Hotline 24/7
08983-08983

Những vấn đề liên quan đến việc dùng thuốc ở người cao tuổi

Việc hiểu biết về một số đặc điểm sinh - bệnh lý và những điểm đáng lưu ý khi dùng thuốc cho người cao tuổi là hết sức quan trọng.

Ngày nay, nhờ những tiến bộ không ngừng của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là y tế và chăm sóc sức khỏe nên tuổi thọ của con người không ngừng được tăng cao. Tuy nhiên, song song với tuổi thọ tăng cao lại kéo theo những bệnh của người cao tuổi.

Đây là bệnh lý có những đặc thù riêng, cả về chẩn đoán, theo dõi và điều trị, do đặc điểm về tâm sinh lý của người cao tuổi có nhiều thay đổi so với các lứa tuổi khác. Vì vậy, việc hiểu biết về một số đặc điểm sinh - bệnh lý và những điểm đáng lưu ý khi dùng thuốc cho những người cao tuổi là hết sức quan trọng.

1. Những đặc điểm ảnh hưởng đến việc dùng thuốc ở người cao tuổi

- Theo thời gian, một số các cơ quan tổ chức đã suy giảm chức năng đáng kể, do vậy dễ dẫn đến hiện tượng chậm đáp ứng rồi lại đáp ứng quá mạnh (nghĩa là liều điều trị rất gần với liều độc).

- Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh phối hợp; dùng thuốc điều trị bệnh này có thể làm nặng thêm bệnh kia. Hơn nữa, việc điều trị nhiều loại bệnh sẽ dễ dẫn đến tương tác thuốc có hại.

- Về hấp thu thuốc: Bộ máy tiêu hoá của người cao tuổi có nhiều thay đổi do giảm số lượng các tế bào hấp thu kèm theo giảm nhu động ruột cũng như giảm lượng máu tuần hoàn đến ruột dẫn đến việc hấp thu trở nên khó khăn và chậm chạp hơn, trong khi thuốc lưu lại trên đường tiêu hóa lâu hơn lại dễ gây nên các biến chứng trên đường tiêu hóa.

- Về phân phối thuốc: Khối lượng các mô ở người cao tuổi giảm, do vậy khối lượng nước giảm mà khối lượng mỡ nói chung lại tăng lên. Do vậy các thuốc tan trong nước sẽ bị tăng nồng độ; còn các thuốc tan trong mỡ sẽ bị chậm khởi đầu, nhưng lại tăng thời gian tác dụng dễ dẫn đến tích lũy gây độc.

Khi tuổi cao, loại protein chịu trách nhiệm vận chuyển thuốc trong máu giảm xuống nên lượng thuốc lưu hành tự do trong cơ thể sẽ tăng lên mà đây chính là dạng hoạt động của thuốc. Chính vì vậy, cùng một liều sử dụng như người trẻ nhưng với người cao tuổi có thể gây tăng quá mức tác dụng dẫn tới nhiều biến chứng.

- Về chuyển hoá và thải trừ thuốc: Thuốc được thải trừ qua gan và thận là chủ yếu, nhưng ở người cao tuổi, khối lượng gan và thận đều giảm; lượng máu đến cũng giảm do vậy ảnh hưởng tới chuyển hoá thuốc; dễ dẫn đến tích lũy và gây độc.

Nếu so sánh lứa tuổi 30-40 với lứa tuổi 60-70 người ta thấy tỷ lệ tai biến do thuốc cao gấp đôi ở những người già... Ảnh minh họa: Nguồn Internet

2. Nguyên nhân tăng tỷ lệ tai biến ở người cao tuổi khi dùng thuốc

- Người cao tuổi thường hay đau ốm, đặc biệt, mắc một lúc nhiều bệnh, do đó, thường phải dùng thuốc nhiều hơn người trẻ tuổi, thì càng dễ bị tai biến do thuốc.

- Do mắc một số bệnh mạn tính mà các bệnh này đòi hỏi sử dụng nhiều loại thuốc nên dễ bị tương tác thuốc.

- Người cao tuổi thường quá lo lắng về tình trạng sức khỏe nên thường dùng thêm thuốc ngoài thuốc đã được chỉ định.

- Người cao tuổi do trí tuệ giảm sút thường hay nhầm lẫn trong sử dụng thuốc, đặc biệt về liều lượng và số lần dùng thuốc. Một số người cao tuổi có thói quen để dành thuốc, gói cất trong những gói hoặc chai lọ không nhãn, một thời gian sau lại đem ra dùng nhưng do không nhớ rõ nên đã có những trường hợp bị tai biến do uống nhầm thuốc.

- Có nhiều thuốc bình thường trở nên nguy hiểm đối với người cao tuổi vì những thay đổi sinh lý của tuổi già như đã nói ở trên.

3. Nguyên tắc dùng thuốc ở người cao tuổi

- Việc phòng bệnh và chữa bệnh có nhiều biện pháp khác nhau. Nếu dùng một phương pháp nào đó có thể cho kết quả tốt mà không cần dùng thuốc thì đó là cách thức tốt nhất. Hạn chế tối đa việc dùng thuốc cho người cao tuổi; tránh lạm dụng thuốc, nhất là các thuốc được cho là "thuốc bổ".

- Nếu phải dùng thuốc thì dùng càng ít loại càng tốt, chọn các loại thuốc ít độc và hiệu quả cao. Nên chọn phương thức, đường đưa thuốc vào cơ thể an toàn nhất nhưng vẫn bảo đảm được sự hấp thu tốt và công hiệu.

- Song song với việc lựa chọn những thuốc đặc hiệu trong điều trị thì việc lựa chọn những thuốc có dạng dễ sử dụng là một việc làm cần lưu tâm.

- Độ tinh tường của mắt người cao tuổi bị giảm sút nên cần ưu tiên những thuốc có nhãn to rõ để người già dễ đọc, dễ lấy chính xác. Trong các loại thuốc uống, thì có lẽ những thuốc dạng viên là gây khó chịu nhất với người cao tuổi, nhất là những viên thuốc đóng kích cỡ quá to vì chúng rất khó nuốt. Ưu tiên sử dụng những thuốc dạng viên nhỏ hay dạng nước trong kê đơn điều trị.

- Liều dùng phải thích hợp với từng loại bệnh và luôn luôn xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi và hại; tương tác giữa các loại thuốc; chức năng gan - thận. Không để tình trạng chữa được bệnh này lại làm nặng thêm bệnh khác.

- Khi người cao tuổi cần sử dụng thuốc trong một thời gian dài, phải thực hiện đầy đủ chế độ theo dõi, giám sát, kiểm tra, đánh giá, nhận định kết quả điều trị theo từng thời gian, từng giai đoạn và điều chỉnh liều lượng thuốc, loại thuốc cần thiết. Với các loại thuốc phải dùng kéo dài, nếu có thể được nên có thời gian nghỉ thuốc xen kẽ để tránh hiện tượng tích lũy thuốc.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

4. Những vấn đề người cao tuổi cần lưu ý khi dùng thuốc

- Để phát huy cao nhất tác dụng điều trị của thuốc và hạn chế thấp nhất tác dụng phụ do thuốc gây ra, người cao tuổi cần lưu ý không nên tự ý sử dụng thuốc bừa bãi, tốt nhất hãy dùng thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ, theo sự hướng dẫn của dược sĩ. Khi bác sĩ cho đơn thuốc, phải dùng đúng thuốc theo đơn. Không nên nghe lời mách bảo, tìm đọc trong sách báo quảng cáo hoặc tự ý dùng thêm thuốc khi chưa hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị.

- Nếu người cao tuổi có nguy cơ bị sút giảm trí nhớ thì không nên để các cụ tự dùng thuốc mà cần có người thân chăm lo, giữ và cho dùng thuốc theo giờ giấc quy định… Đã có trường hợp các cụ ngộ độc thuốc vì không nhớ đã uống thuốc rồi và cứ uống thêm nhiều lần nữa, hoặc có cụ uống thuốc loại dạng thuốc nhỏ giọt quá liều do đếm sai.

- Một số người cao tuổi có các triệu chứng không điển hình của một bệnh lý nào đó. Nguyên nhân có thể do tuổi già nhưng cũng có thể do thuốc gây ra. Cần theo dõi sát và lưu ý đặc biệt một số rối loạn do thuốc gây ra như: lú lẫn, trầm uất, táo bón, tiêu tiểu không tự chủ, hạ huyết áp tư thế đứng…

- Khi đang dùng thuốc, nếu thấy có những rối loạn, những phản ứng bất thường, không nên tự ý bỏ, ngưng thuốc hoặc thay thế thuốc khác, mà nên trở lại khám bác sĩ đã chỉ định thuốc để bác sĩ cho hướng xử trí thích hợp.

5. Phản ứng phụ và một số nguy cơ do thuốc ở người cao tuổi

Sau đây là những biểu hiện thường hay gặp do phản ứng có hại của thuốc. Người cao tuổi nên báo với bác sĩ khi có những biểu hiện sau: 

- Buồn ngủ: Các thuốc có tác dụng gây ức chế hệ thần kinh trung ương đều gây buồn ngủ kiểu ngủ gà ngủ gật. Nếu người cao tuổi dùng thuốc vào lúc cần có sự tập trung trí óc và phản ứng nhanh nhạy thì tác dụng gây buồn ngủ rất nguy hiểm do tai nạn xảy ra bởi ngủ gục.

- Rối loạn giấc ngủ: Ngược với tác dụng gây buồn ngủ, thuốc dãn phế quản trị hen suyễn gây khó ngủ, một số thuốc lợi tiểu gây mất ngủ do phải tiểu tiện đêm. Đặc biệt, thuốc trị bệnh tăng huyết áp có thể gây ác mộng, thuốc glucocorticoid dùng lâu ngày có thể gây chứng ngưng thở khi ngủ, thậm chí một số thuốc an thần dùng trị mất ngủ gây tác dụng phụ gọi là ngủ chập chờn, không sâu.

- Rối loạn nhận thức: Một số thuốc gây rối loạn nhận thức như lú lẫn, hay quên, mất trí nhớ. Một số thuốc chống trầm cảm, chống co giật, thuốc chống co thắt, thuốc trị cao huyết áp, thuốc trị bệnh Parkinson, thậm chí một số thuốc kháng sinh cũng có tác dụng phụ gây lú lẫn, mất trí nhớ. Ở người cao tuổi, đây là rối loạn rất dễ nhầm lẫn với hiện tượng lão suy gây sa sút trí tuệ.

- Táo bón: Ở người cao tuổi, do dùng nhiều thuốc nên tỉ lệ bị tác dụng phụ này rất cao. Đó là thuốc chống co thắt, thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, một số thuốc trị loét dạ dày - tá tràng.

- Rối loạn tiểu tiện:
Các thuốc chống trầm cảm, thuốc chống co thắt, thuốc kháng histamin trị dị ứng, thuốc an thần kinh, thuốc trị bệnh Parkinson có thể gây khó tiểu hoặc gây chứng tiểu không kiểm soát.

- Rối loạn đường tiêu hóa: Do chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày ít đi, giảm sự tưới máu ở dạ dày ruột nên dễ bị phản ứng có hại của thuốc trị viêm thấp khớp từ nhẹ là khó tiêu đầy bụng đến nặng là loét, xuất huyết đường tiêu hóa.

- Giảm điều hòa thân nhiệt: ở người cao tuổi khả năng điều hòa thân nhiệt giảm. Một số thuốc: nhóm phenothiazin, benzodiazepin, opid (codein, proprapamin)... rất dễ gây hạ thân nhiệt ở người cao tuổi. Nếu thân nhiệt hạ quá mức mà không cấp cứu kịp thời rất dễ gây tử vong.

- Tụt huyết áp tư thế đứng: rất hay xảy ra, người cao tuổi khi uống thuốc này nên thận trọng trong việc đổi tư thế. Thường gặp là các thuốc an thần, gây ngủ; các thuốc chống Parkinson, các thuốc hạ huyết áp, thuốc kháng histamin H1...

- Té ngã: Thuốc trị tăng huyết áp dễ làm người cao tuổi hạ huyết áp tư thế đứng hoặc thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm gây rối loạn sự giữ thăng bằng làm cho người cao tuổi dễ bị té ngã. Người cao tuổi thường bị loãng xương nên khi té ngã dễ bị gãy xương, hậu quả phải nằm bất động lâu dài dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, loét do nằm lâu…

- Rối loạn hoạt động tình dục: Không chỉ do tuổi tác mà có nhiều loại thuốc trong thời gian sử dụng có thể ảnh hưởng, làm giảm ham muốn, đặc biệt gây bất lực ở nam giới.

Khi uống thuốc nếu người già có các biểu hiện: Buồn ngủ, rối loạn giấc ngủ, táo bón, té ngã, tụt huyết áp tư thế, giảm điều hòa thân nhiệt... thì cần báo với bác sĩ. Ảnh minh họa: Nguồn Internet

6. Dùng thuốc kháng sinh ở người cao tuổi

Kháng sinh là loại thuốc được dùng phổ biến khi có nhiễm khuẩn. Người cao tuổi thường đã trải qua nhiều bệnh nhiễm khuẩn nên thường dùng nhiều loại kháng sinh. Vi khuẩn gây bệnh trên người cao tuổi dễ kháng lại với thuốc. Ngoài ra, sự thay đổi về sinh học của tuổi già cũng ảnh hưởng tới sự hấp thu, phân bố, chuyển hóa và thải trừ của thuốc.

Vì vậy, chỉ dùng kháng sinh khi biết có bệnh nhiễm trùng bởi vi khuẩn, vi nấm hoặc mắc bệnh nhiễm virus nhưng có bội nhiễm vi khuẩn. Cũng có những trường hợp người ta dùng kháng sinh trong việc phòng nhiễm khuẩn trong phẫu thuật.

Chỉ dùng phối hợp kháng sinh khi thật cần thiết và cần tính đến tác dụng đối kháng hay hiệp đồng của thuốc. Tránh dùng thuốc kháng sinh gây ảnh hưởng xấu đến chức năng thận, nếu cần dùng phải giảm liều. 

Phải luôn luôn kiểm tra kết quả điều trị khi dùng kháng sinh. Nếu không thấy có kết quả cần xem lại chẩn đoán, việc lựa chọn thuốc, liều lượng, tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn…

7. Dùng thuốc an thần ở người cao tuổi

Với người cao tuổi, lo âu là trạng thái thường xảy ra trong đời sống hàng ngàyđưa tới bất ổn định tinh thần, khó ngủ. Cần cố gắng giải quyết các khó khăn này qua tư vấn, hỗ trợ gia đình, xã hội thay vì tìm đến thuốc an thần.

Chỉ dùng thuốc an thần sau khi được khám bệnh với chẩn đoán rõ ràng. Dùng thuốc ngắn hạn. Không dùng chung với các thuốc có tác dụng làm dịu thần kinh khác như rượu, thuốc ngủ vì có thể gây bất tỉnh, hôn mê.

Dùng thuốc an thần chung với thuốc trị loét bao tử có thể tăng tác dụng của thuốc an thần. Lý do là thuốc trị loét bao tử sẽ trì hoãn sự thải trừ của thuốc an thần, gây kéo dài tác dụng.

Không đột nhiên ngưng thuốc đã được bác sĩ chỉ định để tránh rơi vào tình trạng nhớ thuốc, không dùng lâu hơn nhu cầu để khỏi bị lệ thuộc, ghiền thuốc. Nếu quên một liều lượng, không tự ý dùng gấp đôi để bù đắp.

Người cao tuổi rất dễ xảy ra ngộ độc thuốc ngủ vì ranh giới giữa liểu ngủ và liều hôn mê rất hẹp. Theo dõi sát tác dụng cũng như tác dụng phụ của thuốc trong quá trình sử dụng. Tốt nhất là người thân nên theo dõi việc uống thuốc an thần ở người già.

Người cao tuổi rất dễ xảy ra ngộ độc thuốc ngủ vì ranh giới giữa liểu ngủ và liều hôn mê rất hẹp. Vì vậy, người thân nên theo dõi việc uống thuốc an thần ở người già. Ảnh minh họa: Nguồn Internet

8. Dùng thuốc kháng viêm, giảm đau ở người cao tuổi

Đau là triệu chứng thường hay gặp ở người cao tuổi do các bệnh lý về xương khớp. Vì vậy, thuốc giảm đau là loại thuốc được dùng thường xuyên và phổ biến nhất. Có nhiều loại thuốc giảm đau khác nhau:

Các thuốc giảm đau bậc 1 là Paracetamol và các thuốc thuốc chống viêm không steroid (viết tắt là NSAID, gồm có: aspirin, ibuprofen, diclofenac...) là loại được hay dùng nhất vì mua ở nhà thuốc dễ dàng không cần đến toa của bác sĩ. Chính vì thuốc giảm đau bậc 1 có thể mua dễ dàng, sử dụng rộng rãi và dùng ngày càng tăng liều đã đưa đến tỷ lệ tai biến do thuốc này ngày càng tăng ở nhiều nước trên thế giới.

1. Paracetamol: an toàn hơn aspirin hoặc các thuốc NSAID khác ở chỗ Paracetamol không gây hại dạ dày. Tuy nhiên, phải lưu ý độc tính của nó đối với gan. Người ta ghi nhận đã có khá nhiều trường hợp ngộ độc Paracetamol dẫn đến hoại tử tế bào gan, đặc biệt ở người cao tuổi hoặc ở người có chức năng gan hoạt động kém. Vì vậy, nên lưu ý:

- Không được dùng Paracetamol để tự điều trị cảm sốt, giảm đau quá 10 ngày ở người lớn và quá 5 ngày ở trẻ con, trừ khi được bác sĩ hướng dẫn.

- Đối với người lớn, liều thông thường không nên quá 3g/ngày (mỗi lần chỉ nên dùng 500mg - 1000mg, một ngày không quá 3 lần). Riêng người cao tuổi nên dùng liều thấp hơn do chức năng gan đã kém.

- Người uống rượu nhiều không nên dùng bừa bãi Paracetamol vì cả hai đều có hại cho gan, do đó nếu kết hợp sẽ làm tăng độ nguy hại lên nhiều lần.

2. Đối với thuốc nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID) cần lưu ý tác dụng phụ ở 2 nhóm người:

- Người bị hen suyễn hoặc người có cơ địa dễ bị dị ứng nên lưu ý không dùng thuốc aspirin hoặc các NSAID khác. Bởi vì loại thuốc giảm đau này có thể gây co thắt phế quản. Làm khởi phát cơn hen, làm triệu chứng hen suyễn nặng thêm đến mức có thể nguy hiểm đến tính mạng.

- Người đang có bệnh lý về tim mạch nên tránh dùng các thuốc NSAID nói chung (ngoại trừ aspirin liều thấp có tác dụng ngừa huyết khối được bác sĩ tim mạch chỉ định dùng để ngừa đau thắt ngực, nhồi máu tim). Nếu tự ý dùng thuốc NSAID có thể làm tăng nguy cơ suy tim ở người cao tuổi đang dùng thuốc lợi tiểu để trị bệnh tăng huyết áp.

Nếu tình trạng đau không cải thiện hoặc cải thiện sau đó lại tái phát khi dùng thuốc giảm đau bậc 1, người cao tuổi nên đến cơ sở điều trị để được bác sĩ khám, xác định nguyên nhân và giúp chọn loại thuốc giảm đau thích hợp. Không nên tự ý dùng bất cứ loại thuốc giảm đau nào mà mình không rõ hoặc dùng loại thuốc giảm đau bậc cao hơn, bậc 2 hoặc bậc 3, có thể bị nghiện thuốc và xảy ra tai biến nguy hiểm.

9. Dùng canxi ở người cao tuổi

Canxi rất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể. Lâu nay, người ta thường chú ý bổ sung chất này cho trẻ em. Trong khi đó người cao tuổi rất dễ bị thiếu canxi do việc hấp thu canxi kém và bài tiết canxi tăng. Vậy bổ sung canxi ở lứa tuổi này như thế nào?

Tốt nhất, người cao tuổi nên ăn thức ăn giàu canxi và dễ hấp thu như sữa bò, đậu nành, vừng, tôm, cá, cua, sò, rong biển, mộc nhĩ đen... Ăn nhiều thức ăn giàu vitamin D như lòng đỏ trứng, gan động vật và ra nắng nhiều (nắng buổi sớm). Ăn vừa đủ protein giúp hấp thu canxi tốt hơn và ăn vừa đủ muối. Nếu ăn quá nhiều  protein và muối sẽ tăng bài tiết canxi.

Một số trường hợp thiếu canxi không đảm bảo đủ bằng chế độ ăn thì phải bổ sung bằng thuốc. Không dùng canxi đơn độc mà nên dùng cùng với vitamin D giúp cho việc hấp thu canxi tốt hơn.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc chứa canxi. Tuy nhiên, việc bổ sung cụ thể trong từng trường hợp nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc để đạt hiệu quả, tránh dùng thừa và những tai biến do thuốc gây ra.

BS.CK1 Cao Thanh Ngọc
BV Đại học Y dược TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X