Khám phá vai trò của công tác xã hội trong hiến tạng, chăm sóc giảm nhẹ, nâng cao sức khoẻ tinh thần người bệnh
Phiên chuyên đề Công tác xã hội tại hội nghị Khoa học thường niên Bệnh viện Chợ Rẫy 2025 đã đưa ra góc nhìn mới mẻ về vai trò của công tác xã hội trong quy trình hiến tạng, đồng hành cùng bệnh nhân ung thư nâng cao sức khoẻ tinh thần, chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh… và chính sách bảo hiểm y tế trong hoạt động giúp đỡ người bệnh.
Vừa qua, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tổ chức thành công Hội nghị khoa học thường niên Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2025. Trong khuôn khổ hội nghị, phiên chuyên đề Công tác xã hội (CTXH) với các báo cáo viên đến từ các bệnh viện, trường đại học cùng 2 chủ toạ là PGS.TS Bùi Xuân Mai - Nguyên trưởng khoa CTXH Đại học Lao động - Xã hội và ThS Lê Minh Hiển - Trưởng Phòng CTXH Bệnh viện Chợ Rẫy đã diễn ra sôi nổi khi đề cập đến nhiều góc nhìn về hoạt động CTXH với mục tiêu chính lấy người bệnh làm trung tâm, tạo sự kết nối, gần gũi giữa người bệnh với nhân viên, y bác sĩ trong bệnh viện.

Phòng Công tác xã hội đóng vai trò trung gian giữa đội ngũ y tế và gia đình người hiến tạng
Trong phiên chuyên đề, khi đề cập đến vai trò CTXH trong chương trình hiến ghép mô tạng từ người hiến tại Bệnh viện Chợ Rẫy (BVCR), báo cáo viên Văng Thị Ngọc Bích đặt vấn đề: hiến mô - tạng sau khi qua đời là một nghĩa cử cao đẹp, mang lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân suy tạng.

Năm 2014, Đơn vị điều phối ghép bộ cơ thể người tại BVCR được thành lập, từng bước phối hợp với Phòng CTXH trong chương trình hiến ghép mô - tạng từ người hiến qua đời.
Giải thích vai trò của CTXH trong quy trình hiến tạng, báo cáo viên đưa ra tiến trình bao gồm kết nối thông tin để thân nhân liên hệ khi cần tư vấn, cập nhật tiến độ để gia đình người hiến biết và hợp tác trong quá trình chuẩn bị; ghi nhận ý kiến của gia đình trong việc chuẩn bị hậu sự cho người hiến tạng… Điều đó cho thấy nhân viên phòng CTXH đóng vai trò trung gian quan trọng giữa đội ngũ y tế và gia đình người hiến.
Về phần kiến nghị, báo cáo viên cho rằng cần tăng cường nhân sự tại các khoa có ca chết não, đào tạo chuyên sâu về hiến ghép tạng, đặc biệt là kỹ năng tiếp cận gia đình, song song với đó là thiết lập quy trình phối hợp giữa phòng CTXH và các bộ phận chuyên môn, đẩy mạnh truyền thông cộng đồng với sự tham gia của phòng CTXH. Đồng thời chính thức công nhận vai trò của CTXH trong chương trình hiến ghép tạng.
Phòng Công tác xã hội đồng hành cùng bệnh nhân ung thư nâng cao sức khoẻ tinh thần
Tiếp nối phiên chuyên đề, tác giả Ngô Thị Thanh Thương báo cáo kết quả chương trình Đồng hành cùng người bệnh ung thư của Phòng CTXH Bệnh viện Chợ Rẫy.
Phòng CTXH và Trung tâm Ung bướu, BVCR phối hợp triển khai “Chương trình đồng hành cùng chiến binh K” được tổ chức định kỳ 2 tháng 1 lần bao gồm các hoạt động như giao lưu âm nhạc, đọc sách, thiền chữa lành…

Ngoài ra còn có hoạt động mang tên “Sữa yêu thương” được trao tặng cho bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn không đủ điều kiện bổ sung dinh dưỡng giữa 2 lần hoá trị.
Trong hoạt động này, nhân viên phòng CTXH sẽ đẩy xe bánh-sữa phục vụ người bệnh tại ghế truyền thuốc, giống như “khách ngồi trên ghế máy bay hạng thương gia” được phục vụ đồ ăn dinh dưỡng.

Kết quả trong hoạt động phát bánh sữa cho người bệnh từ năm 2021 đến năm 2024, phòng CTXH đã phục vụ được hơn 27.000 lượt trái cây và hàng trăm ngàn lượt bánh, sữa cho người bệnh tại ghế hoá trị.
Thông qua các hoạt động, Phòng CTXH BVCR đã chăm lo cho những chiến binh K về mặt sức khoẻ tinh thần để người bệnh và gia đình an tâm điều trị.
Vai trò của công tác xã hội trong chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh
Tại buổi báo cáo, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Tùng đang công tác tại trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng sự tương đồng giữa chăm sóc giảm nhẹ và CTXH đều dựa trên một triết lý là chăm sóc và quan tâm đến người khác. Do đó, nhân viên CTXH là cầu nối đóng vai trò quan trọng trong nhóm đa ngành của chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh.
Tác giả nêu định nghĩa chăm sóc giảm nhẹ là một chuyên ngành chăm sóc điều trị và vận dụng những chứng cứ hiện có nhằm ngăn ngừa và giảm nhẹ các đau đớn về thể chất, tâm lý xã hội hay tâm linh mà người mắc bệnh đang phải chịu đựng.
Chăm sóc giảm nhẹ bao gồm: xem bệnh sử người bệnh, triệu chứng, tiền sử xã hội, các dị ứng về thuốc, khám lâm sàng, xem xét các dữ kiện xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và sự tham gia của nhân viên CTXH trong quy trình chăm sóc giảm nhẹ.
ThS Thanh Tùng, nhân viên CTXH phải biết triệu chứng đa chiều nghĩa là triệu chứng không phải về mặt thực thể mà có những triệu chứng đau khổ về mặt tâm lý xã hội và tâm linh.

Kết luận báo cáo, tác giả cho rằng nhân viên CTXH cần nâng cao năng lực chuyên môn trong việc phân tích tác động thực hiện sự thay đổi và phát triển chính sách ở cấp độ địa phương và toàn thể. Từ đó có sự kết nối giữa chăm sóc giảm nhẹ bệnh viện và cộng đồng.
Đội ngũ nhân viên y tế cần phối hợp tốt với hoạt động công tác xã hội
Trong bài báo cáo của ThS Nguyễn Mỹ Linh - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đề cập đến việc đánh giá kiến thức, thái độ, hành vi của nhân viên y tế về CTXH trong bệnh viện.
Tác giả đưa ra vấn đề tại nhiều cơ sở y tế, vai trò của CTXH chưa được nhân viên y tế nhận thức đầy đủ. Những hạn chế về thái độ chưa tích cực hoặc hành vi chưa phù hợp của nhân viên y tế có thể gây khó khăn cho việc triển khai CTXH trong bệnh viện.

ThS Mỹ Linh cho biết đã tiến hành nghiên cứu tại các khoa lâm sàng ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, kết quả cho thấy đa số nhân viên y tế tại bệnh viện có kiến thức thấp về nghề CTXH ở mức cao nhất chiếm 82,98%. Mặc dù nhân viên y tế có thái độ tích cực về nghề CTXH chiếm tỷ lệ 60,18%, tuy nhiên do kiến thức về nghề CTXH còn thấp dẫn đến mức độ tương tác chưa phù hợp với nhân viên CTXH 76,30%.
Do đó, tác giả đưa ra kết luận việc nâng cao kiến thức cho nhân viên y tế về nghề CTXH trong bệnh viện là việc làm cấp thiết. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng cũng như vai trò của các hoạt động CTXH trong bệnh viện.
Chính sách bảo hiểm y tế trong hoạt động giúp đỡ người bệnh
Trong phiên chuyên đề CTXH, ThS Lê Minh Hiển - Trưởng Phòng CTXH BVCR đã thông tin thêm về việc vận dụng chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) trong hoạt động giúp đỡ người bệnh.

ThS Lê Minh Hiển chia sẻ từ năm 2018, Phòng CTXH đã áp dụng linh hoạt các quy định của pháp luật để giúp người bệnh khó khăn tiếp cận được BHYT nhằm giảm gánh nặng chi phí điều trị. Và từ đầu năm 2025, Phòng CTXH đã triển khai mô hình hỗ trợ người bệnh nội trú tham gia BHYT.
Theo mô hình này, người bệnh nội trú chưa có BHYT sẽ được tư vấn, hướng dẫn thủ tục ngay tại Phòng CTXH. Những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn sẽ được Phòng CTXH mua BHYT tặng người bệnh từ nguồn vận động các nhà hảo tâm.
Đáng chú ý, Phòng CTXH đã chủ động kết nối với đơn vị có khả năng hỗ trợ mua thẻ BHYT ở tất cả các tỉnh, thành trên cả nước góp phần giúp những trường hợp ở xa, không có điều kiện quay về địa phương để làm thủ tục. Cách làm này đã góp phần rút ngắn thời gian xử lý, giảm tải thủ tục và mở rộng phạm vi hỗ trợ cho người bệnh.

Trong buổi chuyên đề CTXH còn có các bài báo cáo mang đến góc nhìn đa chiều và thiết thực như: nội dung khảo sát các vấn đề thường gặp của người bệnh nội trú tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu; vai trò của nhân viên CTXH trong việc hỗ trợ người bệnh nghèo tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định hay bài báo cáo thực trạng đào tạo CTXH trong lĩnh vực y tế…
Các nội dung trình bày chuyên sâu trong phiên chuyên đề là dịp để các cán bộ, nhân viên nhìn lại chặng đường 9 năm triển khai Thông tư 43 của Bộ Y tế - một hành trình dài bền bỉ khẳng định vị thế và vai trò của CTXH trong bệnh viện, từ đó, đưa hình ảnh CTXH trong bệnh viện ngày càng được chuyên nghiệp, ý nghĩa và nhân văn trong việc hỗ trợ bệnh nhân vượt qua các khó khăn liên quan đến sức khỏe, tài chính, tâm lý và xã hội.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình