Hotline 24/7
08983-08983

Nếu buông lỏng cảnh giác, Việt Nam đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 thứ 5

Việt Nam đã trải qua 4 giai đoạn dịch bệnh, song theo PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, nếu chúng ta buông lỏng cảnh giác nguy cơ làn sóng dịch bệnh lần thứ 5 luôn hiện hữu.

Thích ứng linh hoạt: Dĩ bất biến - ứng vạn biến

Tại hội thảo “Bảo vệ sức khỏe, thích ứng an toàn với dịch COVID-19” do báo Tiền phong tổ chức, PGS.TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam đã có báo cáo tổng quan về tình dịch COVID-19 trong thời gian qua cũng như chia sẻ quan điểm về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.

Theo PGS.TS.BS Trần Đắc Phu, Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch COVID-19. Trong đó, giai đoạn 1 với 16 ca bệnh, chủ yếu là nhập cảnh và giai đoạn 2 với 399 ca bệnh, đều là chủng virus bình thường. Giai đoạn 3 với 2.437 ca nhiễm, chủng virus gây bệnh chủ yếu là chủng Alpha. Đến giai đoạn thứ 4 có 1.034.723 ca bệnh, chủ yếu chủng Delta.

Đến nay, dịch xảy ra trên phạm vi cả nước, 63/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố có nguy cơ dịch khác nhau, tỷ lệ mắc và tử vong khác nhau, tỷ lệ tiêm chủng cũng khác nhau. Tỉnh nào có sự giao lưu đi lại nhiều, mật độ dân số cao, khu công nghiệp… thì ca nhiễm nhiều và miễn dịch cộng đồng cao như Bình Dương, TPHCM…

Về hệ số lây nhiễm, PGS.TS.BS Trần Đắc Phu cho biết, chủng Delta lây lan rất nhanh, có ý kiến cho rằng 1 người có thể lây cho 4-5 người, thậm chí là 1 người lây cho 9-10 người. SARS-CoV-2 lây cao hơn các virus khác, nhưng không bằng bệnh sởi.

Về thời gian ủ bệnh khoảng 2-7 ngày, nhưng thực tế phổ biến từ 4-5 ngày và cũng có thể kéo dài tới 14 ngày. Thời điểm phát hiện trên mẫu xét nghiệm RT-PCR mẫu dịch họng là khoảng 2-3 ngày trước khi khởi phát. Tỷ lệ mắc bệnh không có triệu chứng cao, khoảng 40-60%, thậm chí là 80% tùy khu vực. Đặc điểm này khác với SARS năm 2003, tất cả những điểm có bệnh nhân đều có triệu chứng.

PGS.TS.BS Trần Đắc Phu cho rằng, nếu 3 giai đoạn trước, chúng ta hướng đến mục tiêu Zero COVID-19, nhưng giai đoạn 4 thì không thể. Trên thế giới, hiện chỉ còn Trung Quốc đặt mục tiêu Zero COVID-19, song đang phải cân nhắc vì thiệt hại kinh tế quá lớn.

“Chúng ta chấp nhận có người nhiễm COVID-19 cộng đồng, không thể có “Zero COVID-19”. Vì chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh. Đồng thời hiện nay đã có các giải pháp chống dịch, vắc xin, do đó xu hướng chung là thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế”- PGS.TS.BS Trần Đắc Phu nêu quan điểm dưới góc nhìn của giới chuyên môn.

Có quan điểm cho rằng khi tiêm vắc xin rồi thì không cần kiểm soát ca mắc. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nếu không kiểm soát ca mắc thì sẽ đến một lúc dịch sẽ bùng lên làm quá tải hệ thống y tế. Vỡ trận dự phòng sẽ vỡ trận điều trị.

Tuy nhiên, chuyên gia nhấn mạnh, hiện nay nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó, không đáp ứng thái quá hoặc không phù hợp, đặc biệt là khi dịch ở cấp độ 3 và cấp độ 4. Khi chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng thì các biện pháp ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, giãn cách… là cần thiết. Tương tự, đối với phong tỏa cũng vậy, nguy cơ đến đâu phong tỏa đến đó, hẹp nhất có thể, tránh ngoài chặt trong lỏng, đồng thời phải đảm bảo an sinh xã hội.

Đối với vấn đề điều trị, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, điều quan trọng nhất là tiếp cận bệnh nhân sớm, tránh chuyển nặng, hạn chế tử vong. Với các F0 được tại nhà rất cần được tư vấn, hướng dẫn theo dõi và điều trị từ sớm. “Nhưng hiện nay đang tồn tại quan điểm sai lầm, đó là các F0 điều trị tại nhà chỉ theo dõi sức khỏe, còn lại vẫn được sinh hoạt ngoài cộng đồng. Điều này không đúng, như vậy sẽ đưa đến nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng” - chuyên gia cho biết.

Cho đến nay vắc xin vẫn giúp phòng bệnh bền vững nhất, làm giảm sự lây nhiễm nhưng ở mức độ nhất định. Dù tiêm vắc xin nhưng vẫn có thể nhiễm bệnh và lây lan cho người khác, vẫn có thể chuyển biến nặng, tử vong, nhất là người lớn tuổi, người bệnh nền, song tỷ lệ này nhỏ. Chính vì vậy, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo ngoài vắc xin vẫn cần duy trì các giải pháp dự phòng cá nhân, tuân thủ hướng dẫn 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang. Theo chuyên gia, thói quen này giúp giảm 53% khả năng nhiễm virus SARS-CoV-2.

Để thích ứng an toàn với dịch bệnh, PGS.TS.BS Trần Đắc Phu nêu quan điểm: “Dĩ bất biến - ứng vạn biến. Dĩ bất biến là bệnh lây theo đường hô hấp, dịch phải phòng tránh bằng vắc xin, bằng dự phòng cá nhân, và ứng xử sao cho khoa học từ vấn đề phát hiện, ngăn chặn, khoanh vùng và dập dịch. Ứng vạn biến là tùy từng địa phương sẽ có sự ứng xử phù hợp để có sự linh hoạt, phòng chống dịch bệnh hiệu quả”.

Hội thảo do báo Tiền phong tổ chức có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Y tế, các chuyên gia giàu kinh nghiệm, tham gia trực triếp trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 và tiếp cận nguồn vắc xin

Thích ứng an toàn, ý thức từ mỗi tế bào của xã hội

Cũng tại hội thảo, PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, đất nước ta trải qua 4 giai đoạn dịch, trong đó đợt dịch thứ 4 là đợt dịch đỉnh cao, với nhiều cao mắc mới liên tục qua các ngày, trong đó có 911.310 người đã khỏi bệnh và hiện còn 5.295 bệnh nhân nặng.

PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê nhận định, mặc dù dịch bệnh đã qua giai đoạn đỉnh cao, nhưng xu hướng dự báo của nhiều nước trên thế giới vẫn căng thẳng như Nga, Thụy Sỹ… Vì vậy, chúng ta không thể lơ là, nhiệm vụ số một trong giai đoạn hiện nay đó là thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch, tuân thủ nguyên tắc 5K.

Vừa qua, Bộ Y tế cũng đã trao đổi với các nhà khoa học ở Hoa Kỳ cho thấy, ngay tại quốc gia này vẫn có tỷ lệ tử vong ở những người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin, đặc biệt với những biến chủng Delta, Lamba… Trước thực tế này, Chủ tịch nước trước khi đi công tác nước ngoài đã viết thư tay để giao thường thực Bộ Y tế cùng các bộ ngành, các tỉnh không được chủ quan, mất cảnh giác, đặc biệt xây dựng chiến lược thực hiện nhiệm vụ thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả với COVID-19.

“Chúng ta đề ra mục tiêu, sống chung với dịch, nhưng sống chung như nào để an toàn, đảm bảo cho đời sống của người dân là vấn đề cần sự chung tay của cả người dân, của y bác sĩ và của hệ thống chính quyền.

Việt Nam luôn hiện hữu nguy cơ làn sóng dịch thứ 5 sẽ bùng phát nếu chúng ta buông lỏng cảnh giác. Ngành y tế luôn cố gắng đưa ra những chiến lược tối ưu nhất để đảm bảo an toàn cho người dân. Mục tiêu cuối cùng của cuộc chiến là giảm tỷ lệ tử vong đến mức thấp nhất” - PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê cho biết.

Do đó, khi thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê nhìn nhận, chúng ta phải ý thức từ mỗi tế bào của xã hội, thực hiện nghiêm hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, sẵn sàng tâm thế ứng phó nếu dịch bệnh bùng phát.

Đặc biệt các cơ sở khám chữa bệnh, các bệnh viện phải đáp ứng sẵn sàng thích ứng 4 tại chỗ. Các bác sĩ phải được huấn luyện, thực hành để ứng phó sẵn sàng đối phó đại dịch. Sẵn sàng thích ứng với đại dịch ở cấp cao nhất là cấp độ 4. Chỉ đạo các bệnh viện phải thực hiện Chỉ đạo 3088 về Bệnh viện an toàn.

“Mặt khác, phải tích cực triển khai công tác điều trị các bệnh thông thường, bởi ngoài dịch bệnh COVID-19, vẫn còn rất nhiều căn bệnh thông thường khác làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Các bệnh viện, cơ sở y tế phải thực hiện linh hoạt chiến lược nhiệm vụ kép” - PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê nói.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X