Hotline 24/7
08983-08983

Tai bị ù và chảy mủ, có nên dùng thuốc nhỏ do bác sĩ kê?

Câu hỏi

Chào bác sĩ, Mình có tai trái bị lực tác động mạnh vào dẫn đến ù và chảy máu, chảy mủ, uống thuốc kháng sinh vài hôm thấy đỡ đau nhưng lại bị tái lại. Đi chụp bác sĩ bảo viêm tai lâu ngày dễ bị hỏng tai và có đưa thuốc nhỏ tai Illixime 0.3%, Ofloxacin 5ml. Vậy mình có dùng được không ạ? Cảm ơn bác sĩ.

Trả lời
Tai bị ù, có chảy dịch. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Tai bị ù, có chảy dịch. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Chào em,

Triệu chứng ù tai, chảy mủ tai là triệu chứng của nhiễm trùng trong tai, tuy nhiên, cần phải xác định là viêm tai ngoài hay viêm tai giữa, màng nhĩ có thủng chưa, bởi vì việc điều trị và tiên lượng rất khác nhau.

Theo thông tin em cung cấp thì tôi không biết em có từng khám bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng chưa, có soi tai bao giờ chưa, có hút rửa dịch mủ chưa, ai là người kê kháng sinh lúc đầu cho em (có phải tự mua thuốc ở nhà thuốc Tây hay không), đi chụp phim gì và bác sĩ lần khám thứ hai này có soi tai cho em hay không?

Đúng là điều trị viêm tai có thể dùng thuốc uống hoặc thuốc nhỏ tai, có khi phối hợp cả hai; và cũng đúng là viêm tai lâu ngày có thể gây giảm thính lực vĩnh viễn (điếc) nếu điều trị không đúng.

Tuy nhiên, vì tôi không rõ quá trình em thăm khám và điều trị ra sao, viêm tai ngoài hay viêm tai giữa, màng nhĩ có thủng chưa, cho nên tôi không thể đưa ra kết luận về việc điều trị của em được. Nếu bác sĩ đã khám cho em là bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng, đã tiến hành soi tai an toàn, thì em cứ yên tâm điều trị và tái khám theo hẹn (lần này nhớ lấy rõ thông tin về tình trạng bệnh), còn ngược lại thì nên đến bệnh viện khám lại tại chuyên khoa Tai Mũi Họng cho chắc, em nhé.

Thân mến.
Mời tham khảo thêm:
Viêm tai ngoài hay còn gọi là viêm khoang tai ngoài. Đây là nhiễm trùng lớp da mỏng ở khoang tai, thường là do vi khuẩn hoặc trong một số trường hợp hiếm có thể do nấm. Khoang tai bao gồm từ màng nhĩ đến phần bên ngoài tai. Viêm tai ngoài thường xuất hiện vài ngày sau khi bạn đi bơi và có thể cấp tính hoặc mạn tính.

Các dấu hiệu viêm tai ngoài bao gồm:

- Đau tai và đau nhiều hơn khi kéo dái tai hoặc khi ấn vào tai;
- Ngứa trong tai;
- Sốt nhẹ (thỉnh thoảng);
- Mủ chảy ra từ trong tai;
- Mất thính lực tạm thời;
- Đôi khi có cục u hoặc mụn nhọt nhỏ gây đau trong khoang tai. Những nhọt này có thể gây đau đớn dữ dội. Nếu chúng vỡ ra, một lượng nhỏ máu hoặc mủ có thể chảy ra từ trong tai.

Trong hầu hết các trường hợp, bạn sẽ cần phải sử dụng thuốc nhỏ viêm tai ngoài chứa kháng sinh trong 10 đến 14 ngày.

Phương pháp điều trị khác có thể bao gồm:

- Uống thuốc kháng sinh nếu bạn bị nhiễm trùng tai giữa hoặc nhiễm trùng lan ra ngoài tai;
- Dùng corticosteroid để giảm ngứa và viêm;
- Dùng thuốc giảm đau
- Nhỏ giấm (axit acetic) vào tai;
- Chườm nước ấm có thể giúp giảm những cơn đau nhẹ.

Không được để ướt khoang tai trong vòng 7-10 ngày sau khi tất cả triệu chứng đã biến mất.

Những người bị viêm khoang tai ngoài mãn tính có thể cần điều trị lâu dài hoặc tái khám thường xuyên để tránh các biến chứng.

Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến viêm tai ngoài:

- Tránh để nước vào tai bằng cách đeo nút bịt lỗ tai hoặc mũ bơi khi đi bơi;
- Gọi bác sĩ nếu các cơn đau kéo dài mặc dù đã điều trị hoặc nếu tai có cảm giác bị tắc;
- Dùng thuốc nhỏ tai theo đúng theo chỉ dẫn;
- Gọi bác sĩ nếu cơn đau trở nên nghiêm trọng và không thuyên giảm khi dùng thuốc không kê toa;
- Gọi bác sĩ nếu bạn bị sốt sau khi bắt đầu điều trị.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X