Hotline 24/7
08983-08983

Chùm câu hỏi về triệu chứng đau tinh hoàn

Câu hỏi

Kính thưa bác sĩ, Em đang bị hiện tượng đau buốt đầu dương vật khi đi tiểu. Bình thường lâu lâu cũng nghe buốt. Có chảy dịch vàng nhạt từ lỗ sáo và không có mùi. Xung quanh dương vật không có xuất hiện triệu chứng khác. Lâu lâu nghe nhức nhẹ tinh hoàn. Em bị 3 ngày rồi. Em xin hỏi bác sĩ em đang bị bệnh gì? Em không có quan hệ tình dục bừa bãi. Chỉ có quan hệ với vợ thôi. (Thach Nguyen - nguyen…@yahoo.com)

Trả lời

Bạn Thach Nguyen thân mến,

Các dấu hiệu mà bạn kể hướng tới viêm nhiễm của niệu đạo, tinh hoàn/mào tinh hoàn. Nguyên nhân thường gặp là Chlamydia trachomatis hoặc lậu cầu. Bạn cần khám chuyên khoa Tiết niệu hoặc Nam học để tìm nguyên nhân chính xác và điều trị triệt để, tránh để trở thành mạn tính. Càng để lâu, càng khó chữa dứt điểm bạn nhé.

Chúc bạn khẩn trương.

 

Chào bác sĩ,


Em bị đau tinh hoàn và ở đuôi tinh hoàn xuất hiện một đường gân nổi ngoằn ngèo. Em đã đi khám ở bệnh viện Việt Đức, sau khi làm các xét nghiệm và siêu âm BS kết luận bình thường. Giờ em vẫn bị đau tinh hoàn và lan cả xuống đùi trái. Đường gân nổi ngoằn ngèo ở đuôi tinh hoàn vẫn còn. Vậy em bị làm sao? Em mong bác sĩ giúp em. Em xin cảm ơn nhiều! (Duy Dien - duydien@...)


BS chuyên khoa của AloBacsi:

Bạn Duy Dien thân mến,


Tôi rất thông cảm với bạn, mặc dù bạn bị đau nhưng chưa tìm ra bệnh để chữa. Vấn đề nằm ở chỗ: chưa tìm ra “bằng chứng” thì chưa “kết tội” được.


Việc chưa tìm ra bằng chứng có thể do tổn thương quá nhỏ hoặc do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nên trong quá trình khám, xét nghiệm chưa phát hiện được. Tuy nhiên dấu hiệu đau lâu như vậy rất đáng lưu tâm. Chắc chắn bạn có tổn thương ở bên trong.


Với những gì bạn mô tả, tôi nghĩ nhiều tới các bệnh lý về tĩnh mạch tinh hoặc viêm mào tinh hoàn không điển hình. Một số trường hợp sẽ hết đau mà không cần điều trị gì.


Trước mắt, bạn chú ý tránh hoạt động mạnh, không xoa bóp vào vùng đau. Nhớ ăn uống đầy đủ, không quá lo âu.


Hãy lạc quan bạn nhé và thông tin tình hình của bạn thường xuyên với chúng tôi.

 



Chào bác sĩ,


Sau khi quan hệ tình dục với bạn gái em thấy bị tức tức ở tinh hoàn. Em không biết có phải bệnh gì không nữa? Dương vật thì cương không cứng (em có thử ở nhà thì nó bình thường) nhưng khi quan hệ với bạn gái người em nóng hổi và tim đập hơi nhanh, dương vật không thể cương cứng đạt khoái cảm. Em mang BCS, em cảm thấy không có cảm giác lắm. Vậy hỏi BS các triệu chứng trên em có mắc bệnh gì không ạ?

(Minh Thành, 20 tuổi – Q. Tân Bình, TPHCM)

BS chuyên khoa của AloBacsi:

Minh Thành thân mến,

Em không bị bệnh gì đâu, rắc rối em đang gặp phải chủ yếu là vấn đề tâm lý. Nó cũng giống như em đi thi vậy thôi. Bài rất dễ (ở nhà làm ngon lành) nhưng do tâm lý quá căng thẳng nên trong phòng thi không nghĩ ra. Để vượt qua rắc rối này, cần rèn luyện cho tâm lý vững vàng. Quá trình này cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa em và quân sư (bác sĩ tâm lý Nam học). Đây là 1 việc đòi hỏi thời gian và sự kiên trì em ạ.

Chúc em tìm được 1 quân sư như ý.

 


Chào bác sĩ,


Em bị đau tinh hoàn bên trái nay cũng 1 tháng rồi, đi khám ở BV Bình Dân thì lần 1, BS chỉ sờ bằng tay và bảo không có gì rồi cho thuốc, em dùng được 2 tuần vẫn không khỏi. Khám lần 2 thì BS cho siêu âm Dropler gì đó nhưng cũng không có gì rồi cho uống thuốc. Nhưng tình trạng vẫn không cải thiện.


BS có dặn là không nên ngồi lâu, nhưng em làm văn phòng nên ngồi hoài là không tránh khỏi. Em có quan sát thấy tinh hoàn bên trái xệ hơn so với bên phải (trước đây không để ý) liệu có ảnh hưởng gì không ạ, em cảm ơn! (Tuấn Kiệt – hatuan…@yahoo.com)


BS chuyên khoa của AloBacsi:

Em Tuấn Kiệt thân mến,

Có 3 ý AloBacsi cần trao đổi với em:

1. Em bị đau tinh hoàn trái nhưng sau 2 lần khám, BS đều bảo không có gì. Có thể do tổn thương quá nhỏ hoặc do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nên trong quá trình khám, xét nghiệm chưa phát hiện được. Vì thế em cần kiên trì, theo dõi và tái khám theo lịch hẹn. Có những trường hợp phải khám, theo dõi nhiều lần mới tìm được nguyên nhân chính xác em ạ.

2. Em cần để ý kỹ xem lúc em ngồi nhiều, chạy nhiều hoặc hoạt động mạnh tinh hoàn có đau tăng lên không? Nếu có, tránh các hoạt động này.

3. Tinh hoàn trái xệ hơn: đây là hiện tượng bình thường (hai bên không bao giờ bằng nhau) nhưng đôi khi nó cũng là 1 biểu hiện bệnh lý liên quan đến tinh hoàn hoặc bìu (phần nhiều là do giãn tĩnh mạch tinh, viêm nhiễm hoặc u).

Gặp những trường hợp khó “xử án” như thế này, cả bác sĩ và người bệnh cần kiên trì, cộng tác chặt chẽ mới tìm ra được nguyên nhân em nhé.

Chúc em “phá án” thành công.

Bác sĩ PHÒNG KHÁM TRƯỜNG XUÂN
Số 53 phố Thái Thịnh 2, Đống Đa, Hà Nội
Hotline: 0943381515 - ĐT: 04 3562 797


AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: kbol@alobacsi.vn.

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X