Hotline 24/7
08983-08983

Khám sức khỏe định kỳ: Bạn phải khỏe mới chăm sóc được người khác

Dưới 40 tuổi có cần thiết phải khám sức khỏe định kỳ? Độ nào nên tầm soát bệnh ung thư, tim mạch, đột quỵ… BS.CK2 Trương Thiện Niềm và BS.CK1 Đoàn Thị Liễu sẽ giúp bạn hiểu rõ tầm quan trọng của việc khám sức khỏe để lên kế hoạch thăm khám phù hợp cho mình.

NỘI DUNG TƯ VẤN

Tiếp theo phần 1: Những vấn đề sức khỏe thường gặp khi qua tuổi trung niên

1. Vì sao phải khám sức khỏe định kỳ?

Thưa BS, cuộc sống bận rộn quanh công việc và con cái khiến các mỗi người chúng ta quên đi chuyện chăm sóc sức khỏe cho bản thân mình. Vì vậy, trong chương trình hôm nay, mong chuyên gia 1 lần nữa nhấn mạnh ý nghĩa của việc tầm soát sức khỏe định kỳ?

BS.CK2 Trương Thiện Niềm:

Thời xưa ông bà ta hay nói: ăn no, mặc ấm là đủ. Thế nhưng ngày nay không chỉ ăn ngon mặc đẹp mà còn phải khỏe mạnh và hạnh phúc; để có thể đạt được bất cứ điều gì trong cuộc sống thì điều chúng ta cần đầu tiên đó là sức khỏe.

Cần lắng nghe cơ thể diễn biến thế nào, cẩn thận với môi trường xung quanh, những yếu tố gây hại cho chính bản thân mình; ngay khi cảm nhận được cơ thể chúng ta có các triệu chứng bất thường thì nên đi kiểm tra sức khỏe ngay bạn nhé. Có những vấn đề sức khỏe riêng tư, khó nói, bạn có thể giấu gia đình, bạn bè nhưng phải nói rõ với BS để từ đó mới có thể giúp bạn tìm ra chính xác nguyên nhân của bệnh và điều trị tốt. Bởi khi bạn khỏe mạnh mới có thể có được những đứa con khỏe, gia đình hạnh phúc, công việc ổn định và đạt chất lượng cao.

2. Dưới 40 tuổi có nhất thiết phải khám sức khỏe định kỳ hay không?

Nhiều người nhận thấy dưới 40 tuổi thường không có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, có khi bệnh không cần uống thuốc, chỉ ăn uống ngủ nghỉ là vượt qua, cho nên ngoài 40 tuổi họ mới quan tâm tới việc khám sức khỏe tổng quát. BS có ý kiến như thế nào về việc này?

BS.CK1 Đoàn Thị Liễu:

Trong suốt cuộc đời mỗi người ở mỗi giai đoạn chúng ta đều phải đi khám sức khỏe với những mục đích khác nhau. Đơn cử như:

  • Ở độ tuổi sơ sinh đến khi vào cấp 1: lúc này gia đình nên đưa bé đi khám sức khỏe tổng quát để theo dõi chiều cao và cân nặng mỗi tháng; giúp đánh giá sớm tình trạng suy dinh dưỡng và chậm phát triển ở trẻ; theo dõi lịch chủng ngừa.
  • Từ cấp 2-3: khám sức khỏe định kỳ để bạn kịp thời được các BS tư vấn về tâm lí của tuổi dậy thì, xem có những gì bất thường hay không, BS sẽ trực tiếp tư vấn với trẻ về tâm lí, bệnh lí hay gặp và cách phòng ngừa các bệnh lây lan qua đường tình dục. Thời điểm hiện tại trẻ đang được hòa nhập với sự phát triển của thế giới, qua phim ảnh, mạng xã hội… rất phổ biến thế nên các em cũng được tìm hiểu về các vấn đề tình dục sớm hơn xưa, do đó cần được hiểu vấn đề này một cách đầy đủ và chi tiết.
  • Qua độ tuổi cấp 3, vào đại học dù bạn là nam hay nữ thì vẫn nên đi khám sức khỏe định kỳ, khám tổng quát để được tư vấn về sức khỏe tiền hôn nhân, đây là điều rất quan trọng.
  • Đến độ tuổi trung nên 40, 50 bạn nói “tôi không có bệnh gì nên không cần đi khám”, điều này hoàn toàn sai lầm. Có rất nhiều bệnh nhân khi đến phòng khám để khám một bệnh nào đó mà vô tình phát hiện ra mình còn mắc phải rất nhiều bệnh khác.

Có thể bạn chưa đến giai đoạn bệnh tật nhưng do thói quen ăn uống, sinh hoạt, lối sống hay chế độ ăn uống chưa phù hợp với cơ thể; lúc này nếu bạn đi khám sức khỏe tổng quát BS sẽ kịp thời giúp bạn điều chỉnh lại những thói quen không đúng, không tốt, đây chính là một phương pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Không những thế bạn còn có thể tầm soát được các bệnh chẳng hạn như:

  • Đối với trẻ tầm soát được các bệnh lí do di truyền không tốt về máu.
  • Ở tuổi lập gia đình có thể tầm soát được các bệnh do bất tương đồng nhóm máu, tư vấn tiền hôn nhân giúp bạn có thể tự chuẩn bị cho mình được một cuộc hôn nhân viên mãn vừa có sức khỏe và sinh ra được những đứa trẻ thông minh và giỏi giang.
  • Ở tuổi trung niên theo dõi sức khỏe định kỳ trở thành một điều bắt buộc.

Chúng ta không thể nào dừng lại quá trình lão hóa của cơ thể; nhưng bạn có thể khiến nó chậm lại - đây chính là mục tiêu của khám sức khỏe định kỳ, bạn có thể phát hiện kịp thời, thay đổi lối sống chưa phù hợp, điều chỉnh bằng thuốc, chế độ luyện tập, lối sống phù hợp; lúc này chúng ta có thể làm chậm dần sự lão hóa của cơ thể.

BS gửi đến các bạn một thông điệp: dù là ở độ tuổi nào, giai đoạn nào của cơ thể; mong rằng bạn vẫn luôn nhớ kiểm tra sức khỏe định kỳ cho bản thân.

BS.CK1 Đoàn Thị Liễu - Bệnh viện Gia An 115

3. Nên khám sức khỏe định kỳ bao lâu một lần?

Hiện nay có 2 mốc khám sức khỏe 6 tháng và 1 năm khiến nhiều người lúng túng. Đâu là mốc thời gian cần đi khám?

BS.CK1 Đoàn Thị Liễu:

- Đối với em bé sơ sinh, giai đoạn những năm đầu đời sẽ được khám theo lịch tiêm chủng. Lớn hơn một xíu, nếu không có vấn đề gì về bệnh tật thì chúng ta có thể giãn khoảng cách lịch khám ra 1 lần/ năm.

- Đối với trường hợp đã mắc một vài bệnh lí, theo đặc thù của từng bệnh bạn có thể sẽ khám theo lịch hẹn của BS chẳng hạn như: tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh lí về tim mạch… thậm chí có thể nếu bệnh đang ở giai đoạn nặng thì mỗi tuần sẽ gặp BS 1 lần.

Không có một mốc cố định nào về việc khám sức khỏe định kỳ cho chung hết tất cả mọi người; nhưng nếu với một người khỏe mạnh thì có thể 6 tháng hoặc 1 năm khám sức khỏe một lần là tốt nhất, bạn nhé.

4. Xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu có thể phát hiện bệnh gì?

Xét nghiệm máu và nước tiểu là “combo” thường thấy trong bộ xét nghiệm kiểm tra sức khỏe. Xin hỏi BS ý nghĩa của 2 xét nghiệm này là gì, cho biết những vấn đề nào về sức khỏe? Vì sao khi đi khám thường được chỉ định 2 xét nghiệm này?

BS.CK2 Trương Thiện Niềm:

Xét nghiệm máu là rất quan trọng vì khi làm xét nghiệm này các BS có thể đánh giá được: chức năng gan, thận, các bệnh về nhóm máu,…

Bên cạnh xét nghiệm máu thì xét nghiệm nước tiểu cũng quan trọng không kém vì giúp đánh giá: đường - niệu, protein niệu (đạm niệu), máu trong nước tiểu; 3 chỉ số này rất quan trọng vì khi có xuất hiện trong nước tiểu chúng ta buộc phải tìm ra nguyên nhân vì sao; bởi thường ở cơ thể khỏe mạnh sẽ không có 3 chỉ số này. Đơn cử như tiểu ra máu, cần kiểm tra có sỏi thận hay không, viêm đường tiết niệu thế nào hoặc suy thận hay có viêm màng lọc cầu thận hay không.

Ngày trước tại các bệnh viện sẽ không có các gói xét nghiệm nâng cao giúp maker ung thư sớm; hiện nay rất nhiều bệnh viện đã có các gói khám nâng cao giúp tầm soát ung thư sớm, chẳng hạn như ung thư phổi, gan, dạ dày, mật tụy, tiền liệt tuyến, tử cung, buồn trứng... Chính các gói khám bệnh này giúp phát hiện ra bệnh sớm hơn, điều trị có hiệu quả và ngăn chặn những diễn tiến xấu.

BS.CK2 Trương Thiện Niềm - Bệnh viện Gia An 115

BS.CK1 Đoàn Thị Liễu:

Khi xét nghiệm máu sẽ có hàng trăm hàng ngàn những thông số để tìm ra bệnh. Tùy theo từng loại bệnh các BS sẽ thiết lập những xét nghiệm cần thiết để phục vụ cho việc khám và chữa bệnh; bạn không cần phải quan tâm nhiều đến vấn đề này vì thuộc về lĩnh vực chuyên môn. Điều quan trọng nhất là bạn hãy chia sẻ hết tất cả những điều mình gặp phải về sức khỏe để giúp các BS có thể chọn cho bạn được một phương pháp điều trị phù hợp.

5. Vì sao gói khám tổng quát ở Bệnh viện Gia An 115 chia ra nhiều độ tuổi?

Bệnh viện Gia An 115 hiện có các gói khám sức khỏe tổng quát ở các độ tuổi 18-30, 31-50, 51-65 và trên 65. Xin hỏi 2 chuyên gia, việc khám định kỳ ở tuổi đôi mươi có gì khác so với tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh ở phụ nữ, mãn dục ở nam giới, người đã lập gia đình và người chưa lập gia đình thưa BS?

BS.CK1 Đoàn Thị Liễu:

Sở dĩ Bệnh viện Gia An chia các gói khám sức khỏe tổng quát ra theo nhiều độ tuổi là vì: theo các đặc điểm phát triển của cơ thể tâm sinh lí và các loại bệnh phát triển trong từng độ tuổi khác nhau.

Đối với nam hoặc nữ, theo từng độ tuổi sẽ có khuynh hướng mắc các bệnh khác nhau; vì vậy chúng tôi đã chia ra theo từng gói khám. Dĩ nhiên mỗi cá thể đều sẽ có những đặc điểm riêng.

Trường hợp ở tuổi đôi mươi tại sao chúng ta phải khám sức khỏe định kỳ? Ở độ tuổi này là lúc chúng ta đang chuẩn bị lập gia đình vì thế việc khám tiền hôn nhân là rất quan trọng bởi nó sẽ giúp chúng ta tránh được những bi kịch trong gia đình chẳng hạn: những đứa con bị dị tật bẩm sinh; các bệnh di truyền, các bệnh về máu… Và nếu chúng ta có các bệnh lí khác thì có thể điều chỉnh cho tốt hơn trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Đừng nghỉ rằng tuổi đôi mươi sức khỏe dồi dào vì thế không cần đi khám đây là điều hết sức sai lầm.

6. Độ tuổi nào nên tầm soát bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, đột quỵ, tim mạch?

Tiểu đường, tăng huyết áp, đột quỵ, tim mạch là những bệnh mạn tính gây ám ảnh nhất với hầu hết mọi người. Xin hỏi 2 chuyên gia, ở độ tuổi nào chúng ta cần tầm soát các vấn đề sức khỏe này? Những xét nghiệm nào đặc biệt quan trọng mà chúng ta không nên bỏ qua thưa BS?

BS.CK2 Trương Thiện Niềm:

Đầu tiên chúng ta phải biết và hiểu được cơ thể của mình đang gặp phải các vấn đề gì từ đó mới có thể tiến tới các vấn đề khác chuyên sâu hơn. Đơn cử như bạn có dấu hiệu sụt cân, ăn nhiều, uống nhiều, gia đình có người đái tháo đường, đây là các yếu tố chỉ điểm chúng ta nên đi khám bệnh chuyên sâu về đái tháo đường. Nếu bạn đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, tiểu đêm, gia đình có người cao huyết áp đây là những gợi ý bạn nên đi khám tim mạch,…

BS.CK1 Đoàn Thị Liễu:

Nếu trong gia đình cha mẹ bị tiểu đường thì con cái của họ cũng có rất nhiều nguy cơ sẽ gặp phải. Nhiều người quan niệm tiểu đường chỉ có ở tuổi trung niên đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm, người trẻ vẫn có thể bị tiểu đường.

Tăng huyết áp 90% là vô căn (không nguyên nhân) thường phát hiện ở những người từ 40 tuổi đổ lên; nhưng cũng có những người rất trẻ vẫn bị tăng huyết áp. Vì thế không thể nào đợi đến 40 tuổi chúng ta mới đi khám để phát hiện cao huyết áp.

alobacsi MC Ngọc HươngMC Ngọc Hương

7. Có cần tầm soát ung thư khi còn trẻ không?

Ung thư cũng là vấn đề khiến nhiều người lo lắng. Một thắc mắc được nhiều bạn đọc đặt ra, nên tầm soát ung thư định kỳ hàng năm từ khi còn trẻ, hay đợi đến lúc bắt đầu bộc phát triệu chứng mới đi tầm soát? Các loại bệnh ung thư cần tầm soát ở nam và nữ giới?

Độ tuổi nào cần tầm soát ung thư (nếu gia đình có người thân bị ung thư thì độ tuổi và tần suất có nên được rút ngắn)?

BS.CK1 Đoàn Thị Liễu:

Hiện nay ung thư là một căn bệnh rất dễ mắc phải vì:

  1. Chế độ ăn uống, an toàn thực phẩm; ngày nay chúng ta sử dụng hóa chất, những chất kích thích quá nhiều, đơn cử như một cọng giá đỗ chúng ta ăn đã có từ 3 – 4 chất độc hại; thậm chí ở nhà vườn người ta tiêm thuốc rất nhiều vào các loại trái cây giúp tăng trưởng; vì thế có thể thấy chế độ an toàn thực phẩm ở nước ta đang ở mức báo động.
  2. Thay đổi khí hậu do tác hại của con người như chặt phá rừng khiến lũ lụt nhiều, không còn mảng xanh giúp thanh lọc bầu không khí.
  3. Những thói quen như hút thuốc lá, uống rượu bia.

Chính những điều này khiến tần suất ung thư ngày một gia tăng và xuất hiện sớm hơn so với các thế hệ cha, ông.

Ngày trước chúng ta không có máy móc hay các phương tiện giúp phát hiện sớm ung thư vì thế khi đã phát hiện ra thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Còn ở thời buổi như hiện nay ngay cả từ trong trứng nước đã có thể tầm soát về các loại ung thư… rất nhiều các chỉ số giúp chỉ điểm ung thư, chỉ cần lấy vài cc máu là chúng ta đã có thể phát hiện ra rất nhiều bệnh.

Với tiêu chí khám sức khỏe định kỳ hàng năm thì bạn có thể hoàn toàn yên tâm. Nên đi khám sức khỏe định kỳ theo từng lứa tuổi, từng giai đoạn và tình trạng sức khỏe của cơ thể. Tốt nhất là 6 tháng hoặc 1 năm chúng ta nên đi khám một lần.

Về việc có nên tầm soát ung thư hay không? Khi đến khám sức khỏe bạn hãy cứ chia sẻ với BS đầy đủ về tình trạng của mình; lúc này BS sẽ khuyên bạn có nên đi tầm soát hay không. Bạn không phải là người có thể lựa chọn việc tầm soát ung thư hay không mà chính là các BS sẽ giúp bạn khi bạn đến khám sức khỏe.

Không có một bất kì công thức chung nào cho tất cả mọi người, tôi không thể trả lời giúp bạn là ở độ tuổi nào nên tầm soát ung thư mà phải chính bạn đến gặp BS kiểm tra sức khỏe bản thân trước rồi từ đó mới có quyết định.

8. Các xét nghiệm khi khám sức khỏe định kỳ có gây bất lợi gì cho cơ thể không?

Thưa BS, khi thăm khám sức khỏe định kỳ mỗi năm 1-2 lần khó tránh khỏi phải thực hiện các cận lâm sàng. Vậy xin hỏi BS, việc thực hiện với cường độ liên tục như vậy có ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc thúc đẩy nguy cơ mắc các bệnh lý ác tính không ạ?

BS.CK2 Trương Thiện Niềm:

Thật ra khi bạn khám sức khỏe, nếu có lấy máu thì sẽ là rất ít khoảng chừng 2 cc là đã có thể kiểm tra được rất nhiều thông tin của các bộ phận cơ thể. Các biện pháp khác như siêu âm, điện tim… đều là những phương pháp không xâm lấn, không ảnh hưởng gì nhiều đến sức khỏe; nếu bạn bắt buộc phải chụp CT thì có ảnh hưởng bởi tia một ít nhưng đây đều là các chỉ số cho phép trong y học nên hãy yên tâm thực hiện kiểm tra sức khỏe bạn nhé.

BS.CK1 Đoàn Thị Liễu:

Có lẽ bạn cảm thấy rằng đi lấy máu nhiều nên bạn lo lắng và hơi sợ; liệu có khiến bản thân suy sụp hay không, hay sẽ bị lây nhiễm một bệnh lí ác tính nào…? Xin khẳng định với bạn khi lấy máu hoàn toàn không có một bệnh lí ác tính nào có thể khiến bạn lây nhiễm.

Trong cơ thể chúng ta bình thường mỗi ngày đều có một số tế bào máu chết đi và được thay thế bằng một loạt các tế bào mới. Chỉ với 2-3 cc máu thì không thể nào khiến cơ thể bạn yếu đi mà thậm chí đây còn là cơ hội để cơ thể tái tạo tế bào máu mới tươi trẻ hơn.

9. Đi khám sức khỏe tổng quát cần lưu ý gì?

Những lưu ý trước, trong và sau khi khám sức khỏe tổng quát cần ghi nhớ là gì thưa BS?

BS.CK1 Đoàn Thị Liễu:

Để chuẩn cho một cuộc khám sức khỏe hoàn chỉnh bạn cần lưu ý:

  • Nhịn ăn 8-12 tiếng trước khi đi khám sức khỏe định kỳ giúp kết quả xét nghiệm cho ra được chính xác nhất.
  • Ngoại trừ tiểu đường hoặc các bệnh lí liên quan đến dạ dày cần phải nội soi, bạn không được bất kì loại thuốc nào.
  • Với những ai mắc bệnh tiểu đường: khi đi khám sức khỏe chúng ta cần nhịn đói để thử máu, đôi khi nếu bạn không ăn liền đường huyết lúc này có thể bị hạ xuống, đôi khi sẽ bị ngất giữa chùng. Vì thế nên mang theo thuốc bên mình, lấy máu xong chúng ta có thể uống ngay.
  • Nếu bạn cần nôi soi dạ dày để tìm vi khuẩn helicobacter pylori (Hp) chẳng hạn, nên lưu ý nếu đang uống thuốc về dạ dày ví dụ: omeprazol thì nên ngưng từ 7-10 ngày, với kháng sinh nên ngưng 10 ngày; các loại thuốc liên quan đến tim mạch như: aspirin nên ngưng ít nhất 1 tuần. Tại sao chúng ta cần phải kiêng như vậy? vì khi nội soi có thể các loại thuốc này sẽ làm sai lệch kết quả.
  • Chuẩn bị tư tưởng: nhiều người khi gặp BS thì không thể nhớ được mình đang mắc các bệnh lí nào; hãy cứ bình tĩnh và suy nghĩ sẵn những gì bạn muốn trình bày với BS.
  • Nếu bạn đã từng điều trị ở những nơi khác nếu có toa thuốc hay các kết quả xét nghiệm nào thì nên mang theo để BS có thể hiểu rõ hơn tình trạng của bạn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X