Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương
Tại sao không tăng cân, chán ăn sau khi hiến máu?
Câu hỏi
BS ơi, Em đã hiến máu 6 lần nhóm máu O, không thấy tăng cân, nhưng mỗi lần hiến xong em cảm thấy như mình bị chán ăn, ăn không vào và không thấy ngon ạ.
Trả lời
Có thể có hiện tượng tăng cân nhẹ sau hiến máu. Đó là do nguyên tắc bù trừ của cơ thể, nếu mỗi ngày cơ thể mất 1 lượng nhỏ máu thì không có vấn đề gì, nhưng khi đi hiến máu, cơ thể sẽ mất 1 lượng máu lớn hơn bình thường, điều này sẽ thúc đẩy cơ thể tăng tốc tổng hợp bù đắp lượng máu bị thiếu.Khi tăng tốc sẽ có quán tính, cơ thể thiếu có ngần này nhưng do có quán tính sẽ tăng gấp đôi, gấp ba. Vì thế việc tăng 1 – 2 kg sau hiến máu là việc bình thường.
Tuy nhiên, không phải người nào cũng giống người nào, có người sụt cân nhẹ sau hiến máu, có người không thay đổi cân nặng. Vì thế, nếu muốn hiến máu để tăng cân là việc sai lầm. Hiện tại chỉ số khối cơ thể của em tính toán dựa trên chiều cao và cân nặng em cung cấp là 18,55 kg/m2, so với tiêu chuẩn của thế giới nói chung và của dân châu Á nói riêng là sát mốc thiếu cân (18,5 kg/m2), sau khi hiến máu em còn bị chán ăn thì không nên hiến máu nữa.
Có nhiều nguyên nhân gây suy dinh dưỡng ở người trẻ, như viêm teo dạ dày, bệnh nội tiết (ví dụ cường giáp), bệnh tự miễn, nhiễm giun sán, viêm nhiễm mạn tính, chán ăn tâm thần (như trầm cảm)... Em cần đến khám tại chuyên khoa Nội tiết, chuyên khoa Tiêu hóa, chuyên khoa Tâm thần để được kiểm tra kỹ, xác định rõ chẩn đoán nguyên nhân và điều trị thích hợp.
Song song đó, em cần tăng độ dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn bằng cách bổ sung thêm sữa cao năng lượng (tức là giàu dinh dưỡng) và nên bổ sung thêm vi khoáng chất (Berocca, Vitamin 3B, vitamin C...), ăn thực phẩm dễ tiêu tránh thực phẩm cay nóng nhiều dầu mỡ, tránh thức khuya, ngủ đủ giấc, không hút thuốc lá, không bia rượu, không cafe.
Thân ái.
Hiến máu nhân đạo như một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, sự sẻ chia đối với những người đang cần máu để duy trì sự sống. Hiến máu không có hại cho sức khỏe nếu được thực hiện đúng quy trình. Lượng máu hiến sẽ được mang đi xét nghiệm trước khi dùng để truyền cho người khác. Có 4 nhóm máu chính là A, B, AB, và O. Không phải máu hiến từ bất cứ nhóm nào cũng phù hợp với người nhận. Cơ thể mỗi người chỉ có thể tiếp nhận một nhóm máu nhất định do mỗi loại máu có các kháng nguyên riêng. Những kháng nguyên này nằm trên bề mặt tế bào, đóng vai trò xác định xem liệu nhóm máu được truyền có phù hợp với hệ miễn dịch của cơ thể hay không. Hệ miễn dịch sẽ tạo ra kháng thể để chống lại kháng nguyên không phù hợp, từ đó giúp bảo vệ cơ thể. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình