Nhân viên văn phòng nên ngồi thế nào để tránh đau lưng, đau vai gáy?
Bắt chéo chân, khom lưng về trước, trườn lưng xuống ghế,… và bảy bảy bốn chín tư thế ngồi khác, thường xuất hiện ở người làm văn phòng. Nếu ngồi sai tư thế sẽ gây hậu quả gì? TS.BS Cao Thanh Ngọc - Trưởng khoa Nội Cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM sẽ giải đáp những thắc mắc này.
1. Ngồi lâu, ngồi sai tư thế, tạo áp lực đáng kể lên cột sống
Vì sao người làm văn phòng thường bị đau đầu, đau lưng, đau mỏi vai gáy?
TS.BS Cao Thanh Ngọc trả lời: Ngày xưa, ông bà đa số là lao động chân tay. Tuy nhiên, hiện tại có rất nhiều người làm công việc văn phòng. Đặc thù của công việc này là thời gian làm việc ít nhất 8 tiếng/ ngày. Do đó, khi ngồi lâu, liên tục trong 8 tiếng, đặc biệt là ngồi không đúng tư thế sẽ gây áp lực đáng kể lên cột sống.
Cụ thể, khi con người ngồi thẳng, áp lực cột sống khác với tư thế ngồi cong đổ về phía trước, đây là tư thế đa số nhân viên văn phòng thường ngồi vì phải đánh máy. Khi giữ tư thế cong về phía trước, làm gia tăng áp lực lên cột sống.
Đối với cột sống cổ, khi áp lực lên đĩa đệm cột sống cổ phải giữ thẳng khoảng 5kg, con người chỉ cần gập nhẹ cổ, áp lực gia tăng rất nhiều, cổ gập càng sâu, áp lực gia tăng càng lớn. Những người làm việc văn phòng, để bàn phím và máy tính không phù hợp, khiến họ phải cúi cổ làm việc thường xuyên hay ngồi cong lưng quá lâu, gây áp lực lớn lên cột sống cổ và cột sống thắt lưng.
Giai đoạn đầu, người bệnh có cảm giác đau mỏi vai gáy, đau lưng, lâu dần nếu không điều chỉnh, đĩa đệm ngày càng bị áp lực dẫn đến mất nước, xơ hóa, dần dẫn tới bệnh lý thoái hóa cột sống cổ hoặc thoái hóa cột sống thắt lưng.
Bên cạnh đó, một số người có thói quen ngồi bắt chéo chân trong thời gian dài, gây áp lực lên sụn khớp, hệ thống dây chằng, gân cơ cạnh khớp, lưu lượng máu kém. Do đó, người làm văn phòng không nên ngồi bắt chéo chân, nên ngồi thẳng lưng, thẳng cổ.
Đồng thời, không nên ngồi quá lâu trong thời gian dài. Ví dụ, sau mỗi 1-2 tiếng, nên đứng lên vươn vai hoặc tập một vài động tác thể dục, như vậy sẽ giảm áp lực lên cột sống, bớt đau mỏi cổ, vai, gáy hay đau lưng.
2. Nên đứng dậy vận động sau mỗi 1-2 tiếng ngồi làm việc
Vì sao người làm văn phòng thường bị đau đầu, đau lưng, đau mỏi vai gáy?
TS.BS Cao Thanh Ngọc trả lời: Thứ nhất, một trong những phương pháp giảm đau cổ, gáy và đau lưng hiệu quả nhất là giữ trục cột sống cổ, cột sống thắt lưng trong tư thế sinh lý, thông thường là tư thế thẳng. Có thể ví như tư thế ngồi “Ngực tấn công, mông phòng thủ”, có cảm giác trục thẳng theo hình dạng cột sống.
Thứ hai, không nên ngồi quá lâu trong thời gian dài. Bởi vì, áp lực lên cột sống khi ngồi cao hơn đứng hoặc nằm. Do đó, khi làm việc, ngồi khoảng 1-2 tiếng, nên đứng lên, vươn vai, tập một số động tác thể dục. Giữa trưa nên có thời gian nằm dài để giảm áp lực lên cột sống.
Bên cạnh đó, nên có một số động tác vươn vai, căng giãn vùng cơ cổ hoặc cơ cột sống để giúp giảm đau. Có thể áp dụng bài tập gồm 5 động tác sau:
- Động tác 1: cúi đầu xuống tối đa, và giữ tư thế trong 10 giây.
- Động tác 2: ngửa cổ tối đa, giữ tư thế trong 10 giây.
- Động tác 3: nghiêng đầu sang phải đến mức tối đa và giữ trong 10 giây.
- Động tác 4: nghiêng đầu sang trái tối đa, giữ 10 giây.
- Động tác 5: xoay nhẹ đầu sang trái, xoay nhẹ đầu sang phải tối đa, mỗi bên giữ 10 giây.
Bài tập này sẽ giúp xoa dịu, căng bùng cổ, giảm đau cổ. Đối với lưng, có thể vươn vai, tập một số động tác giúp kéo giãn cột sống, sẽ tốt hơn việc dùng lực đè nén cột sống.
3. Dùng paracetamol liều cao dễ gây tác dụng phụ
Nhờ BS chia sẻ một số lưu ý khi dùng thuốc giảm đau?
TS.BS Cao Thanh Ngọc trả lời: Có hai nhóm thuốc giảm đau cơ xương khớp được sử dụng nhiều nhất.
Thứ nhất, thuốc kháng viêm không steroid, nhóm này được nhận xét về hiệu quả giảm đau tương đối tốt. Song song đó là những tác dụng phụ, một số trường hợp xảy ra nghiêm trọng như xuất huyết tiêu hóa, dẫn đến tăng huyết áp, những tai biến tim mạch, thậm chí có thể gây suy thận nếu sử dụng trong thời gian dài.
Vì vậy, đối với nhóm thuốc kháng viêm không steroid, bệnh nhân không được tự ý sử dụng, nên đến bệnh viện để được bác sĩ chỉ định. Bởi vì có rất nhiều loại thuốc kháng viêm không steroid khác nhau, bác sĩ sẽ dựa trên mức độ đau của bệnh nhân, bện nền, bệnh lý đi kèm, tiền sử bệnh tật để lựa chọn loại thuốc hiệu quả và tương đối an toàn cho bệnh nhân.
Thứ hai là paracetamol, nhóm thuốc này có khả năng dung nạp tốt với nhiều người, tác dụng phụ tương đối ít. Do đó, giai đoạn đầu khi mới xuất hiện cơn đau, ở một mức độ và một số trường hợp, có thể sử dụng để giảm đau. Tuy nhiên, điều tốt nhất vẫn nên đến bệnh viện gặp bác sĩ để được chỉ định dùng thuốc.
Đối với paracetamol, nên sử dụng đúng theo liều đã khuyến cáo, cụ thể từ 10-15mg/ mỗi kg cân nặng, khoảng cách giữa các lần sử dụng từ 4-6 tiếng.
Những trường hợp chống chỉ định sử dụng paracetamol gồm: bị dị ứng; bệnh nhân có bệnh lý gan, suy gan nặng; không uống paracetamol với rượu vì sẽ làm tăng tác dụng phụ lên gan.
Một số trường hợp thấy tác dụng phụ khi sử dụng paracetamol, đa phần là không tuân thủ chỉ định và hướng dẫn sử dụng, uống liều quá cao hoặc khoảng cách liều quá gần.
Cụ thể, khi uống viên 500mg cảm thấy không đủ, bệnh nhân tiếp tục sử dụng viên 1000mg, khi đó bệnh nhân đã sử dụng quá liều. Bởi vì, viên 1000mg phù hợp với người phương Tây, vì họ có trọng lượng lớn. Tuy nhiên, với người Việt Nam, có cân nặng khoảng 50-60kg, chỉ nên sử dụng liều 500 hoặc 650mg, tương đối thích hợp để sử dụng, bệnh nhân không nên dùng liều cao, dễ dẫn đến tác dụng phụ.
4. Paracetamol không chứa caffein, an toàn cho phụ nữ mang thai
Phụ nữ có thai uống thuốc giảm đau paracetamol được không?
TS.BS Cao Thanh Ngọc trả lời: Những người phụ nữ trong quá trình mang thai có thể bị đau lưng, đau đầu, khi đó, thuốc paracetamol không chống chỉ định cho phụ nữ mang thai vì không gây sinh non và dị tật thai nhi. Vì vậy, phụ nữ mang thai có thể sử dụng paracetamol.
Tuy nhiên, paracetamol chỉ nên sử dụng từ 7-10 ngày, không nên sử dụng quá dài. Bởi vì, khi bị đau, nếu không kiểm soát được, nên đến bệnh viện gặp bác sĩ để kiểm tra nguyên nhân. Không nên uống thuốc trong thời gian dài, điều đó cho thấy người bệnh chưa chữa đúng nguyên nhân; liều sử dụng quá lâu dễ dẫn đến tác dụng phụ.
Bên cạnh đó, paracetamol không chống chỉ định ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, trên thị trường có một số sản phẩm phối hợp giữa paracetamol và caffein. Trong đó, codein và caffein chống chỉ định cho phụ nữ mang thai. Do đó, phụ nữ mang thai khi sử dụng paracetamol, cần chú ý hàm lượng và thành phần trong viên thuốc, tránh những loại thuốc không được sử dụng trong thai kỳ. Còn paracetamol đơn thuần vẫn được phép sử dụng cho phụ nữ mang thai.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình