặng hơn, phụ huynh nên đưa trẻ đi thăm khám để bác sĩ kê thuốc uống và thuốc bôi phù hợp với tình trạng bệnh của con. Đối với tình trạng chàm do sử dụng nhiều quá chất, người bệnh cần hạn chế việc tiếp xúc quá nhiều với các chất tẩy rửa trong nhà như xà bông rửa tay, nước rửa chén,… Chàm và dị ứng type 1 có mối liên hệ với nhau, thông thường người bị chàm sẽ có sẵn cơ địa dị ứng. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình