Nam giới vô tinh vẫn có cơ hội làm cha bằng chính tinh trùng của mình
Trong bài viết này, PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương và CNSH Tăng Kim Hoàng Văn - Trưởng lab IVF, khoa Hiếm muộn - Bệnh viện Hùng Vương đã chia sẻ các thông tin liên quan đến tình trạng vô tinh ở nam giới và các giải pháp để nam giới được thực hiện thiên chức làm cha từ chính tinh trùng của mình.
Được biết, trong các số phát sóng vừa qua, với lối trò chuyện khoa học nhưng không kém phần gần gũi PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết đã chinh phục được các khán thính giả, ngay cả những người khó tính nhất. Sức hấp dẫn này cũng chính là chìa khóa để nữ Giám đốc Bệnh viện ghi dấu ấn trong sự phát triển vượt bậc của bệnh viện, đặc biệt là trong lĩnh vực điều trị Hiếm muộn, đem lại niềm hạnh phúc trọn vẹn cho rất nhiều gia đình mong con.
Bên cạnh đó, CNSH Tăng Kim Hoàng Văn - Trưởng lab IVF, khoa Hiếm muộn - Bệnh viện Hùng Vương - là người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị hiếm muộn, thụ tinh, vô sinh nam. Anh cũng dành nhiều thời gian để tham gia nghiên cứu, đào tạo trong và ngoài nước nhằm nâng cao kiến thức, trau dồi kinh nghiệm không ngừng nghỉ.
1. Vô tinh là gì, chiếm tỷ lệ bao nhiêu?
Xin hỏi BS, vô tinh là gì, tỷ lệ mắc tình trạng này trên nam giới hiện nay ra sao ạ?
PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết trả lời: Vô tinh là một tình trạng hiếm muộn mà khi đó người chồng làm tinh dịch đồ không phát hiện có tinh trùng trong tinh dịch đồ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiếm muộn ở nam giới.
Hiếm muộn chiếm tỷ lệ khoảng 7 - 10% ở tuổi sinh đẻ. Trong nhóm một cặp vợ chồng hiếm muộn thì 30% nguyên nhân là do vợ, 30% nguyên nhân do chồng, 30% do cả 2 vợ chồng và khoảng 10% không tìm được nguyên nhân. Trong 30% nguyên nhân do chồng, nguyên nhân vô tinh chiếm tỷ lệ không nhỏ.
Tinh trùng được sản xuất từ tinh hoàn của nam giới. Việc tinh trùng đi ra ngoài, vào trong tinh dịch đồ sẽ bị lệ thuộc vào 2 vấn đề là: “nhà máy” sản xuất còn sản xuất hay không và “nhà máy” có sản xuất nhưng do bị “kẹt xe” nên tinh trùng không đi ra ngoài được.
Khi gặp bệnh nhân vô tinh cần xác định tình trạng vô tinh do không còn sản xuất hay do bị tắc nghẽn. Tùy theo từng nhóm nguyên nhân sẽ có hướng xử lý khác nhau.
2. Nguyên nhân nào gây vô tinh ở nam giới?
Những nguyên nhân hay bệnh lý nào ở nam giới gây ra vô tinh? Trong đó, nguyên nhân nào là phổ biến nhất ạ?
CNSH Tăng Kim Hoàng Văn trả lời: Bình thường rất khó để biết mình bị vô tinh, trừ khi người đàn ông cảm giác khó có con. Tuy nhiên dựa trên căn nguyên của nguyên nhân vô tinh sẽ đi tìm ra một số nguyên nhân.
Ví dụ như trường hợp vô tinh do tắc nghẽn là tinh hoàn sản xuất tinh trùng nhưng đường đi ống dẫn từ tinh hoàn đến dương vật bị tắc nghẽn ở một vị trí nào đó. Nguyên nhân thứ nhất do bẩm sinh như thiểu sản ống dẫn tinh hoặc thiểu sản túi tinh. Thứ hai do tắc nghẽn chủ động, muốn triệt sản nên thắt ống dẫn tinh. Thứ ba là viêm nhiễm đường niệu đạo. Tần suất vô tinh do tắc nghẽn chiếm khoảng 40% trong quần thể dân số bị vô tinh. Tuy nhiên, trường hợp này khá dễ để khắc phục.
Trường hợp khó hơn là vô tinh do bế tắc, nghĩa là tinh hoàn không sản xuất tinh trùng. Nguyên nhân thứ nhất có thể do bất thường tinh hoàn như bẩm sinh không có tinh hoàn hoặc tinh hoàn lạc chỗ nằm ở vị trí nào đó chưa xuống bìu hoặc các bệnh lý khác như biến chứng của quai bị gây teo tinh hoàn và không có tinh trùng.
Thứ hai do bất thường về di truyền như bất thường về số lượng nhiễm sắc thể: hội chứng Jacobs (2 nhiễm sắc thể Y), hội chứng Klinefelter (2 nhiễm sắc thể X). Hoặc bình thường số lượng nhiễm sắc thể nhưng có bất thường trên cấu trúc của nhiễm sắc thể như vi mức độ trên nhiễm sắc thể Y, bị hội chứng kostmann cũng có thể gây vô tinh.
Thứ ba do lối sống. Nam giới tiếp xúc với nhiều hóa chất phòng xạ có thể gây tổn thương tế bào sinh tinh, dẫn đến tình trạng vô tinh. Hoặc tinh hoàn bình thường nhưng mắc ung thư, khi hóa trị, xạ trị sẽ vô tình tổn thương tế bào sinh tinh dẫn đến vô tinh.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô tình. Tùy mỗi nguyên nhân sẽ có cách tiếp cận và điều trị phù hợp. Hiện tại, dễ xử lý nhất là vô tinh do tắc nghẽn.
3. Tình trạng vô tinh thường xảy ra trên những ai?
Tình trạng vô tinh này thường xảy ra trên những ai, thưa BS? Tại Bệnh viện Hùng Vương, bệnh nhân thường được phát hiện vô tinh trong những tình huống nào?
PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết trả lời: Việc phát hiện một người bị vô tinh khá đơn giản. Tức là một cặp vợ chồng mong con, qua thời gian 6 tháng hoặc 12 tháng (tùy theo tuổi vợ) đến khoa Hiếm muộn của bệnh viện khám bệnh. Trong quy trình khám một cặp vợ chồng hiếm muộn có bước làm tinh dịch đồ và phát hiện người chồng không có tinh trùng trong tinh dịch đồ nên được chẩn đoán là vô tinh.
Lúc này, các bác sĩ sẽ xác định tình trạng vô tinh là do không còn sản xuất hay tắc nghẽn. Khi đó cần thực hiện các xét nghiệm gián tiếp và trực tiếp. Xét nghiệm gián tiếp bao gồm xét nghiệm nội tiết của người chồng (xét nghiệm về FSH, LH, Testosterone) để xem các nồng độ nội tiết có thay đổi không. Trường hợp không còn sản xuất thì FSH, LH tăng lên rất nhiều và Testosterone giảm đi rất nhiều.
Xét nghiệm trực tiếp để khẳng định tinh hoàn không sản xuất tinh trùng nữa là làm sinh thiết tinh hoàn. Khi đó sẽ lấy một mẫu mô của tinh hoàn và xem trong đó những ống sinh tinh có các con tinh trùng được sản xuất hay không. Nếu không sản xuất tinh trùng sẽ khẳng định vô tinh do không sản xuất.
Đối với vô tinh do sản xuất có thể liên quan đến dị tật bẩm sinh như bất thường về nhiễm sắc thể. Một trong các bệnh thường gặp là trẻ nhỏ, vị thành niên hoặc người lớn vô tình nhiễm virus quai bị và bị viêm tuyến mang tai. Nếu gây ra biến chứng viêm tinh hoàn về lâu dài sẽ dẫn đến tinh hoàn không còn chức năng (không sản xuất được tinh trùng) sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của nam giới. Hoặc những chấn thương tinh hoàn nhưng chúng ta bỏ qua và về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất tinh trùng.
Đối với vô tinh do tắc nghẽn, đa phần liên quan đến dị tật bẩm sinh như bất sản ống dẫn tinh hoặc bất sản túi tinh như vậy tinh trùng sản xuất ở tinh hoàn không được dẫn ra bên ngoài, nên khi làm tinh dịch đồ cũng không thấy được tinh trùng. Hoặc các trường hợp chấn thương, viêm nhiễm cũng có thể dẫn đến tình trạng tắc hẹp ống dẫn tinh, khi đó việc sản xuất tinh trùng vẫn diễn ra bình thường nhưng tinh trùng không đi ra ngoài.
4. Dấu hiệu nào giúp nam giới nhận ra mình bị vô tinh?
Nam giới có thể nhận ra tình trạng vô tinh này thông qua các triệu chứng không và nếu có thì đó là những dấu hiệu nào ạ?
CNSH Tăng Kim Hoàng Văn trả lời: Nam giới bị vô tinh thường không có dấu hiệu cụ thể, ngoài việc đã cố gắng nhưng vẫn khó có con thì triệu chứng rất khó để phát hiện. Tuy nhiên, có thể dựa vào những nguyên nhân gây vô tinh để suy luận.
Một số trường hợp nam giới nên thăm khám: Nếu do tắc nghẽn, nam giới có thể cảm giác khi quan hệ xuất tinh lượng tinh dịch thấp (chỉ vài giọt hoặc không có). Vì tinh hoàn là nơi sản xuất tinh trùng nên nếu cảm giác bị đau hay viêm tinh hoàn hay có tiền sử mắc bệnh quai bị gây biến chứng suy tinh hoàn hoặc nhận thấy trong gia đình có người mắc các bệnh di truyền thì cũng nên đi làm xét nghiệm tầm soát.
Hoặc nam giới bị chấn thương vùng bìu (nơi sản xuất tinh trùng). Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác là cảm giác khó cương cứng hoặc yếu sinh lý, dễ xuất tinh sớm hoặc không thoải mái do bất thường trên bộ phận sinh dục.
5. Nam giới cần lưu ý gì để chẩn đoán chính xác tình trạng vô tinh?
Để chẩn đoán chính xác tình trạng vô tinh, nam giới sẽ được chỉ định thực hiện các cận lâm sàng nào? Nhờ BS đưa ra một số lưu ý cho nam giới khi thực hiện các cận lâm sàng nhằm chẩn đoán sớm và hiệu quả tình trạng vô tinh ạ?
PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết trả lời: Chẩn đoán vô tinh rất đơn giản, quý ông chỉ cần làm tinh dịch đồ đã có thể xác định được. Đối với làm tinh dịch đồ cần tuân thủ các hướng dẫn để kết quả được chính xác như: trước khi làm tinh dịch đồ phải kiêng quan hệ tình dục từ 3 - 5 ngày, khi xuất tinh phải lấy mẫu trong một lọ vô khuẩn và mang đến nơi làm xét nghiệm trong thời gian quy định. Nếu không tuân thủ thì kết quả tinh dịch đồ có thể làm sai lệch và dẫn đến chẩn đoán cũng sai lệch.
6. Có phải vô tinh là “vô phương cứu chữa”?
Vô tinh là chẩn đoán khiến các cặp đôi mất ăn, mất ngủ. Liệu, có phải vô tinh là “vô phương cứu chữa”? Trong thực tế, BS nhìn nhận, đâu là những hiểu lầm thường gặp về vô tinh ạ?
PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết trả lời: Câu nói “vô tinh là vô vọng” chỉ đúng với 20 - 30 năm trước và không còn đúng với hiện tại. Với sự phát triển của kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ngày nay đã giúp rất nhiều các cặp vợ chồng hiếm muộn có thể thực hiện được thiên chức làm cha, làm mẹ, đặc biệt những trường hợp vô tinh có thể thực hiện được thiên chức làm cha bằng chính tinh trùng của mình.
Cụ thể, đối với những trường hợp vô tinh do tắc nghẽn, tức là “nhà máy” sản xuất tinh trùng vẫn làm việc bình thường (vẫn sản xuất ra tinh trùng) thì khi đó có thể lấy tinh trùng trực tiếp từ mào tinh, thậm chí lấy từ trong tinh hoàn bắt từng con tinh trùng ra và làm thụ tinh trong ống nghiệm. Sau đó, kết hợp với trứng của người vợ tạo ra phôi và lấy phôi đó cấy vào tử cung để người vợ mang thai.
Đối với vô tinh do không sản xuất tinh trùng, trước đây là một vấn đề thực sự khó khăn để có thể giúp người bị vô tinh thực hiện thiên chức làm cha bằng chính tinh trùng của họ. Trước đây, trong những trường hợp đó bác sĩ sẽ tư vấn bệnh nhân xin tinh trùng (tìm tinh trùng của một người đàn ông khác), làm phôi và chuyển vào tử cung của người vợ để mang thai.
Nhưng gần đây, với sự tiến bộ của các kỹ thuật y sinh, cụ thể tại Bệnh viện Hùng Vương đã triển khai được kỹ thuật phẫu thuật Micro-TESE. Nghĩa là mở tinh hoàn ra và dưới kính hiển vi phóng đại sẽ bắt từng con tinh trùng, nếu tinh hoàn vẫn còn sản xuất (mặc dù sản xuất rất ít). Trước đây, nếu chỉ quan sát bằng kính hiển vi thường sẽ không thấy được, nhưng nếu sử dụng Micro-TESE (phẫu thuật dưới kính hiển vi phóng đại) sẽ bắt được những con tinh trùng hiếm hoi trong mô tinh hoàn. Sau đó, lấy từng con tinh trùng ra cho kết hợp với trứng để tạo phôi và làm người vợ có thể mang thai.
Thậm chí, có những trường hợp sinh tinh nửa chừng hoặc tinh tử (tinh trùng còn non)… có thể bắt tinh trùng ra ngoài và kích hoạt để trưởng thành bên ngoài cơ thể. Sau đó, kết hợp với trứng để tạo phôi, từ đó giúp những người vô tinh không sản xuất tinh trùng hoặc sản xuất tinh trùng không đến nơi đến chốn vẫn có thể thực hiện được thiên chức làm cha.
Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Hùng Vương là một trong những đơn vị hiếm hoi trên thế giới, cũng như Việt Nam thực hiện được các kỹ thuật này.
7. Khó khăn, thách thức trong điều trị vô tinh mà người bệnh và bác sĩ phải đối diện là gì?
Song, không thể phủ nhận rằng, điều trị vô tinh cũng không dễ dàng gì. Những khó khăn, thách thức trong điều trị vô tinh mà cả người bệnh lẫn bác sĩ phải đối diện là gì ạ?
CNSH Tăng Kim Hoàng Văn trả lời: Đối với người bệnh sẽ có những khó khăn như: Thứ nhất là mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu và chữa trị dựa trên nguyên nhân. Thứ hai là mất nhiều chi phí. Bên cạnh đó, việc điều trị không đảm bảo kết quả 100%.
Với người bệnh thì việc tốn nhiều thời gian và chi phí mà kết quả đôi khi không như mong muốn sẽ gây tâm lý chán nản, bị thất vọng và mất niềm tin vào cuộc sống.
Những người làm kỹ thuật, hỗ trợ điều trị cho các cặp vợ chồng cũng cân nhắc rất nhiều yếu tố. Đối với trường hợp vô tinh do tắc nghẽn, kỹ thuật sẽ khá đơn giản vì khi tinh hoàn vẫn sản xuất tinh trùng thì khả năng tìm thấy tinh trùng là 100%. Sau đó nhờ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, lấy tinh trùng làm kỹ thuật ICSI thì có thể tạo phôi và giúp bệnh nhân có con bình thường. Tuy nhiên, thụ tinh ống nghiệm không thể đảm bảo có con 100%.
Theo thống kê trên thế giới và cả Bệnh viện Hùng Vương, tỷ lệ những trường hợp thụ tinh ống nghiệm với tinh trùng từ tinh hoàn chỉ khoảng 25%. Điều này đồng nghĩa với việc khoảng 75% các cặp vợ chồng còn lại phải tiến hành lần 2, lần 3 và khi đó sẽ tốn thêm thời gian, chi phí.
Về mặt điều trị, ngay cả trường hợp vô tinh do tắc nghẽn cũng không thể thành công tuyệt đối. Trong trường hợp vô tinh không do tắc nghẽn, tiêu chuẩn vàng để giúp bệnh nhân có hy vọng làm cha chính chủ là kỹ thuật Micro-TESE, tỷ lệ khoảng 50%, nghĩa là 50% bệnh nhân còn lại không có tinh trùng.
Tuy nhiên, Micro-TESE là một kỹ thuật xâm lấn, phải mở hết tinh hoàn và tìm vùng mô có khả năng sinh tinh nhiều nhất để thực hiện kỹ thuật. Khi đó, nếu không khéo sẽ dẫn đến tình trạng tổn thương các mô tinh hoàn ở vùng lân cận. Tinh hoàn ngoài chức năng sản xuất ra tinh trùng để duy trì nòi giống, còn có chức năng quan trọng duy trì đặc tính sinh dục của nam giới (da, lông, tóc, móng, giọng nói và cả cơ xương khớp), nếu không khéo có thể làm tổn thương nội tiết tố của nam giới và phải dùng Testosterone ngoại sinh cả đời.
Khi thực hiện đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ của cả 3 phía: Thứ nhất là bác sĩ nam khoa (một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm) làm sao để có tinh trùng cho bệnh nhân. Thứ hai, cần Lab chuẩn để lưu trữ tinh trùng và sử dụng một cách tiết kiệm nhất có thể. Vì không đảm bảo thực hiện một lần đã có con nên nếu bệnh nhân thực hiện lần 2, lần 3 sẽ không phải tiếp tục trải qua một cuộc phẫu thuật xâm lấn. Thứ ba, cần quan tâm đến độ tuổi của người vợ. Vì có con là việc của hai vợ chồng, nếu kết hợp không chặt chẽ có thể xảy ra tình trạng sau khi chồng điều trị có tinh trùng thì vợ không còn trứng nữa.
Dù điều trị vô tinh hay không thì mong muốn cuối cùng của các cặp vợ chồng vẫn là đời sống tình dục thoải mái, bên cạnh việc có con. Vì vậy, nếu có những bất thường thì các cặp vợ chồng nên thăm khám để được chẩn đoán và điều trị sớm. Thứ nhất giúp duy trì hạnh phúc gia đình và thứ hai là phát hiện các bệnh, nguy cơ tìm ẩn để xử lý. Khi đó có thể không cần can thiệp mà vẫn giữ được hạnh phúc trọn vẹn như mong muốn cả về đời sống tinh thần và vật chất.
8. Tỷ lệ thành công là bao nhiêu nếu chẳng may bị vô tinh?
Tuy vậy, y học đã có nhiều bước tiến vượt trội. Nhờ BS chia sẻ cụ thể hơn về những bước đột phá trong điều trị vô tinh hiện nay? Cơ hội làm cha là bao nhiêu nếu chẳng may bị vô tinh ạ?
PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết trả lời: Nếu là những trường hợp tinh trùng bình thường, làm thụ tinh trong ống nghiệm bằng phương pháp ICSI (tiêm tinh trùng vào bào tương của trứng) thì tỷ lệ có thai tại Bệnh viện Hùng Vương là khoảng 50%.
Những trường hợp phải can thiệp bằng Micro-TESE hoặc nuôi tinh trùng non, tỷ lệ có thai khoảng 10%. Như vậy, không có nghĩa là vô vọng mặc dù tỷ lệ còn khiêm tốn và trong thời gian tới cần nhiều can thiệp hơn để nâng tỷ lệ này. Nhưng một thông điệp là những người vô tinh vẫn có cơ hội thực hiện thiên chức làm cha bằng chính tinh trùng của mình.
>>> Phần 2: Các kỹ thuật “bắt” tinh trùng, giành lại cơ hội làm cha cho nam giới vô tinh
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình