Hotline 24/7
08983-08983

Muốn hệ miễn dịch khỏe, hãy có cơ bắp tốt và ngủ ngon

Quan tâm đến hệ cơ và giấc ngủ để có hệ miễn dịch khỏe mạnh, đó là những nội dung mới, đáng chú ý của Hội nghị thường niên Liên chi hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM 2022 với chủ đề “Quản lý toàn diện bệnh hô hấp, dị ứng, miễn dịch lâm sàng, COVID-19”.

Các chủ đề của Hội nghị thường niên Liên chi hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM 2022 được 50 báo cáo viên đề cập, chia ra nhiều phiên gồm: Hen người lớn, miễn dịch lâm sàng người lớn, dị ứng trẻ em, COPD có yếu tố hen - thăm dò chức năng hô hấp, COVID-19/hậu COVID-19, hen trẻ em, y học giấc ngủ, miễn dịch lâm sàng trẻ em, khởi trị giãn phế quản tác dụng kéo dài ở bệnh nhân COPD: 1 thuốc hay 2 thuốc?, vai trò của FeNO trong điều chỉnh liều ICS ở bệnh nhân hen: nên hay không nên?, bệnh lý nhiễm, dị ứng người lớn, bệnh lý dị ứng - miễn dịch.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Liên chi hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan cho biết: “Hội thảo lần này đẩy mạnh về dị ứng và miễn dịch lâm sàng, chúng tôi mời được các chuyên gia ở Hà Nội vào, các bác sĩ đầu ngành về miễn dịch, dị ứng, đó là các phần ít được phát triển ở Việt Nam, trong khi hen và COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) thì chúng ta đã đẩy khá mạnh rồi.

Đặc biệt trong bối cảnh COVID-19, để bảo vệ cho bệnh nhân của mình có hệ miễn dịch tốt là điều vô cùng quan trọng, vì vậy hội nghị tập trung vào vấn đề miễn dịch để mọi người quan tâm, nhất là những người già và đối tượng nguy cơ.

Một điểm rất mới của hội nghị lần này là nội dung về mối liên quan chặt chẽ, hỗ trợ qua lại giữa hệ cơ và hệ miễn dịch. Một người muốn chống đỡ tốt với vi trùng, virus thì bắp cơ của người đó phải tốt. Do đó, chúng ta phải quan tâm tới người già vì họ bị teo cơ, ít vận động.

Ngoài ra, chúng ta cũng chú ý tới phục hồi chức năng để nâng cao khối cơ, như thế sẽ trực tiếp hỗ trợ hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn.

Ngược lại, hệ miễn dịch cũng tác động lên hệ cơ xương khớp rất nhiều: viêm khớp dạng thấp, viêm cơ, lupus… đó là một khối bệnh rất lớn nằm trong miễn dịch lâm sàng.

Bài "Hiểu biết về các kháng thể trong viêm cơ tự miễn" của TS.BS Cao Thanh Ngọc - Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM được báo cáo online tại phiên Miễn dịch lâm sàng người lớn, chủ tọa PGS.TS.BS Nguyễn Đình Khoa

Một điểm mới nữa là nội dung về Y học giấc ngủ vì rối loạn giấc ngủ sẽ ảnh hưởng lên hen, COPD và đặc biệt là ảnh hưởng lên hệ miễn dịch. Một người không ngủ được thì hệ miễn dịch sẽ suy giảm, dẫn đến bị nhiều bệnh. Bảo vệ giấc ngủ cũng là một vấn đề lớn trong miễn dịch lâm sàng. Nếu giấc ngủ không tốt thì người bệnh hen và COPD sẽ có cơn kịch phát, thậm chí là bệnh tiểu đường và cao huyết áp cũng khó kiểm soát. Vì vậy giấc ngủ là một vấn đề rất nền tảng, rất cơ bản”.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan với bài báo cáo: “Quản lý hen ở các đối tượng đặc biệt và cập nhật GINA 2022”, phiên Khoa học toàn thể

Tại hội nghị, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan có 3 bài báo cáo: “Quản lý hen ở các đối tượng đặc biệt và cập nhật GINA 2022”, “Điều trị hen nhẹ-trung bình: cần cải thiện thêm?”, “Tăng cường miễn dịch cho người già trong bối cảnh COVID-19” và là chủ tọa của nhiều phiên.

Hen và thai phụ, hen và kinh nguyệt, co thắt phế quản do vận động ở bệnh nhân hen, lực sĩ và hen, hen ở nhóm thiếu niên, hen ở các nước thu nhập thấp và trung bình, béo phì và hen là những đối tượng bệnh nhân được đề cập trong bài báo cáo “Quản lý hen ở các đối tượng đặc biệt và cập nhật GINA 2022” của PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan.

Với từng đối tượng này, PGS Tuyết Lan chỉ ra đặc trưng về sức khỏe, khó khăn riêng, cách kiểm soát hen và những lưu ý đặc biệt. Sau cùng, PGS đưa ra những điểm mấu chốt cần ghi nhớ: nguyên tắc cơ bản của điều trị hen là “ngừa cơn” chứ không đợi lên cơn mới cắt”. Inhaled corticosteroid - ICS là nền tảng. GINA 2022 không chấp nhận việc xử lý cơn hen bằng SABA và corticosteroid dạng uống. Kháng sinh không có trong phác đồ điều trị hen nếu không có bội nhiễm. Các đối tượng đặc biệt vẫn tuân thủ các nguyên tắc trên.

GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ với bài báo cáo “Cập nhật rối loạn giấc ngủ trong hen và viêm mũi dị ứng”

Tại phiên Y học giấc ngủ, các bài báo cáo của các chuyên gia: “Cập nhật rối loạn giấc ngủ trong hen và viêm mũi dị ứng” - GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ, “Chẩn đoán ngưng thở khi ngủ ở tuyến chăm sóc ban đầu” - TS.BS Nguyễn Như Vinh, “Chẩn đoán các rối loạn hô hấp liên quan giấc ngủ” - ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân cũng cho thấy tầm quan trọng của giấc ngủ đối với các tình trạng bệnh lý và sinh hoạt thường ngày của họ.

Ngủ ngáy không đơn giản chỉ ảnh hưởng tới người bên cạnh, chuyển qua phòng khác ngủ là được, mà nó còn liên quan đến tình trạng buồn ngủ ban ngày, gây ảnh hưởng đến năng suất lao động và góp phần đưa đến tai nạn giao thông nếu các bác tài ngủ gật khi đang cầm vô lăng.

Bài báo cáo “Nhịp sinh học, giấc ngủ và hệ miễn dịch” của ThS.BS Bùi Diễm Khuê chỉ ra lý do vì sao mọi người nên có giờ giấc sinh hoạt điều độ thì mới có sức đề kháng tốt

ThS.BS Bùi Diễm Khuê với bài báo cáo “Nhịp sinh học, giấc ngủ và hệ miễn dịch” cũng chỉ ra mối liên quan giữa giấc ngủ và hệ miễn dịch, đó cũng là lý do vì sao các bác sĩ thường khuyên sau khi chích ngừa cần ngủ đủ giấc để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ thể tạo kháng thể.

BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên báo cáo online bài “Nguồn gốc của dị ứng từ cách tiếp cận hệ thống”

Với 3 bài báo cáo “Nguồn gốc của dị ứng từ cách tiếp cận hệ thống”, “Viêm mũi dị ứng và hen: Tiếp cận thật đơn giản ở trẻ em”, “Nhiễm khuẩn hô hấp ở bệnh nhi hen phế quản”, BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên giúp chúng ta có cái nhìn rõ hơn về con đường hành trình dị ứng của một người từ lúc còn trong bụng mẹ đến khi trưởng thành, cần có chiến lược thế nào trong 1000 ngày đầu đời của trẻ để giảm thiểu nguy cơ bị hen và dị ứng sau này.

Một câu hỏi thú vị cũng không kém phần hóc búa của chủ tọa phiên Bệnh lý nhiễm khuẩn - PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc đặt ra sau bài báo cáo của BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên là: Nếu việc sinh mổ khiến em bé mất đi cơ hội tiếp nhận được vi khuẩn có lợi từ âm đạo của mẹ thì có cách nào can thiệp ngay sau sinh để trẻ nhận được hệ vi khuẩn chí đó hay không? Đây cũng là một gợi ý cho các nhà chuyên môn, nếu giải quyết được thì sẽ bù đắp phần nào những thiệt thòi của trẻ sinh mổ về phương diện sức khỏe.

Hội nghị thường niên Liên chi hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM 2022 quy tụ hơn 300 bác sĩ (chia ra 3 hội trường) và 1.500 lượt theo dõi online

Các bài báo cáo tại Hội nghị thường niên Liên chi hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM 2022 cũng đưa ra nhiều vấn đề, chi tiết đáng chú ý khác như: bệnh phù mạch di truyền được dự đoán là có 2.000 bệnh nhân tại Việt Nam nhưng hiện tại mới chỉ phát hiện được khoảng 50 người, những người còn lại chưa được chẩn đoán đúng, đồng nghĩa với việc chưa được điều trị đúng, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống; việc cho trẻ ăn sớm và bôi kem dưỡng ẩm sớm có giúp ngăn ngừa mẫn cảm và dị ứng hay không?; những lúng túng khi điều trị bệnh nhân hậu COVID-19 bị “hụt hơi”; bệnh nhân COVID-19 có thể đồng nhiễm hay bội nhiễm các tác nhân gây bệnh khác nhau; số lượng bệnh nhân lao sau dịch COVID-19…

Điều đó cũng cho thấy, để đạt được mục tiêu quản lý toàn diện bệnh hô hấp, dị ứng, miễn dịch lâm sàng, COVID-19 còn rất nhiều vấn đề cần quan tâm, nghiên cứu, đề ra hướng hành động, giải quyết. Trong đó, Liên chi hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM luôn chú ý đến việc đẩy mạnh việc quản lý bệnh hen, COPD đến vùng sâu, vùng xa.

“Đối với hen thì đã có hệ thống ACOCU gồm 242 đơn vị trên toàn quốc rồi, hướng sắp tới sẽ đẩy mạnh ở tuyến quận huyện, tuyến phường xã để người bệnh trong cộng đồng có thể tiếp cận được ở trạm y tế gần nhà để quản lý bệnh hen và COPD; miễn dịch và dị ứng lâm sàng cũng sẽ được kết hợp theo” - PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Liên chi hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM chia sẻ.

Hồng Nhung - AloBacsi

Ảnh Lê Bình, Hồng Nhung

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X