Hotline 24/7
08983-08983

Chân bị giãn tĩnh mạch có nên ngâm nước nóng pha muối và gừng tươi?

Câu hỏi

Bác sĩ ơi, Cháu tôi bị thần kinh tọa và co cơ một bên chân của nó đi hơi lệch so với chân bên kia, thường xuyên bị tê mỏi nhiều, nhất là vào mùa đông và bị giãn tĩnh mạch chân ở đoạn gần đầu gối. Cháu tôi không bị đau lưng, chỉ bị tê bại nhiều thôi; đi châm cứu, bấm huyệt, đốt ngải cứu, bác sĩ bảo cháu tôi nên ngâm chân vào nước nóng pha muối và gừng tươi trước khi đi ngủ. Nhưng cháu tôi có xem video trên mạng thấy bảo bị bệnh giãn tĩnh mạch không được ngâm chân vào nước nóng, sẽ không tốt cho bệnh giãn tĩnh mạch. Cháu tôi có hỏi lại bác sĩ là có nên ngâm chân vào nước nóng không? Bác sĩ trả lời là: nếu bị giãn tĩnh mạch ở đoạn trên thì ngâm chân vào nước nóng, còn ở đoạn dưới chân thì không sao. Không biết cách nào là đúng, xin bác sĩ tư vấn giúp cháu tôi. Bị bệnh giãn tĩnh mạch chân có nên ngâm chân vào nước nóng pha muối và gừng tươi không?

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Giãn tĩnh mạch chi dưới. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Giãn tĩnh mạch chi dưới. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Bình thường, tĩnh mạch chi dưới có các van 1 chiều, giúp cho máu chỉ chảy về tim không ứ đọng ở chi dưới. Tuy nhiên, trong bệnh suy van tĩnh mạch, xuất hiện dòng máu chảy ngược chiều làm cho những đoạn tĩnh mạch mắc bệnh bị quá tải thể tích dẫn đến tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch và gây viêm. Bệnh nhân sẽ cảm thấy các triệu chứng đau và khó chịu ở cẳng chân như tê, châm chích, dị cảm, mỏi chân, nặng chân, chuột rút...

Khi tiếp xúc với nhiệt độ cao hơn bình thường, chẳng hạn như ngâm chân trong nước ấm, nhịp tim sẽ tăng lên, lượng máu theo động mạch đến chân cũng tăng theo và làm tăng áp lực tồn lưu trong tĩnh mạch. Do đó làm nặng hơn triệu chứng suy tĩnh mạch. Bên cạnh đó, theo phản xạ tự nhiên, khi gặp nóng, các tĩnh mạch sẽ giãn nở, làm cho các van tĩnh mạch vốn bám vào thành mạch hở ra nhiều hơn, dòng máu chảy ngược tăng lên nhiều hơn. Khi đó các tĩnh mạch nhỏ ở chân cũng giãn to hơn, kích thích các thụ thể thần kinh quanh tĩnh mạch nhiều hơn nên tăng cảm giác khó chịu và đau.

Chính vì những lý do trên, các chuyên gia khuyên bệnh nhân suy tĩnh mạch nên tránh thoa dầu nóng, không ngâm chân vào nước nóng, tắm nước nóng hay tiếp xúc với môi trường nóng. Ngoài ra, người bệnh suy van tĩnh mạch cũng cần hạn chế các tư thế đứng hoặc ngồi lâu 1 chỗ.

Do đó, nếu có thói quen ngâm chân để giảm bớt khó chịu, bạn nên khuyên cháu chỉ nên ngâm chân nước lạnh và trong quá trình ngâm chân nên tập vài động tác gồng cơ, co duỗi để tránh ứ trên máu chi dưới bạn nhé!
 
Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Suy giãn tĩnh mạch chi dưới hay là sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân dẫn đến hiện tượng máu ứ đọng lại sẽ gây ra những biến đổi về huyết động và biến dạng tổ chức mô xung quanh. Bệnh gây nhức mỏi, nặng chân, phù chân, tê dị cảm, kiến bò, chuột rút về ban đêm... có thể dẫn đến các biến chứng khó chữa như chàm da, loét chân không lành, chảy máu, giãn lớn các tĩnh mạch nông, viêm tĩnh mạch nông huyết khối, huyết khối tĩnh mạch sâu...

- Nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch chi dưới:

+ Tư thế sinh hoạt hay làm việc phải đứng hay ngồi một chỗ lâu, ít vận động, phải mang vác nặng... tạo điều kiện cho máu bị dồn xuống hai chân, làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch ở chân, lâu ngày sẽ gây tổn thương các van tĩnh mạch một chiều. Khi các van này bị suy yếu sẽ giảm khả năng ngăn chặn luồng máu chảy ngược xuống dưới do tác dụng của trọng lực, dẫn đến ứ máu ở hai chân.

+ Ngoài ra còn có thể do chế độ làm việc. Ngoài việc phải đứng nhiều thì làm việc trong môi trường ẩm thấp cũng là tác nhân gây bệnh trầm trọng hơn, người mang thai nhiều lần, béo phì, chế độ ăn ít chất xơ và vitamin cũng làm cho bệnh trở nên nặng hơn.

+ Quá trình thoái hóa do tuổi tác (thường gặp ở người già). Tuổi thọ con người ngày càng cao sẽ kéo theo những bệnh của quá trình tích tuổi trong đó có suy tĩnh mạch...

- Biểu hiện bệnh

Ở giai đoạn đầu các triệu chứng ban đầu của bệnh cũng thường mờ nhạt và thoáng qua, người bệnh thường có biểu hiện đau chân, nặng chân, đôi khi người bệnh chỉ có cảm giác mang giày dép chật hơn bình thường; Mỏi chân, phù nhẹ khi đứng lâu ngồi nhiều; Chuột rút vào buổi tối, cảm giác bị châm kim, dị cảm như kiến bò vùng cẳng chân về đêm. Nhiều mạch máu nhỏ li ti (giai đoạn đầu chỉ thấy tĩnh mạch nổi li ti, nhất là ở cổ chân và bàn chân). Những triệu chứng này thường không rõ ràng hoặc mất đi khi nghỉ ngơi, các tĩnh mạch ở chi chưa giãn nhiều, lúc giãn, lúc không nên người bệnh ít chú ý và dễ bỏ qua.

Giai đoạn tiến triển, bệnh sẽ gây phù chân, có thể phù ở mắt cá hay bàn chân. Vùng cẳng chân xuất hiện thay đổi màu sắc da do máu ứ ở tĩnh mạch lâu ngày sẽ có biểu hiện loạn dưỡng. Các tĩnh mạch trương phồng lên gây cảm giác nặng, đau nhức chân, máu thoát ra ngoài mạch gây phù chân. Hiện tượng này không mất đi khi nghỉ ngơi, nặng hơn có thể thấy các búi tĩnh mạch trương phồng nổi rõ trên da một cách thường xuyên, các mảng bầm máu trên da...

Giai đoạn biến chứng, gây viêm tĩnh mạch nông huyết khối (biến chứng của viêm tĩnh mạch nông huyết khối là thuyên tắc tĩnh mạch sâu đoạn gần, đoạn xa và thuyên tắc phổi), chảy máu nặng do giãn vỡ tĩnh mạch, nhiễm khuẩn vết loét của suy tĩnh mạch mạn tính.

- Điều trị:

+ Nội khoa

Phòng ngừa: phương pháp này nhằm chặn đứng sự trào ngược và làm cho các lực tác động lên dòng chảy của tĩnh mạch được tốt hơn. Bao gồm để chân cao khi nằm nghỉ, tập cơ mạnh hơn, tránh đứng hay ngồi lâu, mang tất thun hay quấn chân bằng băng thun, sửa lại vị trí bàn chân đối với các dị tật, tránh béo phì, tập hít thở sâu, ăn chế độ có nhiều chất xơ để tránh táo bón…

+ Băng ép 2 chân bằng băng chun, bằng tất điều trị.

+ Điều trị nội khoa với các thuốc làm bền thành mạch nhưng phần lớn chỉ có tác dụng trong giai đoạn đầu của giãn tĩnh mạch. Một số thầy thuốc chuyên khoa còn áp dụng phương pháp tiêm gây xơ tại chỗ với các thuốc làm xơ hóa lòng mạch máu.

+ Can thiệp ít xâm lấn

+ Xơ tắc mạch bằng sóng cao tần RFA

+ Phẫu thuật

- Phòng bệnh:

+ Cải thiện điều kiện lao động, tăng cường công tác an toàn vệ sinh lao động cho công nhân phải đứng lâu một tư thế khi làm việc tại các công ty như bố trí thời gian nghỉ giữa ca lao động hợp lý để người lao động tự vận động tại chỗ, xoa bóp chân, thư giãn cơ thể; Mang phương tiện bảo hộ lao động thường xuyên; Khám sức khoẻ tuyển dụng cần loại trừ những người có bệnh lý về tim, mạch máu như suy giãn tĩnh mạch và khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp.

+ Nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X