Nhật Bản thử nghiệm thuốc mọc răng đột phá thay thế răng giả hay cấy ghép
Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đang thử nghiệm loại thuốc giúp những người mất răng có thể mọc lại răng mới, với hy vọng sẽ trở thành giải pháp tiên phong thay thế cho việc dùng răng giả hoặc răng cấy ghép.
Theo ông Katsu Takahashi - Trưởng Khoa Phẫu thuật răng miệng tại Viện Nghiên cứu y khoa - Bệnh viện Kitano (Nhật Bản), con người không chỉ có hai bộ răng như mọi người thường nghĩ. Trên thực tế, dưới nướu của chúng ta còn tồn tại các mầm răng thế hệ thứ ba ở trạng thái "ngủ đông".
Loại thuốc hoạt động dựa trên cơ chế ngăn chặn protein USAG-1, vốn là yếu tố ức chế sự phát triển của răng. Kết quả thử nghiệm trên chuột và chồn cho thấy bộ răng mới đã mọc trở lại, mở ra tiềm năng ứng dụng trên con người.
Ông Takahashi cho biết đây là công nghệ "hoàn toàn mới" và có thể tạo ra bước đột phá trong lĩnh vực nha khoa.
Nhóm nghiên cứu đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng tại Bệnh viện Đại học Kyoto từ tháng 10/2024, với mục tiêu kiểm tra tính an toàn của một loại thuốc có khả năng kích thích mầm răng "thức dậy sau giấc ngủ đông".
Trong tương lai, loại thuốc này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ trẻ em mắc các rối loạn di truyền gây mất răng bẩm sinh - tình trạng hiếm gặp ảnh hưởng khoảng 0,1% dân số.
Ông Takahashi tự tin cho biết vị trí của một chiếc răng mới có thể được kiểm soát bằng cách xác định vị trí tiêm thuốc. Trong trường hợp mọc sai, chúng có thể được di chuyển bằng chỉnh nha hoặc cấy ghép.
Các phương pháp hiện tại để khắc phục tình trạng mất răng, như sử dụng răng giả hay cấy ghép thường tốn kém và xâm lấn. Vì vậy, việc phục hồi răng tự nhiên chắc chắn có nhiều lợi thế hơn.
BS Takahashi cho biết mục tiêu đầu tiên là những người gặp tình trạng "anodontia" - một vấn đề bẩm sinh khiến răng mọc bị thiếu, ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số. Bên cạnh đó, những người trưởng thành bị mất răng do chấn thương hay bệnh răng miệng cũng có thể được điều trị bằng thuốc mới này.
Sau khi hoàn thành các thử nghiệm lâm sàng nhằm chứng minh thuốc không gây tác dụng bất lợi ở con người, một số trẻ từ 2-6 tuổi bị chứng anodontia sẽ là những bệnh nhân đầu tiên được nhóm nghiên cứu điều trị. Mục tiêu tiếp theo là đưa thuốc đến rộng rãi người dân vào năm 2030.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình