Hotline 24/7
08983-08983

Nhức mỏi bàn chân khi bị tiểu đường type 2 có sao không?

Câu hỏi

Cho em hỏi, Cha em khoảng 50 tuổi, mắc bệnh tiểu đường type 2. Ngày nào cha em cũng nhức mỏi bàn chân. Như vậy có sao không ạ?

Trả lời
Nhức mỏi bàn chân. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Nhức mỏi bàn chân. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em,

Người bị tiểu đường khi nhức chân thì cần tái khám lại bác sĩ, vì bác sĩ phải kiểm tra xem có viêm nhiễm gì không, có tổn thương mạch máu - thần kinh do biến chứng của tiểu đường nhiều năm hay không, có bệnh lý khớp hay không (người lớn tuổi thường bị thoái hóa khớp cũng gây đau nhức chân), đường huyết có tăng cao không (cũng là nguyên nhân gây đau nhức), và 1 số nguyên nhân khác nữa; sau đó bác sĩ sẽ điều trị bằng thuốc giảm đau thích hợp, an toàn cho người bệnh, đôi khi cần thêm thuốc giảm đau thần kinh nữa nếu người bệnh bị viêm đa dây thần kinh do tiểu đường thì mới giảm đau được tốt.

Nhiều người bệnh tự chẩn đoán mình đau nhức chân do thoái hóa khớp, và tự trị bằng thuốc giảm đau không rõ loại, làm bệnh tiến triển xấu rất nhiều (đặc biệt là có viêm nhiễm mà không biết, và dùng corticoid để giảm đau). Em nên cho ba em đi khám lại để bác sĩ kiểm tra toàn diện, em nhé, em vẫn đăng ký phòng khám Nội tiết như thường lệ thôi.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Bệnh tiểu đường có thể gây nguy hiểm cho bàn chân của bệnh nhân - thậm chí một vết cắt nhỏ cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng như tổn thương thần kinh làm mất cảm giác ở chân. Bệnh tiểu đường cũng có thể làm giảm lưu lượng máu đến chân, dẫn đến khó chữa bệnh hoặc gia tăng nhiễm trùng. Bởi vì những vấn đề này, bệnh nhân không thể nhận thấy một vật lạ trong giày của họ. Kết quả là họ có thể phát triển vết phồng rộp hoặc đau. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc một vết thương không lành khiến bệnh nhân có nguy cơ bị đoạn chi.

Một số bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường cảm thấy đau nhói khi da chân tiếp xúc với những chất liệu vải như tấm ra chải giường. Hay cảm giác nóng rát làm họ không thể nào ngủ được. Những triệu chứng trên xảy ra với trường hợp bệnh nhân đái tháo đường được chẩn đoán là chứng loạn cảm giác, một dạng của bệnh do kích ứng của thần kinh.

Ngoài việc tuân theo một chế độ ăn uống để kiểm soát lượng đường trong máu, bạn có thể tiến hành vài bước sau để ngăn ngừa các biến chứng ở bàn chân. Để cải thiện lưu lượng máu đến chân, bạn nên đi bộ càng thường xuyên càng tốt với giày kín ngón chân hoặc giày thể thao chắc chắn, thoải mái. Tập thể dục cũng giúp làm giảm huyết áp và giảm cân rất có ích.

Thường xuyên kiểm tra bàn chân để phát hiện các thay đổi, kiểm tra các vết cắt, đau nhức hoặc vết loét. Bạn phải báo về bất kỳ vết thương, vết cắt, hoặc lở loét trên bàn chân cho bác sĩ ngay lập tức. Để giữ cho đôi chân khỏe mạnh, hãy làm theo những lời khuyên sau:

- Kiểm tra bàn chân hàng ngày, kể cả kẽ ngón chân.
- Khám bác sĩ nếu bạn phát hiện chân có vết cắt, vết loét, vết thương, đau nhức, sưng, đỏ, vùng da bị nóng hoặc dị tật.
- Không đi chân trần, kể cả đi trong nhà. Các vết lở loét nhỏ cũng có thể trở nên nghiêm trọng. Đi bộ trên vỉa hè nóng mà không mang giày có thể gây hại mà bạn có thể không cảm thấy.
- Không hút thuốc, có thể làm hẹp mạch máu và góp phần làm máu kém lưu thông.
- Giữ chân sạch sẽ và khô ráo - không ngâm nước. Thấm nhẹ cho khô; không chà xát.
- Giữ ẩm da sau khi làm sạch, trừ kẽ ngón chân.
- Tránh nước nóng; kiểm tra nhiệt độ nước tắm bằng bàn tay, không sử dụng chân.
- Cắt móng chân sau khi tắm. Cắt ngang qua và sau đó giũa bằng giũa móng mềm. Giũa các cạnh sắc và đừng bao giờ cắt lớp biểu bì.
- Sử dụng đá bọt cho các vết chai sạn. Không bao giờ tự cắt vết chai, cục chai, hoặc sử dụng hóa chất không có toa kê của bác sĩ.
- Tìm đến chuyên gia để chăm sóc móng chân và các mô sẹo.
- Mang giày vừa vặn, và vớ bằng sợi tự nhiên. Không nên mang giày mới liên tục trong nhiều hơn một giờ, và kiểm tra bàn chân của bạn một cách cẩn thận sau khi cởi giày. Kiểm tra các phần nhô ra hay vật thể khác bên trong giày trước khi mang.
- Hạn chế đi giày cao gót và giày có mũi nhọn.
- Nếu bàn chân bị lạnh, hãy mang vớ để giữ ấm.
- Cử động ngón chân và lắc mắt cá chân trong khi ngồi.
- Không bắt chéo chân, vì làm vậy có thể hạn chế lưu thông máu.
- Thư giãn và nâng cao chân nếu chân bạn bị chấn thương.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X