Khi nào người bệnh tăng huyết áp cần dùng thuốc để kiểm soát tần số tim?
Theo GS.TS.BS Trương Quang Bình, bệnh nhân tăng huyết áp cần kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng lên tần số tim trước. Sau khi kiểm soát rồi mà tần số tim vẫn nhanh thì mới dùng thuốc để giảm tần số tim. Giáo sư cũng chỉ ra một số sai lầm của người bệnh khi kiểm soát nhịp tim.
Phần 3: Phương pháp kiểm soát nhịp tim đối với người bệnh tăng huyết áp.
1. Ảnh hưởng của rối loạn nhịp tim trên người bệnh tăng huyết áp
Đối với những trường hợp rối loạn nhịp tim ở người bệnh tăng huyết áp thì họ sẽ gặp những hệ lụy gì?
GS.TS.BS Trương Quang Bình:
Đối với người bình thường, không mắc bệnh tim mà tần số tim nhanh kéo dài sẽ dẫn đến suy tim. Tần số tim nhanh làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng tim mạch.
Đối với người mắc bệnh tim thì tần số tim càng quang trọng hơn. Ví dụ, những người suy tim chúng ta cần kiểm soát tần số tim dưới 70 lần/phút. Nếu tần số tim trên 70 lần/phút sẽ làm suy tim nặng hơn và gây nguy cơ tử vong do suy tim nặng.
Đối với những người bị bệnh lý động mạch vành cần kiểm soát tần số tim trong khoảng từ 50-60 lần/phút. Nếu tần số tim tăng đến 80-90 lần/ phút thì dễ bị nhồi máu cơ tim, suy tim, thiếu máu cơ tim.
Đối với những người tăng huyết áp nên kiểm soát nhịp tim khoảng 60-70 lần/phút. Nếu bệnh nhân tăng huyết áp kèm theo thiếu máu cơ tim cục bộ nên kiểm tần số tim 58-60 lần/phút.
Nếu để tần số tim tăng đến 80-85 lần/phút thì nguy cơ xảy ra các biến cố tim mạch, tử vong cho tim mạch tăng lên.
2. Phương pháp kiểm soát nhịp tim cho người tăng huyết áp
Những phương pháp nào kiểm soát nhịp tim cho người tăng huyết áp?
GS.TS.BS Trương Quang Bình:
Tần số tim ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như tăng huyết áp, lo lắng, căng thẳng, suy nghĩ nhiều. Bên cạnh đó nếu chúng ta ít vận động, thể lực kém, thiếu máu cũng làm tăng tần số tim. Những người có thai, người bệnh cường giáp, tần số tim cũng tăng.
Khi người bệnh tăng huyết áp có tần số tim tăng, chúng ta cần kiểm tra xem người bệnh có yếu tố nào khác làm tăng tần số tim và phải giải quyết nguyên nhân đó.
Sau khi đã điều trị và kiểm soát tất cả các yếu tố đó mà tần số tim vẫn còn nhanh thì chúng ta mới quyết định tác động lên huyết áp, tần số tim bằng phương pháp dùng thuốc để kiểm soát tần số tim.
GS.TS.BS Trương Quang Bình – Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Phó giám đốc Bệnh viện ĐHYD TPHCM
3. Khi nào cần dùng thuốc để kiểm soát tần số tim?
Hiện nay, người bệnh tăng huyết áp có thể kiểm soát tần số tim bằng thuốc. Vậy khi nào người bệnh cần dùng thuốc?
GS.TS.BS Trương Quang Bình:
Chúng ta cần loại trừ tất cả các yếu tố khác tác động đến hệ thống tuần hoàn làm tim đập nhanh. Khi đã kiểm soát được tất cả các yếu tố, chúng ta cần tập trung vào việc làm giảm huyết áp và tần số tim đến mức mục tiêu mong muốn.
Khi điều trị huyết áp bằng thuốc hoặc không bằng thuốc làm giảm huyết áp đến mức bình thường thì có thể tần số tim cũng hạ theo.
Khi dùng các loại thuốc hạ huyết áp cần chú ý tránh dùng các loại thuốc có tác dụng phụ làm tần số tim tăng lên. Ví dụ, loại thuốc hạ huyết áp nhanh thì tần số sẽ tăng.
Khi chúng ta dùng các loại thuốc không tác động lên tần số tim mà tần số tim vẫn nhanh thì có thể dùng các loại thuốc vừa giúp hạ huyết áp vừa giúp hạ tần số tim.
Các bác sĩ sẽ chọn các loại thuốc vừa có tác dụng hạ huyết áp vừa có tác dụng hạ tần số tim hoặc dùng phối hợp các loại thuốc để đạt được mục đích.
4. Có nên tự ý ngưng dùng thuốc kiểm soát tần số tim?
Có một số người bệnh khi dùng thuốc để kiểm soát nhịp tim và thấy nhịp tim đã trở lại bình thường rồi lại ngưng không sử dụng thuốc. Quan điểm của bác sĩ về vấn đề này như thế nào ạ?
GS.TS.BS Trương Quang Bình:
Chúng ta kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng lên tần số tim trước. Sau khi kiểm soát rồi mà tần số tim vẫn nhanh thì chúng ta mới dùng thuốc để giảm tần số tim.
Nhiều trường hợp bệnh nhân muốn giải quyết cả yếu tố tác động lên tần số tim và dùng thuốc để có thể kiểm soát sớm. Khi đã giải quyết được nguyên nhân chúng ta có thể tạm ngưng hoặc giảm liều thuốc huyết áp làm chậm tần số tim. Trong quá trình giảm liều, chúng ta cần theo dõi tim có đập nhanh lên hay không.
Khi đã tác động lên các yếu tố mà tần số tim vẫn không giảm, phải dùng thuốc để kiểm soát tần số tim. Tuy nhiên, khi thuốc vào cơ thể chỉ có tác dụng từ 1-2 ngày. Nếu chúng ta bỏ thuốc tần số tim sẽ nhanh trở lại. Đôi khi do chúng ta ngưng thuốc đột ngột, tần số tim sẽ càng nhanh hơn.
Như vậy khi dùng thuốc hạ huyết áp có làm giảm tần số tim hoặc thuốc có tác dụng hạ tần số tim, chúng ta muốn giảm liều, ngưng thuốc phải tuân thủ nguyên tắc giảm từ từ và tham khảo ý kiến bác sĩ, không nên tự ngưng thuốc vì sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm.
5. Những phương pháp can thiệp nhịp tim cho người tăng huyết áp
Ngoài việc dùng thuốc thì có các phương pháp nào khác giúp can thiệp về nhịp tim đối với người tăng huyết áp?
GS.TS.BS Trương Quang Bình:
Có nhiều phương pháp để điều trị rối loạn nhịp tim. Trường hợp rung nhĩ có các biện pháp thăm dò, cắt đốt để nhịp tim trở lại bình thường.
Trường hợp ngoại tâm thu tim đập loạn xạ, có nhịp đến sớm,... chúng ta có thể dùng thuốc hoặc thăm dò để giải quyết.
Đối với tần số tim nhanh từ 90-105 lần/phút, chúng ta cần tìm kiếm tất cả các nguyên nhân tác động lên tần số tim. Khi đã tác động lên các yếu tố mà tần số tim vẫn nhanh chúng ta có thể dùng thuốc để có thể kiểm soát tần số tim của người bệnh.
Phần 4: Lời khuyên từ bác sĩ
1. Sai lầm khi kiểm soát nhịp tim?
Người bệnh tăng huyết áp thường mắc sai lầm gì khi kiểm soát nhịp tim?
GS.TS.BS Trương Quang Bình:
Người bệnh tăng huyết áp thường mắc những sai lầm:
- Không quan tâm đến tần số tim
- Bỏ qua các dấu hiệu của tần số tim nhanh
- Sợ tăng tần số tim nên không dám tập thể dục
- Dùng thuốc 1 thời gian, hết triệu chứng thì bỏ thuốc
Người bệnh chưa hiểu rõ tầm quan trọng của kiểm soát tần số tim. Đôi khi người bệnh chỉ quan tâm đến trị số huyết áp, ít chú ý đến tần số tim.
Khi trị số huyết áp và tần số đạt mục tiêu sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất cho người bệnh
2. Chế độ dinh dưỡng, tập luyện để kiểm soát tần số tim?
Người bệnh tăng huyết áp cần có chế độ ăn, tập luyện thế nào để kiểm soát tốt tần số tim?
GS.TS.BS Trương Quang Bình:
Người tăng huyết áp sẽ có chế độ ăn nhiều rau xanh, các loại hạt, ngũ cốc,... hạn chế đạm động vật, ăn mặn. Người bệnh cũng nên tránh những thức uống kích thích hệ tuần hoàn như cà phê, trà.
Việc tập luyện thể dục thể thao làm giảm tần số tim, vì vậy, người thiếu tập luyện thì tần số tim sẽ nhanh. Nếu không có phương tiện để tập luyện, bệnh nhân có thể đi bộ hoặc chạy bộ.
Như vậy, sau khi kiểm soát trị số huyết áp, bệnh nhân phải có chế độ tập luyện thể lực 25 phút/ngày.
Khi đã thực hiện chế độ ăn uống và tập luyện tốt, bệnh nhân có thể giảm liều thuốc.
Minh Huy
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình