Bác sĩ khoa Gây mê hồi sức - Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn
Làm sao để giảm nguy cơ nhiễm bức xạ cho trẻ khi chụp CT?
Câu hỏi
Kính chào BS, Con gái cháu 7 tuổi, cách đây 7 tháng bé ngã đập mặt xuống nền gạch, bị sưng to ở gần vùng mắt. Cháu chườm đá lạnh cho bé, một vài ngày sau thì hết sưng cũng không có biểu hiện chóng mặt, đau đầu hay buồn nôn, nên cháu không đưa bé đi khám. Khoảng 3 tuần sau bé hay kêu chóng mặt vào buổi chiều, cháu đưa bé đi khám ở bệnh viện. BS chỉ đinh chup CT não, nhưng không phát hiện chấn thương sọ não. Sau đó thỉnh thoảng bé cũng kêu chóng mặt. Cách đây 2 tháng, bé bị chóng mặt buồn nôn, sốt nhẹ. Cháu lại cho bé đi bệnh viện. BS lại chỉ định chụp CT não lần 2, mặc dù biết bé chụp cách đó 4 tháng rồi. Nhưng không phát hiện chấn thương gì mà bé bị sốt virut và thiếu máu. Sau này cháu được biết chụp CT não ở trẻ sẽ tăng nguy cơ ung thư não và bệnh bạch cầu. Cháu rất lo lắng. AloBacsi cho cháu hỏi: - Việc chụp CT não cho trẻ 2 lần trong vòng 4 tháng như vậy có đúng không? Có ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình trạng sức khỏe của bé như thế nào? - Làm thế nào để hạn chế những tác hại của chụp CT đối với bé? Cháu có nên cho bé uống thuốc gì không? Cảm ơn BS rất nhiều. (Nguyễn Thiên Lý - suoithieng…@gmail.com)
Trả lời
Chào chị Lý,
Trước hết AloBacsi xin chia sẻ nỗi lo của chị cũng như các bậc làm cha mẹ khác khi gặp tình huống con mình phải dùng đến X quang hay CT scan để hỗ trợ trong chẩn đoán bệnh.
Để hiểu rõ nguy cơ dùng tia bức xạ trong chẩn đoán, một số khái niệm cơ bản về tia X và CT scans mà chúng ta nên biết như sau:
- Tia X (X quang) là tia bức xạ ion không thể nhìn thấy khi đi qua cơ thể sẽ được biến đổi bởi các mô khác nhau để tạo ra hình ảnh 2 chiều của nhiều cơ quan trong cơ thể.
- CT scans sử dụng tia X phát ra từ một nguồn xoay quanh cơ thể để tạo ra hình ảnh 3 chiều của cơ thể. CT scans có thể cung cấp những thông tin quan trọng về bất thường bệnh lý ở trẻ, nhưng trẻ cũng sẽ bị phơi nhiễm nhiều tia bức xạ hơn chụp X quang đơn thuần.
Bao nhiêu bức xạ được dùng cho mỗi lần chụp?
Tất cả chúng ta đều phơi nhiễm với một lượng nhỏ bức xạ mỗi ngày từ đất, đá, vật liệu xây dựng, không khí, nước và bức xạ từ vũ trụ. Đây được gọi là bức xạ nền tự nhiên. Bức xạ dùng trong chụp X quang, CT scans có thể so sánh với bức xạ nền mà chúng ta phơi nhiễm hàng ngày. Sự so sánh này giúp chúng ta hiểu liều bức xạ tương đối đến bệnh nhân khi chụp như sau:
Nguồn bức xạ Ngày theo bức xạ nền Nguy cơ ung thư
Nền 1 ngày
Chụp X quang đơn thuần 1 ngày không đáng kể
Chụp CT đầu 8 tháng Rất thấp
Chụp CT đầu lập lại 16 tháng Thấp
Chụp CT bụng 20 tháng Thấp
Nguy cơ gì từ bức xạ sử dụng trong y khoa?
Không có bằng chứng kết luận bức xạ từ chẩn đoán X-quang gây ung thư. Tuy nhiên, một số nghiên cứu trên quần thể lớn tiếp xúc với bức xạ có biểu thị tăng nhẹ nguy cơ ung thư ngay cả phơi nhiễm bức xạ ở mức thấp, đặc biệt là ở trẻ em.
Nguy cơ bức xạ gây ung thư nên đánh giá dựa trên nguy cơ thống kê phát triển ung thư trong toàn bộ dân số. Nguy cơ tổng thể tử vong gây ra do ung thư trong suốt một đời người ước tính là 20-25%. Cứ mỗi 1000 trẻ em, có 200-250 trẻ cuối cùng chết vì ung thư nếu chưa bao giờ tiếp xúc với tia bức xạ sử dụng trong y khoa. Ước tính nguy cơ tăng ung thư trên một đời người từ một lần chụp CT scan duy nhất còn tranh cãi, nhưng ước tính chỉ là một phần rất nhỏ trong nguy cơ này (0.03- 0.05%).
Những ước tính trong dân số chung không biểu thị nguy cơ trực tiếp cho một đứa trẻ. Thông tin này chỉ ra rằng nguy cơ phát triển ung thư liên quan đến một lần chụp CT rất nhỏ, nhưng một số nguy cơ có thể được tích lũy.
Làm thế nào để giảm thiểu nguy cơ bức xạ cho trẻ?
Có nhiều cách để bảo đảm rằng trẻ phơi nhiễm với số lượng nhỏ nhất từ bức xạ trong chẩn đoán hình ảnh theo liệt kê dưới đây:
- Chỉ định chụp khi có lợi ích rõ ràng về y khoa
- Sử dụng liều bức xạ thấp nhất
- Tránh chụp nhiều lần
- Sử dụng kỹ thuật hình ảnh khác (Siêu âm hoặc MRI) khi có thể
Tóm lại, rất khó đo lường chính xác nguy cơ, nhưng nguy cơ phát triển ung thư cũng chỉ tăng nhẹ nếu có phơi nhiễm với bức xạ trên mức nền bức xạ trong tự nhiên. Nguy cơ không giống nhau cho tất cả mọi người; nữ nhạy ảnh hưởng tia bức xạ hơn nam, trẻ em nhạy hơn so với người lớn. Một số người có khác biệt về di truyền gây ảnh hưởng bởi tia bức xạ hơn người khác.
Hiện nay tất cả BS chẩn đoán hình ảnh đều được qua đào tạo để chỉ dùng một liều bức xạ tối thiểu đủ cho chất lượng hình ảnh cao với nguy cơ ảnh hưởng ít nhất.
Như vậy, chị an tâm và không quá lo lắng về trường hợp con của mình. Hãy chăm sóc con với chế độ dinh dưỡng đầy đủ dưỡng chất và tạo môi trường tốt trong gia đình để trẻ phát triển tốt về tư duy và thể chất nhé.
AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa. AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết. Chân thành cảm ơn. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình