Những vật dụng cá nhân tuyệt đối không nên dùng chung với người khác
Có những trường hợp, chia sẻ không phải là sự chăm sóc như chúng ta mong muốn. Thậm chí nó sẽ gây những vấn đề “lợi bất cập hại” cho sức khỏe mỗi người.
Chia sẻ để thể hiện sự quan tâm - đó là những gì chúng ta đã được giáo dục ngay từ khi còn nhỏ.
Nhưng có những trường hợp, chia sẻ không phải là sự chăm sóc như chúng ta mong muốn. Thậm chí việc chia sẻ sẽ gây những vấn đề "lợi bất cập hại" cho sức khỏe của mỗi người.
Dao cạo râu, dụng cụ làm móng
Những vật dụng sắc nhọn này đều có thể gây tổn thương trên da nếu như bạn sơ ý, thậm chí gây ra những vết cứa chảy máu khi dùng.
Những vết thương hở là điều kiện thuận lợi cho virut, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể và lây lan bệnh tật.
Đơn cử, những tin tức trước đây vẫn cho hay nhiều người bình thường đã bị nhiễm virut HIV thông qua việc sử dụng chung dao cạo râu có chứa virut từ những người sử dụng trước đó.
Ngoài ra, dao cạo râu có thể lây lan bệnh truyền nhiễm như viêm nang lông, hoặc mụn cóc thông qua tiếp xúc với da, ngay cả khi không có những vết xước.
Một nguyên tắc nhỏ giúp bạn ngăn ngừa bệnh tật: thay thế lưỡi dao sau 5-10 lần sử dụng, và nên sử dụng riêng biệt với người khác để theo dõi dễ dàng hơn.
Bàn chải đánh răng
Dùng chung bàn chải đánh răng là thói quen khá phổ biến với nhiều cặp vợ chồng như một cách để trở nên gần gũi hơn, tuy nhiên đây là thói quen vô cùng xấu.
Dùng chung bàn chải là con đường nhanh nhất để lây truyền bệnh tật, đặc biệt các bệnh về răng miệng.
Bàn chải đánh răng của mỗi người đều là dụng cụ "không bao giờ sạch sẽ" và là nơi ẩn nấp hoàn hoản của rất nhiều loại vi khuẩn.
Vi trùng, vi khuẩn trú ngụ trên lông bàn chải sẽ xâm nhập trực tiếp vào cơ thể và gây bệnh thông qua quá trình bạn dùng bàn chải người khác để đánh răng hay ngược lại.
Hiệp hội Nha khoa Mỹ cũng khuyến cáo rằng việc dùng chung bàn chải đánh răng làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng, nguy cơ này sẽ gia tăng theo cấp số nhân nếu bạn có một hệ thống miễn dịch yếu.
Khăn rửa mặt
Dùng chung khăn rửa mặt với người khác, kể cả người thân cũng không phải là thói quen lành mạnh.
Tụ cầu khuẩn có thể sống trong chiếc khăn trong vài ngày hoặc thậm chí vài tháng nếu bạn để khăn nơi tối tăm và ẩm ướt.
Vì vậy, không dùng chung khăn và thay đổi nó thường xuyên là cách an toàn để bảo vệ sức khỏe.
Giữ chúng khô sạch, luôn để trong một không gian thông thoáng, và tuyệt đối không chia sẻ với bất cứ ai sẽ giúp bạn tránh được nhiều bệnh tật, đặc biệt về da và mắt.
Xà bông
Xà bông có vai trò làm sạch cơ thể nhưng nó vẫn có thể chứa nhiều vi khuẩn.
Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh khuyến khích mọi người nên dùng xà bông dạng lỏng, dung dịch để thay thế cho những thanh xà bông truyền thống và đưa ra lý thuyết khá logic cho điều đó.
Những thanh xà bông dạng rắn có thể chứa vi khuẩn nhưng dung dịch xà bông thì không thể, tất nhiên trừ khi bạn mở nắp chứa xà bông và làm chúng nhiễm bẩn.
Một nghiên cứu khác cho thấy: những bánh xà bông thường không khô nếu được sử dụng liên tục, đặc biệt là ở mặt dưới, vì thế dẫn đến sự tích tụ của vi khuẩn, nấm và nấm men và chúng sẽ truyền từ người này sang người khác.
Lăn khử mùi
Một số cặp vợ chồng chia sẻ và dùng chung với nhau tất cả mọi thứ, bao gồm lăn khử mùi.
Hãy nhớ rằng sự tiếp xúc mồ hôi trên da bạn cũng có thể làm lây lan vi khuẩn, vi trùng gây bệnh.
Có một sự khác biệt không nhỏ khi khử mùi dạng xịt và lăn trên da. Với thiết kế đầu xịt không tiếp xúc trực tiếp với da nên khử mùi dạng xịt tránh được tình trạng nhiễm khuẩn trở lại vào trong chai.
Khử mùi dạng lăn thì ngược lại, chúng có khả năng truyền vi khuẩn hơn vì độ tiếp xúc với da của mình.
Theo Phạm Ngà - Giáo dục Việt Nam
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình