Mẹ bầu có dấu hiệu dọa sinh non, điều trị dự phòng thế nào?
BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên - Bệnh viện Từ Dũ chia sẻ, nếu mẹ bầu có dấu hiệu báo động dọa sinh non như đau bụng, ra nước, ra huyết ở tuổi thai càng nhỏ, người mẹ càng phải đến bệnh viện sớm, ngăn chặn sinh non. Bên cạnh đó, bác sĩ còn chia sẻ thông tin về những phương pháp dự phòng sinh non.
1. Đau bụng, cơn gò, ra huyết âm đạo, dấu hiệu cảnh báo dọa sinh non
Nếu các mẹ bầu khám thai đầy đủ thì liệu có phát hiện nguy cơ dọa sinh non không thưa BS? Cần làm xét nghiệm gì và làm ở tuần thai bao nhiêu để phát hiện nguy cơ này ạ?
BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Sinh non là vấn đề khiến nhiều chị em phụ nữ đang mang thai lo lắng. Khi đi khám thai, bác sĩ sẽ chẩn đoán tuổi thai, các vấn đề kèm theo nếu có. Ví dụ, một số chị em đi khám thai được chẩn đoán thai ở tuần thứ 28 và có dấu hiệu sinh non hoặc dọa sinh non, bác sĩ sẽ tư vấn hướng điều trị kịp thời.
Một chu kỳ mang thai kéo dài 9 tháng 10 ngày, được chia làm 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Thông thường, trước khoảng 20 - 22 tuần, nếu có vấn đề xảy ra sẽ được gọi là sảy thai; khoảng 24 tuần trở đi gọi là sinh non.
Trong khoảng 20 - 22 tuần thai trở đi, mẹ sẽ cảm nhận được em bé có thai máy, bắt đầu đạp, những chị em nhạy cảm có thể thấy ngay từ 20 tuần thai. Việc em bé cử động và đạp trong bụng khác với cơn gò.
Trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối, nếu xuất hiện cơn gò, chị em sẽ thấy bụng khó chịu, thường gọi là cơn gò sinh lý, không đều và không bị đau. Nếu suốt thời gian mang thai, đặc biệt là 3 tháng giữa và 3 tháng cuối, có xuất hiện tình trạng đau bụng, đau từng cơn đều đặn hoặc có ra nước, ra huyết âm đạo, chị em cần đi khám ngay vì đó là dấu hiệu cảnh báo dọa sinh non.
2. 80 - 90% tỷ lệ em bé được nuôi sống nếu được sinh ở tuổi thai trên 32 - 34 tuần
Dọa sinh non được phân loại mức độ như thế nào, thưa BS? Dấu hiệu nào cảnh báo tình trạng dọa sinh non mà các chị em cần lưu ý ạ?
BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Trong Y khoa có chẩn đoán chuyển dạ sinh non, cụ thể là chuyển dạ sinh ở thời điểm thai còn non tháng (dưới 37 tuần). Nếu chị em có các dấu hiệu báo động nhưng chưa đủ để chẩn đoán chuyển dạ sinh non, bác sĩ gọi đó là dọa sinh non mức độ báo động.
Chuyển dạ sinh non tùy thuộc vào tuổi thai để xác định tình trạng sinh non và khả năng nuôi sống sau khi em bé chào đời, cụ thể: tuổi thai dưới 28 tuần là chuyển dạ sinh cực non; 28 - 36 tuần là chuyển dạ sinh non và trên 37 tuần là sinh đủ tháng.
Thời điểm sinh vô cùng quan trọng, nếu chuyển dạ sinh non ở thời điểm em bé quá nhỏ, ví dụ, tuổi thai 24 - 26 tuần, tỷ lệ nuôi sống em bé rất thấp. Tại Việt Nam, tỷ lệ nuôi sống em bé dưới 26 tuần chỉ khoảng 1 - 3% tùy thuộc vào cân nặng em bé nếu tính tuổi thai chính xác.
Nếu mẹ có thể dưỡng thai đến trên 32 - 34 tuần, tỷ lệ nuôi sống em bé lên đến 80 - 90%. Do đó, tuổi thai là yếu tố quyết định tiên lượng sống của em bé sau sinh. Vì vậy, nếu có dấu hiệu báo động ở tuổi thai càng nhỏ, người mẹ càng phải đến bệnh viện để kiểm tra sớm hơn.
3. Phương pháp điều trị dọa sinh non dành cho mẹ bầu
Khi phát hiện nguy cơ dọa sinh non, mẹ bầu sẽ được theo dõi và điều trị như thế nào? Hiện nay, có các phương pháp điều trị dọa sinh non nào, ưu và nhược điểm của mỗi phương pháp ra sao?
- Nhờ BS chia sẻ cụ thể hơn, khi nào thai phụ có chỉ định dùng thuốc hỗ trợ phổi cho thai nhi; khi nào cần đặt vòng nâng cổ tử cung hay khâu eo tử cung, thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Đầu tiên cần chẩn đoán chuyển dạ sinh non với các dấu hiệu báo động như đau bụng, ra nước, ra huyết. Tuy nhiên, tiêu chuẩn chẩn đoán chuyển dạ sinh non là những cơn gò đều đặn, ví dụ như 10 phút xuất hiện 2 cơn gò.
Những trường hợp được chẩn đoán chuyển dạ sinh non, người mẹ sẽ vào viện và được bác sĩ cho thuốc cắt cơn gò. Bởi vì khi em bé đang trong bụng, nếu cơn gò co bóp quá nhiều sẽ làm cổ tử cung mở và em bé sinh ra trong giai đoạn tuổi thai còn non. Vì vậy, khi dùng thuốc cắt cơn gò sẽ ngăn chặn chuyển dạ sinh non cho mẹ bầu.
Bên cạnh đó, mẹ sẽ được điều trị hỗ trợ kèm theo bằng phương pháp dùng thuốc hỗ trợ phổi do bác sĩ chỉ định, hoặc dùng vòng nâng giúp dự phòng tình trạng chuyển dạ sinh non xảy ra.
Khi đi khám thai, bác sĩ sẽ cho biết chị em có nguy cơ chuyển dạ sinh non hay không. Hiện nay có một phương pháp hỗ trợ các bác sĩ Sản phụ khoa tiên đoán khả năng sinh của chị em trong vòng một tuần tới, bằng cách siêu âm hoặc tiến hành đo chiều dài cổ tử cung của người phụ nữ.
Thông thường, cổ tử cung có thể dài từ 3 - 4 phân, tùy từng người, tuy nhiên, gần tới ngày sinh, cổ tử cung sẽ ngắn dần lại, đây là dấu hiệu giúp bác sĩ tiên đoán về việc chuyển dạ sinh non. Ví dụ, các chị em đi khám thai, nếu bác sĩ nói cổ tử cung còn dài (> 2.5 cm) sẽ được dự đoán không có khá năng xảy ra chuyển dạ sinh non trong 1 tuần tới nếu không gặp vấn đề bất trắc.
Hiện nay, trên thế giới có một số loại xét nghiệm cao cấp, thử dịch âm đạo có thể chẩn đoán được khả năng chuyển dạ sinh non của phụ nữ.
Có nhiều phương pháp phòng ngừa chuyển dạ sinh non. Đối với việc phòng ngừa cho mẹ, khi các chị em đi khám thai sẽ được bác sĩ tư vấn khám về khả năng chuyển dạ sinh non. Ví dụ, những chị em đã từng chuyển dạ sinh non, khả năng gặp vấn đề này ở lần mang thai thứ hai sẽ cao hơn.
Các chị em có bất thường ở tử cung như tử cung đôi hoặc tử cung có vách ngăn khiến em bé chỉ nằm được một bên. Do đó, việc tử cung có bất thường thì khoảng không cho em bé nằm nhỏ hơn bình thường, từ đó, nguy cơ chuyển dạ sinh non cao hơn. Trong các trường hợp trên, bác sĩ sẽ có đánh giá nguy cơ để có phương pháp dự phòng khác nhau.
Một số phương pháp dự phòng việc chuyển dạ sinh con như dự phòng bằng thuốc. Ngoài ra, bác sĩ có thể cho thuốc đặt âm đạo để ngăn ngừa dự phòng sinh non đối với những chị em có tiền căn chuyển dạ sinh non, bác sĩ phát hiệu dấu hiệu cổ tử cung ngắn trong quá trình thăm khám.
Đối với chị em hở eo cổ tử cung, thông thường, cổ tử cung khoảng 3 - 4 cm, có thể giữ chặt để em bé không dễ dàng sinh ra ngoài khi có cơn gò. Tuy nhiên, nếu cổ tử cung yếu, mẹ dễ gặp tình trạng sinh non, có thể dẫn đến việc sảy thai sớm ở giai đoạn 3 tháng giữa. Nếu sảy thai nhiều lần, bác sĩ sẽ chỉ định khâu vòng cổ tử cung bằng cách dùng kim và chỉ to để may và cột túm cổ tử cung như một nút chặn nâng đỡ cổ tử cung.
Thời điểm phù hợp nhất để khâu vòng cổ tử cung thường được thực hiện khi mẹ mang thai từ 14 - 20 tuần. Thông thường là khoảng 18 tuần tùy tình trạng mẹ, thai nhi và vấn đề tư vấn bệnh nhân của bác sĩ.
Trường hợp may eo cổ tử cung ở tuần thai lớn hơn cần được tư vấn kỹ. Bởi vì việc khâu eo cổ tử cung là sử dụng cộng chỉ giữ cổ tử cung, nên cần lưu ý với những chị em dùng phương pháp này, khi có chuyển dạ sinh, ối vỡ hoặc thai đủ tháng cần được bác sĩ cắt sợi chỉ. Nếu giữ cộng chỉ, chị em đi khám trễ hoặc sinh ở nhà, có nguy cơ téc cổ tử cung, dẫn đến chảy máu.
4. Phương pháp dự phòng cho em bé khi mẹ bầu có nguy cơ dọa sinh non
- Về phía em bé, phương pháp dự phòng gồm những gì, thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Đối với phòng ngừa cho bé, em bé sinh ở tuổi thai càng non, phổi của con chưa trưởng thành. Phổi em bé phát triển theo thời gian và hoàn thiện sau 37 tuần để sẵn sàng chào đời, có hệ hô hấp tốt. Do đó, thai càng nhỏ, phổi trưởng thành càng kém, nếu sinh non ở tuổi thai 28 - 30 tuần sẽ có nguy cơ suy hô hấp, khả năng không thở được sau sinh rất cao.
Vì vậy, nếu mẹ nhập viện vì các dấu hiệu chuyển dạ sinh non hoặc sinh non ở tuổi thai chưa đủ tháng, thông thường các bác sĩ sẽ tư vấn chích thuốc hỗ trợ phổi thai. Hiện nay, có nhiều loại thuốc khác nhau, tùy bác sĩ Sản phụ khoa và tình hình cung ứng của bệnh viện để tư vấn lựa chọn loại thuốc nên chích, có thể chích 2 mũi hoặc 4 mũi. Việc chích những loại thuốc này giúp hỗ trợ phổi của em bé trưởng thành và khả năng sống cao hơn nếu phải sinh non.
Tuy nhiên, việc chích thuốc hỗ trợ phổi cần có chỉ định y khoa và không áp dụng cho mẹ bầu có thai nhi phát triển khỏe mạnh. Bất kỳ loại thuốc nào chích cho người mẹ trong thời gian mang thai đều có thể ảnh hưởng đến con sau này. Mặc dù tỷ lệ ảnh hưởng rất thấp, nhưng khi lựa chọn loại thuốc, cần xem xét lợi ích và nguy cơ.
Ví dụ, trong trường hợp đang có dấu hiệu dọa sinh non hoặc chuyển dạ sinh non, nguy cơ sinh ra em bé không thở được, lúc này bác sĩ sẽ chích thuốc hỗ trợ phổi để điều trị và dự phòng cho bé. Nhưng nếu thai khỏe mạnh, không có chỉ định hỗ trợ phổi, việc chích thuốc sẽ có tác dụng phụ không tốt.
Vì vậy, bất cứ loại thuốc nào, đặc biệt là thuốc hỗ trợ phổi, các chị em cần có sự tư vấn kỹ càng bởi bác sĩ Sản phụ khoa, đánh giá tình trạng của mẹ và thai có cần chích thuốc hay không, mới tiến hành điều trị.
5. Thuốc hỗ trợ phổi cho thai nhi có thể gây tăng đường huyết cho mẹ bầu bị đái tháo đường
Nhiều người lo ngại việc tiêm thuốc trưởng thành phổi dự phòng sinh non sẽ ảnh hưởng cho em bé sau này. Nhờ BS chia sẻ thêm, các nghiên cứu về tính hiệu quả cũng như an toàn của giải pháp điều trị này trong dự phòng sinh non như thế nào ạ?
BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Hiện nay, thuốc hỗ trợ phổi là loại thuốc được chỉ định về mặt y khoa nếu có vấn đề chuyển dạ sinh non, bởi vì có lợi ích rõ ràng cho em bé.
Tuy nhiên, loại thuốc nào cũng có tác dụng phụ, đặc biệt với những mẹ bị đái tháo đường. Khi đường huyết không ổn định, bị đái tháo đường thai kỳ, việc chích thuốc hỗ trợ phổi có chứa corticoid sẽ dẫn đến nguy cơ tăng đường huyết cho mẹ.
Với những chị em bị đái tháo đường thai kỳ đang chích insulin, giai đoạn chích thuốc hỗ trợ phổi cần phải được giám sát đường huyết, đảm bảo đường huyết không tăng hoặc giảm đột ngột sẽ ảnh hưởng đến thai.
Đó là ví dụ cho thấy, tuy thuốc có công dụng tốt nhưng vẫn gây ra tác dụng phụ cho mẹ. Một số nghiên cứu nhỏ báo cáo, sử dụng thuốc hỗ trợ phổi gây tác dụng phụ cho con, nhưng chưa có chứng cứ rõ ràng.
Vì vậy, một loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ, do đó, nếu bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc dựa vào lợi ích và nguy cơ, chị em nên sử dụng. Nếu không có chỉ định, tự ý đi mua hoặc xin bác sĩ sử dụng là điều không nên.
6. Đặt vòng tử cung, khâu eo tử cung dự phòng sinh non liệu có gây bất lợi cho việc mang thai sau?
Một số chị em khác lại lo ngại, việc đặt vòng tử cung hoặc khâu eo tử cung dự phòng sinh non sẽ ảnh hưởng việc sinh nở sau này. Quan điểm của BS về vấn đề này như thế nào ạ?
BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Cần phân biệt khâu eo cổ tử cung bằng chỉ hay đặt vòng nâng vào cổ tử cung.
Trong đó, thủ thuật khâu eo cổ tử cung là một thủ thuật tốt đối với những người có chỉ định khâu eo cổ tử cung, bởi vì phương pháp này giúp cổ tử cung đang suy yếu giữ lại được thai. Tuy nhiên, nếu áp dụng phương pháp này, cần cắt chỉ đúng thời điểm, bởi vì khi em bé sinh ra, cần đi qua ngã âm đạo. Do đó, nếu cọng chỉ không được cắt ra sẽ gây biến chứng cho mẹ như rách cổ tử cung và ảnh hưởng đến lần mang thai sau.
Đối với các chị em sinh non lần mang thai thứ nhất và có chỉ định khâu eo cổ tử cung ở lần mang thai thứ hai, nếu mang thai lần 3, có thể tiếp tục được chỉ định khâu eo cổ tử cung. Bởi vì, bản chất cổ tử cung của người phụ nữ đó đã yếu.
Về phương pháp sử dụng vòng nâng, khi chị em đi khám thai, được bác sĩ tư vấn đặt vòng nâng (vòng Pessary), là một dụng cụ bằng silicon mang hình dáng đặc biệt khác nhau, được đưa vào cổ tử cung để nâng đỡ một phần cổ tử cung. Theo bằng chứng lâm sàng hiện tại, phương pháp này có tác dụng với một số trường hợp.
Tuy nhiên, đây chỉ là phương pháp hỗ trợ, giảm sức đè lên cổ tử cung. Những chị em áp dụng phương pháp này sẽ có lịch khám thai dày hơn. Bởi vì, việc đặt vòng nâng như một dị vật trong âm đạo, gây ra tình trạng tiết dịch âm đạo. Do đó, cần theo dõi sát triệu chứng này để phân biệt với triệu chứng vỡ ối.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình