Hotline 24/7
08983-08983

Làm gì để giảm sự cố y khoa?

Sự việc hai bệnh nhân tử vong nghi do sốc phản vệ ở BVĐK Trí Đức chưa lắng xuống thì một cô gái trẻ ở Long An tử vong vì suy hô hấp tuần hoàn choáng phản vệ do thuốc.

Ảnh minh họa

Sự cố liên tiếp xảy ra

Thời gian gần đây, ngành y tế đã nỗ lực hơn nữa để phát triển theo hướng mới, chuyển từ thái độ ban ơn sang phục vụ để lấy lại niềm tin của người dân về y tế nước nhà. Tuy nhiên, những sự cố y khoa xảy ra trong thời gian qua khiến người dân còn nhiều lo lắng.

Vào tháng 7/2016, sự cố mổ nhầm chân ở BV Việt Đức - bệnh viện đầu ngành về ngoại khoa của Việt Nam - đã gây hoang mang dư luận. Bệnh nhân là anh Trần Văn Thảo, 37 tuổi, ở Ứng Hoà, Hà Nội, đến BV Việt Đức thực hiện ca mổ chân trái.

Sau ca mổ, gia đình thấy vết mổ xuất hiện ở cả hai cổ chân. Bệnh nhân Thảo cho biết, trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ gây tê ở chân nên không hề hay biết. Chỉ đến khi rời bàn mổ anh mới thấy mình bị mổ nhầm chân phải và có thắc mắc. Lúc này, bác sĩ mổ chính mới xem bệnh án và đưa Thảo lên bàn để mổ chân trái. Khi hết thuốc tê, Thảo liên tục kêu đau ở cổ chân phải vì bị mổ nhầm.

Mặc dù phía bác sĩ và bệnh viện đã nhận lỗi trách nhiệm tuy nhiên những tổn thương về mặt tinh thần của người bệnh và người nhà không thể bù đắp được.

Mới đây nhất, trường hợp Nguyễn Thị Thanh Thanh (SN 1998, ngụ tại xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) bị đau bụng nặng vùng hố chậu phải và được chuyển lên BVĐK Long An ngày 26/12.

TS Trương Hồng Sơn - Phó Tổng Thư ký Tổng Hội Y học Việt Nam trong lần đi thăm trẻ mồ côi ở Tây Nguyên

Sau khi làm các xét nghiệm lâm sàng, bác sĩ ca trực của bệnh viện xác định em bị nhiễm trùng tiêu hóa và được chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh. Gần 1 giờ sau, bệnh nhân được thực hiện y lệnh tiêm kháng sinh.

Tuy nhiên, vài phút sau, bệnh nhân có biểu hiện đỏ da, nôn ói, tụt huyết áp. Bác sĩ đã nhanh chóng xử lý chống sốc và phối hợp với Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc hồi sức cho bệnh nhân.

Đến 9g15 phút ngày 27/12, bệnh nhân Thanh Thanh đã tử vong. Theo kết quả chẩn đoán ban đầu, có khả năng do suy hô hấp tuần hoàn choáng phản vệ do thuốc. Đây là sự cố y khoa không bác sĩ nào mong muốn nhưng nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Lỗi do đâu?

TS.BS Trương Hồng Sơn - Phó Tổng Thư ký Tổng Hội Y học Việt Nam - cho biết, sự cố y khoa là vấn đề lớn của ngành y. Các đánh giá về sự cố y khoa trong ngành y là vấn đề tồn tại không chỉ riêng Việt Nam, mà ở Châu Âu và Mỹ. Nghiên cứu tỷ lệ sự cố y khoa tại Mỹ, thấp nhất là 3,5%, có nghiên cứu đưa ra là 11%.

Sự cố y khoa là một vấn đề rộng. Hiện nay, tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê, có 30% nguyên nhân đến từ thầy thuốc; lỗi hệ thống chiếm 70%.

Trong sự cố y khoa, sốc phản vệ là tình trạng dị ứng tuyp nhanh, là nỗi lo, ám ảnh của người bệnh lẫn bác sĩ. Khi xảy ra sốc phản vệ, bác sĩ phải đưa ra tình trạng cấp cứu gấp gáp, bởi nếu xử lý không kịp thời bệnh nhân có thể tử vong.

Hiện nay, sốc phản vệ thường do ba nhóm chính. Thứ nhất là thuốc, dịch truyền. Thuốc tập trung nhiều ở kháng sinh, sốc phản vệ về kháng sinh hay gặp nhất. Còn với dịch truyền, theo TS Sơn, dịch truyền dạng vitamin như các nhóm B1, B3 hay vitamin C khi truyền tĩnh mạch cũng có thể gây sốc phản vệ.

Thứ 2 là sốc do côn trùng cắn.

Nguyên nhân thứ ba là sốc do thực phẩm.

TS Sơn cho biết, để giảm thiểu sự cố y khoa nói chung, nhìn tổng thể không chỉ dừng lại ở 1 bác sĩ, 1 kíp mổ. Việc đầu tiên phải áp dụng là quy chuẩn trong điều trị, liệt kê những nguy cơ có thể gây sự cố y khoa. Vấn đề sâu xa hơn nữa đó là môi trường làm việc, các cơ sở y tế phải áp dụng môi trường làm việc tốt nhất để tránh được sự cố y khoa.

Hiện nay, theo TS Sơn, bệnh viện tuyến trung ương phải khám nhiều hơn mức bình thường. Đến cuối ngày mệt mỏi, nguy cơ xảy ra sự cố y khoa có thể nhiều hơn.

Bên cạnh đó, đã đến lúc cần có các tổ chức bảo vệ người bệnh, bảo vệ bác sĩ khi có sự cố y khoa xảy ra.

TS Sơn nhấn mạnh, trong thời gian tới Việt Nam cần tập trung các giải pháp trên để giảm tối đa sự cố y khoa.

Theo Ph. Thúy - Infonet

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X