Hotline 24/7
08983-08983

Nấu nước khổ qua uống sẽ hạ huyết áp?

Trong 2 tiếng trực, BS Thu Cúc đã tiếp hàng chục cuộc điện thoại, giải đáp thắc mắc của bạn đọc. Mời bạn theo dõi nội dung tư vấn ngày hôm nay, 30/5.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc - BV Nhân dân Gia định

Nội dung tư vấn của BS Thu Cúc với bạn đọc AloBacsi:
Thảo Lê

Dạ thưa bác sĩ,

Ba em hay bị cao huyết áp, có người mách là nấu nước khổ qua uống sẽ hạ huyết áp, như vậy có phải vậy không BS? Mong BS tư vấn giúp em. Chân thành cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc

Chào em,

Tăng huyết áp là một bệnh mãn tính cần điều trị lâu dài và liên tục. Bao gồm các biện pháp dung thuốc và thay đổi lối sống (tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày, ăn nhiều rau, hạn chế muối, các thức ăn có nhiều dầu mỡ).

Ngoài điều trị kiểm soát huyết áp, còn làm thêm các xét nghiệm khác để tầm soát các biến chứng của huyết áp, vì vậy ba bạn cần được theo dõi bởi bác sĩ nội tổng quát hoặc tim mạch để được theo dõi và điều trị.

Tôi không rõ công dụng cũng như thành phần trong nước khổ qua nên không thể đánh giá khả năng kiểm soát huyết áp của loại nước trên.

- Cuong Nguyen - cuong271...@gmail.com

Em chào bác sĩ,

Em bị phỏng pô xe khoảng 5 ngày rồi mà chưa lành. Em có xức dầu mù u lên nhưng nó cứ đỏ hoài, tại sao vậy ạ? Bây giờ em phải làm sao để nó mau lành lại? Em cảm ơn BS rất nhiều.          

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc

Chào em,

Trường hợp của em nên rửa vết thương bằng nước muối sinh lý và sử dụng gạt dành riêng cho vết thương phỏng. Dầu mù u giúp dưỡng ẩm vết thương, hỗ trợ lên mô hạt. Tuy nhiên, nếu chăm sóc không tốt, có thể gây nhiễm trùng.

Hơn nữa, vết thương phỏng có thời gian lành khá lâu (10 - 14 ngày) tùy vào mức độ tổn thương, nếu phỏng nặng, thời gian có thể kéo dài hơm. Vì vậy, em nên theo dõi thêm nếu thấy có hiệu tượng tụ mủ, nên đến khám bác sĩ để được kê toa điều trị.

- Trần Văn Nam - kidhov..@gmail.com

Chào BS Thu Cúc,

Cách đây khoảng 2 tuần tôi có thấy đau ngón tay đeo nhẫn, tay trái, cảm giác như đau xương, đau khi gấp ngón tay vào. Mới đầu hơi đau, nhưng 2 tuần rồi chưa khỏi, giờ đau nhiều hơn, không gấp ngón tay vào được. BS cho tôi hỏi đó có thể triệu chứng lâm sàng của bệnh gì? Tôi có cần tới BV để khám không? Tôi xin cảm ơn.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc

Chào bạn,       

Trường hợp của bạn, tôi không rõ có hiệu tượng sưng, nóng đỏ hay không. Ngoài ra còn tùy thuộc vào tính chất đau mà có thể phỏng đoán nguyên nhân như đau kiểu viêm hay đau kiểu cơ năng. Bạn có thể đến khám bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để được kê toa điều trị.

- Ly - babyfaces...@gmail.com

Thưa bác sĩ,

Mấy hôm trước em có bị ngã đập xương sườn vào cạnh bàn, chỗ bị đập tụ máu, hiện tại máu đã tan hết, không cảm thấy đau. Nhưng em sờ vào kiểm tra thì nghi là xương sườn chỗ thì hơi nhô lên, chỗ thì hơi lõm xuống. Vậy em xin hỏi BS là có bị sao không ạ? Cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc

Chào em,  

Trường hợp của em nên đến bệnh viện để chụp X-quang, kiểm tra vì rất có thể xương sườn bị gãy. Em nên khám sớm để có hướng điều trị tích cực tránh để lại di chứng.

- Levophuong...@gmail.com

Xin chào bác sĩ,

Con gái em 15 tuổi, cháu thường hay đau bụng và tiêu chảy sau khi ăn. Nhưng lúc căng thẳng hay đến các kì thi, kiểm tra, cháu cũng thường đau bụng dữ dội kèm tiêu chảy. Xin BS chuẩn đoán giùm tôi xem cháu bị bệnh gì? Chân thành cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc

Chào bạn,

Khi căng thẳng, cơ thể tăng hoạt động giao cảm, dẫn đến tăng nhu động ruột gây ra triệu chứng tiêu chảy. Tùy vào phản ứng giao cảm của mỗi người mà sẽ có trường hợp giống như con bạn. Đó là hiện tượng sinh lý bình thường. Bạn không nên quá lo lắng.

- Văn Anh Trúc - scarlett...@yahoo.com

Xin chào bác sĩ,

Em 30 tuổi, gặp vấn đề trong việc đi cầu từ nhỏ đến giờ. 2 - 3 ngày em mới đi cầu và mỗi lần đi cũng không khó khăn lắm. Cũng ráng tập để mỗi ngày đi, nhưng không được.

1 năm gần đây thỉnh thoảng em đi cầu ra máu, mặc dù đi cũng không khó, và có 1 búi trĩ nhỏ sa xuống. Em đi khám thì BS thì kết quả là: "Niêm mạc đại tràng sigmoid-trực tràng trơn láng, mạch máu rõ, không u loét. Hậu môn trĩ nội (soi ống cứng). Cơ vòng hậu môn co thắt tốt. Kết luận: Trĩ nội độ 1 - 2".

Sau đó BS cho toa thuốc uống là 3 thứ thuốc: Daflon 500mg (ngày 2 viên), Protolog (ngày 1 lần),và Duphalac (ngày 1 gói). Uống trong vòng 2 tuần. BS cũng yêu cầu tập đi cầu mỗi buổi sáng, uống nhiều nước và ăn nhiều chất xơ.

Về em ăn rau xanh mỗi ngày, ăn đủ các loại trái cây, tập gym 3 lần/tuần, uống mỗi ngày khoảng 2 - 2,5 lít nước. Em làm đủ cách mong sao đau bụng để đi cầu được: như xoa bụng (xoa ngược, xoa xuôi) để kích thích nhu động ruột, mà vẫn không đau bụng.

Nhưng có 1 trường hợp ngoại lệ là mỗi khi em đau bụng kinh, thì những ngày đó em đi cầu rất dễ dàng. Vì có sự kích thích đau bụng. Mà em chỉ bị đau bụng kinh ngày đầu tiên, nên hầu như chỉ đi cầu được 1 ngày.

Em sợ bị táo bón, nên em có mua thuốc nhuận trường để uống: như Bisalaxyl, Forlax hay Sorbitol. Em cũng rất hạn chế chứ không lạm dụng, nhưng thuốc chỉ hiệu nghiệm được 1 lần.

Có phải em gặp vấn đề về nhu động ruột hay không? Em cảm giác giống như bụng mình giờ bị "đơ", khó có thứ gì làm nó bị kích thích và đau bụng được, ngay cả khi em bị ngộ độc. Nếu em bị vấn đề này thì làm cách nào để chữa trị? Hoặc phải đi khám ở đâu? Em mong BS có thể giúp em chữa trị căn bệnh này. Em xin vô cùng cảm ơn.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc

Chào em,

Tùy vào cơ địa của mỗi người, không nhất thiết phải đi cầu mỗi ngày. Trường hợp của em, nếu đi cầu đều đặn mỗi 2 ngày, phân không cứng, chắc, hình dạng không dẹp, nhỏ thì đó là hiện tượng bình thường. Vì vậy em không cần quá lo lắng.

Theo như em miêu tả, tôi thấy trong khẩu phần ăn của em, thiếu chất xơ. Vì vậy, khi bổ sung chất xơ (duphalac) em đi cầu dễ dàng hơn. Vì vậy theo tôi, em nên bổ sung nhiều rau củ quả để đi cầu dễ dàng hơn.

- Trần Quỳnh Hoa - tranquynh...@gmail.com

Em chào bác sĩ,

Em năm nay 22 tuổi. Thời gian trước em có đi ngoài ra máu, đi khám ở BV em thì chẩn đoán là viêm nứt kẽ hậu môn, không có trĩ. Uống thuốc transamin, anpha choay, daflon, và bôi thuốc protolog, nhưng tầm 4 tháng thì lại bị lại, đi khám BS bảo bị trĩ ngoại.

Em đã đốt và cắt bỏ, điều trị 1 tháng, nhưng đến giờ vẫn đi ra máu. Chế độ ăn uống của em, em ăn nhiều rau, hoa quả, khoai và uống mỗi ngày 3 lít nước. BS có thể cho em tư vấn không ạ? Em cảm ơn BS nhiều.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc

Chào em,

Trường hợp của em nên tái khám lại bác sĩ ngoại tổng quát hoặc bác sĩ chuyên khoa hậu môn trực tràng, vì rất có thể ngoài trĩ ngoại, em còn có trĩ nội. Ngoài ra, đi cầu ra máu còn do nhiều nguyên nhân khác như: polyp, khối u, viêm trực tràng, đại tràng... em nên khám sớm để tìm nguyên nhân điều trị.

- Hoat Pham - phamhoat...@gmail.com

Kính chào bác sĩ,

Cháu năm 1983, cao 1m65, nặng 52 kg. Năm 2013 chỉ số Creatinine luôn ở tầm 115 đến 118 và một lần duy nhất lên 160, định lượng nước tiểu 24h âm tính. Năm 2014 xét nghiệm đinh kỳ đều <110 mmol/L ( 90 đến 100).

Kết quả xét nghiệm máu của cháu ngày 24/05/2015: Creatinine là 118 mmol/L và Ure là 6.02mmol/L. Siêu âm thận, ổ bùng bàng quang bình thường, nước tiếu có kết quả hồng cầu là +, nhiều lần đi sét nghiêm nước tiểu luôn là +.

Như cháu biết thì chỉ số Creatinine đánh giá chức năng thận và bây giờ chỉ số của cháu đang lớn hơn chỉ số bình thường là <115 mmol/L.

Cháu vẫn ăn uống bình thường, uống nhiều nước và đi tiêu nhiều, có nơi bảo cháu suy thận độ 1, có nơi bảo bình thường. Cháu rất băn khoăn và không yên tâm về sức khỏe của mình nên mong BS tư vấn giúp cháu. Cháu cảm ơn.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc

Chào bạn,          

Suy thận là khi độ lọc cầu thận nhỏ hơn 60 ml/ phút/ 1,73 m2 da kéo dài trên 3 tháng. Độ lọc cầu thận được tính dựa vào Creatinine, độ tuổi, cân năng, chiều cao, vì vậy Creatinine tăng chưa hẳn đã suy thận. Ngoài ra, còn dựa vào hình ảnh thận trên siêu âm: thận teo, hay kém phân biệt tủy vỏ. Trường hợp của em, nếu lo lắng, em có thể đến khám bác sĩ chuyên khoa thận để xác định chẩn đoán, tránh gây hoang mang.

- Mai - hoalan...@yahoo.com

Cháu chào bác sĩ,

Cháu muốn hỏi BS về bệnh thoái hóa khớp đầu gối, biểu hiện rất đau đi lại khó khăn cảm giác bất tiện khi đi lại cũng như sinh hoạt thường ngày. Mẹ cháu bị khô khớp gối, cháu nhờ BS tư vấn giúp cháu rõ về hướng điều trị tích cực. Cháu cảm ơn BS nhiều.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc

Chào em,         

 Hiện nay, thoái hóa khớp vẫn chưa có điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị giảm triệu chứng kết hợp với các bài tập thể dục, phù hợp với độ tuổi cũng như mức độ tổn thương khớp.

Mẹ em có thể đến khám bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để được hướng dẫn tập luyện cũng như kiểm soát đau hiệu quả.

- Nguyễn Khả - QC_phuong...@yahoo.com.vn

Xin chào BS Thu Cúc,

Tôi đã bị viêm mũi dị ứng rất nặng, cứ 2 ngày là phải uống thuốc dị ứng 1 lần. Nếu không uống thì sẽ bị nghẹt, ngứa, nhảy mủi. Mấy hôm nay lại thêm trình trạng khuya thức dậy thấy miệng khô, cả lưỡi nữa và đầu lưỡi tê tê. Xin BS tư vấn giùm để tôi chữa khỏi bệnh. Xin cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc

Chào bạn,

Viêm mũi dị ứng là một bệnh do cơ địa dễ bị dị ứng, không có điều trị đặc hiệu. Bạn có thể đến khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng khi có triệu chứng để được kiểm soát tốt nhất. Ngoài ra, cũng nên giữ ấm cơ thể, tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, đặc biệt biệt là mùi lạ, các loại hương liệu, nước hoa.... 

- Kien Anh - kienanh...@yahoo.com

Thưa bác sĩ,

Tôi bị cạnh bồn rửa bát inox cứa vào chân, chảy máu rất nhiều. Tôi đã ra BV khám và được tiêm SAT phòng uốn ván ngay trong cùng ngày, xin hỏi BS như vậy tôi có thể yên tâm không? Cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc

Chào bạn,           

Nếu bồn rửa inox không rỉ sét thì khả năng nhiễm uốn ván khá thấp. Tuy nhiên, để an toàn bạn cũng nên tiêm phòng, nên tiêm càng sớm càng tốt. Ngoài ra, cũng nên vệ sinh vết thương, tránh nhiễm trùng, tránh băng vết thương quá kín vì vi khuẩn gây uốn ván là vi khuẩn sống trong môi trường kị khí. Chúc vết thương của bạn mau lành. 

- Đặng Thị Phượng - becoi...@gmail.com

Chào Alobacsi,

Mẹ cháu có 1 u nhỏ nằm ở hõm cổ phía bên phải, u đó xuất hiện ở cổ cách đây 10 năm và bây giờ to bằng ngón tay cái, nhưng không có giảm giác đau hay như thế nào cả. Năm 2014 cháu có đưa mẹ lên BVĐK huyện siêu âm thì BS chẩn đoán là u lành và không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Nhưng cháu không yên tâm nên muốn đưa mẹ đi xét nghiệm sinh thiết tế bào. BS tư vấn giùm cháu với ạ. Cháu cảm ơn.

BS Nội tổng quát Trần Thị Thu Cúc

Chào em,         

Nếu quá lo lắng, em có thể đến BV Ung bướu để được thăm khám lại. Không phải tất cả các trường hợp đều cần sinh thiết. Qua thăm khám lâm sang, nếu có nghi ngờ ác tính, mẹ em sẽ được sinh thiết tìm nguyên nhân. Chúc mẹ em mau khỏe.

                                                                    
Đây là chương trình tư vấn sức khỏe phục vụ cộng đồng - hoàn toàn miễn phí.

Bác sĩ của chúng tôi làm việc trên tinh thần hết lòng vì Sức khỏe cộng đồng, theo lời thề Hippocrates - Lời thề Đạo đức Y khoa.

Chúng tôi sẵn sàng sẻ chia những lo âu, giải đáp các thắc mắc của bạn - vô điều kiện.

Mời bạn gửi câu hỏi bằng 1 trong 3 hình thức sau:

+ Gửi câu hỏi thông qua hệ thống đặt câu hỏi của chuyên mục Khám bệnh online

+ Gửi đến email: tuvan@alobacsi.vn

+ Gọi điện thoại trực tiếp đến số 0976 328 725 hoặc 08 66 800 367 (từ 17 - 19g từ thứ 2 đến thứ 7).

Trân trọng,

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X