Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương
Phổi biệt lập trong thùy là bệnh gì?
Câu hỏi
Chào bác sĩ. Tôi được chẩn đoán cháu bị phổi biệt lập trong thùy dưới phổi phải với kích thước 2.8x4.1x5.1cm. Bác sĩ cho tôi hỏi đây là bệnh như thế nào, nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách điều trị. Xin cám ơn bác sĩ!
Trả lời
Chào bạn,
Phổi biệt lập là một rối loạn phát triển thời kỳ bào thai dẫn đến hình thành một khối kén mô phổi không có chức năng, khối này được nuôi dưỡng bởi một động mạch bất thường.
Có hai loại phổi biệt lập: trong thùy chiếm khoảng 75% và ngoài thùy chiếm khoảng 25%.
Phổi biệt lập trong thùy: được giới hạn trong nhu mô phổi bình thường, hay gặp ở vị trí phân thùy đáy sau của thùy dưới cạnh cột sống cũng có thể lan tới các phân thùy phổi liền kề và không có màng phổi riêng bao bọc. Khối kén mô phổi này không có chức năng, được nuôi dưỡng bởi một động mạch hệ thống bất thường xuất phát từ động mạch chủ bụng. Tĩnh mạch hồi lưu đổ về nhĩ trái qua hệ tĩnh mạch phổi. Tổn thương do mắc phải, có thể do tắc nghẽn phế quản và viêm phổi sau tắc nghẽn mạn tính.
Phổi biệt lập ngoài thùy: là tổn thương kiểu thùy phổi phụ được bao bọc bởi màng phổi riêng. Có sự phân chia hoàn toàn giữa tổn thương và nhu mô phổi xung quanh. Vị trí tổn thương có thể nằm giữa thùy dưới và vòm hoành bên trái (90% số trường hợp) hoặc phần trên của bụng. Tổn thương ở phổi trái gặp nhiều hơn phổi phải, có khi tiếp giáp với thực quản và có thể có đường rò. Khối mô phổi biệt lập được cấp máu bởi động mạch bất thường, thường là động mạch lạc chỗ xuất phát từ động mạch chủ ngực. Thể bệnh này cũng thường đi kèm với các bất thường khác của cơ thể như thoát vị hoành bẩm sinh bệnh tim bẩm sinh, bất thường cột sống... Do khối kén mô phổi được bao bọc bởi màng phổi riêng, vì vậy ít xuất hiện tình trạng nhiễm khuẩn, hầu như chỉ biểu hiện là một khối mô mềm thuần nhất.
Phương pháp điều trị
Điều trị phổi biệt lập trong thùy nói riêng và phổi biệt lập nói chung thì phương pháp điều trị phẫu thuật cắt bỏ phổi biệt lập là phương pháp duy nhất và triệt để nhất.
Nguyên tắc phẫu thuật cắt bỏ phổi biệt lập trong thùy: cắt bỏ tổ chức phổi biệt lập cùng với thùy mà phổi biệt lập nằm trong đó. Người ta có thể cắt riêng tổ chức phổi biệt lập mà vẫn giữ lại tổ chức phổi lành xung quanh, nhất là trong trường hợp tổ chức phổi biệt lập chưa có nhiễm khuẩn. Phải cắt cả phổi biệt lập lẫn thùy phổi chứa phổi biệt lập khi phổi biệt lập đã bị nhiễm khuẩn lan ra xung quanh phần thùy phổi khác.
Bệnh phổi biệt lập thường chỉ có các triệu chứng không đặc hiệu như ho, ho ra máu, đau ngực, vì vậy, bệnh nhân cần phối hợp tốt với bác sĩ chuyên khoa hô hấp để thực hiện thêm các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ để phát hiện sự hiện diện của động mạch nuôi khối kén mô phổi là chẩn đoán xác định bệnh.
Gia đình trao đổi thêm với bác sĩ chuyên khoa hô hấp để có hướng theo dõi và điều trị bệnh thích hợp cho trẻ, bạn nhé.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình