Hotline 24/7
08983-08983

Đau nhức khớp do Lupus ban đỏ, điều trị như thế nào?

Câu hỏi

Chào AloBacsi, Em là bệnh nhân bị Lupus ban đỏ hệ thống, nhờ bác sĩ tư vấn về bệnh. Năm 2017 có khám điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện tại đang khám điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất, nhưng hiện tại bị đau nhức khớp, nhờ bác sĩ tư vấn.

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Đau nhức khớp do Lupus ban đỏ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Đau nhức khớp do Lupus ban đỏ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em,

Lupus ban đỏ hệ thống, hay còn được gọi tắt là lupus (SLE- Systemic Lupus Erythematosus), là một bệnh tự miễn trong đó hệ thống miễn dịch của con người tấn công chính những cơ quan và các tế bào của cơ thể, làm chúng bị tổn thương và rối loạn chức năng.

Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh lý của mô liên kết có tổn thương nhiều cơ quan do hệ thống miễn dịch của cơ thể bị rối loạn, đặc trưng bởi sự có mặt của kháng thể kháng nhân và nhiều tự kháng thể khác. Các cơ quan thường bị tổn thương bao gồm khớp, da, cơ, thận, tế bào máu, tim, phổi, thần kinh…

Như vậy, triệu chứng đau nhức khớp có thể là do bệnh Lupus đang trở nặng và hệ miễn dịch đang tấn công lên khớp, cũng có thể là đau khớp do nguyên nhân khác (ví dụ như chấn thương khớp, gout...). Do đó, em cần báo với bác sĩ đang điều trị cho em, để bác sĩ kiểm tra lại tình trạng bệnh và điều trị thích hợp tương ứng, em nhé.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Lupus ban đỏ hệ thống hay lupus ban đỏ là bệnh tự miễn, làm viêm mô liên kết và có thể tổn hại đến các cơ quan khác trong cơ thể. Bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch tự sản xuất kháng thể tự tấn công vào các cơ quan trong cơ thể. Bệnh ảnh hưởng đến khớp, da, phổi, tim, mạch máu, thận, hệ thần kinh và tế bào máu. Lupus ban đỏ còn gây ra hiện tượng Raynaud (tình trạng mạch máu bị co thắt lại khiến ngón tay, ngón chân, tai và mũi bị đau và tím tái).

Bệnh
lupus ban đỏ thường có hai giai đoạn bệnh nặng và nhẹ xen kẽ nhau. Đa số các trường hợp nhiễm bệnh không có ảnh hưởng gì đến cuộc sống.

Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được rõ, nhưng yếu tố môi trường và di truyền có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Người tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc sống trong môi trường bị phơi nhiễm virus, hoặc thường gặp stress có nguy cơ mắc bệnh. Hormone và giới tính cũng là một phần nguyên nhân. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng hormone estrogen có vai trò trong việc hình thành bệnh.

Khi mắc bệnh, chúng ta thường lo lắng, không biết mình mắc bệnh có nặng không. Tương tự vậy, người mắc bệnh lupus thường có hai vấn đề họ luôn quan tâm: bệnh lupus ban đỏ có chữa được không? và người mắc bệnh lupus ban đỏ sống được bao lâu?

Trên thực tế, vẫn chưa có một phương pháp nào giúp điều trị hoàn toàn bệnh lupus ban đỏ. Việc điều trị chỉ giúp giảm nhẹ các triệu chứng, từ đó bạn có thể sống thêm ít nhất 10 năm, thậm chí cũng có người sống lâu bằng người khỏe mạnh. Điều quan trọng là bạn cần phải tuân theo mọi hướng dẫn của bác sĩ để cải thiện bệnh tốt hơn.

Bạn có thể kiểm soát tốt tình trạng bệnh của mình nếu bạn lưu ý vài điều dưới đây:

- Không hút thuốc. Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và có thể làm trầm trọng thêm các tác động của lupus về tim và mạch máu của bạn;
- Có chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung vitamin D và omega-3. Đôi khi bạn cần kiêng cữ trong chế độ ăn uống, đặc biệt là nếu huyết áp cao, suy thận hoặc gặp các vấn đề tiêu hóa;
- Tập thể dục đều đặn để cơ thể tăng sức dẻo dai và đề kháng tốt hơn;
- Tránh tiếp xúc ánh nắng trực tiếp. Bạn có thể dùng kem chống nắng có SPF 50 hoặc cao hơn nếu bắt buộc phải đi ra ngoài;
- Nghỉ ngơi vừa đủ. Nếu bị lupus ban đỏ hệ thống, bạn sẽ thấy mệt ngay cả khi cơ thể không cần nghỉ ngơi, do đó, bạn chỉ nên nghỉ vừa đủ và cố gắng vận động nhẹ nhàng thay vì nằm;
- Dùng thuốc theo chỉ dẫn. Gọi bác sĩ nếu gặp tác dụng phụ của thuốc.

Lupus ban đỏ thường gặp ở nữ giới. Đây là một bệnh tự miễn và biểu hiện bệnh rất đa dạng, do đó đôi khi chẩn đoán bệnh rất khó khăn. Điều trị bệnh chủ yếu là sử dụng nhóm thuốc ức chế miễn dịch. Khi bệnh bùng phát, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc theo phác đồ tấn công trong 6-8 tuần cho đến khi lui bệnh và chuyển sang phác đồ điều trị duy trì. Các thuốc ức chế miễn dịch có nhiều tác dụng phụ, do đó bạn nên sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ và tái khám thường xuyên ngay cả khi lui bệnh.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X