Bác sĩ cấp cứu - Bệnh viện Sài Gòn ITO, Bệnh viện quận 1, TPHCM
Gia đình tôi không có ai mắc bệnh hen thì bé có khả năng bị hen không BS?
Câu hỏi
Thưa BS, Con trai tôi 5 tuổi, vừa qua cháu bị ho nhiều và thở khò khè, hơi sốt nhẹ. Tôi đưa đi khám BS thì được kết luận viêm tiểu phế quản co thắt. 3 hôm sau cháu đỡ hơn, tôi cho cháu đi kiểm tra tại BS khác thì BS lại nói con tôi bị hen (theo BS này bây giờ y khoa không sử dụng thuật ngữ "viêm phế quản co thắt" nữa) và cho thuốc điều trị dự phòng hen. Gia đình tôi không có ai bị bệnh hen, từ khi mới sinh đến nay cháu mới chị bị triệu chứng này 2 lần (14/11/2010 và lần này 28/11/2011). Mũi cháu hay bị dị ứng thời tiết. BS làm ơn cho tôi hỏi: 1. Con tôi như vậy có phải bị bệnh hen không? Để kiểm tra cháu có phải bị hen không thì tôi nên đưa cháu tới đâu và phải làm những xét nghiệm gì? 2. Trường hợp cháu không phải bị hen nhưng lại điều trị dự phòng hen thì thuốc điều trị có ảnh hưởng không tốt (tác dụng phụ) tới sức khỏe của cháu như thế nào? Xin chân thành cảm ơn BS. (Nhat Minh-HN)
Trả lời
Chào bạn,
Bệnh hen vẫn có thể xảy ra ở những bé hoàn toàn trong gia đình không có ai có tiền căn mắc bệnh hen.Con bạn có tiền căn viêm mũi dị ứng là một yếu tố thuận lợi để khởi phát cơn hen.
Để nghĩ đến bé bị hen phải có những triệu chứng sau:
- Triệu chứng điển hình: ho, khò khè, khó thở, nặng ngực nhưng thực tế không phải bé nào cũng có đầy đủ các triệu chứng này.
- Ho kéo dài hoặc ho từng cơn
- Ho tái đi tái lại, ho tăng về đêm và lúc sáng vừa ngủ dậy, ho tăng khi thay đổi thời tiết.
- Có triệu chứng khò khè, khó thở về đêm
- Tiền căn viêm mũi dị ứng, nổi mề đay, tiền căn gia đình
- Kết hợp đo chức năng hô hấp và thử dùng thuốc giãn phế quản.
Bạn nên đưa bé đến BV Nhi Đồng khám chuyên khoa hô hấp để khám và làm xét nghiệm đo chức năng hô hấp, sau khi có kết quả BS sẽ tư vấn cho bạn cách chữa trị và phòng ngừa cho bé.
Khi đã chẩn đoán chắc chắn bé bị hen, cần được phân độ hen, vì dựa vào phân độ hen sẽ có hướng điều trị khác nhau. Khi hen bậc 2 trở lên thì ngoài thuốc cắt cơn Ventolin dạng xịt hoặc phun khí dung và Corticoide còn sử dụng thuốc điều trị phòng ngừa.
Điều trị phòng ngừa là tránh các yếu tố khởi phát cơn hen trên và dùng thuốc dự phòng (uống và xịt). Chỉ định sử dụng thuốc xịt phòng ngừa khi có chẩn đoán chắc chắn là hen bậc 2 trở lên hoặc bé lên cơn khò khè, khó thở trên 1 lần trong một tuần, hoặc bé có cơn hen trên 2 lần trong một tháng, hoặc bé phải dùng thuốc cắt cơn hen mỗi ngày.
Do vậy, thuốc xịt dự phòng cần được dùng đúng chỉ định, đúng bệnh, đúng thời gian và phải được BS điều trị theo dõi chặt chẽ để đánh giá lại cơn hen và giảm liều thuốc từ từ, tuyệt đối không được ngưng thuốc đột ngột.
Khi không phải bệnh hen thì không nên dùng thuốc này, vì không giải quyết được nguyên nhân gây bệnh của bé mà còn tốn kém về kinh tế. Tất cả các loại thuốc đều có tác dụng phụ, nhưng thuốc dự phòng dạng xịt được xem là tương đối an toàn hơn các thuốc đường uống hoặc tiêm.
BS chúc bé mau sớm khỏi bệnh!
AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa. AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết. Chân thành cảm ơn. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình