Hotline 24/7
08983-08983

Nấm đen Mucormycosis gây hoại tử xương hàm nguy hiểm ra sao?

Nhiễm nấm Mucormycosis có tỷ lệ tử vong cao, thường xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường, bệnh máu ác tính, ghép tạng, mắc COVID-19.

Trong số 3 bệnh nhân nhiễm nấm đen tại Bệnh viện Bạch Mai, có 2 người đã tử vong, 1 người đang điều trị tích cực. Các bệnh nhân bị hoại tử niêm mạc mũi, hoại tử xương hàm, mất thị lực gần như hoàn toàn.

Thông tin trên được chia sẻ tại Hội nghị Ký sinh trùng toàn quốc vừa diễn ra tại TPHCM. Theo PGS.BS Đỗ Duy Cường, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, hai ca tử vong đều bị đái tháo đường, từng mắc COVID-19, nhập viện khi mặt sưng đau, mất thị lực, hoại tử xoang hàm. Kết quả sinh thiết cho thấy bệnh nhân nhiễm nấm Mucormycosis hay còn gọi là bệnh nấm đen.

Nấm Mucormycetes gây ra bệnh "Nấm đen". Ảnh: Shutterstock

Thực tế, nấm Mucormycosis không có màu đen. Nấm xâm nhập vào các mạch máu, làm ảnh hưởng tuần hoàn đến cơ quan ngoại biên, tạo ra các mô chết hay hoại tử. Da, niêm mạc, các mô hoại tử chuyển thành màu đen có thể là nguyên nhân của tên gọi bệnh nấm đen.

Theo ước tính của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) có 1,7 trường hợp/1 triệu dân. Đây là bệnh hiếm gặp, thường gặp các trường hợp lẻ tẻ, rất hiếm khi gây dịch. Đặc biệt, Ấn Độ là nước có tỷ lệ nhiễm Mucormycosis cao nhất thế giới, gấp hơn 80 lần so với các nước phát triển. Năm 2021, nước này từng báo cáo hơn 9.000 ca nhiễm nấm đen ở bệnh nhân từng nhiễm COVID-19.

Các bệnh nhân nhiễm Mucormycosis tại Ấn Độ có đặc điểm: 78% là nam giới, 80% có bệnh tiểu đường không kiểm soát, 76% bệnh nhân từng mắc COVID-19. Tỷ lệ tử vong trên 30%. Thời điểm tháng 5/2021, số người nhiễm nấm Mucormycosis tăng vọt, thuốc amphotericin-B trị nấm tại Ấn Độ thiếu đến khủng hoảng. Bác sĩ phải cắt giảm liều lượng thuốc của người này để san sẻ cho người bệnh khác.

Bệnh thường xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường, bệnh máu ác tính, ghép tạng, mắc COVID-19. Tình trạng nhiễm nấm thường xảy ra từ 12 - 18 ngày sau khi khỏi COVID-19. 80% trong số này cần phẫu thuật và tỷ lệ tử vong lên đến hơn 94% nếu xâm lấn vào não.

Mucormycosis không lây lan từ người sang người. Bào tử vi nấm có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, qua tổn thương ở da, qua đường tiêu hóa và trở thành tác nhân gây bệnh. Vào cơ thể có thể gây nhiễm trùng nhiều cơ quan như gây viêm xoang, viêm phổi, viêm da, xâm nhập vào não gây đột quỵ. Bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao, tỷ lệ tử vong chung tới 54%. Tỷ lệ này thay đổi tùy thuộc loại vi nấm gây bệnh và vị trí nhiễm trùng (tỷ lệ tỷ vong do nhiễm trùng xoang 46%, nhiễm trùng phổi 76%, nhiễm trùng lan tỏa 96%).

Hiện nay, phương pháp chẩn đoán căn nguyên gây bệnh nấm đen gặp nhiều khó khăn. Lấy bệnh phẩm là mảnh sinh thiết tùy thuộc vào vị trí tổn thương, thực hiện kỹ thuật soi dưới kính hiển vi và nuôi cấy để xác định căn nguyên gây bệnh.

Nấm đen là bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, tổn thương thường được cắt lọc và được điều trị bằng thuốc kháng nấm. Thuốc kháng nấm amphotericin B, posaconazole hoặc isavuconazole được chứng minh có hiệu quả trong điều trị bệnh, bệnh nhân có thể dùng thuốc kháng nấm tới 6 tuần. Các loại thuốc kháng nấm fluconazole, voriconazole và echinocandins không có tác dụng với nấm gây bệnh mucormycosis do kháng tự nhiên.

Theo chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy, Việt Nam hiện có đầy đủ các loại thuốc kháng nấm đặc hiệu. Tuy nhiên, bệnh nhân phải điều trị từ 2-3 tuần với kháng nấm truyền tĩnh mạch. Sau đó, điều trị hỗ trợ, duy trì kháng nấm dạng uống từ 3-6 tháng, tùy tình trạng bệnh nhân.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X