Hotline 24/7
08983-08983

Nội dung tư vấn trực tiếp cách chữa bệnh tiêu hóa, trị vi khuẩn HP dạ dày

Viêm dạ dày do vi trùng H. pylori (H.P) có nguy cơ ung thư dạ dày không? Có thể chữa được không? Làm sao để phòng bệnh và tránh lây nhiễm cho người thân?...

Tại sao thường xuyên bị đầy hơi, khó tiêu, ợ nóng ợ chua…? Vì sao mỗi khi căng thẳng, thức khuya lại đau bao tử? Nên ăn uống, kiêng cữ thế nào để cái bụng luôn “êm”?...

Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào về các bệnh đường tiêu hóa, hãy gửi cho chúng tôi qua hệ thống nhận câu hỏi Khám bệnh Online hoặc email kbol@alobacsi.vn để được BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trực tiếp giải đáp vào 8h30 sáng nay, 3/8.
 
Mổ ca cấp cứu đến gần sáng, nhưng BS Lưu Phương vẫn có mặt đúng hẹn để GLTT cùng bạn đọc AloBacsi.vn
Mổ ca cấp cứu đến gần sáng, nhưng BS Lưu Phương vẫn có mặt đúng hẹn để GLTT cùng bạn đọc AloBacsi.vn
 

NỘI DUNG GIAO LƯU TRỰC TUYẾN:

 
 
- Hồng Ánh - heohu…@gmail.com

 

Cháu có một câu hỏi như sau: cách đây 2 năm bố cháu bị viêm tụy cấp và bây giờ đang có biểu hiện bị lại. Vậy BS cho cháu hỏi có loại thuốc nào điều trị tại nhà không hay phải vào viện điều trị ạ?

 

BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

 

Chào bạn,

 

Viêm tụy cấp thường có 3 nguyên nhân chính: uống rượu bia, bị sỏi đường mật và giun sán, tăng mỡ máu quá mức (chất trigly ceride).

 

Tôi chưa hiểu ý bạn muốn nói ba bạn có biểu hiện bị lại là như thế nào vì triệu chứng chính của bệnh này là đau bụng rất dữ dội. Nguyên nhân đau bụng giống bệnh này rất nhiều, để chẩn đoán chính xác cần được bác sĩ thăm khám và cho làm các xét nghiệm.

 

Bệnh này cần nhịn ăn và theo dõi tại bệnh viện, không nên điều trị tại nhà vì có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.


- Trịnh Cường Thanh - Sơn Tây, Hà Nội

Chào bác sĩ,

Em năm nay 35 tuổi, cân nặng 70kg, cao 1.71m. Cách đây 2 tháng, cứ khoảng 3h sáng là em lại bị nước bọt trào đầy miệng và buồn nôn. Hiện tượng này lặp lại khi em đói bụng. Em đi nội soi dạ dày ở viện K và kết quả ghi là:

• Dạ dày: Có khối bã dị vật thức ăn di chuyển

- Tâm vị, phình vị: Niêm mạc nhẵn

- Thân vị: Niêm mạc nhẵn

- Hang vị: Niêm mạc viêm xung huyết

- Môn vị: Tròn

• Hành tá tràng: Bình thường

• Sinh thiết: Không

Kết luận: Viêm niêm mạc dạ dày; dị vật bã thức ăn dạ dày

AloBacsi cho em hỏi:

1. Em nghe BS khám bảo bệnh của em không vấn đề gì, và kê cho em một đơn thuốc (em không đọc được chữ BS). Khi dùng hết đơn thuốc thì em hết buồn nôn, tức vùng thượng vị… nhưng vẫn còn ợ hơi sau khi ăn. Em muốn hỏi BS bệnh của em có nghiêm trọng không? Và có thể điều trị khỏi hẳn không?

2. Em nghe nói nhiều đến vi khuẩn Helicobacter Pylori? Vậy em có bị nhiễm vi khuẩn này không? Làm sao để biết được mình có bị nhiễm loại vi khuẩn này?

3. Trong tờ kết luận em thấy có ghi “Sinh thiết: không”. Vây sinh thiết là gì thưa BS? Từ đó đến giờ em chưa tái khám được và cũng không thấy các BS dặn phải quay lại khám.

Chân thành cám ơn AloBacsi.

BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào em,

1/ Với triệu chứng lâm sàng mà em mô tả thì khả năng em bị bệnh trào ngược dạ dày. Tuy nhiên với kết quả nội soi của em thì bệnh trào ngược của em chưa quá trầm trọng vì chưa gây hư hại gì trên thực quản. Nhưng em còn có bệnh viêm dạ dày kèm theo, do đó khi em dùng thuốc điều trị viêm dạ dày thì các triệu chứng bớt hẳn, nhưng hiện tượng ợ hơi vẫn còn. Bệnh của em cần phải được chữa trị kéo dài phối hợp với chế độ ăn uống.

Đặc biệt trường hợp của em, với kết quả nội soi còn bã thức ăn trong dạ dày điều này chứng tỏ dạ dày em ngoài hiện tượng viêm còn có những vấn đề sau đây: rối loạn chức năng co bóp của dạ dày; cách ăn uống của em chưa phù hợp như: ăn quá nhanh, không nhai kỹ, uống ít nước, ăn nhiều thức ăn khô.

Bệnh của em không nghiêm trọng, có thể điều trị khỏi nhưng dễ tái phát vì bệnh này liên quan đến chế độ ăn uống, sinh hoạt cũng như trạng thái tâm lý của em.

2/ Với kết quả mà em cung cấp không có xét nghiệm tìm vi khuẩn HP nên tôi không thể kết luận được. Để chẩn đoán em có bị nhiễm vi khuẩn này hay không thì có 2 cách sau:

+ Sau khi em ngưng thuốc điều trị dạ dày khoảng 2 tuần, em có thể làm xét nghiệm phân, nội soi kiểm tra tình trạng dạ dày đồng thời lấy một mẫu trong dạ dày để tìm vi khuẩn, hoặc làm xét nghiệm thử hơi thở của em để tìm vi khuẩn này.

+ Xét nghiệm máu tìm kháng thể để gián tiếp biết được cơ thể em đã từng tiếp xúc với vi khuẩn này. Tuy nhiên cách này chỉ có một tác dụng nhất định.

3/ Sinh thiết là lấy một mẩu trong dạ dày của em sau đó cắt rất là nhỏ xem dưới kính hiển vi nhằm thấy rõ những bệnh lý như: viêm loét, ung thư… mà mắt thường rất khó thấy.

Thông thường, các BS chỉ làm sinh thiết khi nhìn thấy trên nội soi có những dấu hiệu nghi ngờ không rõ lành tính hay ác tính. Do đó, trường hợp của em hình ảnh trên nội soi rất là nhẹ nhàng, em có thể yên tâm.

BS Lưu Phương chăm chú đọc kỹ các câu hỏi bạn đọc gửi đến
BS Lưu Phương chăm chú đọc kỹ các câu hỏi bạn đọc gửi đến

- God - godti…@gmail.com

Thưa bác sĩ,

Em có vấn đề về tiêu hóa thời gian dài gần đây. Phần bụng luôn đau, hơi chướng mỗi khi ăn no, hay tức bụng khó chịu, đi ngoài ra phân phần lớn là hơi nát, có khi tiêu chảy, phân màu vàng. Em cũng hay buồn ói, hay có cảm giác nóng, đói thì thấy cồn cào. Lâu không cân, em phát hiện mình giảm 3- 4kg trong khoảng 1 tháng.

10 ngày trở lại đây lại thấy tức ngực, thỉnh thoảng nhói đau vùng ngực. Em đi khám BS bảo không sao, bị trào ngược thực quản, cho uống thuốc 5 ngày nhưng không đỡ. Bây giờ em đi khám đông y BS cho thuốc uống nhưng 1 tuần nay vẫn không khả quan. Tình trạng đau bụng, dạ dày, buồn ói đến nay đã 1 tháng. Em đang rối bời, không biết bị gì mà tùm lum thứ cả lên BS ạ! Mong BS cho lời khuyên.

P/S: Cách đây 3 năm em bị viêm đại tràng và đã chữa khỏi. Em cũng nội soi dạ dày thời điểm đó và kết quả hoàn toàn bình thường. 3 tháng gần đây em có việc phải lo nghĩ khá nhiều và ăn uống không điều độ, có phải đó là nguyên nhân?

Chân thành cảm ơn BS.

BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào em,

Tôi không trực tiếp khám bệnh cho em cũng như không rõ ngoài tiểu sử viêm đại tràng của em còn có bệnh gì khác nữa hay không? Do đó những trả lời của tôi chỉ có tính chất tham khảo tương đối. Qua thư của em, tôi thấy em có những vấn đề sau:

+ Có biểu hiện rối loạn của đường tiêu hóa dưới

+ Có hội chứng trào ngược dạ dày thực quản và tăng tiết axit dạ dày

+ Sụt cân đáng kể

+ Có tình trạng căng thẳng trong công việc.

Nếu em ở tuổi trên 40, những nguyên nhân gây ra vấn đề này có thể là 1 bệnh lý thật sự ỏ ống tiêu hóa như: loét dạ dày, viêm trào ngược thực quản, viêm loét ruột già, lao ruột, thậm chí là ung thư đường tiêu hóa. Ngoài ra, một số bệnh lý nội tiết khác như: cường giáp cũng có thể gây ra tình trạng này.

Nếu em dưới 40 tuổi thì xác suất để em mắc những bệnh lý như tôi vừa nêu là thấp hơn và có thể em bị mắc bệnh “rối loạn dạng cơ thể”. Bệnh này thường gặp ở người trẻ, nhất là nữ và những người có cuộc sống căng thẳng. Bệnh này khá lành tính, chỉ gây rối loạn hoạt động chức năng của các cơ quan trong cơ thể và thường gặp nhất là hệ tiêu hóa và hệ tim mạch.

Em đừng lo lắng nhiều, nên đi khám BS chuyên khoa Tiêu hóa để được khám bệnh và cho làm thêm xét nghiệm, siêu âm, X-quang, nội soi tiêu hóa để có chẩn đoán chính xác.

- Nguyễn Hồng Hà - Hà Nội

Chào bác sĩ,

Em năm nay 26 tuổi, hay bị đi ngoài phân sống, 2 - 3 ngày mới đi 1 lần. Phân thì vẫn khuôn nhưng có thể nhìn rõ thức ăn vẫn chưa được tiêu hóa hết. Khám dạ dày đại tràng thì không bị làm sao. Em ăn kém lắm, không ngon miệng, lúc thì nhạt miệng lúc thì ngọt miệng. Nói chung là ăn không vào. Xin hỏi BS em bị làm sao? Em cám ơn BS!

BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào em,

Em nên kiểm tra lại xem trung bình trong một tuần em đi cầu khoảng 2-3 lần hay không, có phải rặn nhiều hay ít, có đau quặn bụng nhiều mỗi khi đi cầu và hình dạng phân có khuôn bình thường hay không? Nếu em đi cầu 3 lần trong1 tuần và không kèm theo những triệu chứng đó thì không đáng lo.

Tuy nhiên, em thấy được thức ăn trong phân của em theo tôi thì em nên kiểm tra lại vì người bình thường trong phân có thể có hiện diện những thứ sau đây nếu em nhìn kỹ:

+ Các thớ rau, hạt trái cây (hạt thanh long, hạt dưa..) hoặc một số loại rau quả như hạt bắp không nhai kỹ vì tạo hóa không cho chúng ta loại men có thể tiêu hóa được những chất này như các loài ăn cỏ (heo, trâu, bò…)

+ Những thớ thịt nếu chúng ta không nhai kỹ.

+ Những phần sụn hoặc gân của động vật nếu không nhai kỹ.

Do đó tôi nghĩ trường hợp của em là tương đối bình thường. Riêng tình trạng ăn không ngon miệng, vị giác lúc ngọt lúc đắng thì do rất nhiều nguyên nhân: stress, căng thẳng, thiếu mật, dự trữ túi mật kém, nhiễm virus viêm gan B hoặc C mãn, viêm loét dạ dày, suy tuyến giáp trạng, suy tuyến thượng thận.

Em nói có đi khám dạ dày và đại tràng, tôi không rõ có được nội soi hay chưa và có được tìm vi khuẩn hay không. Em cần đi khám BS chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật để được khám và chẩn đoán bệnh chính xác hơn.

Ngay từ phút đầu tiên có mặt tại VP AloBacsi, BS Lưu Phương đã vào cuộc rất nhanh
Ngay từ phút đầu tiên có mặt tại VP AloBacsi, BS Lưu Phương đã "vào cuộc" online tư vấn ngay tức thì
 

- Lê Tiến Dũng, 38 tuổi - Bình Định

Chào bác sĩ,

Cách đây khoảng 4 tháng tôi bị ngứa toàn thân (càng gãi càng ngứa, đặt biệt là vùng cổ và cẳng chân). BS ở BV đa khoa bảo là ngứa do cơ địa và dị ứng, uống thuốc 1 tuần không đỡ. Sau đó tôi đến Viện sốt rét ký sinh trùng, côn trùng trung ương (tại Bình Định), BS bảo có vi khuẩn HP trong dạ dày và đây có thể là nguyên nhân gây ngứa. BS lại cho thuốc điều trị HP dạ dày trong vòng 20 ngày, tôi uống đến ngày thứ 3 thì đỡ ngứa và hết ngứa hẳn. BS dặn là sau khi uống hết thuốc thì 3 tháng sau xét nghiệm lại để kiểm tra xem còn HP dạ dày hay không?

Nay gần 4 tháng rồi, tôi chuẩn bị đi xét nghiệm lại thì lại có biểu hiện ngứa toàn thân như trước.

Lần này tôi lại đến BV đa khoa tỉnh (vì BHYT của tôi ở đây). BS khoa Nội của BV Đa khoa lại bảo là không có chuyện ngứa là do HP dạ dày mà chỉ là do cơ địa dị ứng và bảo rằng việc BS ở Bình Định nói ngứa do có thể do HP dạ dày là mơ hồ, không có căn cứ. Hiện tôi đang chờ kết quả xét nghiệm tại BV đa khoa tỉnh.

 

Xin hỏi AloBacsi là việc nhiễm HP dạ dày có thể bị ngứa không? Bệnh HP dạ dày của tôi có cần phải đến BV tuyến trên (ở Sài Gòn) để khám và điều trị dứt điểm không? Tôi rất cần AloBacsi giải đáp giúp. Cảm ơn AloBacsi.

BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn,

Triệu chứng ngứa của bạn có thể do nhiều nguyên nhân như: cơ địa dị ứng, nhiễm ký sinh trùng (giun sán), tình trạng viêm da, da khô do thời tiết, một số bệnh lý tự miễn dịch, ung thư hạch, viêm gan mãn hoặc xơ gan…

Bạn nên đi khám chuyên khoa Da liễu để xác định chính xác nguyên nhân gây ngứa. Có những trường hợp dù đã làm tất cả mọi xét nghiệm vẫn không tìm ra nguyên nhân gây ngứa thì nghĩ đến chứng ngứa vô căn. Đã có một số nghiên cứu có thể tình trạng nhiễm vi khuẩn HP ở dạ dày có thể gây ra tình trạng này và một số BS có khuyến cáo có thể điều trị diệt vi khuẩn HP có thể giảm ngứa. Tuy nhiên, không chắc chắn là điều trị nhiễm HP sẽ hết ngứa hoàn toàn.

Tình trạng của bạn có thể thật sự là do điều trị nhiễm HP làm hết ngứa, hoặc là một tình trạng ngẫu nhiên. Bạn nên:

+ Nếu có điều kiện thì vào TPHCM để được khám bệnh và tầm soát nhằm chẩn đoán chính xác xem có đúng bạn bị chứng ngứa vô căn hay do nguyên nhân khác.

+ Nếu thực sự bạn bị chứng ngứa vô căn thì việc điều trị diệt vi khuẩn HP là một trong những lựa chọn trong trường hợp của bạn.

+ Riêng để kiểm tra xem bạn còn bị nhiễm HP không, tôi nghĩ bạn nên ngưng thuốc khoảng 2 tuần rồi đi nội soi dạ dày vừa kiểm tra xem dạ dày của bạn có bị hư hại gì chưa (do vi khuẩn HP gây ra), đồng thời biết được vi khuẩn HP hiện còn sống trong dạ dày của bạn hay không. Chứ nếu chỉ xét nghiệm máu thì không thể biết được hiện tại vi khuẩn HP còn sống hay đã chết.


- Thang Nguyen - tuyendung…@yahoo.com

Xin chàoAloBacsi,

 

Em là nam, 24 tuổi. Cách đây nửa tháng em lưỡi em mọc rêu trắng và cảm giác có vị đắng trong miệng dù ăn hay không ăn. Em đi khám thì BS tư có cho viên sủi bảo về uống 2 ngày không hết, sau đó em có uống thuốc rối loạn dịch vị thì bớt rất nhiều nhưng không hết hẳn. Em hồi giờ không dính vào rượu bia thuốc lá, sức khỏe đang tốt và tăng được 2kg chứ không sụt cân. Em đọc trên mạng thấy dấu hiệu của ung thư gan hay bị tiểu đường. Em rất lo lắng. Mong BS tư vấn giúp. Em xin chân thành cảm ơn.

BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào em,

Triệu chứng của em bị rêu lưỡi màu trắng kèm theo đắng miệng thường do những nguyên nhân sau:

+ Nấm miệng, nấm lưỡi: tình trạng này thường gặp ở người già, lao phổi, tiểu đường, ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư thực quản hay các loại ung thư khác. Ngoài ra, việc dùng một số loại thuốc kháng sinh không theo chỉ định của BS hoặc dùng môt số đông được hoặc tân dược không rõ nguồn gốc có chứa chất corticoide cũng có thể gây ra tình trạng này.

+ Viêm lưỡi do bệnh trào ngược dạ dày thực quản

+ Một số bệnh lý về huyết học như bệnh máu trắng cũng có thể gây ra tình trạng lưỡi trắng giống như em.

Tuy nhiên, sức khỏe em tốt và tăng cân nên tôi nghĩ nhiều khả năng em bị viêm lưỡi do chứng trào ngược dạ dày. Em nên đi khám bệnh với BS chuyên khoa Tiêu hóa để được tư vấn và chữa trị đúng.

- Phong Vân - TPHCM

Chào AloBacsi,

 

Người tôi lúc đầu nổi mẩn đỏ, đường kính khoảng 0,5 cm sau 2 ngày tôi có nhiều nốt đỏ chấm li ti khắp người, mặt phù hơn. Trước đây tôi cũng đã bị nhiễm sán chó, dị ứng với tôm cua. 1 tuần trước gia đình tôi có ăn thịt chó.

 

Hôm nay đi khám bệnh, BS xét nghiệm nói tôi bị dương tính Strongyloides stercoralis. BS cho tôi uống thuốc mề đay. Tuy nhiên, chiều nay em tôi cũng bị những nốt chấm đỏ nhỏ như tôi. Vậy cho tôi hỏi BS tôi bị nhiễm bệnh này có lây hay không? Điều trị có khỏi hẳn không ạ? BS cho biết thêm về nguồn gây bệnh này do da tiếp xúc hay do ăn uống? Có cần kiêng cữ gì không ạ? Phân tích huyết học WBC 4.82 K/ul. Và CHCM 30.8 có nghĩa là gì thưa BS?

BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn,

Với tiền sử dị ứng và triệu chứng của bạn hiện nay, đồng thời em của bạn cũng bị dị ứng sau khi ăn thịt chó, tôi nghĩ rằng bạn và người em bị chứng bệnh trong y khoa gọi là “viêm mạch máu và phù mạch”. Bệnh này thường là biểu hiện của tình trạng dị ứng cấp tính với một chất lạ trong thuốc hoặc thức ăn đồ uống. Ngoài ra, bệnh này có thể gặp trong một số trường hợp dị ứng mãn tính hoặc bị mắc một số chứng bệnh tự miễn dịch.

Còn xét nghiệm bị dương tính với Strongyloides stercoralis, tôi nghĩ là do tình cờ vì xét nghiệm máu dương tính với Strongyloides stercoralis chỉ nói lên một điều là cơ thể bạn trước đây từng tiếp xúc với loại giun này. Trong y khoa chúng tôi gọi là giun lươn, chúng sống ký sinh trong ruột giống như giun móc và cách lây lan cũng tương tự như giun móc.

Xét nghiệm của bạn WBC 4.82 K/ul có nghĩa là lượng bạch cầu trong máu của bạn ở ngưỡng bình thường mặc dù có hơi thấp một ít. Còn xét nghiệm CHCM 30.8 chứng tỏ lượng huyết cầu tố trong một con hồng cầu của bạn cũng còn tốt mặc dù hơi thấp một ít.

- Nguyễn Đức Trường, 21 tuổi, sinh viên - TPHCM

Thưa BS Lưu Phương,

 

Thời gian gần đây cháu nghe nói rất nhiều đến virus HP (Gọi là virus hay vi trùng HP, thưa BS? ). Vậy HP trong dạ dày là gì, nguy hiểm đến đâu mà ai cũng sợ? Có phải cứ bị HP là sẽ bị ung thư dạ dày?

 

Cách chữa trị có khó lắm không? Một liệu trình điều trị HP có mắc lắm không ạ? BS có thể cho cháu xin phác đồ điều trị? Thời gian điều trị bao lâu? Cháu nghe nói uống thuốc trị HP thì “vật vã, khó chịu” lắm.

 

Khả năng tái lại là bao nhiêu phần trăm? Làm gì để không bị tái phát HP, thưa BS? Cháu cảm ơn BS rất nhiều!

BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn,

+ Đây là vi trùng chứ không phải là virus (trong y khoa gọi là siêu vi trùng) nó có kích thước nhỏ bé hơn vi trùng và phải nhìn bằng kính hiển vi điện tử mới thấy được chứ kính hiển vi bình thường không thể nào thấy.

+ Vi trùng HP khi xâm nhập vào cơ thể chúng ta chúng sẽ đến cư trú tại dạ dày như là nhà của chúng. Vấn đề là đa số trường hợp khi vi khuẩn HP sống trong dạ dày chúng ta chúng sẽ gây ra hậu quả là phá hoại dạ dày gây viêm loét dạ dày.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp vi trùng HP sống trong dạ dày nhưng không gây viêm loét dạ dày và không gây triệu chứng gì. Đó là trường hợp bạn may mắn nhiễm phải chủng vi khuẩn động lực thấp hay còn gọi là chủng hiền lành.

+ Nhiễm vi khuẩn HP trong dạ dày dù là chủng hiền lành thì cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư dạ dày từ 5-20 lần.

Nói nôm na, nếu bạn bị viêm loét dạ dày do nhiễm vi trùng HP thì bạn dễ bị mắc bệnh ung thư dạ dày hơn người bình thường. Nhưng không phải cứ nhiễm vi trùng HP là bị ung thư dạ dày. Việc mắc ung thư dạ dày còn nhiều yếu tố tác động tới như: chủng tộc, yếu tố di truyền của gia đình, chế độ ăn nhiều muối hay nhiều hóa chất độc hại có thể gây ung thư,tình trạng teo niêm mạc dạ dày kèm theo.

Việc chữa trị không quá khó khăn với các phác đồ phối hợp kháng sinh từ 10-15 ngày, tỷ lệ thành công sẽ dao động từ 70-90%. Cũng như những loại kháng sinh khác, tác dụng phụ là vấn đề không tránh khỏi khi điều trị nhưng chỉ gặp 10-20% số trường hợp và không quá “vật vã” như bạn nghĩ đâu.

Để phòng ngừa, bạn nên ăn chín, uống sôi, rửa sạch.


- Đức Minh - Quảng Nam

Thưa bác sĩ,

 

HP trong dạ dày lây qua những đường nào? Ăn uống chung có bị lây bệnh không ạ? Ở quê em, trong các ngày có đám tiệc hay trong bữa ăn gia đình, luôn ăn chung mâm, gắp chung đĩa thức ăn… Khả năng lây qua ăn uống chung như thế này như thế nào? Em thấy lo lắng vì quanh nhà em, có mấy ca bị ung thư dạ dày rồi.

 

Gia đình em cũng thấy hoang mang, nhưng không biết làm sao. BS Lưu Phương vui lòng cho em lời khuyên với ạ. Em cảm ơn nhiều.

BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào em,

HP lây lan qua đường ăn uống không hợp vệ sinh. Về lý thuyết, ăn uống chung ít lây bệnh vì vi khuẩn hiện diện trong nước bọt không nhiều đến ngưỡng có thể lây lan được. Tuy nhiên, trong quá trình ăn uống việc ợ hay trào ngược trong khi ăn sẽ mang nhiều vi khuẩn từ dạ dày lên nước bọt để lây nhiễm.

Do đó, việc gắp chung một đôi đũa, hay chung một mâm thì cũng có thể lây lan nhưng không nhiều.

Tuy nhiên, để hạn chế lây lan mà không ảnh hưởng đến văn hóa sinh hoạt của làng quê mình thì bạn nên có một đôi đũa hoặc muỗng chung để gắp/múc thức ăn vào chén riêng của mình và sử dụng đũa, muỗng của mình để ăn trựa tiếp (tức là một mâm có 4 người thì có 5 đôi đũa, 1 đôi dùng chung chỉ để gắp thức ăn vào chén chứ không đưa vào miệng), như vậy sẽ hợp vệ sinh ăn uống nói chung. Không nên nhai mớm thức ăn cho trẻ con.

- Trần Thanh Thái - quận 1, TPHCM

Con trai tôi 6 tuổi, 25kg, cháu hay kêu đau bụng. Thử kiểm tra qua đường phân thì cháu bị HP dạ dày. Gia đình chúng tôi rất lo nhưng các BS BV Nhi đồng lại cứ bảo là “không phải điều trị”. Vì sao BS lại nói thế trong khi chúng tôi biết HP dạ dày rất nguy hiểm? Nơi đâu nhận điều trị cho cháu? Mong được BS Lưu Phương tư vấn giúp. Chúng tôi chân thành cảm ơn.

BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn,

Thứ nhất, tôi không rõ cháu hay kêu dau bụng từ lúc nào, đã kéo dài hay chưa, đã điều trị như thế nào? Nếu bệnh đã kéo dài trên 6 tháng và mặc dù đau nhưng chưa đến mức phải đi cấp cứu, nhưng triệu chứng khó chịu gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của cháu thì tôi nghĩ con bạn đang bị mắc bệnh “đau bụng mãn”.

Đau bụng mãn rất thường gặp ở trẻ em. Nhiễm khuẩn HP có thể là một trong những nguyên nhân, ngoài ra dị ứng thức ăn, tình trạng căng thẳng khi học hành cũng có thể gây ra tình trạng này. Việc điều trị tiêu diệt vi khuẩn HP thành công chỉ có thể cải thiện triệu chứng ở 50% số trường hợp.

Tuy nhiên, ở trẻ em các phác đồ điều trị được chọn lựa không nhiều như ở người lớn và tỷ lệ tiêu diệt thành công cũng thấp hơn ở người lớn (55-75% tiêu diệt thành công).

Ở trẻ em, nguy cơ ung thư dạ dày do vi khuẩn HP gần như là 0% nên có thể trì hoãn điều trị HP trừ phi bé bị xuất huyết tiêu hóa hay bị loét dạ dày hoặc viêm dạ dày rất nặng.

Bạn có thể đưa bé đến gặp tôi ở đơn vị Tiêu hóa can thiệp ở BV Nguyễn Tri Phương sáng thứ 4 hoặc sáng thứ 6 hàng tuần.



- Dương Quý, Hà Nội

Trước kia em bị viêm thượng vị, hay đau dạ dày, xét nghiệm có bị HP. Sau đó chữa khỏi rồi.

 

Giờ thỉnh thoảng đêm em vẫn rất đau rát trong dạ dày, nhiều khi đang ngủ phải dậy uống nước thì mới ngủ tiếp được. Nhiều lúc đau rát nó làm đau cả thần kinh đầu nên đêm nào làm việc trễ em cũng phải ăn thêm hoa quả ngọt để dạ dày có cái co bóp.

 

Theo BS em nên uống thuốc gì mỗi khi đau như thế? Có cách điều trị để trị dứt điểm không ạ? Em cảm ơn BS rất nhiều!

BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào em Quý,

Thứ nhất trong y khoa không có bệnh “viêm thượng vị” mà chỉ có triệu chứng “đau thượng vị”.

Thứ hai, với triệu chứng của em mô tả tôi nghĩ em bị bệnh loét dạ dày tá tràng, nhiều khả năng là do stress làm căng thẳng thần kinh. Tuy nhiên tôi không rõ lúc trước em chẩn đoán bị đau dạ dày bằng cách nào và kiểm tra nhiễm vi trùng HP và kiểm tra hết vi trùng HP bằng cách nào, nếu kiểm tra không đúng cách thì đôi khi tưởng rằng vi khuẩn đã hết nhưng là âm tính giả thì bệnh vẫn tái phát thường xuyên.

Em nên:

+ Ngưng uống thuốc khoảng 2 tuần, đi nội soi dạ dày kiểm tra tình trạng viêm loét cũng như tình trạng nhiễm vi khuẩn HP để có chẩn đoán chính xác và điệu trị thích hợp.

+ Sinh hoạt ăn uống điều độ, đúng giờ.

+ Hạn chế rượu bia, cà phê, thuốc lá.

+ Mỗi tối trước khi ngủ hoặc khi thức khuya bạn có thể uống một ly sữa không đường, cũng có thể giảm bớt các cơn đau.

+ Khi đau bạn có thể dùng các thuốc gói dạng sữa để cắt cơn đau như: Phosphalugel, Alumina, Maalox.


- Nguyễn Thị Ngân - Lâm Đồng

 

Tôi hay bị đau bụng, có đi nội soi 2 lần, BS đều bảo viêm hang vị. Triệu chứng: sôi bụng, đầy hơi, đi ngoài phân lỏng nước, món rặn rồi tới táo bón, cứ bị hoài. Còn uống thuốc thì đỡ nhưng hết thuốc thì lại bị, không đau nhiều, chỉ có rối loạn tiêu hóa liên tục, phân không thành khuôn, người mệt mỏi, ăn ngủ kém.

 

Thuốc đã dùng: lúc đầu tôi dùng thuốc Lansoprazol với Trimafort giờ đang dùng thuốc Tiềm Long, của công ty đông nam dược Bảo Long.

 

Xin BS chỉ dùm nên dùng thuốc gì và có nên ăn sữa chua không ạ? Mong sớm được BS tư vấn, tôi xin cảm ơn BS rất nhiều.

BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Bạn Ngân thân mến,

Theo như triệu chứng bạn mô tả tôi nghĩ bạn bị chứng viêm đại tràng mãn tính do AMIB. Còn bệnh viêm dạ dày có thể là bệnh kèm theo. Ngoài ra, do bị bệnh kéo dài nên làm cho bạn bị suy nhược thần kinh nên ăn kém, mất ngủ, mệt mỏi.

Bên cạnh đó, có thể tình trạng teo niêm mạc dạ dày cũng làm ảnh hưởng và gây nên triệu chứng ở đại tràng. Bạn có thể xem thêm bài viết của tôi về bệnh này cũng giống với bệnh của bạn theo link sau đây:

>> Bệnh teo niêm mạc dạ dày: Thường gặp nhưng dễ nhầm

Trước mắt bạn cần làm những việc sau:

+ Ăn thêm sữa chua. Bạn có thể xem thêm bài nói của tôi trên VTV về sữa chua theo link sau: http://www.youtube.com/watch?v=fBoMkHUbQnI

+ Hạn chế ăn các thức ăn kích thích như: cay, nóng.

+ Nên ăn các thức ăn đã nấu chín.

+ Ăn uống và sinh hoạt đúng giờ giấc.

+ Tạm thời bạn có thể sử dụng Trimafort một ngày 3-4 gói uống sau ăn 30 phút. Không cần dùng Lansoprazol kéo dài.

Nếu có điều kiện, bạn có thể đến gặp tôi tại đơn vị Tiêu hóa can thiệp BV Nguyễn Tri Phương sáng thứ 4 hoặc thứ 6 hàng tuần để tôi xem xét làm thêm số xét nghiệm khác. Tôi sẽ trực tiếp nội soi dạ dày và đại tràng cho bạn để có chẩn đoán và điều trị chính xác nhất. Bạn lưu ý trong vòng 2 tuần trước khi đi khám bệnh không nên uống các loại thuốc, kể cả các loại thuốc cảm thông thường.

Về thuốc đông dược Tiềm Long, tôi không có kinh nghiệm nên không thể đưa lời khuyên cho bạn.


- Tô Văn Thành - Hải Phòng

Chào bác sĩ,

 

Tôi đi nội soi dạ dày và được chẩn đoán là viêm trợt hang vị dạ dày. BS có kê đơn thuốc 10 ngày. Tôi mới uống được 3 ngày thấy cũng đỡ đôi chút. Nhưng xuất hiện triệu chứng là đi xe máy hơi xóc tí cũng đau. Sau đó ợ hơi thấy giảm nhưng nằm ghế ngả ra đằng sau là thấy khó chịu ở cổ như người đầy hơi. Xin được hỏi là tôi có phải đi khám lại không và kê thuốc khác không? Trân trọng cảm ơn!

BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn Thành,

Tôi không rõ lý do chính khiến bạn phải đi nội soi dạ dày là gì, tuy nhiên với triệu chứng ợ hơi và nghẹn ở cổ theo bạn mô tả, tôi nghĩ ngoài bệnh viêm trợt hang vị dạ dày có thể bạn bị kèm theo chứng trào ngược thực quản hoặc chứng rối loạn co bóp thực quản, thậm chí có thể bạn có thể bị tình trạng teo niêm mạc dạ dày kèm theo viêm trợt dạ dày.

Bạn không cho tôi biết là khi soi dạ dày cho bạn BS có tìm vi khuẩn HP trong dạ dày hay không vì tình trạng nhiễm HP cũng có thể gây triệu chứng giống bạn.

Riêng triệu chứng đau bụng khi đi xe bị xóc có thể liên quan đến vấn đề sỏi thận và sỏi mật chứ ít liên quan đến vấn đề dạ dày. Bạn nên đi khám với BS chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.


- Vân Nguyễn - namvan…@gmail.com

Thưa bác sĩ,

 

Bố tôi bị ung thư trực tràng giai đoạn 2 - 3, có cần thiết phải đi trị xạ hay không ạ? Mà tiền sử có vấn đề về dạ dày thì xạ trị có ảnh hưởng không? Nếu sau khi xạ trị, gia đình muốn điều trị tiếp bằng thuốc nam có được không vậy? Rất mong BS quan tâm và trả lời giúp! Xin chân thành cảm ơn!

BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn Vân Nguyễn,

Cách điều trị ung thư trực tràng tốt nhất là phẫu thuật cắt bỏ khối u hoàn toàn rồi sau đó phối hợp xạ trị tại chỗ và hóa trị toàn thân. Trường hợp của bố bạn là giai đoạn 3 nên hiệu quả của phẫu thuật sẽ hạn chế, do đó cần phối hợp thêm giữa xạ trị và hóa trị.

Tiền sử bệnh lý dạ dày thì không phải là chống chỉ định của xạ trị. Xạ trị có thể gây những tác dụng phụ như viêm bàng quang, tiểu máu, viêm loét ruột gây đi cầu ra máu.

Về thuốc nam để trị ung thư thì chưa có bằng chứng khoa học cụ thể, tuy nhiên thuốc nam có thể giúp hỗ trợ ăn uống được và nâng đỡ thể trạng cho bệnh nhân.


- Thao Nguyen - grassy…@gmail.com

 

Mẹ tôi năm nay 60 tuổi đã cắt u đại tràng nghịch sản ngày 12/12/2013 giải phẫu bệnh lý là lành tính. Gần đây, sau 7 tháng, mẹ tôi đi tiêu ra máu 4 lần, khoảng chừng 5 giọt máu. Vì thế mẹ tôi đi kiểm tra nội soi trực tràng ngày 16/7/2014 thì BS kết luận là mô hạt viêm tại miệng nối đại tràng, viêm niêm mạc trực tràng,trĩ nội độ 1, phì đại nhú hậu môn, da thừa hậu môn. Và kết quả xét nghiệm C.A 19- 9 roche là 155H, Anti HBs >1000.

Với tình trạng sức khỏe đại tràng kể trên, có K nội mạc đã cắt (2008) và chỉ số C.A 19- 9 tăng cao như vậy, xin hỏi BS mẹ tôi có nguy cơ bị ung thư đại tràng hay không? Mong sớm nhận được hồi âm của BS để mẹ tôi bớt lo lắng.

BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Chào bạn,

+ Mẹ bạn đã cắt bỏ u đại tràng nghịch sản tức là tình trạng tiền ung thư về lý thuyết thì khả năng tái phát lại và hóa ung thư cực thấp. Hơn nữa kết quả nội soi mới nhất của mẹ bạn bị viêm tại chỗ nối của đại tràng, kèm theo trĩ nội nên nhiều khả năng tình trạng tiêu ra máu của mẹ bạn là do trĩ nội và tình trạng viêm này.

Về xét nghiệm C.A 19- 9 là 155 tuy có cao nhưng không có gợi ý là bị ung thư đại tràng. Thông thường, chỉ số này tăng cao trong ung thư tụy tạng ngoài ra ung thư dạ dày hay ung thư đại trực tràng cũng có thể làm tăng chỉ số này, nhưng các BS không thể dựa vào chỉ số này để chẩn đoán ung thư đại tràng. Bên cạnh đó, một số bệnh lý lành tính như sỏi mật, viêm gan mãn, xơ gan hay viêm loét ruột (như trong trường hợp của mẹ bạn) chỉ số này cũng tăng.

Bạn nên đưa mẹ đến khám tại BS chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật để được điều trị. Sau một tháng chúng tôi sẽ trực tiếp nội soi kiểm tra lại cho mẹ bạn để đánh giá chính xác chỗ nối ruột của mẹ bạn. Nếu nghi ngờ, chúng tôi sẽ sinh thiết làm xét nghiệm giải phẫu bệnh là chắc chắn mẹ bạn có bị ung thư đại tràng hay không.

Theo kinh nghiệm cá nhân tôi, khả năng mẹ bạn bị tái phát lại u lành đại tràng có nghịch sản tại chỗ nối ruột là cao nhất, như vậy bạn không nên quá lo lắng.

BS Lưu Phương là gương mặt quen thuộc với độc giả AloBacsi.vn và các chuyên mục sức khỏe của các cơ quan báo chí. Bác sĩ thường xuyên tư vấn và chia sẻ các thông tin liên quan đến các bệnh tiêu hóa, gan mật trên báo, truyền hình...

Thừa hưởng lòng yêu nghề từ BS Trần Ngọc Bảo - người thầy đáng kính của hàng ngàn thế hệ bác sĩ trường Y TPHCM, BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - đã rất nỗ lực tiếp nối nghiệp cha.

Trong những năm qua, ngoài những giờ lên giảng đường, BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương luôn có mặt ở BV Nguyễn Tri Phương, trực tiếp xử lý các ca bệnh khó.

Ông luôn tự nhủ "kiến thức y khoa là mênh mông", luôn làm mới mình bằng sự tham dự những cuộc hội thảo khoa học lớn trên thế giới.

Hiện là Trưởng đơn vị tiêu hóa can thiệp - BV Nguyễn Tri Phương, Giảng viên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, tuy rất bận rộn nhưng BS Lưu Phương vẫn chủ động lên lịch tham gia giao lưu trực tuyến cùng bạn đọc AloBacsi.

Sau buổi GLTT sáng nay 3/8 về chủ đề bệnh tiêu hóa, dạ dày và cách chữa viêm dạ dày HP, chủ nhật 17/8/2014, BS Lưu Phương sẽ tiếp tục giao lưu cùng bạn đọc AloBacsi 1001 thắc mắc về bệnh viêm gan A,B,C. Mời bạn đọc quan tâm đặt câu hỏi và cùng tham gia.

Trân trọng,

AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X