Hotline 24/7
08983-08983

Làm sao để ăn Tết ngon mà gan vẫn khỏe?

PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng - Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM giải đáp về cách bảo vệ gan trong mùa Tết với rượu bia lắm, tiệc tùng nhiều trong chương trình tư vấn dưới đây.

Livestream: Giữ GAN khỏe mạnh đón XUÂN an lành

Tiếp theo phần trước: Tiệc tùng cuối năm, uống rượu bia đúng cách để gan khỏe mạnh?

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Uống nước giải độc mát gan hằng ngày có tốt không?

Cũng có nhiều bà nội trợ lo lắng rằng bia rượu, thực phẩm Tết không tốt cho gan nên chuẩn bị đồ uống giúp mát gan cho cả nhà như: nước gạo lứt rang, nước đậu rang, trà hoa cúc, trà atiso… Theo BS, cách này có ổn không ạ? Và nên uống như thế nào là hợp lý?

PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng:

Thật ra, những thức uống mà mọi người xem như chất giải độc: nước gạo lứt rang, nước đậu rang, trà hoa cúc, trà atiso… thì thành phần hoạt chất bên trong của nó đều có khả năng khử độc và oxy hóa.

Chẳng hạn, trong các loại đậu như đậu đỏ, đậu đen, đậu xanh,… sẽ có 1 số chất giúp tăng cường sức khỏe và chất chống oxy hóa.

Dân gian hay nói ăn đậu xanh coi chừng giải thuốc, nhưng trong nó cũng có chứa men và chất giúp chuyển hóa của các thuốc được tăng cường lên.

Do đó, suy nghĩ uống gạo rang, nước đậu, trà,… để giải độc thực ra chỉ để chấn an bản thân, còn vai trò thật sự của nó chỉ là hỗ trợ 1 phần chứ không giúp giải độc hoan toàn.

Vì quan trọng nhất vẫn là đừng đưa độc chất vào cơ thể thì sẽ không phải lo gì cả. Và bình thường gan chúng ta vẫn đủ khả năng để làm nhiệm vụ giải độc mà không cần sự hỗ sợ từ bên ngoài.

Tuy nhiên, nếu gan đang có vấn đề hoặc tiếp xúc trực tiếp với một độc tố nào đó thì 1 số chất giải độc gian, thuốc hỗ trợ gan lúc này sẽ đóng vai trò nhất định giúp phục hồi tế bào gan và giảm mức độ tổn thương, hóa giải thành phần oxy hóa, hoặc cung cấp cơ chất đặc biệt giúp gan tăng cường hoạt động.

Còn nếu chúng ta nghĩ rằng đưa càng nhiều chất bổ vào cao thể sẽ tốt thì đó là quan niệm sai lầm. Vì khi uống thuốc bổ quá nhiều, nó sẽ tích tụ và gây hại có cơ thể. Ví dụ vitamin A uống nhiều và liên tục làm bệnh nhân tăng áp lực ở não. Còn uống nhiều vitamin nhóm B sẽ bị thải qua nước tiểu.

Nếu ăn gan, nội tạng động vật nhiều sẽ gây hại cho gan chúng ta vì nó cũng chứa chất độc do gan khử độc, nếu ăn quá tải gây tích tụ và ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, không phải ăn gì bổ nấy và vai trò của các thức uống giải độc trên cũng chưa có chứng minh rõ ràng.

2. Uống nước gì tốt cho lá gan?

Thưa bác sĩ, ngoài nước lọc, thì có cần uống thêm gì để tốt cho lá gan không ạ?

PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng:

Nước là một phần của sự sống, rất cần thiết cho cơ thể. Nếu thiếu nước thì chắc chắn cơ thể chúng ta sẽ có vấn đề.

Nhưng uống nước gì cho tốt? Thật sự, khi chúng ta thiếu chứ gì hãy nên bổ sung thứ đó, chứ không phải thấy thuốc này hay nước kia tốt là uống quá mức, điều này có thể gây hại cho bản thân.

Ngay cả những thức uống có chất ngọt nhiều chắc chắn sẽ làm chúng ta tăng cân. Vì khi uống nước ngọt nhiều thì lượng dư thừa sẽ được gan chuyển đổi thành mỡ và tích tụ trong gan thành gan nhiễm mỡ. Mỡ dư quá nhiều nó sẽ luân chuyển trong cơ thể và đóng trong thành mạch, gây xơ vữa mạch máu và ảnh hưởng ngũ tạng của cơ thể. Do đó, nên hạn chế thức uống quá ngọt.

Ngoài ra, các thức uống khác nếu thiếu thì hãy cung cấp và cung cấp đủ chứ không được dư thừa. Còn nước thông thường chúng ta uống thoải mái.

3. Men gan tăng nhưng chưa cần điều trị thì phải làm gì?

MC cũng thấy có nhiều người sau khi đi khám sức khỏe về là chăm chăm xem chỉ số men gan của mình có cao hay không. Nếu mà men gan tăng nhưng BS chưa kê thuốc điều trị thì họ tự tìm cách hạ men gan cho mình như uống nước cây này lá kia. Nhân dịp này, nhờ BS giải đáp tình huống men gan tăng nhưng chưa cần điều trị là như thế nào?

PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng:

Người ta gọi men gan nhưng thật sự đó là những enzym trong các tế bào, và enzym này cũng không phải chỉ có trong men gan mà còn ở rất nhiều tế bào khác.

Các men gan chính có 3 loại men mà chúng ta hay thử máu để tìm bệnh đó là: ALT, AST và GGT. Các men này là men để chuyển đổi các gốc amin, từ axit amin này sang axit amin khác và những chất đó nằm trong tế bào gan.

Nếu tế bào bị tổn thương, hư hỏng thì chất nằm trong tế bào sẽ vỡ ra khiến những thành phần bên trong thoát ra ngoài và tăng trong máu, đây là dấu hiệu cảnh báo gan đang có bệnh.

Do đó, sự tăng men gan là dấu hiệu gián tiếp cho thấy gan đang bị tổn thương. Ví dụ nhìn thấy đám khói bốc lên chứng tỏ chỗ đó có lửa. Như vậy, khi gan tổn thương thì biểu hiện bên ngoài của nó là sự tăng men gan khi thử máu.

Trường hợp những người có bệnh nhưng men gan bình thường thì phải coi nguyên nhân là gì, vì mỗi nguyên nhân sẽ có cách xử lý khác nhau.

Còn nếu men gan tăng cũng cần tìm xem nguyên nhân do đâu và chữa đúng nguyên nhân mới mong khỏi bệnh. Chứ không phải mới thấy tăng men gan mà chữa chung chung thì có thể không đạt được kết quả, vì nó chỉ chữa triệu chứng thôi.

Ví dụ viêm gan do virus thì phải chẩn đoán chính xác là loại virus nào và tìm đúng thuốc chữa virus đó. Bởi vì mỗi loại virus có thuốc chữa khác nhau, chứ không phải thuốc nào cũng chữa bá bệnh được.

Bên ngoài có thể chúng ta dùng một số chất làm bình ổn men gan nhưng nguyên nhân lại không được giải quyết thì chỉ cần ngưng thuốc đó chắc chắn gan sẽ bộc lộ ra rõ, mà chưa chắc men gan trở về bình thường mà gan không bị tổn thương. Do đó, phải chữa đúng nguyên nhân mới giải quyết được tận gốc bệnh.

4. Làm sao để ăn Tết ngon mà gan vẫn khỏe?

Lời khuyên của BS dành cho mọi người để làm sao ăn Tết ngon mà gan vẫn khỏe ạ?

PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng:

Lời khuyên của tôi dành cho quý khán giả đó là chúng ta cần phải hiểu biết rõ về sức khỏe bản thân; mình được phép vui chơi ngày tết nhưng phải có chừng mực.

Điều này bao gồm, được uống rượu bia, ăn các món ăn với thịt heo, dưa món, sử dụng các loại thức uống khác nhau,… nhưng nên có sự cân đối, khoa học.

Cụ thể, cần tìm hiểu rõ nguồn gốc thực phẩm sử dụng và mức độ vừa phải với bản thân, để khi cần thiết sẽ biết cách hóa giải, giúp cơ thể có thời gian nghỉ, cân bằng và bình ổn trở lại.

alobacsi PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCMPGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng - Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CÙNG KHÁN THÍNH GIẢ

Không uống rượu bia nhưng vẫn có thể bị gan nhiễm mỡ

1. Phạm Thị Ngọc Oanh - oanhphm19…@gmail.com

Nghe BS nói, nhiều chị em lại cười sung sướng, mình không uống rượu bia, chắc gan vẫn khỏe mạnh qua ngày lễ Tết. Xin hỏi BS, vậy ngoài rượu bia còn những nguyên nhân, thói quen nào khiến gan dễ bị ngộ độc hơn thưa BS? Những dấu hiệu nào cho thấy gan đã bị tổn thương?

PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng:

Có rất nhiều bệnh lý liên quan đến gan, và gần đây được nhiều người biết đến đó chính là gan nhiễm mỡ.

Trước kia tỷ lệ mắc bệnh này không nhiều, nhưng ngày nay nó ngày càng gia tăng.

Khi uống rượu nhiều thì chắc chắn gan sẽ bị nhiễm mỡ và nhóm đối tượng hay rơi vào chính là cánh đàn ông.

Tuy nhiên, phụ nữ hoặc một số đối tượng còn lại không sử dụng rượu bia thì vẫn có thể mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Nhóm bệnh này hay gặp ở người thừa cân, béo phì do ăn uống thực phẩm giàu năng lượng nên dễ tăng cân.

Thứ 2, người bị đái tháo đường. Thứ 3, người sử dụng thuốc gây ảnh hưởng rối loạn chuyển hóa gan dẫn đến tình trạng gan nhiễm mỡ.

Chị em phụ nữ lại thường thích làm đẹp, hay đi săn lùng các thực phẩm chức năng, bài thuốc, chất gì đó  để uống/ăn vào giúp có làn da đẹp, trắng mịn, níu giữ tuổi xuân… nhưng nó thường là các sản phẩm có nguồn gốc không rõ ràng.

Vì vậy, ở bệnh viện tôi thỉnh thoảng hay gặp một số chị em phụ nữ nhập viện trong tình trạng nguy kịch, suy gan cấp do sử dụng thuốc không đúng cách. Bởi chúng ta cứ ngỡ là thuốc tốt nhưng trong đó nó là những thành phần không phù hợp với cơ thể và gây phản ứng độc hại.

Do đó, cần tìm hiểu kỹ những chất mà chúng ta sử dụng, phải hiểu rõ nó và có sự chỉ dẫn của người có kinh nghiệm, kiến thức về y khoa, không nên tin tưởng vào quảng cáo quá mức.

Ở mức độ tổn thương thế nào thì gan có thể tự phục hồi?

2. Lê Thanh Loan - vongtien49…@gmail.com

Thưa BS, chồng tôi vì công việc nên cũng thường xuyên dùng rượu bia. Các chiến hữu chồng tôi hay nói gan có thể tự phục hồi nên có thể yên tâm mà uống. Tôi can hoài không được. Xin hỏi BS ở mức độ tổn thương thế nào thì gan có thể tự cứu mình, còn mức độ nào gan buông tay đầu hàng?

PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng:

Trước khi muốn được cứu chúng ta phải tự giải cứu bản thân và trong đó yếu tố quan trọng chính là ý thức.

Tôi có gặp nhiều bệnh nhân tới khám bị tăng men gan, uống rượu bia gây gan nhiễm mỡ, xơ gan, ung thư,…

Nhiều bệnh nhân than với tôi rằng nếu bỏ rượu bia đồng nghĩa với nghỉ làm, vì hàng ngày phải đi giao tiếp làm ăn, nhất là kinh doanh thì bắt buộc phải ký hợp đồng trên bàn tiệc, như vậy làm sao bỏ được.

Thật sự, chúng ta biết có những lúc chúng ta phải tiếp khách và sử dụng rượu bia, nhưng đừng để nó tạo thành 1 cái cớ để chúng ta tiếp tục làm hại lá gan của mình.

Khi sử dụng liên tục sẽ tạo thành thói quen và không thể bỏ được, vì rượu bia là chất gây nghiện. Do đó chúng ta phải biết tự cứu mình, tức là phải biết giới hạn bản thân mà hạn chế bớt, tránh đừng tạo ra hiện tượng lặp đi lặp lại và nên có thời gian để gan nghỉ ngơi.

Còn các biện pháp dùng thuốc giải độc hoặc thuốc hỗ trợ gan đó là biện pháp tạm thời. Chúng ta có thể sử dụng để giúp gan phục hồi nhanh hơn nhưng khi vừa uống rượu và dùng chất giải độc uống kèm nó sẽ tạo thành ý thức chủ quan, rằng mình đã được bảo vệ thì lâu ngày sẽ tạo thói quen rất khó bỏ.

Do đó, chúng ta phải tự kiểm soát bản thân nếu không sẽ bị lệ thuốc vào các chất kích thích do rượu gây ra và khiến chúng ta không dừng được.

Thuốc Rosuvastatin điều trị mỡ máu, gan nhiễm mỡ uống chung với Naturenz được không?

3. Phạm Thị Hoa - Bạn đọc hỏi qua fanpage AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Thưa BS, chồng em đang điều trị mỡ máu, gan nhiễm mỡ bằng thuốc Rosuvastatin 10mg, nay muốn uống thêm Naturenz của Dược Hậu Giang để bồi bổ cho gan thì xin hỏi 2 thuốc này uống chung được không? Em cảm ơn BS.

PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng:

Thứ nhất, Rosuvastatin 10mg là thuốc nằm trong nhóm statin, có tác dụng làm giảm cholesterol trong máu và ức chế tổng hợp cholesterol, do đó nó sẽ làm các chất mỡ có hại cho cơ thể giảm đi.

Thường nó được sử dụng trong các bệnh lý mỡ máu, người bị tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu,…

Lúc trước, người ta nghĩ thuốc này có khả năng làm tăng men gan, nhưng qua thời gian sử dụng người ta thấy  thuốc ảnh hưởng gan rất thấp. Nếu sử dụng liều vừa phải và đúng theo chỉ định bác sĩ, tuyệt đối không tự ý uống quá mức cần thiết thì sẽ không bị ảnh hưởng gì cho gan cả.

Còn việc chúng ta nghĩ uống rosuvastatin 10mg sẽ ảnh hưởng lên gan nên phải uống kèm theo thuốc hỗ trợ gan thì đó chỉ là ý nghĩ chủ quan thôi. Thực tế, nó không có vai trò rõ ràng.

Riêng Naturenz là một loại thuốc đặc biệt, có rất nhiều thành phần và chiết xuất từ thiên nhiên như: củ cải, lekima, mướp đắng, đu đủ, tỏi,… bản chất các loại này đã chứa chất chống oxy hóa.

Ví dụ, trong lekima có beta caroten giúp cung cấp vitamin A - là chất chống oxy hóa rất tốt để giải độc gan.

Do đó, khi chúng ta có bệnh về gan thật sự thì chúng ta uống một thời gian để bảo vệ gan thì hợp lý. Còn nếu gan đang bình thường, tôi nghĩ không cần thiết phải đưa vào trong cơ thể.

Vì vậy, nên có ý thức ăn uống chừng mực, sử dụng thuốc hợp lý, đúng cách, đúng theo chỉ định bác sĩ thì gan sẽ hoạt động bình thường, vì gan đủ khả năng tự điều chỉnh và giúp cơ thể giải độc.

Còn nếu chúng ta đang có bệnh gan hoặc tiếp xúc trực tiếp với các chất độc hay có yếu tố tạm thời ảnh hưởng trên gan thì sử dụng biện pháp hỗ trợ trong trường hợp này là hợp lý. Dĩ nhiên cần biết chọn lựa thuốc, chất có nguồn gốc, thành phần tốt giúp cho gan mới được sử dụng. Còn chưa rõ thì phải nhờ đến sự tư vấn từ các chuyên gia, người có kiến thức y học rồi hãy dùng.

Còn tự ý nghe thông tin trên mạng, nếu may mắn uống phải thuốc đúng hoặc tốt thì không sao, nhưng nếu không may mua phải thuốc không rõ xuất xứ sẽ gây tiền mất tật mang rất nguy hiểm.

Uống bia và nước ngọt xen kẽ với nhau có giúp đỡ say xỉn không?

4. Xuân Tú - Bạn đọc hỏi qua Zalo 08983 08983

Ngày tết tôi thường uống nhiều bia và nước ngọt xen kẽ với nhau trong các buổi tiệc chúc xuân. Điều này có hại cho sức khỏe không bác sĩ?

PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng:

Khi uống bia rượu thường mọi người sẽ nói nên ăn trước khi uống, còn nếu để bụng đói mà uống thì rất dễ say và gây hại. Điều này hoàn toàn đúng.

Vì khi chúng ta uống rượu, trước khi rượu xuống ruột để hấp thu vào máu thì khi nó đang nằm ở dạ dày nó đã được hấp thu 1 phần rồi. Và sự hấp thu độ cồn qua dạ dày sẽ rất nhanh, tùy theo thành phần thức ăn chúng ta ăn vào.

Do đó, nếu uống bia rượu mà kèm ăn, nhất là ăn chất đạm thì sẽ làm chậm sự hấp thu độ cồn. Do đó cảm giác bị say, khó chịu sẽ xảy ra từ từ hơn.

Còn nếu uống bia rượu kèm nước ngọt thì chất đường trong nước ngọt lại làm tăng khả năng hấp thu chất cồn qua đường tiêu hóa. Vì vậy, uống bia mà pha thêm nước ngọt sẽ khiến chúng ta nhanh say.

Tại vì chính chất đường là chất dẫn giúp cồn đi vào trong máu nhanh hơn.

Nhiều khi chúng ta không hiểu và cứ theo suy nghĩ cá nhân rằng phải pha trộn các loại nước với rượu để làm loãng bớt, nhưng lại không đúng.

Bên cạnh đó, dân gian cũng hay có phương pháp cho người say cho uống nước chanh, giấm để giải rượu điều này hoàn toàn đúng. Vì cồn gặp axit (chất chua) nó sẽ chung hòa và làm giảm bớt nồng độ cồn vào cơ thể.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X