Hotline 24/7
08983-08983

Đau mỏi vai gáy và tê tay khi ngủ, có nên chụp MRI không?

Câu hỏi

Chào bác sĩ, Tôi bị lồi cột sống cổ, đau vai gáy và hẹp lỗ liên hợp (năm 2011 đã điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM). Hiện nay tôi không thấy đau cột sống cổ, nhưng đau mỏi vai gáy và tê tay khi ngủ buổi tối. Xin hỏi bác sĩ có cần chụp MRI không? Bệnh này có thể chữa bằng cấy chỉ được không? Cảm ơn bác sĩ. Tiền sử bệnh: - Lồi đốt sống cổ (3 đốt) theo kết quả chụp MIR năm 2015 - Gai gót chân (kết quả Xquang năm 2016) - Hẹp lỗ liên hợp, thoái hóa cột sống cổ (kết quả chụp Xquang năm 2011) - Mỡ máu (kết quả xét nghiệm năm 2011) - Rối loạn tiền đình, thiểu năng tuần hoàn não (bác sĩ Bệnh viện quận Tân Phú chẩn đoán năm 2018 và đầu năm 2019).

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Đau vai gáy. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Đau vai gáy. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Nguyên nhân đau vai gáy rất đa dạng như do tư thế xấu trong sinh hoạt gây mất đường cong sinh lý (cột sống cổ phải cong về phía trước để cân bằng); các bệnh lý cơ xương khớp (thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, hẹp ống sống...); căng cơ (gây ra do stress và căng thẳng thần kinh)...

Đau vai gáy thường xuất hiện khi người bệnh ngủ dậy hoặc khi kết thúc ngày làm việc mệt mỏi. Cơn đau càng tăng khi người bệnh thực hiện các hoạt động cổ hoặc tiếp xúc với môi trường lạnh. Nếu để lâu không điều trị, cơn đau có thể lan rộng sang bả vai, cánh tay hoặc đỉnh đầu. Bệnh rất dễ tái phát nếu không chú ý tập vật lý trị liệu hàng ngày.

Do đó, bạn nên quay lại bệnh viện có chuyên khoa Cơ Xương Khớp hoặc Ngoại Thần kinh để bác sĩ hướng dẫn phương pháp tập luyện và dùng thuốc giảm đau, trong trường hợp không đáp ứng hoặc nghi ngờ nguyên nhân khác nữa sẽ tiến hành chụp MRI lại để xem xét chỉ định phẫu thuật bạn nhé!

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Đau vai gáy là đau tại vị trí cổ (gáy), không lan đi nơi khác (không lan xuống cánh tay). Đau vai gáy khác một chút với đau căng cơ cổ - vốn thường chỉ đau trong thời gian ngắn.

Điều trị đau vai gáy có nhiều phương pháp khác nhau tùy thuộc triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh. Nếu bạn bị chấn thương, nên chườm đá lên cổ và đi khám bác sĩ ngay lập tức. Điều trị ban đầu thường là các thuốc giảm đau và kháng viêm. Bạn cũng có thể được tư vấn dùng nẹp cổ tạm thời để hỗ trợ. Mang nẹp cổ là cách giúp cơ cổ và vai được nghỉ ngơi và lành thương.

Nếu nguyên nhân là do căng thẳng, bạn có thể được điều trị tại nhà. Đầu tiên là dùng các thuốc kháng viêm không kê toa như ibuprofen để giảm sưng. Những thuốc này cũng giúp cơ thư giãn và giảm đau. Bạn cũng có thể chườm nóng để làm giãn cơ.

Nếu ngồi làm việc lâu tại công sở hay tại nhà, bạn nên chú ý phòng ngừa đau vai gáy. Hãy bảo đảm rằng ghế ngồi có hỗ trợ lưng. Chân nên được thả lỏng và đặt dưới sàn phẳng, đầu gối cong thành một góc vuông. Chỉnh tay vịn ghế sao cho khuỷu tay và cẳng tay thả lỏng trên ghế. Đặt cẳng tay trên máy tính nếu bàn phím trên mặt bàn. Nếu bàn của bạn quá cao, bạn cần một vật kê chân để ngồi thoải mái và an toàn.

Nếu bạn bị gù lưng, tập xoa bóp và kéo giãn cơ sẽ giúp thư giãn vùng cơ vai-cổ. Kéo căng cơ vùng lưng để lấy lại cân bằng cho cơ thể. Cơn đau gây ra do gù sẽ đau hơn khi bạn ngồi hoặc đứng một tư thế quá lâu, nhưng đau sẽ giảm khi bạn bắt đầu vận động.

Đau vai gáy là bệnh lý về cơ xương thường gặp. Đau vai gáy do nguyên nhân chấn thương thường không nhiều, ngược lại các nguyên nhân tiềm ẩn khó phát hiện hơn như stress hay vận động, ngồi sai tư thế kéo dài là những nguyên nhân thường gặp nhất gây đau vai gáy. Thực hiện các tư thế đúng và tránh ngồi lâu (như đứng lên đi lại mỗi 30 phút) là cách đơn giản nhất để phòng ngừa đau vai gáy ở những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X