Làm sao thoát khỏi vòng lặp “suy giảm miễn dịch - ốm vặt - biếng ăn”?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc gia cho biết, sức đề kháng bị suy yếu sẽ dẫn đến suy giảm hệ thống miễn dịch và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý truyền nhiễm. Chủ động phòng ngừa ốm vặt bằng các biện pháp tăng cường đề kháng sẽ giúp trẻ nhỏ khỏe mạnh và giữ đà phát triển vững vàng hơn.
1. Ai dễ mắc bệnh khi thời tiết “đỏng đảnh”?
Gần đây, thời tiết nắng mưa thất thường khiến chúng ta dễ đổ bệnh, điển hình là xung quanh Mai Phương nhận thấy các cô bác, em nhỏ đều thay nhau sụt sịt. Thực tế, tiết trời “đỏng đảnh” như hiện nay sẽ tạo điều kiện cho những mầm bệnh nào phát triển và gây ra những bệnh lý nào, thưa BS?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm trả lời: Vào mùa hè ở miền Bắc Việt Nam, thời tiết thay đổi rất đột ngột, mưa nhiều rồi chuyển sang nắng nóng với nhiệt độ cao. Sự thay đổi nhiệt độ và độ ẩm đột ngột như vậy khiến tình trạng hắt hơi, sổ mũi bắt đầu xuất hiện. Dấu hiệu đầu tiên là chúng ta dễ bị cảm cúm.
Diễn biến nặng hơn, có nhiều người sẽ bị viêm mũi họng, trẻ nhỏ bị viêm VA, viêm tai giữa. Nặng hơn nữa, nhiều cháu bị viêm phế quản. Viêm phổi có thể xảy ra ở trẻ em, nhất là những trẻ dưới 3 tuổi.
Người cao tuổi có sức đề kháng kém, người vừa ốm dậy đang cần phục hồi sức khỏe mà gặp phải thời tiết thất thường thì cũng rất dễ bị bệnh.
Phụ nữ mang thai, đang cho con bú cần nhu cầu dinh dưỡng rất cao. Trong điều kiện thời tiết thay đổi liên tục cũng khiến chị em dễ mắc bệnh.
2. Thời tiết thay đổi ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch
Tại sao suy giảm sức đề kháng lại dẫn đến việc dễ bị ốm, thưa BS?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm trả lời: Sức đề kháng được ví như tấm khiên để bảo vệ cơ thể trước những tác nhân có hại xâm nhập vào cơ thể như vi khuẩn, virus.
Khi hệ miễn dịch tốt, chúng ta giảm được nguy cơ bị bệnh. Ngược lại, khi hệ miễn dịch suy giảm, chúng ta dễ có nguy cơ bị bệnh hơn. Đặc biệt, tác động của môi trường như thời tiết, nhiệt độ thay đổi càng dễ làm suy giảm miễn dịch.
3. Thiếu chất dinh dưỡng dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch
Độ tuổi mà chúng ta dễ dàng nhận thấy sự thay đổi khi thời tiết khó chiều như vậy xuất hiện, đó là trẻ em và người lớn tuổi. Ngay cả những người mới ốm dậy cũng khó thoát khỏi cảnh bị các mầm bệnh quay lại tấn công.
Nguyên nhân nào dẫn đến việc những nhóm người này dễ mắc bệnh hơn, dễ ốm vặt hơn, và lâu hồi phục hơn, thưa BS?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm trả lời: Các cháu dưới 3 tuổi đang trong giai đoạn củng cố, hoàn thiện hệ miễn dịch. Miễn dịch từ mẹ truyền sang con từ trong bào thai và trong sữa mẹ đã suy giảm khi bé bắt đầu cai sữa.
Vào lứa tuổi ăn dặm, các cháu ăn không được tốt. Ở các lứa tuổi sau, những cháu có hệ miễn dịch kém thường ăn kém, dẫn đến cơ thể thiếu chất dinh dưỡng.
Với những cháu ăn kém, khẩu phần suy giảm thường thiếu đạm. Đạm là nguồn cung cấp axit amin. Thiếu đạm khiến miễn dịch cơ thể giảm. Trẻ ăn kém còn bị thiếu máu thiếu sắt, thiếu kẽm, thiếu vitamin D,... cộng hưởng gây suy giảm miễn dịch.
Người cao tuổi ở Việt Nam thường có thói quen ăn thanh đạm, ăn ít hơn. Nhưng thật ra, người cao tuổi cần một chế độ ăn giàu đạm hơn để không bị suy giảm khối lượng cơ bắp. Người cao tuổi thiếu protein dẫn đến cơ bắp giảm, miễn dịch giảm, từ đó dễ mắc bệnh. Người cao tuổi ăn ít dẫn đến thiếu nhiều vi chất dinh dưỡng.
4. Ốm vặt ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ
Nhờ BS chia sẻ thêm, sức đề kháng có vai trò như thế nào đối với sức khỏe tổng thể, nhất là với trẻ em - những mầm non còn đang trong giai đoạn hoàn thiện hệ miễn dịch?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm trả lời: Trẻ nhỏ đang trong giai đoạn củng cố và cần hoàn thiện miễn dịch cho cơ thể. Khi ăn không đầy đủ, cơ thể các cháu thiếu nhiều chất dinh dưỡng, dẫn đến suy giảm miễn dịch.
Thiếu chất dinh dưỡng từ đạm đến các vi chất thì cơ thể không đủ nguyên liệu để tạo kháng thể hay tế bào miễn dịch, dẫn đến việc trẻ hay bị ốm.
Ăn kém còn khiến việc cân nặng và chiều cao của trẻ không đảm bảo so với chuẩn tăng trưởng theo nhóm tuổi. Ngay cả khả năng ngôn ngữ, khả năng ghi nhớ, trao đổi, giao tiếp của các bé cũng bị ảnh hưởng khi trẻ hay bị ốm vặt.
5. Sử dụng sản phẩm bổ sung dinh dưỡng giúp trẻ ăn ngon miệng hơn
Sức đề kháng mạnh hay yếu phụ thuộc vào những yếu tố nào, thưa BS?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm trả lời: Những trẻ có sức đề kháng tốt là những trẻ được nuôi dưỡng với khẩu phần ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng. Các cháu có sức đề kháng yếu thường bị bệnh vặt, hay phải dùng kháng sinh.
Mỗi lần dùng kháng sinh trẻ thường bị chán ăn, ăn không hết khẩu phần và lại tạo thành vòng luẩn quẩn, hệ miễn dịch suy giảm, dễ mắc bệnh.
Những trẻ có tình trạng miễn dịch kém, hay mắc bệnh vặt thì mẹ cần chú ý tập trung củng cố khẩu phần ăn khi con biếng ăn hay vừa ốm dậy. Khẩu phần ăn của con trước hết phải đa dạng thực phẩm, đầy đủ các dưỡng chất, từ năng lượng đến chất đạm, chất béo, các vi chất dinh dưỡng.
Trong quá trình chế biến, 50 - 70% vi chất trong thực phẩm có thể bị mất. Do vậy, ở giai đoạn trẻ ốm vặt, biếng ăn, chúng ta phải tìm thêm giải pháp từ những sản phẩm bổ sung dinh dưỡng hỗ trợ cho trẻ ăn ngon miệng, ăn được nhiều hơn, tiêu hóa hấp thu tốt hơn. Nhờ đó mà trẻ nhanh phục hồi hơn.
Trẻ ăn tốt sẽ giúp cải thiện hệ miễn dịch và giảm các nguy cơ mắc bệnh.
6. Mối quan hệ giữa sức đề kháng - bệnh tật - biếng ăn
Rõ ràng là khi trẻ cảm, ốm vặt, sức đề kháng suy giảm thì con cũng biếng ăn hơn. Chắc hẳn đây là cuộc chiến mà bất kỳ bậc phụ huynh nào cũng phải trải qua. Mối quan hệ luẩn quẩn giữa sức đề kháng - bệnh tật - biếng ăn sẽ tác động cụ thể lên nhau như thế nào, thưa BS?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm trả lời: Trẻ ăn không ngon miệng đồng nghĩa với cơ thể thiếu chất dinh dưỡng, dẫn đến hệ miễn dịch bị suy giảm. Khi hệ miễn dịch bị suy giảm, các tế bào miễn dịch, các miễn dịch dịch thể của cơ thể không sản xuất đủ để chống lại các tác nhân ngoại lai.
Trong lớp nếu có bạn bị bệnh thì cháu cũng dễ bị lây bệnh. Hoặc các cháu bị viêm phế quản, viêm mũi họng, viêm phổi ngồi gần nhau thì có khi vi khuẩn bắn ra và em bé bị mắc bệnh.
Thời tiết chuyển mùa, trong nhà và môi trường bên ngoài chênh lệch khoảng 10 độ C, trẻ có thể bị cảm cúm, sốt, ốm.
Với vòng luẩn quẩn như vậy, chúng ta thấy miễn dịch giảm và bị ốm. Bị ốm thì lại ăn kém, bị ốm thì phải dùng kháng sinh và các thuốc hỗ trợ khác. Dùng kháng sinh sẽ diệt bớt các vi khuẩn gây bệnh cũng như lợi khuẩn trong đường ruột, khiến trẻ bị biếng ăn hơn, miễn dịch suy giảm hơn.
7. Ăn kém khiến trẻ bị thiếu nhiều chất dinh dưỡng
Con biếng ăn, hay ốm vặt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển, tương lai của trẻ ra sao? Trẻ sẽ dễ bị thiếu hụt các dưỡng chất nào, thưa BS?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm trả lời: Các bé bị ốm, khẩu phần ăn bị kém, biếng ăn, có thể thấy tổng khẩu phần ăn của trẻ không đủ năng lượng đưa vào.
Khẩu phần ăn không đủ khiến tổng lượng chất đạm, chất béo, vi chất dinh dưỡng như sắt kẽm, vitamin đưa vào cơ thể cũng bị thiếu. Axit amin thiết yếu cũng suy giảm, không đủ khi các cháu ăn không đủ.
Với khẩu phần ăn thiếu chất dinh dưỡng như vậy kéo dài sẽ khiến con bị chậm tăng trưởng về cân nặng, chiều cao. Trẻ dưới 3 tuổi bị suy dinh dưỡng, thấp chiều cao theo tuổi sẽ ảnh hưởng đến chiều cao khi trưởng thành.
Các nghiên cứu trên thế giới khẳng định rằng, những trẻ bị suy dinh dưỡng, thấp chiều cao theo tuổi khi đến 18 tuổi sẽ thiệt thòi hơn bạn bè đồng trang lứa khoảng 9 - 10cm so với tiềm năng di truyền từ bố mẹ.
Suy dinh dưỡng còn ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ, ảnh hưởng đến trí não của các cháu, từ đó ảnh hưởng đến kết quả học tập của trẻ.
Có trường hợp một bạn sinh viên đại học đến gặp tôi để tìm cách tăng chiều cao nhưng đã quá muộn. Nữ giới sau 18 tuổi, nam giới sau 20 tuổi sẽ không tăng chiều cao được nữa.
Phần 2: Cần bổ sung dinh dưỡng, acid amin thiết yếu cho trẻ em và người mới ốm dậy
Phần 3: Antot kích thích ăn ngon, tăng cường trí não
Trân trọng cảm ơn Antot - Traphaco - Hỗ trợ tăng cường sức đề kháng, phục hồi và bảo vệ sức khỏe đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình