Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương
Cách chữa trị hiệu quả bệnh á sừng tổ đỉa?
Câu hỏi
Chào bác sĩ, Tôi bị á sừng tổ đỉa tất cả hai bàn tay 7 năm rồi. Bác sĩ có cách nào chữa khỏi không? Bình thường thì tôi phải tiêm thuốc nhưng chỉ được 1, 2 tháng thì nó lại ngứa. Tôi làm nghề xây dựng, mọi người bảo dị ứng xi măng nhưng sao nó lại ngứa thế. Triệu chứng là mụn nước, nức nẻ chảy máu, bác sĩ tư vấn giúp tôi ạ?
Trả lời
Á sừng tổ đĩa là một bệnh viêm da cơ địa dị ứng. Mắc bệnh á sừng đã ngứa không chịu nổi mà lại kèm thêm bệnh tổ đỉa thì càng ngứa vô cùng, nhiều người ngứa đến nổi phải gãi rớm máu mới thôi.
Bệnh á sừng là căn bệnh ngoài da có diễn biến phức tạp, do nhiều tác nhân, khi độ ẩm không khí xuống thấp, thì các tế bào da co cụm lại; đây là cơ hội cho da nứt tróc, có khi nứt sâu, nhìn thấy từng rãnh, làn da khô cứng; bong tróc từng lớp vảy, các vân tay biến dạng, với thời tiết miền Bắc khi nhiệt độ xuống thấp bệnh trở nên trầm trọng hơn, tay chân không cầm nắm và giao tiếp được, lớp sừng dưới da hoạt động mạnh dẫn đến khô da.
Còn bệnh tổ đỉa với biểu hiện là những mụn nước nhỏ ăn sâu dưới lớp thượng bì làm da nổi gồ lên, hình tròn, rải rác hoặc thành chùm thường xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân và các rìa ngón tay, ngón chân. Các mụn tụ từng đám và gây ra ngứa ngáy khó chịu. Nếu làm vỡ sẽ có dịch trong rỉ ra, gạt bỏ dịch sẽ thấy lỗ sâu ở dưới lớp thượng bì. Càng gãi nhiều, càng chà sát mạnh vùng bị tổ đỉa thì triệu chứng ngứa càng tăng và mụn tổ đỉa càng lan rộng. Đi kèm với mụn nước là cảm giác ngứa gây khó chịu khiến cho người bệnh gãi làm vỡ mụn nước sẽ dễ dẫn đến nhiễm trùng tạo thành các nốt mụn mủ, nếu nhiễm trùng lan rộng có thể gây ra các bọc mủ. Nếu để kéo dài, bệnh có thể tiến triển thành tổ đỉa chàm hoá và như vậy việc chữa trị bệnh sẽ trở nên phức tạp hơn.
Nguyên nhân gây á sừng đến nay vẫn chưa xác định, song nhiều nhà khoa học cho rằng, đó là do yếu tố di truyền trong gia đình tương tác với yếu tố môi trường. Như vậy, có thể nói bệnh của bạn sẽ khó chữa khỏi hoàn toàn là điều thứ nhất, điều thứ hai quan trọng hơn là nếu bạn còn tiếp xúc với xi măng thì bệnh sẽ càng dễ tái phát và nặng hơn, khó trị hơn vì xi măng cát bụi rất độc cho da.
Để bệnh không tiến triển nặng hơn, bạn cần tránh bóc vẩy da, chọc nhể các mụn nước, chà sát kỳ cọ quá mạnh bằng đá kỳ, bàn chải; không nên ngâm rửa tay chân nhiều. Sau khi rửa chân tay, cần dùng khăn lau khô, nhất là các kẽ tay, kẽ chân. Khi chế biến thức ăn, tránh tiếp xúc với mỡ, gia vị như ớt, muối... bằng cách đeo găng tay; không ngâm chân tay với nước muối vì nước muối ưu trương sẽ hút nước trong tế bào làm da càng khô và vết nứt sẽ rộng và sâu hơn; hạn chế dùng xà phòng có độ tẩy mỡ cao ở tay chân. Khi tiếp xúc với hóa chất như xà phòng, xăng, dầu, xi măng... cần đeo găng bảo vệ; mùa đông nên đi tất, đi găng tay sớm hơn người khác để bảo vệ lớp sừng ở lòng bàn tay, chân khỏi tác hại của biến đổi thời tiết đột ngột; tăng cường ăn rau quả tươi để có đủ vitamin như: giá đỗ, cà chua, các loại đậu, rau ngót, rau bí, bắp cải, cam bưởi, đu đủ, cà rốt...
Khi bệnh trở nặng thì cần khám bác sĩ chuyên khoa Da Liễu để được điều trị thích hợp.
Thân mến.
Bệnh tổ đỉa là một loại viêm da được đặc trưng bởi các mụn nước ngứa trên lòng bàn tay và lòng bàn chân. Các mụn nước thường có kích thước là 1-2 mm và lành sau hơn ba tuần. Đỏ da ít khi xuất hiện nhưng thường tái phát. Bệnh tổ đỉa xuất hiện lặp đi lặp lại có thể gây ra những vết nứt và dày da. Nguyên nhân của bệnh tổ đỉa là không rõ. Bệnh tổ đỉa có thể liên quan đến một rối loạn da tương tự gọi là viêm da cơ địa, cũng như tình trạng dị ứng như sốt mùa hè. Bệnh này có thể xuất hiện theo mùa ở những người bị dị ứng mũi. Chườm ẩm, lạnh có thể giúp làm giảm sự khó chịu liên quan đến ngứa da. Bác sĩ có thể khuyên bạn dùng thuốc mỡ sau khi chườm. Kem dưỡng ẩm có thể cũng giúp da bớt khô và làm giảm ngứa tốt. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình