Làm sao nhận biết, điều trị và phòng ngừa tổn thương gan do thuốc?
Tổn thương gan do thuốc là nguyên nhân phổ biến gây viêm gan cấp, suy gan cấp tính. Song điều đáng lo là tình trạng này ngày càng gia tăng đáng kể bởi người dân có thể dễ dàng mua thuốc không cần toa, dùng thuốc điều trị lâu dài... Lời khuyên trong bài viết dưới đây từ PGS.TS.BS Trần Thị Khánh Tường - Trưởng Bộ môn Nội, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ giúp bạn đọc nhận diện triệu chứng tổn thương gan do thuốc, cũng như cách điều trị và phòng ngừa.
1. Tổn thương gan do thuốc, phổ biến như thế nào?
Thưa BS, một trong những nhiệm vụ của gan là chuyển hóa thuốc thành chất không độc. Vậy cơ chế nào dẫn đến gan bị tổn thương do thuốc? Tỷ lệ tổn thương gan do thuốc hiện nay ra sao?
PGS.TS.BS Trần Thị Khanh Tường: Các nhóm thuốc gây tổn thương gan có thể là thuốc kê đơn hoặc không kê đơn, chế phẩm bổ sung và sản phẩm có nguồn gốc thảo dược.
Tổn thương gan do thuốc là một bệnh lý khá thường gặp đặc biệt ở nước ta khi người dân có thể mua thuốc không cần toa của bác sĩ một cách dễ dàng và càng ngày càng nhiều các chế phẩm bổ sung, thảo dược được quảng cáo quá mức trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tổn thương gan do thuốc có tỷ lệ mắc hàng năm ước tính từ 10 - 15 trên 10.000 - 100.000 người tiếp xúc với thuốc theo toa. Tổn thương gan do thuốc chiếm khoảng 10% tổng số trường hợp viêm gan cấp tính, là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm gan cấp, suy gan cấp tính ở Hoa Kỳ. Ở Việt Nam chưa có số liệu cụ thể.
Số trường hợp tổn thương gan do các chế phẩm bổ sung và sản phẩm có nguồn gốc thảo dược có sự gia tăng đáng kể. Dữ liệu từ nghiên cứu cho thấy mức tăng từ 7% đến 20% từ năm 2004 đến năm 2013 trên toàn cầu.
Bên cạnh virus gây viêm gan, thuốc là một trong các nguyên nhân thường gặp nhất gây viêm gan cấp.
Có 2 cơ chế gây tổn thương gan do thuốc:
- Nội tại: liên quan đến liều thuốc. Khi sử dụng thuốc vượt quá liều khuyến cáo đến liều gây độc sẽ dẫn đến tổn thương gan và điều này thường xảy ra nhanh vài giờ sau khi uống thuốc quá liều. Do vậy có thể dự đoán được, nghĩa là là hầu hết những người uống thuốc vượt quá liều an toàn (liều gây độc cho gan) đều bị tổn thương gan. Kiểu tổn thương này thường là hoại tử tế bào gan.
Ví dụ điển hình là paracetamol. Nếu chúng ta uống đúng liều, ngay cả những người có bệnh gan, thậm chí xơ gan uống paracetamol không vượt quá liều cho phép (<1.5-2g/ ngày) thì vẫn an toàn. Chính vì vậy, thuốc này vẫn được xem là an toàn và hiệu quả trong giảm đau và hạ sốt đối với người có bệnh gan.
Nếu quá liều, từ 10g với liều duy nhất ở người lớn và 150 mg/kg khối lượng cơ thể trong một liều duy nhất ở trẻ em (tùy theo khả năng nhạy cảm của bệnh nhân) có thể dẫn đến tăng men gan. Tuy nhiên, paracetamol có thể gây tổn thương gan ngay cả ở liều điều trị nếu sử dụng trong thời gian dài, đặc biệt trên những bệnh nhân có chức năng gan thay đổi hoặc người cao tuổi.
- Đặc ứng: Là phản ứng dị ứng đặc biệt ở từng bệnh nhân, hiếm xảy ra hơn và không liên quan đến liều. Khi tình trạng này xảy ra, bệnh nhân có nhiều biểu hiện đa dạng hơn, ngoài tổn thương gan có thể gây tổn thương các cơ quan khác với các triệu chứng như sốt, nổi mẫn, phát ban, đau khớp…
Thuốc gây tổn thương gan kiểu đặc ứng không thể dự đoán được, có thể xảy ra ở người này nhưng không xảy ra ở người khác và chỉ cần 1 viên thuốc cũng có thể gây tổn thương gan. Tổn thương thường xảy ra sau vài tuần đến vài tháng sau khi uống thuốc.
2. Dùng thuốc bao lâu gan sẽ bị tổn thương?
Gan sẽ đối mặt với những tổn thương nào khi dùng thuốc lâu dài? Tổn thương gan do thuốc có thể khởi phát sau bao lâu khi bắt đầu dùng thuốc?
PGS.TS.BS Trần Thị Khanh Tường: Không phải chỉ dùng thuốc lâu dài mới gây tổn thương gan. Thuốc có thể gây tổn thương ngay sau vài giờ, vài ngày, vài tuần hay vài tháng tùy loại thuốc và cơ chế gây tổn thương.
Như đã trình bày, tổn thương gan liên quan đến liều xảy ra ngay sau vài giờ, liên quan đặc ứng có thể sau vài tuần hay vài tháng (thường dưới 6 tháng).
Lưu ý đối với kiểu đặc ứng, chỉ cần uống thuốc vài liều trong vòng 6 tháng gần đây dù hiện tại đã ngưng cũng có thể bị tổn thương gan cấp, chứ không phải cần uống thuốc kéo dài. Đối với kiểu nội tại liên quan đến liều, thuốc có thể uống kéo dài hàng tháng, hàng năm nhưng đúng liều lượng thì gan vẫn có thể không bị tổn thương.
Một số thuốc khi sử dụng kéo dài (hàng tháng, hàng năm) có thể gây tổn thương mạn tính như viêm gan mạn, xơ hoá/ xơ gan, gan nhiễm mỡ, nhưng các loại tổn thương này ít gặp và chỉ xảy ra ở 1 số thuốc.
Các loại tổn thương gan do thuốc gồm:
-
Viêm gan cấp (bệnh thường kéo dài dưới 6 tháng) có thể dẫn đến suy gan cấp cần ghép gan hay tử vong (thường gặp nhất). Có thể hoại tử tế bào gan hay ứ mật cấp hay cả 2.
-
Viêm gan mạn (viêm gan kéo dài trên 6 tháng), ít gặp hơn. Các thuốc có thể gây viêm gan mạn là ức chế miễn dịch, diclofenac…
-
Viêm gan nhiễm mỡ như amiodarone, tamoxifen
-
Xơ hoá/ xơ gan: Methotrexate
-
Hội chứng tắc mạch xoang/tắc tĩnh mạch…
Việc dùng thuốc "vô tội vạ" là một trong những nguyên nhân gây tổn thương gan
3. Thuốc điều trị bệnh lý nào dễ gây tổn thương gan nhất?
Các loại thuốc điều trị những bệnh lý nào dễ gây tổn thương gan thưa BS?
PGS.TS.BS Trần Thị Khanh Tường: Trên 60% trường hợp tổn thương gan do thuốc liên quan đến kháng sinh và thuốc chống động kinh.
Thuốc giảm đau nhóm acetaminophen (paracetamol): đây là loại thuốc thông dụng để giảm đau, hạ sốt. Với liều dưới 4g/ngày, ở người không có bệnh gan, không uống rượu, hiếm khi gây độc cho gan. Viêm gan cấp chỉ xảy ra khi sử dụng liều cao (trên 4g/ ngày) và kéo dài. Đối với người có bệnh gan hay uống rượu, được khuyến cáo sử dụng không quá 2g/ngày.
Thuốc kháng viêm giảm đau không steroid (aspirin, diclofenac, profenic...): tỷ lệ bệnh nhân bị tổn thương gan do nhóm thuốc này không cao nhưng vì được sử dụng quá rộng rãi để trị đau nhức khớp nên được xếp vào một trong những thuốc chính gây tổn thương gan. Bệnh nhân có bệnh gan, bệnh thận cần phải thận trọng với nhóm thuốc này, không được tự ý uống thuốc mà phải hỏi ý kiến bác sĩ. Nhóm thuốc này không được khuyến cáo cho bệnh nhân xơ gan, suy thận.
Kháng sinh: như Amoxicilin-clavulanat, nhóm macrolid, fluoroquinolone là những kháng sinh được sử dụng rộng rãi hiện nay.
Thuốc kháng lao: các thuốc chữa lao có hiệu lực hiện nay như rifamycin, isoniazide và pyrazinamide đều là những thuốc thường gây tổn thương gan. Những bệnh nhân sử dụng thuốc kháng lao thường được bác sĩ cho xét nghiệm để đánh giá tổn thương gan định kỳ.
Thuốc chống động kinh:
Thuốc tẩy giun: hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều tình trạng viêm gan do thuốc tẩy giun do sử dụng liều cao, kéo dài không có sự theo dõi của bác sĩ.
Thuốc Nam, thuốc Bắc (Thuốc đông Y Trung Quốc): quan niệm hiện nay của người dân về các loại thuốc Nam, thuốc Bắc hoặc các thực phẩm chức năng chưa thật đúng đắn. Chúng ta thường nghĩ các loại thuốc này có nguồn gốc từ thảo dược, từ thiên nhiên là không phải hóa chất và hoàn toàn vô hại, chỉ có tác dụng trị bệnh và bồi bổ mà không có tác dụng phụ. Điều đó hoàn toàn sai.
Thực tế, bất kỳ loại thuốc nào, dù đông dược hay tân dược cũng đều có tác dụng phụ. Dùng quá liều, quá lâu, phối hợp các vị thuốc không theo tỷ lệ hợp lý đều có thể gây độc cho gan. Thực tế đã có rất nhiều trường hợp ngộ độc thuốc Nam, thuốc Bắc gây tổn thương gan nặng thậm chí suy gan cấp có thể dẫn đến tử vong.
Các chế phẩm bổ sung và sản phẩm có nguồn gốc thảo dược: Số trường hợp tổn thương gan do thuốc từ các chế phẩm bổ sung và sản phẩm có nguồn gốc thảo dược có sự gia tăng đáng kể. Dữ liệu từ nghiên cứu cho thấy mức tăng từ 7% đến 20% từ năm 2004 đến năm 2013. Các các chế phẩm bổ sung và sản phẩm có nguồn gốc thảo dược gây tổn thương gan phổ biến nhất tại Mỹ liên quan đến tập luyện thể hình và giảm cân.
Các sản phẩm này cũng thiếu sự giám sát, quản lý, gây khó khăn trong việc đánh giá. Một số chế phẩm bổ sung và sản phẩm có nguồn gốc thảo dược liên quan đến tổn thương gan do thuốc và phản ứng lặp lại sau khi tái sử dụng sản phẩm bao gồm sản phẩm chiết xuất từ trà xanh, các glycosid từ phan tả diệp, rau má, cây Hoàng liên lớn, vỏ hạt mã đề…
Các thuốc khác như: Thuốc trị nấm như ketoconazole; thuốc trị tăng mỡ máu; thuốc trị đái tháo đường; thuốc gây mê và còn nhiều loại thuốc khác nữa...
4. Ai dễ bị tổn thương gan?
Gan của ai dễ bị tác động bởi thuốc nhất thưa BS?
PGS.TS.BS Trần Thị Khanh Tường: Nhóm người có nguy cơ tổn thương gan cho thuốc gồm: người lớn tuổi, phụ nữ, phụ nữ có thai, suy dinh dưỡng, béo phì, người có bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, đặc biệt bệnh gan trước đó. Người uống rượu nhiều, hút thuốc lá cũng có nguy cơ tổn thương gan cao.
Những yếu tố liên quan đến thuốc gồm:
-
Hoạt chất
-
Liều
-
Thời gian sử dụng
-
Uống nhiều loại thuốc
5. Ảnh hưởng của gan ở người dùng thuốc lâu năm và ngắn ngày khác nhau thế nào?
Ảnh hưởng của gan ở những người dùng thuốc lâu năm điều trị bệnh mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch… khác như thế nào so với những người dùng thuốc ngắn ngày, điều trị bệnh lý cấp tính?
PGS.TS.BS Trần Thị Khanh Tường: Như đã nói ở trên, tổn thương gan do thuốc đa số là tổn thương gan cấp (viêm gan cấp) do đó dùng thuốc lâu năm hay ngắn ngày đều có nguy cơ tổn thương gan.
Tuy nhiên, ở những người dùng thuốc lâu năm điều trị bệnh mạn tính có nguy cơ cao hơn vì các lý do sau:
-
Cá nhân những người này có nguy cơ tổn thương gan cao hơn người khỏe mạnh, đặc biệt là đái tháo đường.
-
Uống nhiều loại thuốc cùng lúc và có nguy cơ tương tác thuốc, cạnh tranh qua hệ thống chuyển hoá của gan, tiếp xúc với nhiều loại thuốc.
-
Thời gian sử dụng thuốc kéo dài và tích tụ liều.
-
Trong các nhóm thuốc điều trị đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch cũng có những hoạt chất có thể gây tổn thương gan, tuy nhiên không thường gặp.
Do vậy, đối với từng cá nhân cụ thể, bác sĩ sẽ có kế hoạch theo dõi định kỳ để tầm soát các tác dụng phụ của thuốc nói chung và tác dụng phụ trên gan nói riêng.
5. Triệu chứng nhận biết tổn thương gan cho thuốc?
Triệu chứng cảnh báo gan bị tổn thương do thuốc là gì, thưa BS? Điều trị tổn thương gan do thuốc hiện nay như thế nào? Ở những người có sẵn bệnh lý về gan thì sẽ gặp những khó khăn gì trong quá trình điều trị?
PGS.TS.BS Trần Thị Khanh Tường: Đa số tổn thương gan do thuốc là cấp tính (diễn tiến dưới 6 tháng), gây hoại tử tế bào gan hoặc ngăn chặn sự bài tiết mật.
Biểu hiện thông thường của viêm gan cấp do thuốc cũng giống như do các nguyên nhân khác như virus, bao gồm: sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, sau đó vàng da, vàng mắt, nước tiểu sậm màu, đôi khi kèm theo triệu chứng phát ban, nổi mẫn ngoài da. Đa số người bệnh phát hiện đến khám bệnh khi có triệu chứng vàng da.
Tuy nhiên, những trường hợp tổn thương gan mạn tính, nhiễm mỡ, xơ hoá thậm chí xơ gan do thuốc thường không có triệu chứng điển hình bệnh gan hay hoàn toàn bình thường, chỉ phát hiện khi làm xét nghiệm sinh hóa gan, siêu âm bụng… Các triệu chứng rõ ràng thường chỉ xuất hiện giai đoạn cuối.
6. Người bệnh tổn thương gan do thuốc cần lưu ý trong chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt?
Gan đã tổn thương do thuốc, người bệnh cần làm gì để phục hồi gan tốt nhất? Về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt cần lưu ý gì? Người bệnh có nhu cầu sử dụng thêm các sản phẩm chăm sóc gan thì cần lựa chọn và sử dụng sao cho an toàn, thưa BS?
PGS.TS.BS Trần Thị Khanh Tường: Phải ngừng ngay các thuốc nghi ngờ gây độc cho gan, kết hợp với điều trị hỗ trợ và chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý mới có thể làm cho bệnh thuyên giảm dần.
Tuy nhiên, có một số trường hợp tổn thương gan diễn tiến rất nặng dẫn đến suy gan cấp, gây ảnh hưởng đến tính mạng, cần phải điều trị phức tạp hơn thậm chí là ghép gan mới cứu sống được người bệnh.
Người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý
Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt tương tự tổn thương gan do các nguyên nhân khác:
-
Ngưng rượu tuyệt đối, đặc biệt trong giai đoạn tổn thương cấp. Bạn vẫn có thể tiếp tục uống cà phê, vì loại thức uống này không có hại, thậm chí tốt cho gan.
-
Chia làm nhiều bữa ăn nhỏ 3-5 bữa/ngày để tránh khó tiêu, đầy bụng, thêm bữa ăn nhẹ trước ngủ để giảm như cầu tân tạo đường và dị hoá đạm do nhịn đói quá dài dẫn đến phân huỷ protein đối với giai đoạn cấp và xơ gan.
-
Ăn uống bình thường đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: bột đường (ngũ cốc), đạm (thịt, cá, trứng sữa, các loại đậu…), nhóm chất béo (mỡ, dầu), nhóm vitamin và khoáng chất (các loại, rau, củ, quả). Trước đây, quan điểm là phải hạn chế chất đạm như trứng, thịt… nhưng điều này hoàn toàn không đúng. Nếu bạn ăn đạm động vật khó tiêu thì chuyển sang ăn đạm thực vật (các loại đậu, nấm, đậu hũ…).
-
Tránh ăn thức ăn quá nhiều dầu mỡ, chứ không phải hạn chế dầu mỡ, trừ khi gây buồn nôn, khó tiêu.
-
Trừ một số tình huống đặc biệt, bác sĩ sẽ khuyên chế độ ăn phù hợp như giảm muối, giảm sắt… đối với từng loại tổn thương gan.
-
Sinh hoạt: bình thường, tập luyện thể thao bình thường trừ trong giai đoạn cấp cần nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh làm việc nặng, tập luyện thể thao nhẹ nhàng tùy theo khả năng.
7. Phòng ngừa tổn thương gan do thuốc ra sao?
Làm thế nào để phòng ngừa việc dùng thuốc gây hại đến gan? Việc khám định kỳ bao lâu nên thực hiện một lần? Trong dịch bệnh như hiện nay, không thể đến bệnh viện tái khám, làm các xét nghiệm kiểm tra thì cần làm gì để bảo vệ gan?
PGS.TS.BS Trần Thị Khanh Tường: Chúng ta không nên tự ý uống thuốc theo quảng cáo, theo hướng dẫn trên internet không có nguồn gốc rõ ràng, truyền miệng, khi không được hướng dẫn của các dược sĩ, bác sĩ. Nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng.
Đối tượng đặc biệt: Những người đang mang thai hoặc đang cho con bú hoặc có bệnh gan, bệnh thận luôn luôn phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ một loại thuốc nào, kể cả thuốc Nam, thuốc Bắc và thực phẩm chức năng. Phải thận trọng đối với những loại thuốc Bắc, thảo dược đã tán nhuyễn hoặc thuốc tễ vì không biết rõ thành phần của thuốc.
Đối với những loại thuốc có khả năng gây tổn thương gan phải dùng lâu dài như thuốc hạ mỡ máu, thuốc trị đái tháo đường cần có sự theo dõi của các bác sĩ tức tái khám và làm xét nghiệm định kỳ.
Khi tự ý mua thêm thuốc theo toa cũ, hay lấy toa cũ mua thuốc, không lấy toa thuốc của người khác để mua cho mình uống.
Trong dịch bệnh như hiện nay, không thể đến bệnh viện tái khám, làm các xét nghiệm kiểm tra thì tốt nhất là liên hệ với bác sĩ điều trị để có hướng dẫn phù hợp nhất, không tự ý mua thuốc được quảng cáo là bảo vệ gan, giải độc gan để uống.
Trường hợp không thể liên lạc bác sĩ, tiếp tục uống thuốc theo toa đối với những bệnh lý mạn tính đã uống thuốc kéo dài hàng tháng, hàng năm như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, viêm gan B mạn…
Trân trọng cảm ơn TPBVSK Naturenz giúp giải độc gan, tăng cường chức năng gan, hạ men gan hiệu quả đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình