Hotline 24/7
08983-08983

Mùa sốt xuất huyết năm nay đến sớm, đối phó thế nào?

BS Trương Hữu Khanh trả lời về lý do mùa sốt xuất huyết năm nay đến sớm, hướng dẫn dấu hiệu nhận biết, triệu chứng bệnh trở nặng và cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết.

1. Vì sao sao mùa sốt xuất huyết năm nay đến sớm?

Gần đây tin tức về bệnh sốt xuất huyết khiến nhiều người lo ngại vì số ca nhiều và đã có trẻ tử vong. Xin BS cho biết vì sao mùa sốt xuất huyết năm nay đến sớm, số ca nhiều?

BS Trương Hữu Khanh:

Mùa sốt xuất huyết năm nay đến sớm, theo tôi có 3 lý do:

  • Thứ nhất là năm nay mùa mưa đến sớm
  • Thứ hai, trong một thời gian dài chúng ta giãn cách, sự giao lưu ít đi, khả năng lây sốt xuất huyết giảm xuống. Hiện giờ chúng ta giao lưu nhiều trở lại.
  • Thứ ba, có thể là chu kỳ cứ 3-4 năm bệnh tăng trở lại

Những yếu tố đó làm cho số ca nhiều hơn và đáng lo ngại, nếu không cùng nhau phòng chống, phát hiện sớm, xử trí sớm thì bệnh sẽ lan rộng ra và chúng ta phải trả giá bằng những ca tử vong.

2. Tình hình sốt xuất huyết trên cả nước hiện nay?

Có phải tất cả các tỉnh thành đều có tình trạng gia tăng số ca sốt xuất huyết không ạ?

BS Trương Hữu Khanh:

Bệnh sốt xuất huyết thường gặp ở miền Nam trước, sau đó đến miền Bắc và miền Trung. Lý do là miền Nam mưa trước và mùa mưa kéo dài hơn.

Thông thường ban đầu bệnh sốt xuất huyết số ca trẻ em nhiều hơn, nhưng đến giữa mùa sẽ có nhiều trẻ lớn và người lớn cũng bị

3. Tình huống nào có thể khiến trẻ tử vong vì bệnh sốt xuất huyết?

Sốt xuất huyết có thể điều trị tại nhà, vậy tình huống nào có thể khiến trẻ tử vong vì bệnh này, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh:

Đúng là bệnh sốt xuất huyết có thể điều trị tại nhà, nhưng cái khó là chúng ta có nghĩ đến nó để phát hiện sớm hay không, để mà đưa ra biện pháp theo dõi. Nếu phát hiện trễ thì khi đưa trẻ đến bệnh viện, việc điều trị sẽ khó khăn, tốn kém rất nhiều.

Cái chính vẫn là mình có nghĩ đến sốt xuất huyết hay không để theo dõi, ngày nào trẻ trở nặng, dấu hiệu nào trẻ đã an toàn. Do đó việc nhận biết rất quan trọng.

4. Cơn sốt do sốt xuất huyết có đặc trưng gì?

BS Trương Hữu Khanh:

Điểm đặc biệt ở bệnh sốt xuất huyết là sốt rất cao và khó hạ. Khi trẻ sốt cao liên tục, kéo dài 48 giờ thì phải nghĩ ngay đến sốt xuất huyết. Cơn sốt này ít khi kèm theo triệu chứng khác như ho, sổ mũi, tiêu chảy.

Ngay cả bây giờ nếu có bị COVID-19 thì ít khi nào trẻ sốt quá 48 giờ.

Khi chúng ta nghe xung quanh mình có ca sốt xuất huyết mà trong gia đình có người sốt cao kéo dài trên 48 giờ, khả năng cao là sốt xuất huyết.

5. Điểm đặc biệt cần lưu ý khi chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết, tránh diễn tiến nặng?

BS Trương Hữu Khanh:

Điều quan trọng là bệnh sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo đây là người có thể bị nặng, nếu chúng ta bỏ qua, không nhận ra sẽ rất nguy hiểm. Khi mình nghĩ một người có thể bị sốt xuất huyết (sốt cao 48 giờ) thì sau đó phải chú ý những dấu hiệu nguy hiểm gồm: nôn ói nhiều, đau bụng nhiều, đau vùng gan (đau sườn phải)… rất có khả năng là sốc sốt xuất huyết.

Nặng hơn nữa là các dấu hiệu: đi cầu ra máu, chảy máu chân răng, chảy máu cam.

Nặng hơn nữa là tay chân lạnh, tím tái mạch nhanh, huyết áp khó đo… đây là tình trạng sốc nặng.

Các dấu hiệu này nếu xảy ra sau khi bệnh nhân sốt 48 giờ là phải đưa đi bệnh viện ngay.

6. Có phải một người đã bị sốt xuất huyết rồi thì sẽ không bị lại?

BS Trương Hữu Khanh:

Về lý thuyết, một người có thể bị sốt xuất huyết 4 lần vì có 4 type khác nhau: DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4.

Thông thường, lần bị sốt xuất huyết thứ 2 sẽ nặng hơn, do đó chúng ta đừng ỷ y đã bị bệnh này rồi mà không lo phòng chống

7. Khi hàng xóm có người bị sốt xuất huyết thì nhà mình nên làm gì để phòng tránh?

BS Trương Hữu Khanh:

Nếu nghe hàng xóm có sốt xuất huyết thì mình phải tìm hiểu ngay nhà mình có nguy cơ hay không, phải nhanh chóng tìm diệt muỗi và lăng quăng.

Nếu chỉ diệt muỗi mà không diệt lăng quăng thì muỗi sẽ xuất hiện trở lại hoài. Phải kiểm tra các vật dụng chứa nước. Đừng nghĩ là một mảnh sành nhỏ mà không có lăng quăng mà bỏ qua, để cho nước ứ đọng.

8. Biện pháp diệt muỗi nào hữu ích mà an toàn với sức khỏe?

Ngoài việc tiêu diệt loăng quăng thì hiện nay có rất nhiều biện pháp xua đuổi, tiêu diệt muỗi như: dùng đèn diệt muỗi, gel bôi da, nhang muỗi, thuốc phun xịt… theo BS phương pháp nào hữu ích mà an toàn với sức khỏe ạ?

BS Trương Hữu Khanh:

Thuốc phun xịt muỗi và nhang muỗi thì khi nào muỗi xuất phát từ thiên nhiên thì chúng ta mới dùng, và có phun xịt đi nữa thì qua một thời gian muỗi sẽ có trở lại. Do đó phải phối hợp nhiều biện pháp diệt muỗi và quan trọng là phải cùng nhau tìm ao tù, nước đọng để diệt lăng quăng.

Về sản phẩm dùng để bôi da cần chọn có thành phần từ thiên nhiên để an toàn cho trẻ.

Phần tiếp theo: Bệnh sốt xuất huyết làm sao nhận biết sớm, dấu hiệu nào trở nặng?

Hồng Nhung (ghi)

Bệnh sốt xuất huyết làm sao nhận biết sớm, dấu hiệu nào trở nặng?


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X