Khoảnh khắc đáng nhớ tại Hội nghị Lão khoa Bệnh viện Thống Nhất mở rộng 2024: Khẳng định vị thế trung tâm lão khoa hàng đầu Việt Nam
Hội nghị lão khoa mở rộng lần thứ 8 năm 2024 được tổ chức thành công vào 2 ngày 1 và 2/11 đã cho thấy vai trò và tầm nhìn của Bệnh viện Thống Nhất trong mục tiêu hướng đến “bệnh viện lão khoa toàn diện”. Những hội nghị khoa học do bệnh viện tổ chức trở thành diễn đàn khoa học đáng tin cậy, nâng tầm cả về chất và lượng, cập nhật hàng loạt kiến thức cũng như các kết quả nghiên cứu giá trị, từ đó giúp nâng cao chất lượng điều trị, cải thiện chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.
PGS.TS.BS Lê Đình Thanh - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết, hội nghị là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ những ý tưởng sáng tạo, những công trình nghiên cứu mới và cùng nhau đóng góp cho sự tiến bộ chung của y học.
TS Nguyễn Ngô Quang - Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) mong muốn thông qua chương trình hội nghị có thể xây dựng được những đề xuất hữu ích trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân
PGS.TS.BS Lê Đình Thanh thay mặt Bệnh viện Thống Nhất gửi những đóa hoa tươi thắm đến TS Nguyễn Ngô Quang - Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế)
Trong khuôn khổ Hội nghị Lão khoa Bệnh viện Thống Nhất mở rộng lần thứ 8, Chi hội Vận động Hiến mô tạng tại Bệnh viện Thống Nhất được chính thức ra mắt lần đầu tiên. Đây là một dấu ấn quan trọng trong việc phát triển hoạt động ghép tạng, mở ra nhiều cơ hội cứu sống các bệnh nhân đang cần giúp đỡ.
PGS.TS Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia - Phó Chủ tịch Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam đọc quyết định thành lập Chi hội Vận động Hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Thống Nhất.
Cũng trong dịp này, PGS.TS.BS Lê Đình Thanh - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất vui mừng thông báo, Đơn vị Đột quỵ của Bệnh viện đã đạt và duy trì chuẩn Kim cương của Hội Đột quỵ Thế giới 2024. Thành tích này thể hiện năng lực điều trị cũng như những nỗ lực không ngừng nghỉ để cải thiện dịch vụ chăm sóc cho bệnh nhân đột quỵ của Bệnh viện Thống Nhất.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đánh giá, Bệnh viện Thống Nhất là địa chỉ khám chữa bệnh đáng tin cậy của người dân TPHCM và cả phía Nam trong công tác điều trị các bệnh lý của người cao tuổi. Bệnh viện tập trung triển khai nhiều kỹ thuật cao, trong đó đi sâu vào điều trị các bệnh lý mãn tính của người cao tuổi như tim mạch, huyết áp, ung thư, tiểu đường...
Chương trình có 168 báo cáo thuộc 31 phiên báo cáo. Nội dung các báo cáo trải khắp các chuyên đề từ Ngoại Tiêu hóa, Ngoại Tiết niệu, Phẫu thuật Mạch máu Lồng ngực, Nội Tim mạch, Nội tiết, Tiêu hóa... Đặc biệt, nội dung hội nghị năm nay càng phong phú hơn khi có thêm hai phiên chuyên sâu về Lão Nha và Lão hóa da.
GS.TS Đặng Vạn Phước - Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Quốc gia Việt Nam - Trưởng khoa Y, Đại học Khoa học Sức khỏe, ĐHQG TPHCM trình bày về những lợi ích trên tim mạch và thận của nhóm thuốc điều trị đái tháo đường mới SGLT2i. Một loại thuốc bắt đầu từ thử nghiệm về tính an toàn trở thành một phương pháp điều trị tốt nhưng bác sĩ vẫn nên tìm hiểu kỹ về cơ chế trước khi sử dụng.
GS.TS Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hội tim mạch học Việt Nam nhấn mạnh, với những bệnh nhân lớn tuổi, điều trị tăng huyết áp làm giảm tỷ lệ mắc bệnh tim mạch và tử vong. Mặc dù mục tiêu huyết áp tích cực vẫn có giá trị ở người lớn tuổi nhưng mức hạ huyết áp ở những bệnh nhân tăng huyết áp già yếu cần cá thể hóa.
Trong báo cáo về “Ngoại khoa đối với người cao tuổi”, PGS.TS Lê Văn Quang - Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết, cần cân nhắc lợi - hại trước khi chọn lựa phương pháp và kỹ thuật điều trị, nhất là khi cơ thể người lớn tuổi thường đã suy yếu và có nhiều bệnh tiềm ẩn. Chính vì thế, nên kiểm tra, đánh giá toàn bộ các cơ quan trọng yếu.
PGS.TS Trần Văn Ngọc - Chủ tịch LCH Hô hấp TPHCM cho biết COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính) là nguyên nhân đứng hàng thứ 3 về tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa và điều trị được. Chẩn đoán đúng và sớm COPD có tác động quan trọng đến sức khỏe cộng đồng, giúp giảm gánh nặng bệnh tật cho bệnh nhân, gia đình, xã hội.
PGS.TS Nguyễn Văn Trí - Chủ tịch LCH Lão khoa TPHCM khẳng định, tăng cường miễn dịch giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng hô hấp và bảo vệ sức khỏe hô hấp ở người cao tuổi mắc COPD. Chuyên gia khuyến nghị kết hợp liệu pháp miễn dịch và điều chỉnh lối sống (bỏ thuốc, dinh dưỡng, thể dục) để cải thiện chất lượng sống cho người cao tuổi.
PGS.TS Phạm Nguyễn Vinh - Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, hiện nay, chẩn đoán suy tim mạn đã chuẩn hóa, trong đó chỉ điểm sinh học rất cần thiết. Điều trị nội đã tối ưu bằng tứ trụ A - B - MRA - SGLT2. Điều trị bằng dụng cụ ICD, CRT rất cần thiết và tăng khả năng sống còn của bệnh nhân. Triệt đốt rung nhĩ cũng đã chứng minh được hiệu quả. Can thiệp rất có lợi trong việc sửa chữa hở van hai lá thứ cấp.
Báo cáo của GS.TS Trương Quang Bình - Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM nhấn mạnh “Vai trò của đội nhóm van tim trong triển khai thành công chương trình thay van động mạch chủ qua ống thông”.
PGS.TS.BS Lê Đình Thanh - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất đề xuất xây dựng tổ chuyên môn đánh giá kinh tế - y tế tại các bệnh viện. Bên cạnh đó, cần lựa chọn và xây dựng danh mục thuốc với các thuốc có bằng chứng đánh giá kinh tế - y tế. Bệnh viện có thể sử dụng bằng chứng này để cân đối giữa biệt dược gốc và Generic, từ đó lựa chọn thuốc có dạng bào chế và công nghệ tiên tiến.
GS David Khayat - Chủ tịch Liên đoàn Bác sĩ Ung thư Pháp chia sẻ góc nhìn về bệnh ung thư ở người cao tuổi. Chuyên gia cho biết, hút thuốc lá điếu là vấn nạn lớn cho sức khỏe cộng đồng và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Để tránh những ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đến cộng đồng người cao tuổi, cai hoài toàn thuốc lá vẫn là lựa chọn tốt nhất.
PGS.TS.BS Lê Đình Thanh - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất trao chứng nhận cho báo cáo viên trong phiên toàn thể 2
ThS.BS Nguyễn Ngọc Lân - Phụ trách khoa Vi sinh, Bệnh viện Thống Nhất đã “Cập nhật tình hình vi sinh Bệnh viện Thống Nhất năm 2024”.
TS.BS Hoàng Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Thống nhất trình bày “Chiến lược điều trị nhiễm khuẩn Gram âm đa kháng”.
PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng - Giảng viên cấp cao khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TPHCM hướng dẫn “Lựa chọn thuốc kháng sinh trong điều trị nhiễm khuẩn Gram âm đa kháng dựa trên kết quả phân tích kinh tế y tế”.
PGS.TS.BS Lê Đình Thanh trao chứng nhận cho PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng và ThS.BS Nguyễn Ngọc Lân
PGS.TS Hoàng Trung Vinh - Phó Chủ tịch Hội Nội tiết Hà Nội nhấn mạnh, đột tử do tim gia tăng ở người bệnh đái tháo đường, béo phì. Và người bệnh tiểu đường bị đột tử do tim cao gấp 2 lần so với người không mắc bệnh. Tuy nhiên, chuyên gia cũng nhấn mạnh, thay đổi lối sống và dùng thuốc có thể bảo vệ tim mạch để ngăn ngừa đột tử trên người bệnh đái tháo đường.
PGS.TS Trần Kim Trang - Đại học Y Dược TPHCM cho biết, cơ thể là một khối thống nhất. Do đó, một giấc ngủ tốt về cả chất và lượng sẽ góp phần phòng ngừa tiên phát, thứ phát các bệnh lý tim mạch chuyển hóa.
Phần báo cáo của TS.BS Tôn Thất Minh - Giám đốc Bệnh viện Tim Tâm Đức cập nhật những hướng dẫn mới từ ESH và ESC 2024 trong điều trị tăng huyết áp.
BS.CK2 Nguyễn Thanh Hiền - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM hướng dẫn “Điều trị suy tim xấu dần với phân suất tống máu giảm”. Suy tim xấu dần có thể xuất hiện ở cả bệnh nhân nội trú và ngoại trú.
TS.BS Nguyễn Thu Hương - Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên thông tin, ung thư tuyến giáp thường gặp nhất là ung thư tuyến giáp thể nhú, thường chiếm khoảng 90% đối với bệnh nhân trên 50 tuổi. Ung thư tuyến giáp thể nhú tiến triển nhanh hơn, di căn xa và dễ tái phát sau phẫu thuật; tỷ lệ tử vong ở nam giới cao hơn.
Các báo cáo viên phiên 3 gồm TS.BS Nguyễn Thu Hương, BS.CK2 Nguyễn Thanh Hiền và PGS.TS Hoàng Trung Vinh nhận chứng nhận từ BTC hội nghị
PGS.TS Hồ Thượng Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất đưa đến hội nghị cái nhìn mới về tính không ổn định của mảng xơ vữa. Vỡ mảng xơ vữa, xói mòn mảng xơ vữa và nốt vôi hóa là những tổn thương nguyên nhân của huyết khối trong mạch vành. Tuy nhiên, việc điều trị các bệnh nhân với mảng xơ vữa dễ tổn thương như thế nào để dự phòng thứ phát vẫn chưa rõ và hiện mới chỉ có một vài số liệu ban đầu.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Quang - Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia thông tin về “Những điểm nổi bật mới từ Đại hội Tim mạch châu Âu 2024” như tiếp cận lấy người bệnh làm trung tâm, xử lý hiệu quả các bệnh lý đồng mắc khi điều trị toàn diện bệnh lý tim mạch, các biện pháp không dùng thuốc dần được chú ý nhiều hơn, dự phòng tham dự vào quá trình tiếp cận và điều trị bệnh ngay từ đầu...
PGS.TS Trần Thị Khánh Tường - Trưởng khoa Y, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đề cập đến “Chẩn đoán và điều trị bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến rối loạn chức năng chuyển hóa”. Đây được đánh giá là một bệnh lý kết nối giữa tim mạch - tiêu hóa - gan mật. Bệnh nhân gan nhiễm mỡ nếu không tử vong vì xơ gan, ung thư, cũng sẽ qua đời vì tim mạch.
PGS.TS Đỗ Quang Huân - Viện trưởng Viện Tim TPHCM cảnh báo, thừa cân, béo phì là bệnh mãn tính chiếm tỷ lệ lớn trong dân số thế giới và Việt Nam. Giảm cân giúp giảm tỷ lệ tử vong do tim mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, bệnh tim mạch cho xơ vữa. Các biện pháp giảm cân được hướng dẫn gồm: chế độ ăn ít năng lượng, tập thể dục, dùng thuốc theo khuyến cáo và phẫu thuật dạ dày - ruột nếu các biện pháp trên thất bại.
PGS.TS.DS Bùi Thị Hương Quỳnh - Phó trưởng khoa Dược, Bệnh viện Thống Nhất đề cập đến “Hiệu quả kinh tế y tế của Empagliflozin trong điều trị bệnh lý tim mạch - thận - chuyển hóa”. Empagliflozin có chỉ định cho bệnh nhân đái tháo đường, suy tim và thận mạn, có tính chi phí - hiệu quả trên các nghiên cứu trên thế giới và tại Việt Nam.
PGS.TS Thái Minh Sâm - Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy đã nêu “Các biến chứng ngoại khoa và nội khoa thường gặp sau ghép thận”.
PGS.TS Nguyễn Văn Tân - Trưởng khoa Tim mạch cấp cứu - Can thiệp, Bệnh viện Thống Nhất nhận định, nhiễm phế cầu vẫn là gánh nặng cho cộng đồng, đặc biệt trên bệnh nhân có bệnh lý tim mạch. Bệnh nhân cao tuổi có bệnh lý tim mạch mạn tính được khuyến cáo dự phòng vắc xin phế cầu để giảm các biến chứng liên quan đến nhiễm phế cầu và các biến cố tim mạch.
Khép lại chương trình hội nghị, PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế - Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất thông tin, trong “Cập nhật tiến bộ trong điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn sớm”, hội chẩn đa chuyên khoa (MDT) đóng vai trò quan trọng trong quyết định chẩn đoán và điều trị tối ưu cho bệnh nhân.
Sự tham dự của 150 báo cáo viên trong và ngoài nước đã đem đến nhiều thông tin cập nhật, kiến thức và các kết quả nghiên cứu giá trị, giúp nâng cao hiểu biết và chất lượng điều trị trong y học.
Hội nghị Lão khoa Bệnh viện Thống Nhất 2024 với chủ đề “Điều trị bệnh lý lão khoa trong giai đoạn già hóa dân số” đón tiếp hơn 1.000 đại biểu đến trao đổi, chia sẻ, cập nhật các vấn đề chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi.
Hội nghị Lão khoa Bệnh viện Thống Nhất mở rộng lần thứ 8 diễn ra trong dịp kỷ niệm 49 năm ngày truyền thống của bệnh viện, đánh dấu hành trình gần nửa thế kỷ cống hiến và nỗ lực không ngừng trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là sức khỏe người cao tuổi.
>>> Hội nghị Lão khoa Bệnh viện Thống Nhất 2024: Điều trị bệnh lý lão khoa trong giai đoạn già hóa dân số
>>> Ra mắt Chi hội Vận động Hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Thống Nhất
>>> Người bệnh tiểu đường có nguy cơ bị đột tử do tim cao gấp 2 lần
>>> Tỷ lệ tử vong sau 5 năm của suy tim chỉ đứng sau ung thư phổi
>>> Năm 2030, trong 10 người sẽ có 3-4 người bị gan nhiễm mỡ liên quan rối loạn chuyển hóa
>>> Ước tính mỗi ngày có 65 người tử vong do ung thư phổi