Hotline 24/7
08983-08983

Loạn... xét nghiệm

Có không ít bệnh nhân bức xúc khi đi khám bệnh, tiền khám chỉ 50.000 đồng nhưng tiền xét nghiệm mất 460.000 đồng.

Đọc kết quả xét nghiệm là khâu rất quan trọng - Ảnh: N.C.T

Trường hợp chị Nguyễn Thị Hà ở Long Biên, Hà Nội là một ví dụ. Chị bị đau họng. Đến khám tại phòng khám đa khoa VM, chị Hà được chỉ định làm sáu xét nghiệm và chụp chiếu để chẩn đoán, gồm nội soi tai mũi họng, xét nghiệm công thức máu, nước tiểu, Aslo, RF, chụp X-quang tim phổi.

Đang cấp cứu phải chụp loãng xương!

Cầm tờ phiếu thu ghi chi chít chỉ định, trên mỗi chỉ định lại “đính” kèm giá tiền, chị Hà bực dọc nói: “Tôi chỉ bị đau họng, đã khám ở phòng y tế cơ quan và bác sĩ nói bị viêm họng cấp. Tôi cẩn thận đi khám thêm nhưng bác sĩ chỉ định nhiều xét nghiệm quá, tốn tất cả 460.000 đồng nên tôi không đủ tiền. Tôi từ chối và đến phòng khám trên phố Thái Thịnh, Hà Nội lại được yêu cầu nội soi tai mũi họng và chụp phổi, mặc dù phổi không ran, không viêm...”. Sau một buổi sáng chạy hai phòng khám với hàng loạt xét nghiệm, chị Hà vẫn được kết luận viêm họng cấp, y như ở phòng y tế cơ quan!

Tuy nhiên, chị Hà không phải là trường hợp cá biệt trong chỉ định xét nghiệm. Mới đây, bà Nguyễn Thị Tâm ở Cầu Giấy cũng đi khám viêm họng ở phòng khám trên phố Điện Biên Phủ, Hà Nội.
 
Tại đây bà Tâm được chỉ định xét nghiệm máu, nước tiểu, chụp X-quang tim phổi..., tổng chi phí khám và xét nghiệm lên đến gần 900.000 đồng, nhưng kết luận bệnh vẫn chỉ là... viêm họng.
 
Một trường hợp khác bị cảm cúm đến phòng khám này được chỉ định xét nghiệm cả HIV, chi phí xét nghiệm hết gần 2 triệu đồng, kết luận bệnh vẫn là cảm cúm làm bệnh nhân hết sức bức xúc.
 
Tình trạng loạn xét nghiệm, chụp chiếu chẩn đoán ở các bệnh viện cũng hết sức trầm trọng, có trường hợp ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân.
 
Tại một bệnh viện ở Phú Thọ, có trường hợp bệnh nhân cấp cứu suy hô hấp, đang phải thở oxy, bác sĩ đã chỉ định đưa đi làm thủ thuật và yêu cầu người nhà ký giấy cam kết chịu trách nhiệm nếu có rủi ro.
 
Tuy nhiên, “thủ thuật” khiến bệnh nhân đang cấp cứu phải đi làm ngay chỉ là... chụp loãng xương. Do sự tùy tiện này, bệnh nhân đã gọi bệnh án ở bệnh viện này là “bệnh án tiểu thuyết” vì rất dày!

15-20% xét nghiệm lãng phí

Chỉ định không cần thiết

Về tình trạng một số trường hợp chỉ định chụp MRI (cộng hưởng từ) không cần thiết, BS Trần Chí Cường, khoa DSA BV Đại học Y dược TPHCM, cho biết ở Mỹ một bệnh nhân được chỉ định chụp MRI rất khó, chỉ các bác sĩ chuyên khoa như thần kinh, ngoại chỉnh hình... mới có quyền chỉ định cho bệnh nhân được chụp MRI.
 
Còn người đọc kết quả chụp MRI phải học về chẩn đoán hình ảnh suốt bốn năm.
 
Trong khi đó, tại nước ta bác sĩ nào cũng có thể chỉ định cho bệnh nhân chụp MRI và một bác sĩ muốn đọc kết quả chụp MRI chỉ cần học sáu tháng về chẩn đoán hình ảnh.
 
Điều này dẫn tới sự chỉ định không cần thiết trong chẩn đoán hình ảnh tại nhiều cơ sở y tế và nhiều người đọc kết quả chẩn đoán hình ảnh cho bệnh nhân lại không chính xác.

T.Dương

Đem sổ y bạ của chị Nguyễn Thị Hà tới cho ông Nguyễn Tá Tỉnh, phó trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội VN), xem, ông Tỉnh cho hay xét nghiệm Aslo, RF nhằm chẩn đoán xem tình trạng viêm họng có liên quan đến khớp.

Nếu bệnh nhân viêm họng và có đau khớp, chỉ định này là quá tuyệt vời, nhưng nếu bệnh nhân không có vấn đề gì ở khớp, chỉ định này là quá lãng phí, nhất là trong điều kiện khả năng tài chính của người bệnh hạn hẹp.

Theo đánh giá của ông Tỉnh, qua thanh tra sử dụng quỹ bảo hiểm y tế ở 10 địa phương có bội chi quỹ bảo hiểm y tế trong năm qua cho thấy 15-20% chỉ định xét nghiệm là lãng phí.

Ông Tỉnh cho hay với dịch vụ siêu âm ổ bụng, sử dụng máy siêu âm 2D là đạt chuẩn, nhưng nhiều bệnh viện do đầu tư thiết bị y tế theo hình thức xã hội hóa, 100% máy siêu âm là 3D, 4D, nên khi siêu âm ổ bụng bác sĩ dùng máy 3D, 4D siêu âm nhưng vẫn sử dụng đầu dò 2D.
 
“Việc này đã nâng chi phí siêu âm ổ bụng lên gấp 10 lần, nhưng kỹ thuật và hiệu quả vẫn tương tự siêu âm 2D”- ông Tỉnh cho biết.
 
Một vị ở Bệnh viện tư nhân TA, Hà Nội cho rằng rất khó thu tiền người bệnh từ dịch vụ khám và chữa bệnh thông thường, do viện phí có mặt bằng chung.
 
Trong khi các dịch vụ cận lâm sàng như xét nghiệm, chụp chiếu chẩn đoán thì có thể chỉ định vô tội vạ, gồm cả những dịch vụ như chụp cộng hưởng từ mức phí thông thường hiện nay là 2,5 triệu đồng.
 
Theo vị này, lợi nhuận chụp X- quang khoảng 20%, nhưng các dịch vụ xét nghiệm sinh hóa lợi nhuận có thể lên đến 40% do giá test xét nghiệm rất khác nhau.
 
Một số bác sĩ cũng cho biết hiện nhiều bệnh viện, phòng khám đã áp dụng hình thức chi “hoa hồng” cho bác sĩ khi chỉ định xét nghiệm, chỉ định thuốc.
 
Như vậy, không chỉ được hưởng lợi từ hoa hồng của hãng dược, phòng khám, bệnh viện cũng áp dụng mức hoa hồng 5-10% cho bác sĩ khi kê đơn thuốc và chỉ định xét nghiệm.

Tất nhiên không phải bệnh viện nào cũng phải chi “hoa hồng” cho bác sĩ của mình, nhưng tình trạng này đang làm khó thêm cho túi tiền của bệnh nhân. Vậy tại sao một số bác sĩ vẫn làm khó bệnh nhân? Câu trả lời còn từ lương tâm của các từ mẫu và cả chính sách của ngành y tế.

Theo Lan Anh - Tuổi Trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X