Hotline 24/7
08983-08983

Nội dung buổi tư vấn đầu tiên của BS Lan Hương 30/8/2014

Dù là dịp nghỉ lễ 2/9, nữ bác sĩ trẻ Cao Thị Lan Hương - BV Nhân dân 115 vẫn nhận lời gia nhập đội ngũ bác sĩ tư vấn đầy nhiệt tâm của AloBacsi.

as
BS Cao Thị Lan Hương đang online tư vấn trực tuyến cho bạn đọc

Sự xuất hiện của BS Lan Hương thực sự như một tia nắng trong ngày cuối tháng 8. Trẻ trung, lấp lánh từ nụ cười đến ánh mắt, nữ bác sĩ trẻ của BV Nhân dân 115 khiến đội ngũ những người làm AloBacsi vui mừng vô cùng: Từ nay, những bạn đọc có các thắc mắc về sức khỏe, sẽ có thêm người để sẻ chia.

Trân trọng chào mừng BS Cao Thị Lan Hương gia nhập đội ngũ bác sĩ tư vấn online nhiệt tâm và yêu nghề của AloBacsi!

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

- Trần Mộng - mongkd...@nguyenbinhfood.com.vn

Kính chào bác sĩ,

Em 27 tuổi, nam.  Ngày 26/8 em có đi khám bệnh ở BV Thống Nhất. Có chụp hình phổi và xét nghiệm máu.

1/ Chụp hình phổi: BS nói bình thường.

2/ Xét nghiệm máu: BS chẩn đoán em bị mỡ máu cao (Cholesterol =6, LDL - Cholesterol = 3.5) và rối loạn chuyển hóa Lipoprotein.

Và chẩn đoán em bị Viêm phế quản cấp, BS có kê đơn thuốc cho em như sau:

1/ Rovamycine: 10 viên (Ngày uống 2 lần, lần 1 viên)

2/ Simvastatin 20mg: 28 viên (Ngày uống 1 viên buổi chiều)

3/ Telfast BD 60mg

4/ Anphachoay: 30 viên (Ngày ngậm 3 lần, lần 2 viên)

Em uống thuốc được khoảng 3 ngày, kể từ ngày 29/8 em có dấu hiệu khó thở kéo dài đến 30/8 vẫn không giảm, đau đầu phía sau vai gáy và nhức mắt phải, nghe hơi tức bên ngực phải. Xin BS tư vấn giúp em nên phải làm gì để giảm bớt đau đầu và ngạt thở. Khi em dán thuốc dán Salonpas vào sau gáy thì dễ ngủ hơn thưa BS.

Em chân thành cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào bạn,

Hiện tại bạn đang có 3 vấn đề chính sau đây:

- Một là viêm phế quản cấp, trong toa thuốc đã bao gồm kháng sinh và giảm viêm cho bạn uống trong 5 ngày.

- Hai là rối loạn mỡ máu, thuốc Simvastatin sẽ giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, sau khi chấm dứt toa thuốc, bạn cần quay lại kiểm tra lại mỡ máu của mình để bác sĩ xem có cần tiếp tục điều trị hay không. Song song đó, bạn cần thay đổi lối sống để duy trì mỡ máu bình thường, bao gồm tập thể dục, ăn chế độ ăn khỏe mạnh, không hút thuốc lá và uống rượu bia vừa phải, vì mỡ máu không phải điều trị 1 đợt là dứt điểm.

- Ba là vấn đề mới xuất hiện gần đây của bạn sau 3 ngày điều trị với toa thuốc đã cho, triệu chứng của bạn có thể xuất phát từ diễn biến của bệnh viêm phế quản cấp, cũng có thể là tác dụng phụ của thuốc hạ mỡ máu là gây tiêu cơ, mỏi cơ nhưng tác dụng phụ này rất hiếm xảy ra, và cũng có thể là do biểu hiện của bệnh khác xen vào.

Vì thế dù là nguyên nhân gì đi nữa, khi đã khó thở tức là dấu hiệu đáng báo động cần được kiểm tra ngay, do đó tôi khuyên bạn nên quay lại tái khám bác sĩ để được định rõ tình trạng bệnh và có hướng điều trị thích hợp. Việc dán Salonpas chỉ là giảm đau vùng cơ sau gáy cổ, gây thoải mái và do đó dễ ngủ hơn.

 

 

- Hạt Tiêu - dinhthuha...@gmail.com

Thưa bác sĩ,

Em năm nay 22 tuổi, hiện đang làm việc văn phòng. Dạo gần đây em hay có triệu chứng buồn nôn, chóng mặt, nhức mắt thường xuyên kéo dài cả ngày, nhất là trong thời gian ngồi làm việc trước máy tính. Cuối ngày thường đau nhức hốc mắt, kéo lên thành đau đầu, có khi ngủ qua đêm đến sáng vẫn còn đau đầu.

Cơ thể em luôn cảm thấy uể oải, mệt mỏi, khó thở, thỉnh thoảng có đau nhói ở lồng ngực trái đột ngột. Em không biết mình có mắc bệnh gì không? và muốn đi khám nhưng cũng không biết phải khám ở khoa nào, BV nào.

Kính mong BS giải đáp giúp em. Em xin chân thành cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào bạn,

Bạn đang có biểu hiện của “hội chứng văn phòng”, ở những bạn thường xuyên ngồi làm việc với máy tính. Hội chứng này nếu nhẹ thì gồm mỏi mắt, mỏi cơ, và nặng hơn sẽ gây uể oải, mệt mỏi, khó thở, đau ngực...

Vì thế, trước mắt tôi khuyên bạn hãy thay đổi một số điều sau đây: không làm việc với máy tính quá 2 giờ, hãy đứng dậy, đi lại xung quanh, uống nước và nghỉ ngơi khoảng 10 đến 15 phút hãy quay trở lại làm việc; dùng các thuốc bổ sung vitamin bổ mắt, tăng cường miễn dịch; và tập thể dục đều đặn mỗi ngày 30-45 phút.

Nếu tình trạng trên vẫn không thuyên giảm, tôi khuyên bạn hãy đến khám bác sĩ để có hướng điều trị thích hợp.

 

 

- Nguyễn Thị Hồng - thienthanxomcat...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Tôi năm nay 22 tuổi, tôi muốn được hỏi BS là người tôi béo mà nhiều nhất là mỡ tích tụ ở phần bụng, bắp tay, mông và đùi trong khi đó khuôn mặt tôi rất gầy và nhỏ. Nhìn vào khuôn mặt tôi ai cũng tưởng tôi rất gầy, nhưng thực tế thì không phải vậy.

Vì vậy tôi đã tập thể dục để giảm béo người, người đỡ béo thì khuôn mặt tôi càng gầy và nhỏ hơn. Thưa BS người tôi có phải bi bệnh gì không? làm sao để người tôi phát triển đều?

Ngoài ra, nếu tôi lười vận động người tôi bị béo ra như kiểu bị phù, có lúc tôi ngồi lâu là 2 chân bị phù nhẹ nữa. Tôi không có tiền sử bệnh tim hay thận. Mong BS sớm giải đáp thắc mắc này của tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào bạn,

Trước hết, chúng tôi xác định bệnh nhân có thừa cân - béo phì khi chỉ số BMI của cơ thể (được tính bằng cách lấy cân nặng (kg) chia cho chiều cao bình phương (m2)) lớn hơn 23.5 kg/m2 ở người Châu Á.

Còn béo bụng được xác định khi vòng eo ở nam > 90 cm và ở nữ > 80 cm. Liệu bạn có thực sự “béo” mà đặc biệt là “béo bụng” không?

Nếu thực sự như vậy, tức bạn thực sự có thừa cân và chủ yếu là béo bụng thì bạn cần đến khám bác sĩ để có hướng dẫn về cách tập thể dục, chế độ ăn hợp lý và có thể dùng thuốc nếu xét nghiệm mỡ máu của bạn cao; bởi vì béo bụng nguy hiểm hơn so với người có cùng cân nặng đó nhưng chia đều ra các phần của cơ thể.

Hơn nữa, việc có khuôn mặt gầy nhưng phần thân lại thừa cân có khi lại là một điều mong mỏi của một số các bạn khác có gương mặt tròn như rất mập nhưng thật sự lại rất gầy, tất cả đều là do yếu tố cơ địa của từng người.

Ngoài ra, việc bạn ngồi lâu bị phù chân nhẹ là do máu trở về tim chậm gây phù chân, do đó khi ngồi lâu, bạn hãy nâng chân cao lên và cử động chân để các cơ chân co bóp đẩy máu đi tốt hơn.

Chúc bạn sức khỏe.

 

 


- hùng - nguyenhung...@gmail.com

Chào bác sĩ

Tôi bị đau bụng cách rốn tầm 5cm về phía trên, chỉ lâm râm đau chứ không đau quặn. Nhưng đau kéo dài từ hôm này qua hôm khác. Xin hỏi là bị bệnh gì? Cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào bạn,

Theo bạn miêu tả, vị trí đau của bạn là ở vùng thượng vị, đây là vị trí đau của nhiều cơ quan, như dạ dày, gan, ruột, tụy; một số cơ quan không nằm trong ổ bụng cũng có thể có biểu hiện đau ở vị trí này như tim, phổi…Do đó tôi khuyên bạn hãy đến bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa - Gan mật để khám chi tiết, làm một số xét nghiệm nếu cần để xác định chính xác bệnh và có hướng điều trị thích hợp.


- Nguyễn Ngọc Trúc Phuơng - mlitaif...@gmail.com

Thưa bác sĩ,

Mỗi lần em uống thuốc vào là em thấy mệt, buồn nôn và có cảm giác như có thuốc ở cổ họng. Mỗi lần em uống thuốc em đều bị như vậy, nhất là những viên con nhộng, khiến em rất khó chị. BS có thể cho em biết là em bị gì không ạ, em cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào bạn,

Uống thuốc là một việc thật sự không thoải mái chút nào, vì thuốc đắng chứ không phải kẹo ngọt, đặc biệt là những viên thuốc con nhộng lại càng khó uống vì nếu không uống nhiều nước, thuốc sẽ đọng lại ở họng, thực quản. Nhưng thuốc đắng thì mới dã tật, phải không!

Vấn đề của bạn là một hiện tượng tâm lý chung, bạn hãy uống nhiều nước khi uống thuốc, có thể ngậm một viên kẹo sau uống thuốc để quên đi cảm giác khó chịu, uống từng viên thay vì tất cả các viên cùng một lúc. Còn nếu bạn có cảm giác mệt, buồn nôn với 1 số loại thuốc nhất định, hãy tới khám bác sĩ, vì có thể đó là dấu hiệu bạn có tác dụng phụ của thuốc.


- Hoạt Trương Thị - hoatxh...@gmail.com

Xin chào bác sĩ,

Em sinh em bé xong thì có hiện tượng đi cầu ra máu đã hơn 3 tháng nay, mỗi lần đi rất là đau, có lúc kèm hiện tượng ngứa (em đã vệ sinh bằng nước ấm sau mỗi lần đi vệ sinh), em cũng đã thực hiện chế độ ăn nhiều rau xanh, hoa quả mát, kiêng các đồ cay nóng (do vậy em ít bị táo bón), nhưng vẫn bị hiện tượng trên. Nên em đã đến BV khám 2 lần.

Lần 1: Em tới BV Quân y 7B khám, BS khi nghe em kể triệu chứng, sau đó hỏi em có bị khối thịt thừa nào sa ra ngoài hậu môn không? em trả lời là không thấy, rồi sau đó BS không cho xét nghiệm gì hết và kết luận em bị trĩ nội và kê thuốc cho em về uống, em về uống cũng không khỏi và hiện tượng trên vẫn tiếp tục kéo dài.

Lần 2: Em đi khám tại BV đa khoa Đồng Nai và BS có khám hậu môn thì cũng kết luận là em bị trĩ nội giai đoạn 2, kê thuốc Datlon 500m(1 vỉ/15 viên), Prototog (đặt hậu môn) về dùng mấy ngày rồi sau đó hẹn ngày cho em đi nội soi đại trực tràng có sinh thiết.

Kết quả nội soi của em là: Tất cả đều bình thường, cũng không phát hiện có búi trĩ nào, sau đó em quay về phòng khám ban đầu nộp kết quả thì BS nói nội soi thì sẽ không soi được bệnh trĩ đâu, và vẫn nói em bị bệnh trĩ nội và tiếp cho em uống thuốc như trên. Nhờ BS tư vấn giúp em với ạ:

1. Em tưởng nội soi thì phát hiện được bệnh trĩ ạ?

2. Hiện tượng của em như vậy thì còn giải pháp nào để biết nguyên nhân gây ra không ạ?

3. Nếu em bị trĩ thì uống thuốc như trên có hại đến chất lượng sữa không ạ? (vì em đang cho bé bú, bé được 3 tháng ạ)

4. Nếu uống thuốc và đặt hậu môn lâu thì có ảnh hưởng tới sức khỏe không ạ?

5. Em đã đi nội soi dạ dày và bị viêm xung huyết tiền môn hang vị dạ dày và hiện tại em đang uống thuốc nghệ + mật ong để điều trị. Liệu đây có phải là nguyên nhân gây ra hiện tượng máu không ạ? Nhưng thực sự mỗi lần đi cầu em rất đau và rất sợ đi cầu.

Em rất mong BS giải đáp và tư vấn thêm chế độ ăn uống giúp em cải thiện tình hình với ạ.

Em cảm ơn BS rất nhiều.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào bạn,

Trước hết, tôi thật sự thông cảm cho nỗi lo và khó chịu vì bệnh tình của bạn trong 3 tháng nay. Các thai phụ sau khi sinh, đặc biệt là sinh thường, thường xuất hiện trĩ sau sinh do việc rặn nhiều trong lúc sinh. Với những triệu chứng bạn đã nêu, bao gồm đi cầu có máu, đi cầu đau, ngứa, tôi nghĩ nhiều bạn có trĩ kèm với nứt hậu môn.

Đau trong trĩ thường do trĩ ngoại, trĩ nội không gây đau trừ khi bị tắt nghẹt hay viêm nhiễm, và đau còn gặp trong nứt hậu môn thường đi kèm với trĩ. Vết nứt hậu môn khi lành cũng giống như thẹo ngoài da, đôi khi gây ra ngứa, nhưng mỗi khi đi cầu, sẽ bong mài và gây đau lại ngay (có thể ở mỗi lần đi tiêu chứ không phải chỉ khi tiêu bón).

Chẩn đoán trĩ phải khám lâm sàng mới định được bệnh, tức bác sĩ cần thăm khám hậu môn trực tràng cho bạn, chứ không chỉ dựa vào hỏi bệnh và nội soi, và chú ý là những khối trĩ ngoại nhỏ hay những vết nứt hậu môn có thể rất nhỏ dễ bỏ sót.

Nội soi có thể chẩn đoán được trĩ và phân biệt với các bệnh lý khác gây đi cầu ra máu, vì trước khi nội soi, các bác sĩ nội soi sẽ khám hậu môn trước, khám bằng tay, và có thể có cả dụng cụ chuyên biệt, nhưng nếu chỉ đưa ống vào, và đặt biệt là đẩy ống quá sâu qua khỏi ống hậu môn, có thể bỏ sót búi trĩ thấp.

Do đó, tôi khuyên bạn đến khám một cơ sở khác hơn là tìm một xét nghiệm khác, vì thăm khám kỹ đã đủ xác định chẩn đoán, các xét nghiệm sâu hơn nếu cần khi đã thăm khám cẩn thận và nghi ngờ việc đi cầu ra máu do nguyên nhân khác từ đoạn xa hơn của ruột già, bác sĩ mới đề nghị nội soi đại tràng, còn xét nghiệm máu không cho kết luận về chẩn đoán trĩ.

Các thuốc Daflon và Prototog dùng để trị trĩ, với liều dùng như trên, không ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sữa. Viêm xung huyết tiền môn vị không gây ra tính chất đi cầu ra máu như bạn đã nêu, xuất huyết dạ dày gây tiêu phân đen (tức máu đen, không phải máu đỏ), còn trường hợp xuất huyết dạ dày gây tiêu phân đỏ tức xuất huyết lượng lớn, hình ảnh nội soi sẽ khác và tình trạng của bạn đã rất xấu cần cấp cứu ngay rồi.

Mật ong và nghệ cũng không gây ra đi cầu ra máu như trên. Và cuối cùng, với chế độ ăn hiện tại của bạn, nhiều rau xanh và không đi tiêu bón, bạn cứ tiếp tục chế độ ăn như vậy, và đến khám bác sĩ khác, dùng thuốc điều trị nứt hậu môn sẽ không gây tiêu máu và đau nữa.

Mong là bạn mau khỏe bệnh và giải tỏa được nỗi lo này.


- thuy tuan - thuytuan...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Chỉ số xét nghiệm máu của chồng tôi có ghi 35.8%NEUT, 50.4%LYM, 1.31mmol/l Calci ion hóa. BS nói giúp chồng tôi có sao không? Xin cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào bạn,

Tôi dự rằng đây là những con số “bất thường” được ký hiệu trong kết quả xét nghiệm máu của chồng bạn có phải không? Để có thể trả lời câu hỏi của bạn, tôi cần chi tiết hơn các thông tin về tất cả các xét nghiệm cũng như triệu chứng của chồng bạn cũng như chồng bạn đi khám vì lý do gì? Thân ái.


- Tran Tu Uyen - uyentt.dlt...@uphcm.edu.vn

Chào bác sĩ,

Cho em hỏi là em bị ho nhiều và khó thở, khò khè, đi khám bệnh thì BS bảo là em bị hen suyễn và cho toa:

Salbutamol 2mg (1v x 4)/ngày.

Molitoux (1v x 4)/ngày.

Cefaclor 500mg (1v x 2)/ngày.

Fexofenadin 1v vào buổi tối.

Uống thuốc thấy cũng đỡ nhiều nhưng vẫn còn hơi khò khè. Do em bận việc nên không có thời gian để khám lại nên định lấy toa này mua thêm 3 ngày nữa để uống không biết là có được không BS?

Xin BS cho em lời khuyên làm thế nào để giảm bớt cơn suyễn? mà không phải em thường xuyên bị suyễn chỉ khi nào em bị ho nhiều đờm thi mới như vậy có phải là em bị suyễn cấp tính không BS?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào bạn,

Có rất nhiều bệnh gây ra triệu chứng ho, khò khè, suyễn chỉ là một trong số đó. Trước khi điều trị suyễn, cần phải chẩn đoán chắc chắn bạn có bị suyễn hay không, vì thuốc điều trị nào cũng có tác dụng phụ của nó.

Bạn đã bao giờ đo chức năng hô hấp chưa, vì xét nghiệm đó sẽ giúp xác định chẩn đoán bệnh cũng như mức độ bệnh.

Tôi giả sử là bạn đã thực hiện xét nghiệm và chẩn đoán xác định bệnh suyễn, thì việc điều trị chủ yếu là ngừa cơn suyễn tái phát, khi đó, việc tránh các yếu tố kích thích ho là quan trọng nhất, tiếp theo là thuốc xịt sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn thuốc uống và ít tác dụng phụ hơn thuốc uống, tùy theo mức độ bệnh mà bác sĩ chỉ định bạn xịt khi lên cơn thôi hay cần xịt để ngừa cơn mỗi ngày.

Trong toa thuốc hiện nay của bạn có kháng sinh, bạn không thể dùng kéo dài liên tục, hay mỗi khi lên cơn dùng lại. Tôi khuyên bạn nên đến tái khám bác sĩ, để bác sĩ kiểm tra tình trạng bệnh của bạn mà cân nhắc dùng tiếp tục thuốc nào hay bổ sung hoặc cắt bớt các thuốc nào để điều trị thích hợp cho bạn.

Chương trình tư vấn sức khỏe của AloBacsi hoàn toàn miễn phí.
Bác sĩ của chúng tôi làm việc trên tinh thần hết lòng vì Sức khỏe cộng đồng, theo lời thề Hippocrates -
Lời thề Đạo đức Y khoa.

Chúng tôi sẵn sàng sẻ chia những lo âu, giải đáp các thắc mắc của bạn - vô điều kiện.

Mời bạn đặt câu hỏi tại email: tuvan@alobacsi.vn

Trân trọng, 

* Ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, các thầy thuốc phải đọc Lời thề Hippocrates (cha đẻ của Y học phương Tây) trước khi ra trường để hành nghề.

Nội dung chính là nhấn mạnh Y đức, BS phải cứu chữa cho người bệnh vô điều kiện.

Lời thề này được các sinh viên Y khoa đọc và nguyện làm theo trong lễ tốt nghiệp.

Đây là buổi lễ hết sức thiêng liêng
và lời tuyên thệ của sinh viên y khoa trong ngày tốt nghiệp vô cùng nhân văn và cao cả.


 

 

AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X