Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh sốt xuất huyết làm sao nhận biết sớm, dấu hiệu nào trở nặng?

BS Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM chỉ ra các dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh sốt xuất huyết, các dấu hiệu trở nặng cần nhập viện ngay, và cách chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết tại nhà.

Tiếp theo phần trước: Mùa sốt xuất huyết năm nay đến sớm, đối phó thế nào?

1. Dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh sốt xuất huyết ở người lớn và trẻ em?

BS Trương Hữu Khanh:

Nếu bệnh nhân có biểu hiện sốt cao quá 48 tiếng thì cần tìm hiểu có phải bệnh sốt xuất huyết hay không, bằng cách đến bác sĩ khám và xét nghiệm máu.

Nếu sốt quá 48 tiếng kèm đau vùng gan, nôn ói nhiều, đi cầu ra máu, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da là những dấu hiệu chắc chắn phải đến bệnh viện để điều trị, nếu không có thể trả giá bằng tính mạng.

2. Dấu hiệu trở nặng của bệnh sốt xuất huyết là gì?

BS Trương Hữu Khanh:

Ngay khi có dấu hiệu ban đầu của sốt xuất huyết (nêu ở trên) thì chúng ta đã phải đi đến bệnh viện để làm xét nghiệm rồi. Nếu xác định là sốt xuất huyết, tùy theo tình trạng mà bác sĩ sẽ cho theo dõi ở nhà hay nhập viện điều trị.

Còn nếu đợi đến khi có các dấu hiệu nặng như: tay chân lạnh, tím tái, mạch không bắt được… mới đến bệnh viện thì việc điều trị sẽ rất khó khăn.

Với bệnh sốt xuất huyết, nếu đến viện sớm thì việc điều trị rất nhẹ nhàng. Còn nếu đến trễ, việc điều trị sẽ phức tạp, tốn kém. Bệnh nhân có thể cần truyền dịch (thậm chí truyền dịch này không được phải đổi dịch khác), lọc máu, thở máy, sau đó bệnh nhân có thể bị bội nhiễm thêm, tổn thương nhiều cơ quan, khó hồi phục

3. Cần làm gì để phòng ngừa biến chứng của bệnh sốt xuất huyết?

BS Trương Hữu Khanh:

Để phòng ngừa biến chứng của bệnh sốt xuất huyết chỉ có thể là đến bệnh viện sớm thôi. Nếu bệnh nhân có cơ địa bình thường, được xét nghiệm và điều trị sớm thì hầu như không có biến chứng. Còn những người có cơ địa đặc biệt, chẳng hạn như béo phì thì việc điều trị sẽ khó khăn hơn và dễ có biến chứng hơn.

Thêm một lưu ý là không uống thuốc hạ sốt quá nhiều, làm như vậy có thể gây tổn thương gan.

4. Vì sao trẻ em bị sốt xuất huyết nhiều hơn người lớn?

BS Trương Hữu Khanh:

Thật ra giai đoạn đầu mùa thì chúng ta thấy vậy thôi, có những năm trẻ lớn và người lớn bị sốt xuất huyết nhiều hơn trẻ nhỏ.

Cũng có thể do con nít thường chơi ở những góc kẹt trong nhà và bị muỗi chích rồi lây bệnh.

Thêm một khả năng là những người lớn mắc sốt xuất huyết đủ 4 lần rồi thì sẽ không bị nữa.

5. Người bệnh sốt xuất huyết điều trị tại nhà cần dùng thuốc gì?

BS Trương Hữu Khanh:

Nếu trong nhà có người bị sốt thì chúng ta đến nhà thuốc chỉ cần mua thuốc hạ sốtvitamin. Trong 48 giờ đầu chưa xác định được bệnh sốt xuất huyết thì chỉ uống thuốc như vậy thôi.

Còn nếu đã xét nghiệm biết chắc chắn bệnh sốt xuất huyết thì vẫn dùng thuốc hạ sốt nhưng phải cẩn trọng, tránh dùng quá nhiều dẫn đến tổn thương gan.

Điều quan trọng nhất là sau khi sốt 48 giờ phải tiếp cận bác sĩ để được xét nghiệm máu, không được chần chừ.

6. Người lớn và trẻ em bị sốt xuất huyết nên ăn uống thế nào?

BS Trương Hữu Khanh:

Trẻ bị sốt xuất huyết rất “đừ” và biếng ăn, trẻ mệt hơn so với bị COVID-19 nhiều lắm. Khi nào trẻ ăn lại được là đã khỏe.

Điều quan trọng khi chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết là phải uống đủ nước, thứ 2 là ăn nhiều bữa, thức ăn lỏng dễ tiêu.

Trong ăn uống thì cần tránh thực phẩm có màu đỏ - nâu, để phòng trường hợp bệnh nhân nôn ói phải phân biệt đó là màu của đồ ăn thức uống hay có nôn ra máu.

7. Cần làm gì để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết bùng phát thành dịch?

BS Trương Hữu Khanh:

Mới đầu mùa mưa mà số ca bệnh đã nhiều và đã có trẻ tử vong khiến bác sĩ chúng tôi vô cùng lo lắng, nếu mưa nhiều hơn có thể bùng phát dịch. Nếu chúng ta cùng nhau làm nhanh, làm kịp mới có thể ngăn chặn trận dịch này.

Mỗi người phải có ý thức diệt muỗi và lăng quăng, cùng nhau dọn dẹp môi trường quanh nhà. Việc này không khó.

Hễ thấy sốt cao khó hạ trong 48 giờ thì phải nghĩ ngay đến sốt xuất huyết, lập tức đến bác sĩ gần nhà, làm xét nghiệm máu, theo dõi các dấu hiệu cảnh báo (nôn ói, đau bụng vùng gan, chảy máu chân răng, đi cầu ra máu, xuất huyết dưới da…) thì đến bệnh viện ngay, không nên tự truyền dịch tại nhà sẽ rất nguy hiểm.

Hồng Nhung (ghi)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X