Hotline 24/7
08983-08983

Người đã mắc bệnh bạch hầu có nguy cơ tái nhiễm không?

ThS.BS Trần Đăng Khoa - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đại Học Y Dược TPHCM cho biết, nếu vi khuẩn bạch hầu xâm nhập nhiều và độc lực cao, thì người miễn dịch yếu vẫn có thể mắc bệnh. Do đó, nên tiêm nhắc lại vắc xin mỗi 10 năm để tăng cường miễn dịch bảo vệ, cũng như áp dụng các biện pháp phòng ngừa bệnh lây qua đường hô hấp thường xuyên.

1. Bạch hầu là bệnh gì?

Theo ThS.BS Trần Đăng Khoa, bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính kết hợp nhiễm độc tố do vi khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheriae) gây ra. Bệnh này biểu hiện bệnh chủ yếu ở đường hô hấp hoặc ngoài da, hiếm khi gây hoại tử da, nhiễm trùng huyết, viêm nội tâm mạc, viêm tủy xương hay viêm khớp.

Khi vào cơ thể, vi khuẩn bạch hầu tạo ra sang thương chính là lớp giả mạc màu trắng xám hoặc trắng ngà ở đường hô hấp trên, đây là lý do tại sao có tên là “bạch hầu”. Lớp giả mạc bạch hầu có tính chất khác với giả mạc các bệnh khác ở chỗ rất dai, không tan trong nước dính chặt vào lớp thượng bì bên dưới nên khó tróc và dễ chảy máu khi dùng cây đè lưỡi cạo hay nạy.

Vị trí giả mạc thường ở mũi, họng, amidan, thanh quản... sau đó có thể lan rộng nếu không được điều trị. Một số dòng vi khuẩn bạch hầu có thể tạo ra độc tố, làm bệnh diễn tiến nặng hơn với các biến chứng như viêm cơ tim, viêm đa dây thần kinh… Dòng vi khuẩn bạch hầu gây bệnh ở da thường không tiết độc tố.

“Tỷ lệ tử vong lên đến 30 - 40% đối với trường hợp nặng, giả mạc lan rộng gây tắc nghẽn hô hấp hoặc có biến chứng mà không điều trị kịp thời, có thể tăng đến 50% trong mùa dịch. Nếu bệnh nhân được dùng kháng độc tố bạch hầu (SAD) thì tỷ lệ tử vong có thể giảm xuống còn khoảng 5 - 10%, nhưng hiện nay nguồn cung cấp còn rất hạn chế” - ThS.BS Trần Đăng Khoa thông tin.

2. Bệnh bạch hầu lây nhiễm qua đường nào?

ThS.BS Trần Đăng Khoa cho biết, người là nguồn dự trữ chính của vi khuẩn bạch hầu, khi ra khỏi cơ thể, vi khuẩn bạch hầu có thể sống khoảng 2 - 3 tuần trên bề mặt khô của các vật dụng như giường bệnh, bàn ghế, đồ chơi, sách, viết, tay nắm cửa… đôi khi có thể tồn tại trong nước, sữa.

Bệnh bạch hầu biểu hiện ở hô hấp và da nên đường lây nhiễm chính là đường hô hấp và tiếp xúc. Khi bệnh nhân hoặc người mang vi khuẩn ho, sổ mũi sẽ văng các hạt nước bọt li ti chứa vi khuẩn ra ngoài và lây vào đường hô hấp của người chưa bệnh, hoặc lây qua tiếp xúc trực tiếp các dịch chất khi chạm vào sang thương da của bệnh bạch hầu.

Con đường lây gián tiếp hơn như tiếp xúc vi khuẩn trên các bề mặt qua giường bệnh, bàn ghế, đồ chơi, sách, viết, tay nắm cửa… rất ít gặp, dù rằng vi khuẩn có thể hiện diện nhiều tuần trong môi trường bên ngoài, có thể do các hạt nước bọt hoặc dịch vết thương trên bề mặt sẽ khô đi ít nhiều khi ra môi trường, làm hạn chế phần nào số lượng vi khuẩn lây nhiễm. Hai đường lây này cũng tương tự đường lây các bệnh hô hấp khác như COVID-19, sởi.... 

Tiếp xúc gần với người không chích ngừa hoặc chích ngừa không đầy đủ trong vùng dịch tễ bệnh bạch hầu sẽ có nguy cơ lây nhiễm. Người lành mang vi khuẩn ở đường hô hấp đóng vai trò quan trọng để duy trì bệnh trong cộng đồng. Trong vùng bệnh, 3 - 5% người khoẻ mạnh có thể mang vi khuẩn ở vùng hầu họng mà không có bất kỳ triệu chứng nào.

Nhiễm khuẩn bạch hầu da là biểu hiện bệnh chủ yếu ở vùng nhiệt đới, nhưng gần đây gây những trận dịch ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ trong nhóm người nghèo và nghiện rượu. Vì vậy, người mang vi khuẩn ở da là nguồn lây âm thầm và lây truyền từ người này sang người khác qua sang thương da.

Ở những vùng ôn đới, bạch hầu hô hấp xảy ra quanh năm nhưng hầu hết vào những tháng lạnh hơn trong năm kèm theo điều kiện sống chật chội, đông đúc. Một số người được chích ngừa đầy đủ vẫn có thể biểu hiện triệu chứng, tuy nhiên tình trạng có miễn dịch làm giảm mức độ nặng và tỷ lệ tử vong.

3. Làm thế nào để phòng tránh bệnh bạch hầu?

Tình trạng bệnh bạch hầu đang có chiều hướng gia tăng ở Việt Nam, đặc biệt là ở các tỉnh Tây Nguyên, do tỷ lệ tiêm vắc xin bạch hầu ở một số vùng chưa đạt mức cao. Bệnh bạch hầu có thể phòng ngừa bằng các biện pháp bảo vệ các bệnh lây qua đường hô hấp như:

- Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; che miệng khi hắt hơi hoặc ho; hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh.

- Đảm bảo không gian nhà ở, trường học, các nơi công cộng sạch sẽ, thông thoáng.

- Với những người xuất hiện các triệu chứng bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu cần được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

- Người dân sống trong vùng có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc khám chữa bệnh cũng như các chỉ định phòng bệnh của cơ sở y tế.

Ngoài ra, dự phòng bệnh bạch hầu tốt nhất là biện pháp chủng ngừa. Vắc xin phòng bạch hầu được tích hợp trong nhiều loại vắc xin kết hợp có thể chích cho trẻ em từ 6 tuần tuổi đến người lớn, một số loại thường gặp:

- Vắc xin 6 trong 1 (Hexaxim hoặc Infanrix Hexa): Bạch hầu, ho gà, uốn ván, Viêm gan B, bại liệt và bệnh do Hib.

- Vắc xin 5 trong 1 (Pentaxim): bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và bệnh do Hib.

- Vắc xin ComBE Five: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ/viêm phổi do Hib và viêm gan B.

- Vắc xin 4 trong 1 (Tetraxim): bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt.

- Vắc xin 3 trong 1 (Boostrix): bạch hầu, ho gà, uốn ván.

- Vắc xin 2 trong 1: bạch hầu và uốn ván.

Vắc xin bạch hầu được chế tạo từ độc tố bị bất hoạt bởi formalin nên có độ an toàn cao, có thể sử dụng cho trẻ em đến người lớn. Sau khi chích ngừa hoặc khỏi bệnh, nồng độ kháng thể trong máu sẽ tăng từ 0,01 đến 0,1 IU được xem như có khả năng bảo vệ.

Nồng độ này giảm chậm theo thời gian và đến 50% người trên 60 tuổi hoặc tiêm vắc xin trên 10 năm sẽ có nồng độ kháng thể dưới 0,01 IU/mL, tức là hết miễn dịch bảo vệ. Vì vậy, nên chích nhắc 1 liều vắc xin bạch hầu mỗi 10 năm để được bảo vệ liên tục.

Các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân bạch hầu cần phải được theo dõi lâm sàng tối thiểu một tuần. Cấy phết hầu họng tìm vi khuẩn bạch hầu, và nếu dương tính thì sẽ dùng kháng sinh điều trị cho đối tượng này.

Đối với nhân viên y tế hoặc những người tiếp xúc, dùng Erythromycin 7 - 10 ngày đường uống hoặc một liều duy nhất Penicillin G tĩnh mạch. Người tiếp xúc gần bệnh nhân nếu tình trạng miễn dịch chưa đầy đủ nên chích ngay 1 liều vắc xin theo tuổi và hoàn thành các mũi còn lại theo lịch. Với những phương pháp dự phòng trên, việc sử dụng SAD là không cần thiết.

4. Mắc bệnh bạch hầu rồi có thể tái nhiễm không?

Người khỏi bệnh bạch hầu thường sẽ có miễn dịch lâu dài, có thể bảo vệ suốt đời nếu không bị suy giảm miễn dịch do dùng thuốc ức chế miễn dịch, bệnh ác tính, HIV… Tỷ lệ tái nhiễm bệnh bạch hầu không cao, chỉ khoảng 2 - 5%. Tuy nhiên, sau khi khỏi bệnh lâm sàng, bệnh nhân có thể mang khuẩn một thời gian từ vài ngày đến 2 tuần hoặc từ 2 tuần đến 1 tháng.

Nếu tiếp xúc với bệnh nhân, một số người lành trở nên mang trùng, ở những người này vi khuẩn bạch hầu không độc với số lượng rất thấp 1 vạn lần kém hơn người mắc bệnh. Vì vậy, để tránh tình trạng gieo rắc vi khuẩn ra tập thể lành, bệnh nhân phải được cách ly và chỉ xuất viện khi cấy dịch hầu họng 3 lần âm tính cách nhau 5 - 7 ngày.

Sức cảm thụ của người với vi khuẩn bạch hầu không cao, khoảng 15 - 20%, nhưng miễn dịch không bền và không đi đôi với mức độ nặng nhẹ của bệnh, kèm theo miễn dịch chỉ có tính kháng độc mà không diệt khuẩn. Nên nếu vi khuẩn bạch hầu xâm nhập nhiều và độc lực cao, thì người miễn dịch yếu vẫn có thể mắc bệnh. Do đó, nên tiêm nhắc lại vắc xin mỗi 10 năm để tăng cường miễn dịch bảo vệ, cũng như áp dụng các biện pháp phòng ngừa bệnh lây qua đường hô hấp thường xuyên.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X