Phó Giám đốc Y khoa, Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn - Bệnh viện phụ sản quốc tế Sài Gòn
Tiêm 3 mũi trợ phổi cách nhau 4 tuần có ảnh hưởng em bé?
Câu hỏi
Kính gửi BS, Vợ em bị nhau tiền đạo trung tâm, xuất huyết và nhập viện. BS chỉ định chích 2 mũi trưởng thành phổi cho thai nhi khi thai 25 tuần 1 ngày. Tới 29 tuần vợ em lại xuất huyết và nhập viện, do BS không biết nên chích thêm một mũi trưởng thành phổi nữa, khi báo là đã chích 2 mũi rồi thì BS nói là ngưng không chích tiếp. Vậy BS cho em hỏi chích với liều lượng như vậy thì có đúng không và có ảnh hưởng gì tới em bé không? Rất mong BS giải đáp giúp. Cảm ơn BS.
Trả lời
Vợ bạn bị nhau tiền đạo trung tâm, bị xuất huyết thời điểm khá sớm lúc 25 tuần. Xử trí tùy thuộc tuổi thai và xuất huyết nhiều hay ít. Nói chung cố gắng điều trị bảo tồn giữ thai càng lớn càng tốt, ít nhất đến khi thai trên 34 tuần nếu không xuất huyết nhiều.
Từ tuổi thai 25-34 tuần tuổi, nếu thai có nguy cơ sanh sớm sẽ được chích thuốc trưởng thành phổi để làm giảm nguy cơ suy hô hấp, xuất huyết não, viêm ruột hoại tử… Thuốc được sử dụng thường có 2 loại: Betamethasone 2 liều 12 mg tiêm bắp cách 24 giờ. Dexamethasone 4 liều 6 mg tiêm bắp cách 12 giờ.
Có thể sử dụng liều duy nhất lặp lại với các chỉ định sau:
1. Lần chích trước vượt quá 2 tuần
2. Có khả năng sanh trong vòng không quá 1 tuần
3. Lần chích trước tuổi thai < 28 tuần.
Với liều lặp lại đối với em bé mới sinh: giảm suy hô hấp và giảm một số biến chứng nặng.
Với sản phụ: không làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ối, nhiễm trùng sau sanh.
Với em bé sau này: không khác nhau đáng kể về có hại cũng như có lợi. Hiện nay việc chích thuốc kích thích trưởng thành phổi lập lại hay không cũng còn tranh cãi và áp dụng tùy trường hợp và tùy phác đồ của từng bệnh viện.
Như vậy việc chích lập lại một liều kích thích trưởng thành phổi cho thai của vợ bạn là phù hợp, có thể có lợi nếu em bé phải chấm dứt thai kỳ sớm.
Thân mến.
Trong trường hợp thai nhi có nguy cơ sinh non, các bác sĩ sẽ chỉ định tiêm trưởng thành phổi nhằm mục đích giúp phổi của trẻ phát triển nhanh chóng hơn, giảm nguy cơ biến chứng và tử vong. Để mang lại hiệu quả tốt nhất, thuốc trợ phổi nên được tiêm ít nhất 24 giờ trước khi sinh và không quá 1 tuần trước ngày em bé chào đời. Tiêm trường thành phổi thường được áp dụng cho phụ nữ mang thai từ 24-34 tuần có nguy cơ sinh non trong vòng 7 ngày. Mẹ bầu được tiêm thuốc trợ phổi phải nhập viện để bác sĩ theo dõi. Ngay khi có dấu hiệu dọa sinh non, mẹ nên nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị sớm. Tùy từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng thuốc giảm cơn gò tử cung hoặc tiêm trưởng thành phổi.Ngoài những trường hợp dọa sinh non, tiêm trưởng thành phổi cũng được chỉ định trong những trường hợp suy dinh dưỡng bào thai, mẹ bầu lớn tuổi, trường hợp đa thai… Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ, tìm hiểu những ưu, khuyết điểm trước khi quyết định tiêm thuốc. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình